Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 18 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI KIỂM TRA TIỀN SỬ VÀ TIÊM CHỦNG BÙ LIỀU CHO TRẺ NHẬP HỌC CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học

Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, han chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh. Các vắc xin được cung cấp miễn phí cho trẻ nhỏ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong thời gian qua, Hải Phòng là một trong những địa phương triển khai rất tốt công tác TCMR cho trẻ em và phụ nữ có thai, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin luôn đạt tỷ lệ cao (trên 98%). Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều ở tất cả các địa phương, vẫn còn những xã, phường tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc xin mới đạt trên 70%. Ngoài ra, một số năm do ảnh hưởng của phản ứng nặng sau tiêm vắc xin tại một số địa phương trên cả nước đã làm cho tỷ lệ tiêm chủng tại Hải Phòng trong năm đó bị giảm thấp. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho tỷ lệ tiêm chủng chung của thành phố chỉ đạt xấp xỉ 94 - 95%. Ước tính trung bình hàng năm có từ 1.000

- 1.500 trẻ ở Hải Phòng không được tiêm chủng đủ mũi vắc xin trong chương trình TCMR. Việc tích luỹ số trẻ này qua các năm với tình trạng di biến động dân cư trong các năm gần đây có xu hướng gia tăng là yếu tố nguy cơ gây dịch.

Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược hướng tới mục tiêu thanh toán, loại trừ và khống chế các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học đã được triển khai tại hơn 130 quốc gia trên thế giới và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh.

Trường học là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em, có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trước khi xảy ra, bảo vệ sức khoẻ trẻ em cần triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho trẻ em tại nước ta. Để triển khai thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi nhập học.

2. Căn cứ xây dựng kế hoạch

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về Lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030;

- Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 về quy định về công tác y tế trường học;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Thông tư 38/TT-BYT/2017 ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm Y tế bắt buộc;

- Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam;

- Quyết định 5715/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/12/2020 ban hành “Kế hoạch bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2021-2025”;

- Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT ngày 23/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành tài liệu hướng dẫn công tác Y tế trường học;

- Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025;

- Chương trình số 218/CTr-BGDĐT-BYT ngày 04/03/2022 chương trình Phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026;

- Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/7/2023 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học;

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

Tăng tỷ lệ bao phủ các vắc xin trong Chương trình TCMR ở nhóm trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình TCMR khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại các địa phương triển khai.

- Ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), vắc xin bại liệt (bOPV, IPV) và viêm não Nhật Bản (VNNB) được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng.

III. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong quá trình triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

- Tiêm chủng bù liều vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế.

2. Thời gian: Từ năm 2023

3. Đối tượng

- Đối tượng cần kiểm tra tiền sử tiêm chủng: Tất cả trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1).

- Đối tượng cần tiêm chủng bù liều: Trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) sẽ được tiêm chủng bù các vắc xin này.

4. Loại vắc xin

- Kiểm tra tiền sử tiêm chủng: tất cả các vắc xin trong TCMR hoặc có thành phần tương tự.

- Thực hiện tiêm chủng bù liều: vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) dành cho trẻ em trong Chương trình TCMR từ năm 2023.

- Việc bổ sung các vắc xin khác trong TCMR trong các năm tiếp theo sẽ do Bộ Y tế hướng dẫn.

5. Hình thức triển khai

- Kiểm tra tiền sử tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học: Thực hiện hàng năm vào thời điểm trẻ nộp hồ sơ nhập học đầu năm.

- Tiêm chủng bù liều các vắc xin trong TCMR cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin: Thực hiện sau khi rà soát tiền sử tiêm chủng, tổ chức theo đợt riêng hoặc lồng ghép với đợt tiêm chủng thường xuyên. Triển khai tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm (tại cơ sở giáo dục, thôn tổ đội) hoặc tại Trạm Y tế căn cứ tình hình thực tế.

6. Phạm vi triển khai

Triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm bù vắc xin cho trẻ nhập học đầu cấp tại 100% trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Dự kiến tiến độ triển khai các hoạt động chi tiết tại Phụ lục 1.

1. Công tác chuẩn bị

1.1. Xây dựng và phổ biến kế hoạch

1.1.1. Xây dựng kế hoạch triển khai

Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em nhập học tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục) trên địa bàn.

1.1.2. Phổ biến kế hoạch triển khai

Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn thành phố, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai của các huyện để các đơn vị liên quan xác định được các hoạt động cần triển khai và phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục tại địa phương.

1.1.3. Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã

Đội ngũ giảng viên tuyến thành phố đã được tập huấn thực hiện tập huấn cho giảng viên tuyến huyện thuộc ngành Y tế và ngành Giáo dục. Các giảng viên tuyến thành phố, tuyến huyện thực hiện tập huấn cho cán bộ tại Trạm Y tế xã/phường, cán bộ y tế trường học.

1.2. Truyền thông, huy động cộng đồng

Các địa phương cần tổ chức các hoạt động truyền thông trước, trong quá trình triển khai.

1.2.1. Xây dựng tài liệu truyền thông

Xây dựng các thông điệp truyền thông, in ấn tờ rơi, áp phích, tài liệu hỏi - đáp về kiểm tra và tiêm chủng bù liều vắc xin, lịch tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, sử dụng ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử.

1.2.2. Triển khai công tác truyền thông

- Truyền thông vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ.

- Truyền thông về tác dụng, hiệu quả của các vắc xin đối với trẻ em và sự cần thiết tiêm bù liều, an toàn tiêm chủng thông qua nhiều hình thức: truyền thông trực tiếp; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam (Facebook, Zalo, Youtube,...).

- In ấn, phân bổ tài liệu truyền thông đến học sinh, cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ.

1.3. Cung ứng vắc xin, vật tư tiêm chủng

1.3.1. Dự trù, cung ứng vắc xin

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) dự trù nhu cầu vắc xin, vật tư cho hoạt động tiêm chủng bù mũi cùng với vắc xin, vật tư trong tiêm chủng thường xuyên vào kế hoạch hàng năm trình Sở Y tế phê duyệt, báo cáo Bộ Y tế, Dự án TCMR quốc gia.

1.3.2. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin

CDC tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng từ Dự án TCMR miền Bắc. Thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế quận/huyện cùng với vắc xin tiêm chủng thường xuyên hàng tháng. Việc bảo quản, sử dụng vắc xin trong Kế hoạch phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành.

1.3.3. Dự trù, cung ứng vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng

Uớc tính số lượng bơm kim tiêm, hộp an toàn áp dụng với các vắc xin đường tiêm để đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng tại địa phương.

Xác định nhu cầu vắc xin, vật tư tiêu hao để tiêm chủng bù liều theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW).

2. Tổ chức kiểm tra tiền sử tiêm chủng

2.1. Thu thập hồ sơ tiêm chủng

Giáo viên chủ nhiệm cung cấp phiếu thu thập thông tin học sinh (bản giấy hoặc bản điện tử trên Google form) và yêu cầu cha mẹ/người chăm sóc trẻ điền đầy đủ thông tin vào phiếu đồng thời gửi hồ sơ tiêm chủng cá nhân của trẻ (bản phô tô toàn bộ phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân, giấy xác nhận thông tin tiêm chủng, mã số tiêm chủng). Thu thập hồ sơ tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành Y tế. Liên hệ với cha mẹ, thu thập và gửi bổ sung hồ sơ trong trường hợp (i) trẻ đi tiêm chủng bù liều các vắc xin tại cơ sở dịch vụ sau khi nộp hồ sơ rà soát; (ii) trẻ bị thiếu hồ sơ tiêm chủng và bổ sung giấy xác nhận thông tin tiêm chủng.

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1) tổng hợp danh sách trẻ em nhập học tại đơn vị mình trong năm học, hồ sơ tiêm chủng của học sinh gửi về Trạm Y tế trên địa bàn.

Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc trẻ tải và cài đặt ứng dụng Sổ tiêm chủng gia đình trên điện thoại thông minh để quản lý và theo dõi thông tin tiêm chủng vắc xin của trẻ trọn đời.

2.2. Tổ chức rà soát, cập nhật tiền sử tiêm chủng

- Trạm Y tế xã/phường/thị trấn tiếp nhận hồ sơ thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ do các cơ sở giáo dục trên địa bàn cung cấp.

- Thực hiện rà soát hồ sơ và cập nhật dữ liệu tiêm chủng của trẻ trên Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

- Thông báo danh sách trẻ cần nộp bổ sung hồ sơ tiêm chủng, danh sách trẻ cần tiêm chủng bù liều các vắc xin trong Chương trình TCMR đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện rà soát. Các cơ sở giáo dục sẽ phản hồi đến cha mẹ/người chăm sóc về kết quả rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ.

- Đối với trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin: Cơ sở giáo dục phối hợp truyền thông, vận động cha mẹ/người chăm sóc đưa trẻ đi tiêm chủng bù liều đầy đủ theo quy định. Nếu trẻ tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ thì đề nghị đơn vị tiêm chủng dịch vụ thực hiện cập nhật thông tin mũi tiêm của trẻ lên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và cung cấp minh chứng mũi tiêm để cha mẹ/người chăm sóc trẻ nộp lại nhà trường Nếu sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR thì cha mẹ/người chăm sóc trẻ đăng ký với cơ sở giáo dục.

- Cơ sở giáo dục sẽ gửi lại Trạm Y tế danh sách các trẻ có phụ huynh chấp thuận tiêm chủng bù liều để Trạm Y tế có cơ sở lập kế hoạch buổi tiêm chủng.

Thông tin về các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cần rà soát lịch tiêm chủng chi tiết tại Phụ lục 2.

3. Tổ chức tiêm chủng bù liều

Tổ chức tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Tại tất cả các điểm tiêm chủng:

+ Có phương án theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng (lưu ý có số điện thoại liên hệ, đơn vị tiếp nhận).

+ Bố trí khu vực và cán bộ y tế đã được đào tạo về công tác tiêm chủng theo quy định để theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

+ Trang bị Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, hộp thuốc cấp cứu phản vệ theo quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

- Các Trung tâm Y tế/bệnh viện tuyến quận, huyện bố trí đội thường trực cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi cần.

4. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định số định 1575/QĐ-BYT ngày 27/03/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.

- Theo dõi sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Nghị định số 104/2016/NĐ- CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin theo đúng quy định tại Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế.

- Xử trí phản vệ theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

5. Quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo

5.1. Xây dựng biểu mẫu

- Xây dựng biểu mẫu ghi chép, báo cáo về kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều do các Trạm y tế, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện.

- Dự kiến kết quả đầu ra: Các biểu mẫu ghi chép được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại các đơn vị của ngành Y tế và ngành Giáo dục.

5.2. Cập nhật Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia (Hệ thống)

Khảo sát nhu cầu quản lý dữ liệu tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều, khả năng kết nối dữ liệu tiêm chủng trường học và quản lý học sinh làm cơ sở cho xây dựng hợp phần Kiểm tra tiền sử tiêm chủng thuộc Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

5.3. Quản lý dữ liệu và báo cáo

5.3.1. Đối với dữ liệu cá nhân

- Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học lập danh sách trẻ em theo lớp, trường bao gồm thông tin chung, mã định danh công dân, mã số tiêm chủng gửi Trạm Y tế (văn bản và tệp thông tin) trong giai đoạn đầu.

- Sau khi phân hệ Tiêm chủng trường học trên Hệ thống được đưa vào sử dụng, ngành Giáo dục huy động nhân lực phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong việc cập nhật đầy đủ thông tin.

- Trạm Y tế phối hợp với các trường rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên Hệ thống.

5.3.2. Báo cáo tiến độ

- Ngành Giáo dục: Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học báo cáo tình hình thu thập thông tin tiền sử tiêm chủng cho Phòng Giáo dục và Đào tạo quận/huyện. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện theo dõi, báo cáo tiến độ theo quy định của ngành.

- Ngành Y tế: Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên tuyến trên theo quy định; đảm bảo kết quả, tiến độ triển khai thực hiện được báo cáo đầy đủ, kịp thời.

5.3.3. Báo cáo giám sát phản ứng sau tiêm

Báo cáo sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư 34/2018/TT- BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

5.4. Giám sát hỗ trợ

Tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều nhằm nâng cao năng lực cán bộ tại các tuyến, phát hiện các khó khăn trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

6. Hội thảo sơ kết, chia sẻ kinh nghiệm

Tổ chức Hội thảo sơ kết tại các tuyến để báo cáo kết quả sơ bộ, thuận lợi, khó khăn về triển khai kiểm tra tiền sử, tiêm chủng bù liều vắc xin trong TCMR cho trẻ em nhập học tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Cung ứng vắc xin

Sử dụng vắc xin của Chương trình TCMR cung ứng từ nguồn ngân sách nhà nước trung ương và các nguồn vắc xin được cung ứng từ các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

2. Kinh phí cho các hoạt động triển khai kế hoạch tại địa phương

Kinh phí địa phương (huyện, xã), nguồn thu tự chủ của các cơ sở giáo dục từ nguồn bảo hiểm y tế học sinh (nếu có) và nguồn viện trợ theo quy định chi trả cho các nội dung:

- Kinh phí cho in ấn biểu mẫu, danh sách học sinh;

- Kinh phí cho công cho cán bộ y tế, giáo dục tham gia kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin trong TCMR cho trẻ em nhập học tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai việc tiêm chủng cho trẻ em, học sinh trên địa bàn theo đúng Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế; chịu trách nhiệm toàn diện, tổng thể việc triển khai Kế hoạch này đảm bảo yêu cầu tiến độ, đúng đối tượng, quy trình theo quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm chủng; tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Lập kế hoạch, thực hiện cung ứng, tiếp nhận, phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho triển khai Kế hoạch.

- Định kỳ chia sẻ thông tin với đầu mối của Sở Giáo dục và Đào tạo về các thông tin liên quan và tiến độ thực hiện để tăng cường công tác chỉ đạo liên ngành.

- Chủ động xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Y tế, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch và xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh; đồng thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương rà soát, lập danh sách sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 chưa tiêm chủng đầy đủ để tổ chức tiêm chủng.

- Chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và

Truyền hình Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố

Thực hiện công tác truyền thông về hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

4. Các Sở, ngành, đoàn thể liên quan:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại địa phương.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn chuyên môn trong triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng và tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ.

- Chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh quận, huyện tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc xin phòng bệnh, theo dõi các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.

- Bố trí kinh phí địa phương hỗ trợ một số hoạt động thực hiện triển khai tiêm chủng bù liều trên địa bàn (công điều tra, in ấn biểu mẫu, văn phòng phẩm, tổ chức tiêm,…)

Trên đây là Kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại Hải Phòng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện , nếu có vướng mắc, khó khăn báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Y tế) để kịp thời hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- Bộ GD&ĐT (để báo cáo);
- TTTU (để báo cáo);
- CT, các PCT Ủy ban nhân dân thành phố;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện;
- CPVP;
- Các Phòng: VX, NC&KTGS;
- CV: YT;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

PHỤ LỤC 1

DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG

TT

Hoạt động

Chủ trì

Phối hợp

Kinh phí

Thời gian

Ghi chú

1

Công tác chuẩn bị

1.2

Tuyến thành phố

1.2.1

Xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn thành phố

Sở Y tế

Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố

 

Tháng 8/2023

 

1.2.2

Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn thành phố

Sở Y tế, Trung tâm KSBT thành phố

Sở Giáo dục và Đào tạo

Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ

Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai

Thành phần: Lãnh đạo, nhân viên ngành Y tế, giáo dục & đào tạo tuyến TP, huyện (Sở Y tế, Trung tâm KSBT TP, Trung tâm Y tế huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện)

1.2.3

Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã

a

Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện (y tế + giáo dục): 02 lớp/năm

Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo

Trung tâm KSBT TP, Trung tâm Y tế quận/huyện, Phòng Giáo dục và đào tạo quận/huyện.

Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ

Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai

Thành phần:

+ Lớp dành cho giảng viên ngành Y tế: Cán bộ làm công tác TCMR, cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của Trung tâm Y tế huyện.

+ Lớp dành cho giảng viên ngành Giáo dục: Cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của khối tiểu học, mầm non tuyến huyện

b

Tập huấn cho tuyến huyện, xã

Trung tâm KSBT TP, Trung tâm Y tế huyện

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện

Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ

Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai

Thành phần:

+ Lớp cho nhân viên y tế: Trạm trưởng, chuyên trách TCMR hoặc y tế học đường của Trạm y tế, các NVYT của Trung tâm Y tế huyện tham gia triển khai nhưng chưa được tập huấn lớp TOT.

+ Lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học: Hiệu trưởng, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, các nhân viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham gia triển khai nhưng chưa được tập huấn lớp TOT

1.3

Truyền thông, huy động cộng đồng

 

Triển khai công tác truyền thông

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế.

Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các cơ sở giáo dục và đào tạo mầm non, tiểu học

Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ

Trước và trong thời gian triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều

Triển khai tại các tuyến:

+ Tuyến TP/huyện

+ Tuyến xã/phường

+ Tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học

1.4

Cung ứng, tiếp nhận, phân bổ, bảo quản, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng

1.4.1

Dự trù, cung ứng vắc xin

Trung tâm KSBT thành phố.

Sở Y tế

Kinh phí ngân sách nhà nước

Thực hiện hàng năm cùng với cung ứng các vắc xin cho công tác tiêm chủng thường xuyên

 

1.4.2

Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin

Trung tâm KSBT thành phố.

Trung tâm Y tế quận/huyện; Trạm Y tế xã

Nguồn kinh phí địa phương

Thực hiện hàng năm cùng với cung ứng các vắc xin cho công tác tiêm chủng thường xuyên

 

1.4.3

Dự trù, cung ứng vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng

Trung tâm KSBT thành phố.

Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện/xã

Nguồn kinh phí địa phương

Hoàn thành cung ứng vật tư tiêm chủng tối thiểu 1 tháng trước khi triển khai tiêm bù liều

 

2

Triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng

2.1

Thu thập hồ sơ tiêm chủng

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (công lập và ngoài công lập)

Cha mẹ/người chăm sóc trẻ, trạm y tế xã/phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện

Nguồn viện trợ (nếu có) và nguồn kinh phí địa phương

Thực hiện hàng năm vào đầu năm học mới, trước khi trẻ nhập học. Đối với năm học 2023-2024, hoàn thành thu thập hồ sơ tiêm chủng của trẻ trước khi năm học kết thúc

 

2.2

Rà soát, cập nhật tiền sử tiêm chủng

Trạm y tế xã/phường

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bao gồm công lập và ngoài công lập, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo

Nguồn kinh phí địa phương

Trong vòng 1-2 tháng sau khi tiếp nhận hồ sơ tiêm chủng

 

3

Tiêm chủng bù liều

Trạm y tế xã/phường

Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, Sở Y tế, Trung tâm KSBT TP, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện

Nguồn kinh phí địa phương

Hoàn thành tiêm bù liều cho trẻ trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn thành thu thập, xác minh thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ trên cơ sở thống nhất giữa Ngành Y tế và Ngành Giáo dục

Tổ chức buổi tiêm chủng không quá 50 đối tượng/1 điểm tiêm chủng/1 buổi tiêm chủng. Trong trường hợp điểm tiêm chủng chỉ tiêm một số loại vắc xin trong một buổi thì số lượng không quá 100 đối tượng/buổi

4

Đảm bảo an toàn tiêm chủng

Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phòng Giáo dục và Đào tạo

Nguồn kinh phí địa phương

Trong thời gian tổ chức tiêm chủng bù liều các vắc xin

 

5

Quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo

5.1

Xây dựng biểu mẫu

Chương trình TCMR - Viện VSDT Trung ương

Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Nguồn viện trợ, tài trợ

Quý II/2023 và cập nhật theo yêu cầu trong các năm tiếp theo

 

5.2

Cập nhập Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia (Hệ thống)

Chương trình TCMR - Viện VSDT Trung ương; Đơn vị cung cấp dịch vụ do Bộ Y tế giao

Cục Khoa học và Đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty viễn thông Viettel

Nguồn viện trợ, tài trợ

Quý III-IV/2023 và cập nhật theo yêu cầu trong các năm tiếp theo

 

5.3

Quản lý dữ liệu và báo cáo

5.3.1

Quản lý dữ liệu cá nhân

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trạm y tế xã/phường

Chương trình TCMR, Cục Khoa học và Đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty viễn thông Viettel, Các Viện VSDT/Pasteur khu vực, Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện

Nguồn kinh phí địa phương

Trong và sau khi triển khai hoạt động

 

5.3.2

Báo cáo tiến độ

Các đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai cho cấp cao hơn:

- Ngành Giáo dục: Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phòng Giáo dục & đào tạo

- Ngành Y tế: Trạm y tế, TTYT huyện, trung tâm KSBT TP

Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm y tế quận/huyện

Nguồn kinh phí địa phương

Hàng tháng

- Ngành Giáo dục: thực hiện theo dõi, báo cáo tiến độ theo quy định ngành

- Ngành Y tế:

+ Trạm y tế xã báo cáo hàng tháng tiến độ triển khai, tình hình sử dụng vắc xin trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện cho Trung tâm Y tế huyện trước ngày 5 tháng tiếp theo

+ Trung tâm Y tế huyện tổng hợp, gửi báo cáo Trung tâm KSBT TP và gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trước ngày 10 tháng tiếp theo.

+ Trung tâm KSBT TP báo cáo Sở Y tế, Chương trình TCMR khu vực, Quốc gia trước ngày 15 tháng tiếp theo để theo dõi, tổng hợp, tăng cường công tác quản lý, báo cáo Bộ Y tế

5.4

Giám sát hỗ trợ

- Y tế: Cục Y tế dự phòng, Viện VSDT/Pasteur, Sở y tế, Trung tâm KSBT TP, TTYT huyện

- Giáo dục: Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo

Các đơn vị liên quan được giám sát từ tuyến trên cả ngành Y tế và cơ sở giáo dục

Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ

Trước và trong thời gian triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều

 

6

Hội thảo sơ kết, chia sẻ kinh nghiệm

 

Hội thảo sơ kết tuyến TP, huyện

Sở Y tế

Các Viện VSDT/Pasteur, Trung tâm KSBT TP, Trung tâm Y tế huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo

Kinh phí viện trợ (nếu có), kinh phí địa phương

Quý IV/2023

 

 

PHỤ LỤC 2

THÔNG TIN VỀ CÁC VẮC XIN TRONG TCMR CẦN RÀ SOÁT LỊCH SỬ TIÊM CHỦNG

Loại vắc xin

Đường dùng

Số lần tiêm/uống

Ghi chú

Vắc xin BCG phòng bệnh lao

Tiêm trong da

01

 

Vắc xin phòng bệnh viêm gan B*

Tiêm bắp

03

Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT)*

Tiêm bắp

04

Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng

Vắc xin phòng bệnh bại liệt*

 

 

 

- Sinh từ năm 2022

Tiêm/uống

05

Trong đó có ít nhất 02 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV

- Sinh trước năm 2022

Tiêm/uống

04

Trong đó có ít nhất 01 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV

Vắc xin phòng bệnh sởi **

Tiêm bắp

02

Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng

Vắc xin phòng bệnh rubella**

Tiêm bắp

01

 

Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản***

Tiêm dưới da

03

Khoảng cách 1 tuần giữa mũi 1 và 2

Khoảng cách 1 năm giữa mũi 1 và 3

Một số trường hợp trẻ tiêm sớm hoặc muộn hơn so với lịch tiêm chủng trong TCMR nhưng mũi tiêm được coi là đủ điều kiện:

- Trẻ tiêm chậm hơn lịch tiêm các vắc xin trong Chương trình TCMR. Trường hợp này không cần tiêm lại các mũi trước đó.

- Tuổi của trẻ khi tiêm nhỏ hơn so với lịch tiêm trong Chương trình TCMR nhưng tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Trẻ sử dụng vắc xin ngoài TCMR có chứa thành phần tương đương:

*:Sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR (DPT, DPT-viêm gan B-Hib hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ chứa thành phần tương tự (vắc xin DPT-IPV, DPT-IPV-Hib, DPT-IPV-viêm gan B-Hib)

** Sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR (DPT, DPT-viêm gan B-Hib hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ chứa thành phần sởi, rueblla (vắc xin MR, MMR)

*** Sử dụng vắc xin viêm não Nhật Bản dịch vụ với lịch tiêm 2 liều