Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2377/KH-UBND

Gia Lai, ngày 25 tháng 10 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ - ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Triển khai thực hiện Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (viết tắt là Nghị định số 30/2017/NĐ-CP); Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 03/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Quyết định số 722/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo đảm tổ chức ứng phó kịp thời, chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tải sản do tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng gây ra.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức, xây dựng lực lượng và triển khai hành động theo nhiệm vụ được phân công.

- Là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất, bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung, phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế.

- Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chhuy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó đạt hiệu quả cao nhất; tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của Trung ương, của các tỉnh lân cận, các bộ, ngành, các tổ chức theo từng tình huống xảy ra; báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng tham gia ứng phó tai nạn, tìm kiếm cứu nạn.

- Chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp tham gia ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng; từng bước nâng cao năng lực trong hoạt động ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan trong ứng phó tai nạn, tìm kiếm cứu nạn.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức xây dựng lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, phương án huy động và huấn luyện, diễn tập về ứng phó và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng thuộc quyền quản lý.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi

Kế hoạch này triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

Kế hoạch này áp dụng đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động ứng phó tai nạn và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

III. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ TAI NẠN VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

1. Thông tin về tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng yêu cầu cứu nạn phải được thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn và cơ quan chủ trì ứng phó; bảo đảm thông tin, liên lạc cho hoạt động ứng phó.

2. Chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực và tính chất vụ việc; ưu tiên hoạt động cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo vệ môi trường khi có tình huống xảy ra.

3. Chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng được huy động tham gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn trong suốt quá trình tổ chức thực hiện công tác ứng phó tai nạn, tìm kiếm cứu nạn.

4. Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, công trình, phương tiện hoạt động trên phạm vi khu vực được cứu nạn và bảo vệ môi trường.

5. Thực hiện đúng thẩm quyền và nhiệm vụ được giao.

IV. CƠ CHẾ CHỈ ĐẠO VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Cơ chế chỉ đạo

a) Cấp quốc gia:

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức thực hiện ứng phó tai nạn và tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

b) Cấp tỉnh:

- Cơ quan chỉ đạo: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh); phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế và các Bộ, ngành liên quan theo sự phân công của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy hiện trường: Công an tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền cấp huyện, cấp xã.

2. Phân công trách nhiệm

a) Tình huống tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn địa phương nào (huyện, thị xã, thành phố, gọi chung là cấp huyện) thì địa phương đó chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả, đồng thời báo cáo Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải.

Khi có thông báo về tai nạn, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải phải duy trì hoạt động sẵn sàng hỗ trợ, ứng phó theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cấp huyện phải báo cáo ngay Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Bộ Chhuy Quân sự tỉnh - cơ quan thường trực về Tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để chỉ đạo, tổ chức ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (qua Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (qua Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia).

Công an tỉnh trực tiếp chỉ huy hiện trường, đồng thời, thông báo cho các cơ quan phối hợp triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng và phương tiện, thiết bị của Công an tỉnh và của ngành Giao thông vận tải là lực lượng chủ lực trong công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn xảy ra, có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các lực lượng chức năng và chính quyền cấp huyện, cấp xã.

c) Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để chỉ đạo ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

d) Người chỉ huy cao nhất hoạt động ứng phó tai nạn, tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường được quyền điều động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.

3. Các tình huống giả định

a) Tình huống 1: Tai nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, phương tiện tham gia giao thông và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

b) Tình huống 2: Tai nạn giao thông liên quan đến xe khách gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, phương tiện tham gia giao thông.

V. LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG TIỆN THAM GIA ỨNG PHÓ TAI NẠN VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

1. Lực lượng tham gia ứng phó tai nạn và tìm kiếm cứu nạn

a) Lực lượng Công an:

- Công an tỉnh: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các lực lượng cảnh sát khác thuộc Công an tỉnh;

- Công an huyện, thị xã, thành phố địa bàn xảy ra tai nạn;

- Công an xã, phường, thị trấn địa bàn xảy ra tai nạn.

b) Lực lượng ngành Giao thông vận tải: Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp vận tải, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ.

c) Lực lượng Quân đội: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố địa bàn xảy ra tai nạn.

d) Lực lượng ngành Y tế:

- Trung tâm cấp cứu 115 và khoa cấp cứu của các bệnh viện, trung tâm Y tế;

- Lực lượng Y tế dự phòng.

đ) Các cơ quan, đơn vị phối hợp, tình nguyện:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh;

- Hội Chữ thập đỏ;

- Các tổ chức xã hội, tình nguyện.

e) Các lực lượng khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra tai nạn.

2. Phương tiện, trang thiết bị

- Phương tiện, trang thiết bị của các lực lượng tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn;

- Phương tiện, máy móc, trang thiết bị của các doanh nghiệp vận tải, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

VI. TỔ CHỨC ỨNG PHÓ TAI NẠN VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

1. Tiếp nhận và xử lý thông tin

- Người tiếp nhận thông tin (Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) về tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng phải làm rõ các thông tin sau:

+ Họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;

+ Thời gian, địa điểm (lý trình, tuyến đường, thôn, làng, tổ dân phố; xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố), phương tiện xảy ra tai nạn (biển s, loại phương tiện);

+ Thiệt hại ban đầu về người, tài sản;

+ Các yêu cầu về ứng phó, cứu nạn;

+ Các thông tin khác về vụ tai nạn giao thông.

Sau khi tiếp nhận thông tin phải báo cáo ngay cho lãnh đạo trực chỉ huy cơ quan, đơn vị biết, xử lý.

- Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh); thông báo cho Sở Y tế và các ngành liên quan để tổ chức lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia cứu nạn, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo ngay cho Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan truyền thông báo chí tổ chức thông tin kịp thời đến tổ chức, cá nhân và nhân dân biết những tin tức liên quan đến tai nạn và tìm kiếm cứu nạn.

2. Xử lý tai nạn và tìm kiếm cứu nạn

- Công an tỉnh trực tiếp chỉ huy hiện trường, phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác chỉ đạo cứu nạn, khắc phục sự cố; điều động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị và tổ chức, chỉ đạo phối hợp các lực lượng thực hiện nhiệm vụ ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức bảo đảm hệ thống thông tin chỉ huy hiện trường, duy trì liên lạc với các lực lượng tham gia ứng cứu và với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác, Thanh tra Giao thông vận tải, đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu nạn, cứu hộ; tổ chức đặt biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ tạm thời; cấp cứu ban đầu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn, phân luồng và giải tỏa ùn tắc giao thông; bố trí phương tiện sang tải hành khách, hàng hóa (nếu có).

Khi các phương tiện giao thông bị cháy, nổ thì lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải nhanh chóng giải quyết. Trường hợp phương tiện tham gia giao thông vận chuyển chất độc hại thì phải tiến hành phong tỏa nơi xảy ra tai nạn trong một khu vực cần thiết và đặt các biển báo hiệu, cấm người và các phương tiện đi vào; sơ tán nhân dân, phương tiện đến khu vực an toàn, đồng thời báo ngay cho lực lượng chức năng phối hợp giải quyết.

- Sở Y tế chỉ đạo các lực lượng Y tế triển khai công tác sơ cấp cứu, phân loại và chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế, cứu chữa người bị tai nạn. Trường hợp cần thiết, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để cứu chữa.

- Sau khi cơ quan Công an tổ chức khám nghiệm hiện trường xong, bàn giao cho lực lượng ngành Giao thông vận tải tổ chức thu dọn hiện trường, khắc phục hư hỏng công trình giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Công an tỉnh xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

3. Tổ chức khắc phục hậu quả vụ tai nạn

- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo công tác thống kê, tổng hợp, đánh giá thiệt hại, sơ bộ xác định nguyên nhân ban đầu gây tai nạn, báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh về tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; phối hợp chỉ đạo việc báo tin cho gia đình hoặc cơ quan, đơn vị của người bị nạn biết để đến chăm sóc hoặc giải quyết hậu quả; cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông báo chí thông tin kịp thời đến tổ chức, cá nhân và nhân dân biết.

- Sở Y tế chỉ đạo lực lượng Y tế dự phòng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh (nếu có) khu vực xảy ra tai nạn.

- Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục, hạn chế hậu quả do vụ tai nạn giao thông gây ra, chỉ đạo cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây tai nạn và để xuất biện pháp ngăn chặn tai nạn tương tự; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn.

- Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức xã hội, tình nguyện triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm (trước ngày 22/12) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch.

2. Căn cứ Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn bảo đảm tổ chức ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng gây ra.

3. Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đề xuất bố trí nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật; định kỳ hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm, báo cáo về Sở Giao thông vận tải trước ngày 18/12 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để xem xét điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- UB Quốc gia ứng phó sự cố, TT&TKCN;
- UB An toàn giao thông Quốc gia;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN và các đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- Lưu: VT.KTTH, NL, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành