Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2587/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 01 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 52/2012/QĐ-TTG NGÀY 16/11/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg); căn cứ Thông tư Liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số dự án của chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp tìm việc làm, tự tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, học nghề để chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng khả năng tự tạo việc làm và cơ hội tìm việc làm trong và ngoài nước, góp phần ổn định trật tự và an sinh xã hội.

- Khuyến khích các doanh nghiệp nhận nhiều lao động bị thu hồi đất nông nghiệp vào làm việc.

- Việc hỗ trợ cho người lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp phải đúng đối tượng, đúng quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:

1. Đối tượng được hỗ trợ

a) Người lao động trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn tạo việc làm, có hộ khẩu thường trú tại các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường.

b) Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi là đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất vườn, ao không được công nhận là đất ở hoặc đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn hoặc đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc đất nông nghiệp sử dụng chung của nông trường, lâm trường quốc doanh không thuộc đối tượng áp dụng của Kế hoạch này.

2. Thời hạn hỗ trợ

Người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 03 năm, kể từ khi có Quyết định thu hồi đất.

3. Chính sách hỗ trợ

3.1. Hỗ trợ đào tạo nghề

Người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu đào tạo, học nghề được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ chi phí học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1956/QĐ-TTg); mức hỗ trợ theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Hỗ trợ học phí cho một khóa học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Mức hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng công lập theo quy định của pháp luật.

c) Được vay vốn tín dụng áp dụng đối với học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành nếu thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

3.2. Hỗ trợ tạo việc làm trong nước:

a) Người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm được hỗ trợ như sau:

- Được tư vấn học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Giang.

- Được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp theo quy định.

b) Các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận nhiều lao động bị thu hồi đất nông nghiệp vào làm việc được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế theo quy định của pháp luật.

3.3. Hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của pháp luật về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo mức quy định hiện hành của Nhà nước;

c) Hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian thực tế học, mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg .

d) Hỗ trợ tiền đi lại 01 lượt đi và về từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15 km theo giá vé thông thường của phương tiện công cộng tại thời điểm thanh toán;

đ) Được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả các chi phí cần thiết để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Mức cho vay tối đa bằng tổng chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định ghi trên hợp đồng đối với từng thị trường lao động.

Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hiện hành với người lao động không thuộc huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn cho vay tối đa bằng thời gian đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Phương thức hỗ trợ

4.1. Người lao động học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ qua các trường, cơ sở dạy nghề trong tỉnh được phân bổ chỉ tiêu dạy nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ;

4.2. Người lao động học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề được hỗ trợ trực tiếp sau khi hoàn thành khóa học.

4.3. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013 quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng được bố trí từ nguồn kinh phí phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề hằng năm cho các huyện, thành phố theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg .

2. Kinh phí hỗ trợ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được bố trí từ kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nằm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.

3. Kinh phí hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điểm a, b, c và d Khoản 3.3 của Kế hoạch này được bố trí từ Quỹ phát triển đất của địa phương theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ ban hành quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và vốn cho vay giải quyết việc làm cho các huyện, thành phố có hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

- Phối hợp với sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hàng năm cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán và quy trình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; phân tích và cung cấp thông tin thị trường lao động thông qua điều tra cung - cầu lao động hằng năm cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để định hướng tư vấn cho người lao động lựa chọn ngành nghề cần học và việc làm phù hợp.

- Tổng hợp, báo cáo hàng năm về tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo yêu cầu của UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán và quy trình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hàng năm cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan lập kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí từ Quỹ quốc gia về việc làm.

4. Sở Tài Nguyên và Môi trường

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố khảo sát nhu cầu học nghề, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp để tổ chức lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động.

- Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 13, Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định một số điểm cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho phù hợp với Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg .

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức thông tin tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định danh mục các nghề đào tạo, nhu cầu học nghề và kinh phí dạy nghề nông nghiệp của lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Đề xuất các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch dạy nghề cho lao động, nông thôn hàng năm;

6. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các chính quyền địa phương tổ chức rà soát số lượng đối tượng được hỗ trợ, lập danh sách và triển khai kế hoạch nhu cầu cho vay vốn theo hướng dẫn thực hiện công văn số 297/NHCS-TDNN ngày 04/02/2013 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về thực hiện cho vay người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg .

7. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện để nhân dân và các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ hiểu rõ các quy định, chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg .

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan khảo sát số lượng lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng và chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề trong tổng kinh phí của các dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt trên địa bàn huyện, thành phố. Đồng thời thống kê số lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí hỗ trợ.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập danh sách các lao động có nhu cầu học nghề dưới 03 tháng để tổ chức dạy nghề phù hợp với nhu cầu địa phương, nhằm chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trong tổng nguồn vốn dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm được phê duyệt.

- Hàng năm điều tra, rà soát các hộ gia đình, đối tượng hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, nắm được nhu cầu của số đối tượng trên, lập, tổ chức phương án đào tạo nghề, tạo việc làm.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố định kỳ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo 06 tháng trước ngày 15/7, báo cáo năm trước ngày 01/11 hàng năm).

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP: LĐVP, TH, KTN, KT, NC.
- Lưu: VT, VX (2)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh