ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/KH-UBND | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA “AN TOÀN THỰC PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Chương trình hành động số 228/CTr-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về đổi mới công tác Thi đua, Khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua thực hiện An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
- Nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong sử dụng thực phẩm; tạo thói quen không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thói quen sử dụng bao bì thực phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
- Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua thực hiện an toàn thực phẩm.
II. Mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện phong trào thi đua
1. Mục tiêu:
Thi đua triển khai thực hiện có hiện có hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 29/3/2012 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 30/12/2015 của UBND Thành phố về Kế hoạch An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2016, tập trung các chỉ tiêu cơ bản sau:
- Đến hết năm 2016: 80% người sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 90% người quản lý; 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
- Đến hết năm 2016, 10% cơ sở trồng trọt áp dụng VietGAP, 8-10% cơ sở chăn nuôi áp dụng VietGAP; 10% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện kiểm soát chất lượng, tỷ lệ trên tương ứng tăng gấp đôi vào năm 2020.
- Đến hết năm 2016, 50% vùng nuôi thủy sản tập trung được giám sát dư lượng hóa chất độc hại và đạt 80% vào năm 2020.
- Phấn đấu đến hết năm 2016: 100% các đơn vị, cá nhân sản xuất thực phẩm nắm được quy trình, điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn.
- Phấn đấu đến hết năm 2016, tỷ lệ cơ sở chế biến, kinh doanh quy mô công nghiệp, tập trung thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 80% và đạt 100% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ lẻ áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tăng 30% so với năm 2016.
- Tỷ lệ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm) đạt 80% năm 2016 và 90% vào năm 2020. Bếp ăn tập thể đạt 90% năm 2016 và 95% năm 2020.
- Tỷ lệ siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm đạt 50% vào năm 2016 và đạt trên 70% vào năm 2020.
- Phấn đấu đến hết năm 2016, tỷ lệ chợ được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm (không bao gồm chợ cóc) đạt 40% và đạt trên 70% vào năm 2020.
- Phấn đấu 100% các chợ “cóc” dọc đường quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông, điểm xung quanh các chợ đã được phân hạng, tụ điểm đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin, báo chí gây bức xúc dư luận được xóa bỏ trong năm 2016
2. Đối tượng tham gia phong trào thi đua:
- Tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất thực phẩm;
- Các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm;
- Các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố; các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội; các cơ quan báo chí truyền thông;
- Người tiêu dùng thực phẩm.
3. Nội dung và giải pháp thi đua:
3.1. Thi đua sản xuất, cung cấp ra thị trường thực phẩm an toàn:
- Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kiến thức về an toàn thực phẩm.
- Thực hiện quy trình sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn trong lưu thông phân phối, trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, không lưu thông thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định nhãn mác hàng hóa, không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại.
- Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi, về quản lý con giống, thức ăn, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, công tác thú y, chăn nuôi nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
3.2. Thi đua sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn:
- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt GMP trong chế biến thực phẩm, nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất, tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000. Đảm bảo yêu cầu về nhà xưởng và trang thiết bị. Kiểm soát vệ sinh nhà xưởng. Kiểm soát quá trình chế biến (đối với nguyên vật liệu, hoạt động sản xuất). Kiểm soát về con người như yêu cầu sức khỏe, cách ly nguồn lây nhiễm, vệ sinh cá nhân...
- Thực hiện tốt quy trình phân phối GDP và quy trình mua bán. Sản phẩm phải được bảo quản đúng kỹ thuật trong quá trình lưu thông, vận chuyển, phân phối đến tay người tiêu dùng. Đảm bảo an toàn, vệ sinh đối với các khu vực kinh doanh thực phẩm theo quy định.
3.3. Thi đua thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp thuộc Thành phố:
- Các sở, ngành tích cực tham mưu UBND Thành phố ban hành cơ chế chính sách giúp Thành phố tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về an toàn thực phẩm; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về an toàn thực phẩm.
- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành với UBND các quận, huyện, thị xã và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể; Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn nghiêm túc triển khai ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.
- Đẩy mạnh chương trình xác nhận sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo chuỗi; xây dựng và vận hành thí điểm mô hình chuỗi rau an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
- Mở rộng triển khai thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đạt mục tiêu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất....Nhân rộng các mô hình quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến.
III. Khen thưởng
- Hàng năm các đơn vị thuộc Thành phố căn cứ kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, chủ động xem xét và khen thưởng.
- Đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, kịp thời đề xuất UBND Thành phố khen thưởng.
IV. Kinh phí
- Kinh phí hoạt động công tác an toàn thực phẩm của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố.
- Kinh phí Chương trình an toàn thực phẩm Thành phố.
- Kinh phí từ Quỹ Thi đua, Khen thưởng Thành phố;
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. Tổ chức thực hiện
1. Các Sở, ban, ngành; MTTQ và các đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị thuộc Thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Kế hoạch này. Tập trung chỉ đạo, điều hành, có giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Thường xuyên phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, đề xuất UBND Thành phố biểu dương khen thưởng.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Y tế và Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố) trước ngày 15/4/2016.
2. Các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của luật pháp về an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm; phát hiện sớm các vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định; phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tuyên truyền Kế hoạch của UBND Thành phố đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện.
Các báo Hà Nội Mới, Kinh tế và Đô thị mở chuyên mục về an toàn thực phẩm.
Sở Y tế, Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố phối hợp với Đài phát Thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng chuyên mục về an toàn thực phẩm phát sóng 1 tuần/1 lần.
4. Giao Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố tổ chức Hội nghị phát động thi đua tới các đơn vị thuộc Thành phố.
5. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chấm điểm thi đua việc triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND Thành phố. Đề xuất UBND Thành phố khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Kế hoạch.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố, các đoàn thể chính trị-xã hội của Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn.
7. Kế hoạch này được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm. Tổng kết 5 năm và xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, đề nghị MTTQ và các đoàn thể Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch của UBND Thành phố; định kỳ hàng năm báo kết quả thực hiện về UBND Thành phố (qua Sở Y tế Thành phố)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 6110/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng xe ô tô kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và kết quả xét nghiệm do thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Kế hoạch 2230/KH-UBND năm 2016 truyền thông về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 3 Quyết định 33/2016/QĐ-UBND phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 4 Kế hoạch 228/KH-UBND công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2016
- 5 Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2012 thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 6 Quyết định 20/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Kế hoạch 2230/KH-UBND năm 2016 truyền thông về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 2 Quyết định 6110/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng xe ô tô kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và kết quả xét nghiệm do thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 33/2016/QĐ-UBND phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang