Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2354/KH-UBND

Gia Lai, ngày 11 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KẾ HOẠCH SỐ 568/KH-UBND NGÀY 25/3/2022 CỦA UBND TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030” và Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.

Trên cơ sở đánh giá sơ kết thực hiện Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022 - 2030. Để các nội dung của Kế hoạch đảm bảo đạt mục tiêu của “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030” và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022 - 2030, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi mục 2 phần II thành:

1.1 Sửa đổi, bổ sung điểm a mục 2 thành:

- Duy trì 100% số sổ quản lý chó, mèo nuôi cấp xã, cấp thôn đã được lập trong giai đoạn 2017-2021; quản lý được tối thiểu 80% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030.

- Tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo nuôi bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn chó, mèo trong giai đoạn 2025 - 2030.

- Cơ bản giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2030.

- Xây dựng ít nhất 03 vùng an toàn bệnh Dại cấp phường (Dự kiến các phường Ia Kring, Tây Sơn, Hội Phú của thành phố Pleiku) trong giai đoạn đến năm 2026; xây dựng ít nhất 01 vùng an toàn dịch bệnh Dại (cấp huyện) là thành phố Pleiku giai đoạn đến năm 2028. Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

1.2 Sửa đổi, bổ sung điểm b, mục 2 thành:

- Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 điểm tiêm vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh Dại ở cộng đồng, trường học.

- Đối tượng phơi nhiễm vi rút Dại được tiêm vắc xin theo quy định, được theo dõi và tư vấn về phòng chống bệnh Dại. Ổ dịch dại từ động vật lây sang người được phát hiện sớm, điều tra và xử lý đúng quy định.

- Phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

2. Sửa đổi, bổ sung phần III thành:

2.1. Bổ sung vào điểm a mục 1 thành: Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo khi đua ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định; từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin Dại. Thực hiện tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo nuôi 01 lần/năm.

2.2. Sửa đổi, bổ sung điểm b mục 1 phần III thành:

b) UBND huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức quản lý, chỉ đạo UBND cấp xã thống kê, tổng hợp, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo, cập nhật số lượng chó, mèo nuôi tại địa phương. Định kỳ tối thiểu 02 lần/năm (lần 1, trước 30 tháng 6; lần 2, trước ngày 31 tháng 12) báo cáo cập nhật số liệu hộ nuôi, tổng đàn chó, mèo chi tiết đến cấp thôn thuộc cấp xã).

- Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét chỉ đạo UBND cấp xã quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc Dại, triển khai tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó mèo; điều tra, xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định pháp luật.

2.3 Sửa đổi, bổ sung điểm a mục 2 phần III thành:

- Đối tượng và phạm vi tiêm phòng: Toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trong địa bàn cấp xã; chó, mèo đã tiêm vắc xin Dại nên được đánh dấu để nhận diện (vòng đeo cổ).

- Thời điểm và tần suất: Hằng năm, ưu tiên tiêm vào trước thời điểm nắng nóng. Tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo nuôi 1 lần/năm của tính đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn trên từng địa bàn được tiêm phòng giai đoạn 2023 - 2030; thường xuyên rà soát, tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch, mới nuôi phát sinh mà chưa được tiêm phòng theo quy định.

- Sử dụng vắc xin: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin hoặc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.4. Sửa đổi, bổ sung điểm b mục 3 phần III thành:

b. Tổ chức điều trị dự phòng: Sở Y tế tham mưu tổ chức, kiện toàn, mở rộng số lượng và bố trí đầy đủ các điểm tiêm phòng, vật tư trang thiết bị để phục vụ công tác điều trị dự phòng, theo hướng dễ tiếp cận, giá thành thấp, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 điểm tiêm phòng Dại và huyết thanh kháng Dại; điều trị dự phòng miễn phí cho nhân viên thú y, y tế, người tham gia công tác phòng, chống bệnh Dại, trẻ em dưới 06 tuổi trong vùng dịch, người nghèo, các xã thuộc khu vực II, III, người có công với cách mạng.

2.5. Sửa đổi, bổ sung mục 9 thành:

- Tuyên truyền, vận động, tổ chức xây dựng vùng, cơ sở an toàn đối với bệnh Dại trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thành phố Pleiku xây dựng Đề án điểm về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn đảm bảo đến năm 2026 xây dựng thành công 03 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã (dự kiến gồm các phường Ia Kring, Tây Sơn và Hội Phú) và đến năm 2028, xây dựng thành phố Pleiku thành vùng an toàn bệnh Dại cấp huyện.

- Khuyến khích các địa phương còn lại xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp xã nhất là tại khu vực thị trấn, phường, khu vực tập trung đông dân cư.

3. Sửa đổi, bổ sung phần IV thành:

3.1 Sửa đổi mục 1 phần IV thành:

- Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi của cơ quan thú y cấp tỉnh bao gồm: Kinh phí mua vắc xin tiêm phòng 01 lần/năm cho đàn chó, mèo của tỉnh đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng vắc xin, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác thú y cấp huyện; chuyển đổi số trong công tác thú y; kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh Dại tại cấp huyện; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết; các nội dung khác để thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại theo quy định.

- Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi của cơ quan y tế cấp tỉnh bao gồm: Mua vật tư, hang thiết bị triển khai Kế hoạch (bao gồm vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại điều trị dự phòng miễn phí cho cán bộ thú y, y tế và lực lượng tham gia phòng, chống bệnh Dại, người nghèo không có khả năng chi trả ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn); tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết.

- Đảm bảo kinh phí để triển khai Chương trình thuộc nhiệm vụ chi của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, bao gồm: kinh phí tổ chức tuyên truyền, mit tinh, các cuộc thi tìm hiểu về bệnh Dại, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về bệnh Dại.

- Xem xét, cấp hỗ trợ một phần kinh phí trong trường hợp ngân sách cấp huyện gặp khó khăn, không thể cân đối nguồn ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình.

- Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách cho năm sau, các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này, lập dự toán và tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thực hiện; chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật.

3.2. Sửa đổi, bổ sung mục 2 phần IV thành:

- Đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống bệnh Dại tại địa phương, bao gồm những nội dung chính: Tổ chức quản lý đàn chó, mèo; tổ chức bắt, xử lý chó, mèo chạy rông, chó, mèo không đeo rọ mõm, không tiêm vắc xin Dại; kinh phí chi trả công tiêm phòng và các khoản kinh phí phục vụ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn cấp huyện; giám sát dịch bệnh Dại ở người và động vật; tổ chức phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật khi có ổ dịch bệnh Dại xảy ra trên địa bàn; hỗ trợ chi trả công tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh, công cho cán bộ y tế, thú y và các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch; chi trả kinh phí lấy mẫu xét nghiệm khi nghi ngờ có bệnh Dại; đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, thú y cấp huyện, cấp xã; mua vật tư, hóa chất, dụng cụ, trang thiết bị triển khai Kế hoạch; thông tin, tuyên truyền; tổ chức tập huấn, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại; kinh phí xây dựng các điểm tiêm phòng; hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao, vùng đặc biệt khó khăn (trừ các đối tượng đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh), tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy bệnh phẩm, xét nghiệm; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết tại địa phương.

- Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh, chết do bệnh Dại; khử khuẩn và mai táng người chết do bệnh Dại được thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Trường hợp ngân sách huyện gặp khó khăn, không thể cân đối nguồn ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình, báo cáo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đề xuất UBND tỉnh xem xét, cấp hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh.

- Trường hợp dịch bệnh bùng phát, có chiều hướng lây lan diện rộng, địa phương không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch bệnh, kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia.

- Hàng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và quyết định bố trí kinh phí cho các hoạt động của Kế hoạch tại địa phương; chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Dại ở địa phương theo các quy định của pháp luật.

4. Sửa đổi, bổ sung phần V thành:

4.1 Sửa đổi, bổ sung mục 1, phần V thành:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Y tế trong việc thực hiện Kế hoạch này.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thủ y:

+ Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chó, mèo nuôi, tiêm vắc xin Dại, giám sát bệnh Dại trên động vật; điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại; tổ chức phòng, chống bệnh Dại trên động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủ y.

+ Hằng năm, xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Dại động vật tổng hợp chung trong Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó số lượng vắc xin Dại tiêm cho chó, mèo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng dân, tham mưu Sở trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

+ Phối hợp với các ban, ngành, các địa phương theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy chó, mèo sản phẩm chó, mèo vận chuyển bất hợp pháp qua biên giới theo quy định; tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo trong nước theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

+ Tham gia nghiên cứu đặc điểm dịch tễ về bệnh Dại động vật, tham gia phối hợp các chương trình hợp tác trong phòng chống bệnh Dại động vật.

+ Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các địa phương thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các quy định của pháp luật phòng chống bệnh Dại động vật. Tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại động vật.

+ Tổng hợp, tham mưu báo cáo kết quả công tác phòng, chống bệnh Dại động vật theo quy định.

4.2 Sửa đổi, bổ sung mục 3, phần V thành: Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước cho năm sau, trên cơ sở dự toán của các đơn vị liên quan xây dựng gửi Sở Tài chính theo quy định, Sở Tài chính tổng hợp, cân đối theo khả năng ngân sách tham mưu UBND tỉnh trinh cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời theo phân cấp quản lý ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch này.

4.3 Sửa đổi, bổ sung mục 9, phần V thành:

- Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn cấp huyện xây dựng, trình phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương, đảm bảo các nội dung, giải pháp được phân công theo Kế hoạch này; trong Kế hoạch cần cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán được giao, có sự chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi đảm bảo các hoạt động được triển khai đến tận thôn, làng, hộ nuôi chó, mèo để có cơ sở thực hiện và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại.

- Bố trí đủ nguồn lực và kinh phí thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện nêu tại mục 2 phần IV đảm bảo công tác quản lý, tiêm phòng cho chó, mèo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn giai đoạn 2025 - 2030.

- Tổ chức và hỗ trợ điều trị dự phòng cho người có nguy cơ cao nhu nhân viên thú y, nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Dại, người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao, vùng đặc biệt khó khăn và các trường hợp đặc biệt khác do UBND cấp huyện quyết định.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ quản lý chó, mèo nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến các tổ chức, người dân các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại động vật, hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh Dại, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh.

- Tổ chức giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người; giám sát, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, kết quả tiêm phòng, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

- Tổ chức xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại tại địa phương.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các nội dung, giải pháp của Kế hoạch trên địa bàn.

- Chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hàng năm, báo cáo thống kê: số lượng chó, mèo nuôi và kết quả tiêm phòng bệnh Dại, kết quả tổ chức thực hiện Chương trình của địa phương gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

Trên đây là Kế hoạch sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022 - 2030; các nội dung không sửa đổi, bổ sung theo Kế hoạch này, tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, phát hiện có thiếu sót, bất cập phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh văn phòng, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Chánh văn phòng, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, NL

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Mah Tiệp