Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH TRÀ VINH NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch “Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh năm 2015, định hướng đến năm 2020”, với các nội dung như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG THỜI GIAN QUA:

Nhìn chung, kinh tế tập thể bước đầu thể hiện được vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương; quy mô, hình thức, nội dung hoạt động của một số đơn vị kinh tế ngày càng được mở rộng với nhiều loại hình hợp tác phong phú, đa dạng; chất lượng hoạt động của nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã khá tốt, bước đầu có những đóng góp tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người lao động;

Các chương trình, mục tiêu về kinh tế - xã hội và một số cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương đóng vai trò quan trọng cho việc thực hiện đổi mới, phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Đặc biệt là việc khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm mục đích huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong khu vực kinh tế tập thể, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như thành viên, đóng góp phúc lợi cho xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2014, hợp tác xã kinh doanh không hiệu quả chiếm trên 30% (98/143 hợp tác xã đang hoạt động số còn lại ngưng hoạt động hoặc đang củng cố toàn diện). Nguyên nhân do các hợp tác xã, tổ hợp tác yếu kém về năng lực quản lý, tính cạnh tranh kém so với khu vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, khung pháp lý và một số chính sách phát triển kinh tế tập thể chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và mang tính khả thi chưa cao cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các hợp tác xã.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU:

1. Thực hiện có hiệu quả các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Đẩy mạnh việc củng cố, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; đưa kinh tế tập thể của tỉnh thoát khỏi tình trạng yếu kém, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở.

3. Mục tiêu:

- Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể. Nâng cao tốc độ tăng trưởng, đưa kinh tế tập thể cùng các thành phần kinh tế đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh;

- Đến năm 2015: Củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả của các loại hình hợp tác xã hiện có, giảm dần tỷ lệ các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, có từ 50% - 60% hợp tác xã hoạt động từ khá trở lên, 50% cán bộ hợp tác xã được đào tạo (trong đó có 100% cán bộ chủ chốt hợp tác xã được bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức về hợp tác xã và các Luật khác có liên quan);

- Đến năm 2020: 70% hợp tác xã loại khá trở lên; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 05 hợp tác xã điển hình tiên tiến, hạn chế dần tỷ lệ yếu kém, có từ 50% trở lên tổ hợp tác hoạt động đúng theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM:

1. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, tổ chức thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật Hợp tác xã) và các Nghị quyết của Tỉnh ủy nhằm tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể.

2. Xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp Ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Chăm lo củng cố phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể theo quy định; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cơ chế, chính sách về phát triển hợp tác xã và thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh. Tăng cường các điều kiện để mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thương hiệu sản phẩm để các hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng,...

3. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã và các quy định khác. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân.

4. Tăng cường mối quan hệ, phối hợp, vai trò tham mưu giữa Liên minh Hợp tác xã tỉnh với các Sở, Ban, ngành và đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Luật Hợp tác xã, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Khuyến khích, nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời các mô hình hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, làng nghề sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao và nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh với các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;

- Nghiên cứu, rà soát và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (hoàn thành năm 2015). Cụ thể các cơ chế chính sách của Chính phủ và địa phương để triển khai thực hiện.

2. Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cân đối bố trí kinh phí cho việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành tỉnh nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, tiền thuê đất,... để tạo điều kiện cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ như sau:

- Hướng dẫn các Hợp tác xã nông nghiệp chuyển hướng hoạt động theo mô hình dịch vụ tổng hợp (đặc biệt đối với các hợp tác xã tại các huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp); triển khai thực hiện Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;

- Hướng dẫn các hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định.

4. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các Sở, Ban, ngành tỉnh thực hiện nhiệm vụ như sau:

- Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, thực phẩm; các sản phẩm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu;

- Nghiên cứu triển khai các biện pháp hỗ trợ, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hàng năm cho các hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm với thị trường trong và ngoài nước.

5. Sở Giao thông vận tải:

Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển hợp tác xã vận tải đề xuất áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh (hoàn thành năm 2015); hướng dẫn các hợp tác xã vận tải tham gia hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định và xe taxi;

6. Sở Nội vụ: Trên cơ sở đề nghị các Sở, Ban, ngành tỉnh có chức năng nhiệm vụ về kinh tế tập thể, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ về kinh tế tập thể theo quy định của pháp luật;

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các hợp tác xã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch và dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, Quỹ tín dụng nhân dân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang sử dụng đất vào các mục đích xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai Chương trình liên quan đến lĩnh vực thực hiện pháp luật lao động trong khu vực kinh tế tập thể; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm cho thành viên và người lao động các hợp tác xã, tổ hợp tác.

9. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất thực hiện Cổng thông tin điện tử chuyên đề về kinh tế tập thể nhằm giúp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, giới thiệu các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh,...; tham mưu xây dựng đề án hỗ trợ trang bị, sử dụng công nghệ thông tin cho các hợp tác xã nông nghiệp.

10. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu, chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của các hợp tác xã, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm; tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho việc đổi mới, phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.

11. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các Hợp tác xã xây dựng, Tổ hợp tác xây dựng về thiết kế, quy mô xây dựng trường học, đường đan nông thôn, Chợ,... theo các tiêu chí nông thôn mới.

12. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Trà Vinh: Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020; chỉ đạo, hướng dẫn các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn củng cố, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động dựa trên nhu cầu thực tế và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, an toàn và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã có hoạt động tín dụng nội bộ.

13. Cục Thuế tỉnh: Tham mưu để ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với các các hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định hiện hành; tham mưu, đề xuất hướng dẫn xử lý các khoản nợ thuế không có khả năng trả nợ của các hợp tác xã.

14. Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Phối hợp các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể trên các lĩnh vực: Chính sách, pháp luật, tín dụng, thị trường, khoa học và công nghệ,... Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hợp tác xã, hướng dẫn thành viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu việc triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với kinh tế tập thể;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kinh tế tập thể, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ làm công tác tư vấn hợp tác xã.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này và xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình. Hàng năm, các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế tập thể gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp và báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, các Phó VP UBND tỉnh;
- Các Phòng NC: KTTH, TH;
- Lưu: VT, KTKT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Thành Tâm