ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2230/KH-UBND | Hải Phòng, ngày 19 tháng 10 năm 2016 |
TRUYỀN THÔNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Lợi ích của việc bảo đảm an toàn thực phẩm
- An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, được xã hội rất quan tâm. Bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội và thể hiện nếp sống văn minh. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP vẫn còn phổ biến; thực phẩm kém chất lượng, các cơ sở chế biến, kinh doanh, thực phẩm không bảo đảm về vệ sinh, thực phẩm ở Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.
- Cơ chế thị trường kết hợp với tiến trình hội nhập quốc tế khiến các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất kinh doanh thực phẩm trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khác, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả...; nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý; nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước cũng như tồn dư các hóa chất này trong thực phẩm. Việc bảo quản lương thực, thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, ảnh hưởng tới giống nòi, gây bệnh tim mạch và ung thư...
2. Khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm ATTP:
- Quản lý ATTP là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chịu trách nhiệm; trong đó, 3 ngành được giao nhiệm vụ chính là Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Y tế được phân công là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố về ATTP.
- Còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATTP như: Nhân lực làm công tác ATTP còn mỏng; hệ thống làm công tác quản lý ATTP chưa thực sự quyết liệt, còn nhiều lúng túng trong công tác phối hợp liên ngành, trong việc giám sát phát hiện và xử lý những vi phạm về ATTP; kinh phí cho hoạt động ATTP còn hạn chế, đặc biệt kinh phí giám sát và xét nghiệm; công tác truyền thông chưa hiệu quả chưa kết nối được thực phẩm sạch với người tiêu dùng, chưa công khai được những cơ sở vi phạm trên thông tin đại chúng...
3. Thực trạng công tác truyền thông về ATTP:
3.1. Thuận lợi:
3.1.1. Mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe:
Hiện nay trên cả nước đã hình thành hệ thống các Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trực thuộc Sở Y tế. Tại các huyện có các phòng truyền thông. Tại tuyến xã có tổ truyền thông, cán bộ phụ trách công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và hệ thống nhân viên y tế thôn, tổ dân phố, cộng tác viên y tế...
3.1.2. Hệ thống thông tin đại chúng:
- Hệ thống thông tin đại chúng là nguồn cung cấp thông tin sâu rộng tới người dân, cộng đồng với thời gian nhanh nhất. Tại Hải Phòng có hệ thống truyền hình, phát thanh, các cơ quan báo chí hoạt động khá hiệu quả. Các Sở, ngành đều có đơn vị, bộ phận làm công tác truyền thông; các quận, huyện có đài phát thanh quận, huyện và hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.
- Hệ thống thông tin đại chúng đã tích cực tham gia đưa nhiều tin bài để tuyên truyền đến người dân các kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe.
3.1.3. Công tác phối hợp:
Các ngành Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công Thương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng trong các hoạt động truyền thông nâng cao hiểu biết của cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh, ATTP, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
3.2. Một số khó khăn, thách thức trong công tác truyền thông về ATTP:
3.2.1. Kiến thức, thái độ và thực hành của người dân đối với ATTP:
- Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh dịch có liên quan đến ATTP đòi hỏi công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phải chủ động tuyên truyền cho người dân, người kinh doanh, sản xuất thực phẩm hiểu rõ tầm quan trọng của thực phẩm an toàn. Nhiều nghiên cứu về kiến thức, thái độ, thực hành của người dân cho thấy: Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh thức ăn đường phố đa số là nghèo, điều kiện kinh doanh tạm bợ, do đó có thể có những yêu cầu mà họ chưa làm tốt như: Mặt bằng hợp vệ sinh, chi phí khám sức khỏe, tập huấn... Phần lớn các đối tượng này có trình độ học vấn trung học cơ sở trở xuống, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp nhận kiến thức về vệ sinh ATTP. Việc làm đầu tiên và vô cùng cấp thiết là truyền thông giáo dục cho chính những đối tượng này.
- Hiện nay, người dân được tiếp cận thường xuyên và liên tục các thông tin về ATTP qua nhiều kênh thông tin khác nhau như qua tivi, radio, sách báo... Tuy nhiên, kiến thức về ATTP, ăn sạch, uống sạch, ở sạch được cung cấp bởi cán bộ y tế, qua các kênh thông tin của ngành Y tế được người dân tin tưởng và ủng hộ cao hơn cả. Nhu cầu được thường xuyên cập nhập, cung cấp thông tin về ATTP của người dân là rất lớn, nhưng số người dân được cung cấp thông tin chuẩn xác về ATTP qua các kênh truyền thông của ngành Y tế chưa nhiều, đa phần người dân hiện nay vẫn tự tìm kiếm thông tin qua các trang mạng xã hội, internet...
3.2.2. Sự điều phối trong công tác truyền thông về ATTP trong hệ thống truyền thông y tế:
- Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về ATTP trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, trong một số sự kiện xảy ra có liên quan đến ATTP thì sự đáp ứng của truyền thông chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chưa có bộ phận điều phối hoạt động truyền thông để xây dựng kế hoạch, điều hành, phối hợp giữa các bên liên quan. Chưa có quy trình xử lý (nhất là xử lý thông tin) chuẩn để thực hiện khi sự cố xảy ra, vì vậy vẫn còn lúng túng và chưa huy động được sự ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác đảm bảo ATTP; đảm bảo thông tin về ATTP được đưa đầy đủ, chính xác, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thu thập thông tin và đánh giá hiệu quả truyền thông của công tác ATTP chưa được làm thường xuyên, vì vậy thiếu cơ sở để xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn.
- Thông tin cho người dân vẫn là một chiều thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp còn ít, hạn chế về số lượng và nội dung truyền thông; tài liệu truyền thông chưa đa dạng và cập nhập kịp thời. Người dân sống tại các vùng nông thôn, kinh tế khó khăn, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, kiến thức về ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Người dân thành thị tiếp cận nhiều hình thức truyền thông khác nhau; nhưng chính sự đa dạng hóa về các phương tiện truyền thông dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý thông tin. Bên cạnh đó có các thông tin đa chiều liên quan đến ATTP chưa được kiểm soát kịp thời sẽ lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.
- Sự huy động nguồn lực cho truyền thông ATTP còn yếu, chưa được quan tâm chú trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Sở, ngành, đoàn thể xã hội khác nhằm huy động được nguồn kinh phí, vật tư từ xã hội phục vụ công tác bảo đảm ATTP; đồng thời huy động được nguồn nhân lực tham gia công tác truyền thông về ATTP.
4. Sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch và những nội dung truyền thông ưu tiên:
Trước thực trạng trên cần có một kế hoạch truyền thông về ATTP mang tính tổng thể và dài hạn nhằm:
- Duy trì những thành quả trong công tác bảo đảm ATTP đã đạt được;
- Nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm về quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Ứng phó có hiệu quả với các sự cố ngộ độc thực phẩm, các thông tin không chính xác về ATTP, không để người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội;
- Huy động sự tham gia của cộng đồng, thực hiện các chính sách đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Luật An toàn thực phẩm;
- Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
- Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm;
- Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống;
- Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công Thương về hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
- Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn;
- Thông tư số 75/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng ký, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thông tư số 03/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/01/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam và công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam;
- Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
- Thông tư số 35/2014/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam;
- Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, giá nông sản;
- Thông tư số 02/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi;
- Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
- Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/7/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Mục tiêu chung:
- Nâng cao nhận thức, thái độ, niềm tin và thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng về vệ sinh ATTP.
- Nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng. Những người lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố có hiểu biết đúng và thực hành đúng về ATTP.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức, thực hành của người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng về lợi ích của ATTP; nguy cơ và hậu quả của ngộ độc thực phẩm.
Chỉ tiêu cụ thể:
- Phấn đấu trên 95% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhận thức được tầm quan trọng của ATTP và hậu quả của việc sản xuất, cung cấp thực phẩm không an toàn đến sức khỏe của người dân và cộng đồng; cam kết cung ứng các sản phẩm thực phẩm đảm bảo ATTP đến tay người tiêu dùng.
- Phấn đấu trên 95% người tiêu dùng biết cách chọn lựa nông sản, thực phẩm an toàn và nói không với thực phẩm không an toàn.
2.2. Mục tiêu 2: Nâng cao kiến thức, tăng cường năng lực truyền thông, kỹ năng tư vấn, truyền thông về vệ sinh ATTP cho cán bộ y tế và cán bộ truyền thông về ATTP của các cấp, ngành liên quan.
Chỉ tiêu cụ thể:
- Phấn đấu trên 100% lượt cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại tuyến thành phố, quận, huyện, xã, phường được bồi dưỡng và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.
- Phấn đấu trên 100% cán bộ truyền thông về ATTP có kiến thức về ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
2.3. Mục tiêu 3: Chủ động phối hợp và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về ATTP cho các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền kịp thời đến người dân, cộng đồng.
Chỉ tiêu cụ thể:
- Xây dựng các văn bản quy định/quy trình quản lý, cung cấp thông tin (thu thập và phản hồi thông tin) và quy chế phối hợp liên ngành trong truyền thông giữa 3 ngành Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công Thương về ATTP.
- 100% cán bộ đầu mối của 3 ngành Y tế - Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách công tác truyền thông ATTP có kiến thức và thực hiện đúng quy chế cung cấp thông tin cho báo chí.
- Định kỳ hàng quý, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng được cung cấp các thông tin liên quan đến ATTP.
2.4. Mục tiêu 4: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc truyền thông bảo đảm ATTP.
Chỉ tiêu cụ thể:
- 100% các cấp ủy đảng, chính quyền đưa công tác ATTP và chỉ tiêu công tác truyền thông ATTP vào kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân của địa phương hàng năm.
- Các Sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về ATTP vào các hoạt động của cấp, ngành mình.
- 100% siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi được tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP, phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
2.5. Mục tiêu 5: Chủ động truyền thông ứng phó nhanh chóng, chính xác khi có các vụ ngộ độc thực phẩm, xử lý các vi phạm về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Định hướng dư luận và duy trì niềm tin của cộng đồng trước những thông tin nhiều chiều có liên quan đến ATTP.
Chỉ tiêu cụ thể:
- 100% các đầu mối cơ quan y tế, cán bộ y tế và cá nhân thực hiện công tác truyền thông ATTP ở tất cả các ngành, các cấp có kế hoạch chủ động và khả năng truyền thông ứng phó nhanh chóng, chính xác trong các tình huống có liên quan đến ATTP và có biện pháp xử trí trước những thông tin nhiều chiều về ATTP.
- Các thông tin về ATTP trên địa bàn thành phố được truyền thông đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời nhất, tránh những tin đồn, thông tin không chính xác.
- Xây dựng mô hình điểm truyền thông về ATTP tại một số tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành.
1. Giải pháp thực hiện Mục tiêu 1:
- Thường xuyên phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về ATTP và lợi ích của việc đảm bảo ATTP đối với sức khỏe cộng đồng qua hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp.
- Xây dựng tài liệu truyền thông về vệ sinh ATTP phù hợp, thu hút được các nhóm đối tượng trong cộng đồng.
- Chủ động huy động, lôi cuốn, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, người có uy tín trong cộng đồng tham gia các hoạt động truyền thông định kỳ cũng như các chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động về vệ sinh ATTP; lồng ghép truyền thông về ATTP với các cuộc họp tại cộng đồng dân cư.
- Tăng độ bao phủ thông tin, kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp và các loại hình truyền thông khác nhằm thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về ATTP đến cộng đồng; tổ chức truyền thông định kỳ qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.
- Phát triển các mô hình truyền thông tại cộng đồng phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của các địa phương.
- Định kỳ tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai các hoạt động truyền thông về ATTP ở tất cả các tuyến và nghiên cứu, đề xuất mô hình truyền thông mới.
2. Giải pháp thực hiện Mục tiêu 2:
- Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật kiến thức liên tục các tài liệu liên quan đến ATTP nhằm hỗ trợ cán bộ truyền thông không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông.
- Định kỳ hàng quý tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực truyền thông, kiến thức cho mạng lưới truyền thông các cấp, nhân viên y tế tại xã, phường, thị trấn, cán bộ tham gia các hoạt động truyền thông về ATTP.
- Tăng cường công tác giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông về ATTP từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn và định kỳ báo cáo theo quy định.
3. Giải pháp thực hiện Mục tiêu 3:
- Xây dựng văn bản quy định/quy trình quản lý, cung cấp thông tin; quy trình và quy chế phối hợp liên ngành trong truyền thông về vệ sinh ATTP,
- Nâng cao năng lực cho người phát ngôn và cung cấp thông tin.
- Tổ chức mô hình sinh hoạt báo chí, hội thảo báo chí định kỳ để cung cấp và cập nhập thông tin về ATTP cho phóng viên báo chí.
- Xây dựng và duy trì cơ chế hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc triển khai các hoạt động truyền thông về ATTP.
- Đa dạng hóa các hình thức tập huấn, nâng cao nhận thức cho người làm truyền thông, các phóng viên trong việc chọn lựa và đưa ra các thông tin chính xác, kịp thời, nguồn thông tin đầy đủ có liên quan đến ATTP.
4. Giải pháp thực hiện Mục tiêu 4:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sự ủng hộ, tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm ATTP; có kế hoạch hỗ trợ cũng như huy động nguồn lực để phối hợp, thúc đẩy triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội triển khai các văn bản chỉ đạo, nêu rõ vai trò, trách nhiệm phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông về vệ sinh ATTP.
- Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông về ATTP của các cấp, các ngành liên quan.
- Kiện toàn mạng lưới truyền thông tại các cấp, các ngành, các địa phương.
5. Giải pháp thực hiện Mục tiêu 5:
- Truyền thông kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các địa phương để cung cấp các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về ATTP; xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.
- Tăng cường truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về ATTP cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
- Xây dựng thí điểm mô hình truyền thông phố ẩm thực đảm bảo ATTP tại các quận nội thành, khu vực đô thị tại các huyện.
6. Các chủ đề truyền thông:
- Luật An toàn thực phẩm;
- Các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATTP;
- Truyền thông, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn;
- Truyền thông thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia thực phẩm;
- Truyền thông việc vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm;
- Nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe và xây dựng tài liệu truyền thông; kỹ năng cung cấp thông tin cộng đồng;
- Lợi ích của việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn;
- Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật;
- Nguy cơ mất an toàn của thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP đến sức khỏe cộng đồng.
III. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CHI TIẾT
1. Các hoạt động thực hiện Mục tiêu 1:
- Xây dựng tài liệu truyền thông: Lựa chọn và thiết kế các tài liệu phù hợp về nội dung, ngôn ngữ và nhận thức của các đối tượng khác nhau (người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng...) trong cộng đồng.
- Tổ chức các buổi hội thảo, hoạt động sự kiện, tọa đàm, nói chuyện, viết tin bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm chủ động huy động, phối hợp với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí... tham gia các hoạt động truyền thông định kỳ cũng như chiến dịch trong Tháng hành động về vệ sinh ATTP. Lồng ghép truyền thông ATTP trong các cuộc họp cộng đồng, các hoạt động chuyên môn của các cấp, các ngành...
- Tăng cường độ bao phủ thông tin kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và các loại hình truyền thông khác nhằm thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến cộng đồng; chủ động truyền thông qua loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng và phát triển mô hình truyền thông có hiệu quả tại cộng đồng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương. Định kỳ hàng năm tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai các hoạt động truyền thông về ATTP và nghiên cứu, đề xuất mô hình truyền thông mới, hiệu quả.
2. Các hoạt động thực hiện Mục tiêu 2:
- Xác định các đầu mối phối hợp truyền thông các cấp từ thành phố xuống quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng, chỉnh sửa bổ sung các tài liệu tập huấn kỹ năng truyền thông và tài liệu thông tin liên quan đến vệ sinh ATTP nhằm hỗ trợ cán bộ truyền thông không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông.
- Định kỳ hàng quý tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông, kiến thức cho mạng lưới truyền thông các cấp; tổ chức các hội thảo truyền thông về ATTP đối với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
- Tổ chức các hoạt động giám sát, hỗ trợ các hoạt động truyền thông ATTP từ thành phố xuống cơ sở và định kỳ báo cáo kết quả về cơ quan thường trực.
3. Các hoạt động thực hiện Mục tiêu 3:
- Xây dựng quy trình quản lý, cung cấp thông tin (thu thập thông tin, phản hồi thông tin) quy trình và quy chế phối hợp liên ngành về vệ sinh ATTP.
- Xây dựng bộ chỉ số (dữ liệu) đánh giá, thống kê báo cáo các hoạt động triển khai kế hoạch truyền thông về ATTP giai đoạn 2016 - 2020.
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng người phát ngôn của các ngành liên quan khi cung cấp thông tin có liên quan đến ATTP.
- Tổ chức các mô hình sinh hoạt báo chí để cập nhật thông tin, kiến thức về lợi ích cũng như các nguy cơ về vấn đề vệ sinh ATTP.
- Đưa các phóng viên báo chí đi thực địa (tham gia các đoàn kiểm tra) để lấy tư liệu, viết bài. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất tổ chức hội thảo, họp báo với các cơ quan báo chí về truyền thông ATTP cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, nguồn thông tin đầy đủ và cập nhật kiến thức cũng như các nội dung liên quan về ATTP đến phóng viên báo chí.
- Định kỳ hàng năm tổ chức hội thảo về hình thức phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc triển khai các hoạt động truyền thông gián tiếp về vệ sinh ATTP và thành tựu, tiến bộ khoa học liên quan đến ATTP.
- Tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên giỏi về ATTP; đưa phóng viên đi thực địa xây dựng phim, phóng sự, tài liệu về ATTP.
4. Các hoạt động thực hiện Mục tiêu 4:
- Tổ chức hội thảo liên ngành với các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức các hoạt động huy động cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp chú trọng đến công tác truyền thông ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Có kế hoạch hỗ trợ chính sách cũng như huy động nguồn lực để phối hợp, thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động truyền thông về ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng và triển khai các văn bản chỉ đạo, nêu rõ vai trò, trách nhiệm phối hợp trong công tác truyền thông về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
- Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm các cấp, các ngành liên quan.
- Huy động nguồn lực xã hội, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác truyền thông bảo đảm vệ sinh ATTP. Kiện toàn mạng lưới truyền thông các cấp, các ngành.
5. Các hoạt động thực hiện Mục tiêu 5:
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn truyền thông phù hợp với các tình huống khủng hoảng thông tin về ATTP.
- Tổ chức các buổi tọa đàm, hỏi đáp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức thông tin báo chí kịp thời, cung cấp thông tin chính xác, minh bạch.
- Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.
Kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông ATTP huy động từ các nguồn sau:
1. Ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương);
2. Huy động xã hội hóa, tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
1. Yêu cầu đối với theo dõi, giám sát:
- Xây dựng biểu mẫu theo dõi, giám sát đánh giá các hoạt động, bao gồm các hướng dẫn báo cáo, các biểu mẫu đánh giá, thống kê báo cáo hoạt động truyền thông ATTP thống nhất giữa 3 ngành liên quan (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương) và các cấp, ngành liên quan.
- Triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá định kỳ hàng năm, đột xuất và giám sát điểm tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm hàng tháng, hàng quý, hàng năm.
2. Nội dung đánh giá:
2.1. Đánh giá đầu vào:
Căn cứ chỉ tiêu, định hướng của Kế hoạch về an toàn thực phẩm được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương căn cứ thực tế của ngành mình cũng như tại các địa phương, xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công thực hiện với các chỉ tiêu cần đạt.
2.2. Theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình triển khai kế hoạch:
- Các đơn vị định kỳ kiểm tra và tự kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai kế hoạch, sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các hoạt động truyền thông về ATTP từ thành phố xuống cơ sở theo sự phân công; quá trình đánh giá được phân tích điểm mạnh, điểm tồn tại cần điều chỉnh và đề xuất giải pháp khắc phục.
- Đánh giá qua hệ thống thống kê, báo cáo của các đơn vị thực hiện. Tổ chức điều tra, đánh giá cuối kỳ theo các chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt.
1. Sở Y tế:
- Đầu mối chủ trì, phối hợp với các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng văn bản quy định/quy trình quản lý thông tin, chia sẻ thông tin, quy trình và quy chế phối hợp liên ngành về truyền thông ATTP.
- Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, việc xác nhận nội dung quảng cáo. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo không đúng quy định của pháp luật và quảng cáo không theo nội dung được xác nhận.
- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị liên quan trong ngành Y tế triển khai thực hiện tốt kế hoạch truyền thông ATTP.
- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông như Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố... đăng tin, tuyên truyền về ATTP; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý vi phạm quy định về ATTP để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.
- Tổ chức thiết kế, sản xuất, cấp phát tài liệu truyền thông về ATTP trong lĩnh vực y tế (tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, đĩa CD, VCD...) cung cấp cho các quận, huyện, xã, phường.
- Tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và các văn bản khác về ATTP cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở thuộc quyền quản lý; tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP trong doanh nghiệp, trường học, đặc biệt đối với các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch truyền thông ATTP, tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo ATTP, tuyệt đối không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến... không được phép dùng trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ để ngâm ướp, tẩm, tạo màu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hướng dẫn, vận động người chăn nuôi sử dụng thuốc thú y trong danh mục được phép lưu hành, đặc biệt tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y trước khi thu hoạch; không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục và tuân thủ “4 đúng” về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông như Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố... đăng tin, tuyên truyền về ATTP; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý vi phạm quy định về ATTP để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn. Tổ chức sản xuất, cấp phát tài liệu truyền thông về ATTP trong lĩnh vực Nông nghiệp (tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, đĩa CD, VCD...) cung cấp cho các quận, huyện, xã, phường.
- Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và các văn bản khác về ATTP cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở thuộc quyền quản lý; đặc biệt các hộ nông dân về nuôi trồng, sản xuất các nguyên liệu thực phẩm sạch.
- Xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap); phổ biến các điểm kinh doanh, phân phối thực phẩm, nông sản, thủy sản an toàn cho người tiêu dùng.
3. Sở Công Thương:
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông như Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Cổng Thông tin điện tử thành phố... đăng tin, tuyên truyền về ATTP; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý vi phạm quy định về ATTP để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn. Tổ chức in, sao tài liệu truyền thông về ATTP trong lĩnh vực Công Thương (tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, đĩa CD, VCD...) cung cấp cho các quận, huyện, xã, phường.
- Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và các văn bản khác về ATTP cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm tại các cơ sở thuộc quyền quản lý.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Định kỳ tổ chức họp báo định hướng nội dung tuyên truyền về ATTP cho các cơ quan báo chí. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn thành phố thông tin, đăng tải các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong sản xuất, kinh doanh liên quan đến vệ sinh ATTP; dành nhiều thời lượng để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và các hoạt động bảo đảm ATTP; giới thiệu các vùng, các cơ sở thực phẩm an toàn và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đến người dân; chú trọng chỉ đạo việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng:
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về ATTP.
- Xây dựng và phát sóng chuyên mục chuyên đề về ATTP trong chương trình truyền hình Thời sự, Chuyên đề; chương trình phát thanh trên sóng FM. Tăng cường thời lượng, tần suất thông tin về ATTP; bố trí các khung giờ, thời điểm phù hợp.
- Tăng cường truyền thông về vệ sinh ATTP vào các dịp cao điểm trong năm như Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội lớn của thành phố.
6. Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng:
Xây dựng chuyên mục, chuyên trang; tăng cường tin bài về ATTP; thông tin tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về ATTP, những vụ việc vi phạm ATTP; giới thiệu các mô hình, điển hình tốt về sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ATTP và các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại các trường học trên địa bàn thành phố. Tích cực truyền thông lồng ghép về ATTP cho giáo viên và học sinh nhằm thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe, phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
8. Sở Tài chính:
Căn cứ dự toán kinh phí cho hoạt động truyền thông về ATTP của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và quy định của pháp luật, đề xuất bố trí kinh phí hàng năm phục vụ cho hoạt động truyền thông về ATTP trên địa bàn thành phố và hướng dẫn, giám sát các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện theo đúng quy định.
9. Các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Liên đoàn Lao động thành phố tăng cường phổ biến và đưa các nội dung đảm bảo ATTP đến từng doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP trong hội viên nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP, nhất là những người tham gia trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, nội trợ tại gia đình.
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố tổ chức hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến các kiến thức về ATTP cho đoàn viên thanh niên; phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ trong việc tham gia đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong thanh thiếu niên và người dân giữ gìn vệ sinh ATTP.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện truyền thông ATTP trong lĩnh vực, đơn vị mình quản lý, phụ trách. Đẩy mạnh công tác thông tin hướng dẫn các cơ sở và người tiêu dùng việc giám sát, phát hiện, thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng những hành vi vi phạm về ATTP.
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực cho công tác truyền thông ATTP. Xác định việc truyền thông về vệ sinh ATTP là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên, liên tục; chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Ủy ban nhân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai kế hoạch truyền thông ATTP đạt hiệu quả cao. Theo dõi, định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện truyền thông ATTP về Sở Y tế (qua cơ quan đầu mối là Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hải Phòng) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Kế hoạch 7708/KH-UBND năm 2017 về đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2020
- 2 Quyết định 61/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm và phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 3 Quyết định 2412/QĐ-UBND năm 2016 về kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4 Quyết định 3517/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 5 Quyết định 1442/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Giang
- 6 Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2016 tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 7 Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2016 tổ chức phong trào thi đua An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020
- 9 Thông tư 03/2015/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam và công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10 Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11 Thông tư 47/2014/TT-BYT hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 12 Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 13 Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT về Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 14 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 15 Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công thương ban hành
- 16 Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT về Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 17 Thông tư 24/2014/TT-BNNPTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 18 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công thương ban hành
- 19 Thông tư 02/2014/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 20 Thông tư 27/2012/TT-BYT hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 21 Thông tư 15/2012/TT-BYT quy định điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 22 Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 23 Thông tư 75/2011/TT-BNNPTNT quy định về đăng ký và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 24 Luật an toàn thực phẩm 2010
- 1 Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2016 tổ chức phong trào thi đua An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020
- 2 Quyết định 1442/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Giang
- 3 Quyết định 2412/QĐ-UBND năm 2016 về kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4 Quyết định 61/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm và phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 5 Quyết định 3517/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 6 Kế hoạch 7708/KH-UBND năm 2017 về đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2020