Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2017

Thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2016 của UBND Thành phố về việc phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố triển khai Kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn Thành phố năm 2017, như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Tăng cường sự đồng thuận, quyết tâm và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh công tác đấu tranh tội phạm chứa, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm. Giảm dần các tụ điểm mại dâm nơi công cộng và trong cơ sở kinh doanh dịch vụ. Giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm, hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm. Đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững.

2. Chỉ tiêu

- Triệt xóa 200 vụ án liên quan hoạt động mại dâm.

- Xét xử 150 vụ án liên quan tệ nạn mại dâm.

- Triệt xóa 01 tụ điểm hoạt động mại dâm tại khu vực đường Lê Duẩn (đoạn công viên Lênin), phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

- Kiểm tra, xử phạt hành chính 500 lượt người bán dâm vi phạm trên địa bàn Thành phố.

- Công an thành phố Hà Nội kiểm tra hành chính tại 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

- Không để tái hoạt động trở lại đối với 20 tụ điểm mại dâm nơi công cộng đã triệt xóa từ năm 2009 đến năm 2016 (Chi tiết theo phụ lục 02).

- Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm tại 54 xã, phường, thị trấn (chi tiết theo phụ lục 01).

- Xây dựng, duy trì 80% tổng số xã, phường, thị trấn (470/584 xã, phường, thị trấn) không có tệ nạn mại dâm.

- Hỗ trợ tín dụng cho 05 người bán dâm giúp họ ổn định cuộc sống và không tái vi phạm hoạt động bán dâm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm

- Tăng cường tuyên truyền góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về tệ nạn mại dâm, nắm bắt chính sách của Đảng và nhà nước trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay.

- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; hệ lụy của mại dâm đối với đời sống xã hội. Nêu gương điển hình người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời phê phán những địa phương để tệ nạn mại dâm gia tăng.

- Chú trọng tuyên truyền trực tiếp, vận dụng các hình thức văn hóa, văn nghệ truyền thống, áp dụng các phương tiện hiện đại nâng cao hiệu quả, chất lượng tuyên truyền. Tăng cường tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn khu vực giáp ranh, phức tạp về tệ nạn mại dâm, khu vực có nhiều trường đại học, khu trọ của sinh viên, nhóm di biến động, lao động ngoại tỉnh.

- Huy động các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở tham gia tư vấn, vận động nhân dân không định kiến, kỳ thị, giúp đỡ người bán dâm không tái vi phạm tệ nạn xã hội.

- Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị xã hội Thành phố trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với những nội dung, hình thức và biện pháp phù hợp từng đối tượng, địa bàn. Gắn với phong trào xây dựng gia đình, làng, phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

2. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm

a) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống mại dâm

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các chương trình, chính sách an sinh xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm.

- Cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nhiệm vụ phòng, chống mại dâm vào nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phối hợp các Sở, Ban, ngành, đoàn thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa và kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi thiếu trách nhiệm bao che, dung túng, tham gia hoạt động tệ nạn mại dâm.

- Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp; phân công nhiệm vụ, phân công địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành.

- Tăng cường cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm giữa các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, thông tin, báo cáo, chế độ giao ban, thường xuyên trao đổi, kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý người bán dâm trên địa bàn Thành phố để thống kê, quản lý số người bán dâm bị xử phạt hành chính trên địa bàn Thành phố. Tổ chức tiếp cận, giáo dục, tư vấn, xem xét nguyện vọng của người bán dâm để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống tránh tái vi phạm hoạt động mại dâm.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phòng, chống mại dâm

- Thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Ngăn chặn và xử lý kịp thời những dấu hiệu hoạt động mại dâm, không để lan rộng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

- Tăng cường các hoạt động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, trấn áp tội phạm liên quan đến mại dâm, triệt phá các tụ điểm, “khu vực”, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh công tác điều tra, triệt xóa các tụ điểm mại dâm công cộng, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; tuần tra, kiểm soát tại các tụ điểm đã triệt xóa, không để tái hoạt động trở lại.

- Xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm, tăng cường xét xử lưu động các vụ án liên quan đến hoạt động môi giới, chứa chấp mại dâm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

- Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng các sản phẩm văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích dục.

- Công bố các số điện thoại nóng, hộp thư tố giác tội phạm, vận động nhân dân cung cấp tin, thư liên quan đến tội phạm mại dâm.

- Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các địa bàn dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Thực hiện công tác hậu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định, khắc phục thiếu sót tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã kiểm tra hoặc đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Tích cực kiểm tra hành chính, theo dõi di biến động lao động ngoại tỉnh, đặc biệt tại những khu vực có nhiều nhà trọ, nhà cho thuê. Quản lý chặt chẽ những đối tượng nghi vấn, kịp thời phát hiện các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm để có kế hoạch triệt xóa.

3. Nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã tại các xã, phường, thị trấn. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình phòng, chống mại dâm theo phân loại đánh giá sự chuyển hóa.

- Củng cố, kiện toàn Đội Công tác xã hội tình nguyện để nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ người bán dâm và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống mại dâm tại cơ sở.

4. Xây dựng, triển khai mô hình trợ giúp người bán dâm tại cộng đồng

Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm theo kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 08/12/2014 của UBND Thành phố về “Triển khai thực hiện cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn Thành phố theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ”. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho đối tượng có nhu cầu được vay vốn, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, không tái vi phạm hoạt động mại dâm.

5. Nâng cao năng lực bộ máy cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước, công tác xã hội để làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở địa phương; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong đấu tranh phòng, chống mại dâm, xây dựng xã, phường, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.

- Tổ chức tập huấn, hội thảo, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm; Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; kiện toàn, Tổ công tác liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm và Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp.

6. Kinh phí

Kinh phí phục vụ công tác phòng, chống mại dâm thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên hàng năm của các đơn vị và kinh phí của cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo. UBND các cấp quan tâm bố trí kịp thời kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm theo kế hoạch được phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND Thành phố, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Thành phố và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức tập huấn các văn bản mới liên quan công tác phòng, chống mại dâm; học tập, trao đổi, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Chủ trì triển khai công tác của Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm ở địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm.

- Phối hợp các Sở, Ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về sớm ổn định cuộc sống; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra hoạt động chỉ đạo, tiến độ thực hiện và kết quả thực hiện mô hình phòng, chống mại dâm; chấm điểm, phân loại, đánh giá chuyển hóa xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh; công tác hỗ trợ cho vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài chính nắm bắt tình hình bố trí, đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội xử phạt người mua dâm, người bán dâm, hành vi khác liên quan đến mua dâm, bán dâm, lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

- Phối hợp Công an thành phố Hà Nội sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý người vi phạm tệ nạn xã hội, nắm bắt danh sách người bán dâm thông qua việc xử phạt hành chính đối với người bán dâm trên địa bàn để nắm bắt số lượng người bán dâm và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

2. Công an thành phố Hà Nội

- Phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm mại dâm; tổ chức điều tra, triệt phá các ổ nhóm, đường dây và tụ điểm mại dâm; gắn chương trình phòng, chống mại dâm với chương trình phòng, chống tội phạm; quản lý, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng công an các cấp hoàn thành các chỉ tiêu năm 2017 về triệt phá 200 vụ án mại dâm, xóa 01 tụ điểm tệ nạn mại dâm tại khu vực đường Lê Duẩn (đoạn công viên Lênin), phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan, Công an các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, xác định cụ thể các tuyến, tụ điểm mại dâm, tiến hành lập án đấu tranh, triệt xóa các ổ nhóm, tụ điểm, đường dây mại dâm không để hình thành các ổ nhóm, tụ điểm, đường dây hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Chỉ đạo Công an xã, phường tăng cường tuần tra kiểm tra, duy trì trong sạch các địa bàn có tụ điểm mại dâm đã triệt xóa.

- Phát động nhân dân tố giác, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn mại dâm, tổ chức đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận tin, thư tố giác của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, theo dõi di, biến động người ngoại tỉnh sinh sống trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan tiếp cận, giáo dục, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý hỗ trợ pháp lý, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người bán dâm. Chỉ đạo Công an các cấp thực hiện chế độ báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ tháng, quý, năm về tình hình xử phạt vi phạm hành chính, cập nhật phần mềm quản lý người vi phạm tệ nạn xã hội, tổng hợp, gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

- Tham gia Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố; quản lý về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trọng tâm là nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, vũ trường, cơ sở tẩm quất, thư giãn và các cơ sở kinh doanh văn hóa, du lịch; phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

- Chỉ đạo Công an các cấp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

3. Sở Văn hóa và Thể thao

- Thực hiện tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm tại các đơn vị trực thuộc. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động các cuộc diễu hành, mít tinh phòng, chống mại dâm.

- Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư văn hóa... gắn với hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng, chống HlV/AIDS.

- Phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

- Phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, lưu hành văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa liên quan đến phòng, chống mại dâm; thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm tệ nạn mại dâm, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ văn hóa.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Xây dựng các tài liệu giáo dục phù hợp và bồi dưỡng kiến thức phòng, chống mại dâm cho giáo viên, cán bộ và học sinh trong nhà trường ở các cấp học; tăng cường tuyên truyền phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức vào các trường học, lồng ghép các chương trình phòng, chống ma túy, HIV/AIDS.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm.

5. Sở Y tế

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn Hà Nội tham gia Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố. Quản lý, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp, massage trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng các quy định về chuyên môn y tế.

- Chủ trì phối hợp các Sở, Ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm tiếp cận, sử dụng các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chương trình điều trị Methadone cho người bán dâm có sử dụng ma túy; chương trình 100% bao cao su trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn Thành phố.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

- Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, kinh phí phục vụ hoạt động Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố năm 2017. Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã lập dự toán và sử dụng kinh phí đúng mục đích, đối tượng và quyết toán đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn Hà Nội.

7. Sở Tư pháp

- Phối hợp các cấp chính quyền, Sở, Ban, ngành, đoàn thể Thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chủ trương, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn pháp luật về phòng, chống mại dâm.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm.

8. Sở Công Thương

- Phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường... xử lý nghiêm minh các vi phạm theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện tốt nhiệm vụ của Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố, quận, huyện, thị xã.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hướng dẫn các cơ quan báo chí Hà Nội tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống mại dâm, đặc biệt là các tin bài về xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; đồng thời lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.

-Chỉ đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện tuyên truyền sâu rộng công tác phòng, chống mại dâm đến khu dân cư. Phối hợp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương tuyên truyền, không kỳ thị và hỗ trợ tạo việc làm giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

- Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng, chống lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục; chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm tạo sự đồng thuận của xã hội.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm.

10. Sở Du lịch

Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, quản lý, phòng ngừa hoạt động mại dâm tại các điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch. Xử lý nghiêm các cơ sở để xảy ra hoạt động mại dâm trong phạm vi đơn vị quản lý.

11. Cục Hải quan thành phố Hà Nội

Chỉ đạo các đơn vị, đội, trạm hải quan, cửa khẩu phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu thuộc các tuyến hàng không, bưu điện đầu mối, trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh.v.v... phát hiện và phối hợp lực lượng chức năng điều tra vụ việc buôn bán các loại hàng hóa, văn hóa phẩm có tính chất khiêu dâm, đưa người ra nước ngoài, xuất nhập cảnh trái phép vì mục đích mại dâm.

12. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội

Chủ trì, phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HlV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 08/12/2014 của UBND Thành phố.

13. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực truy tố và đưa ra xét xử kịp thời các vụ án về mại dâm. Xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm để giáo dục, răn đe. Tăng cường xét xử án điểm, xét xử lưu động các vụ án về mại dâm trên địa bàn dân cư để tăng cường giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội

- Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” kết hợp phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; giáo dục, vận động đối tượng bán dâm tại cộng đồng không tái vi phạm, phối hợp chính quyền trong phòng, chống mại dâm có hiệu quả.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức hiểu biết về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho các tổ chức thành viên, trong gia đình và cộng đồng.

15. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội

- Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình phòng, chống mại dâm. Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho hội viên các Chi hội cơ sở gặp gỡ, tư vấn, giúp đỡ người bán dâm tại cộng đồng, vận động chị em tham gia sinh hoạt ở các Câu lạc bộ do Hội Phụ nữ tổ chức để ngăn ngừa tái phạm; giám sát các chị em trong quá trình học nghề, giải quyết việc làm; giới thiệu các chương trình, dự án, đề tài... có liên quan trong công tác phòng, chống mại dâm, các địa chỉ tư vấn pháp lý, sức khỏe sinh sản, các dịch vụ vay vốn, hỗ trợ việc làm để người bán dâm được tiếp cận, có cơ hội tìm việc làm ổn định cuộc sống, không tái vi phạm tệ nạn mại dâm.

16. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm cho công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý.

17. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm trong thanh niên, sinh viên, học sinh là đoàn viên thanh niên. Xây dựng các mô hình phòng, chống mại dâm phù hợp ở các cấp đoàn cơ sở. Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị liên quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.

18. UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trên địa bàn năm 2017; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cấp huyện.

- Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn hỗ trợ hợp pháp để đảm bảo kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mại dâm năm 2017.

- Thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ. Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn.

- Hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, mô hình phòng, chống mại dâm; phân loại, chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

- Chỉ đạo lực lượng công an và các ban, ngành của địa phương tổ chức khảo sát, triệt xóa các tụ điểm mại dâm trên địa bàn; không để tái hoạt động trở lại các tụ điểm mại dâm công cộng đã triệt xóa.

- Cập nhật phần mềm quản lý người vi phạm tệ nạn xã hội, tổng hợp báo cáo đột xuất, thường xuyên, định kỳ tháng, quý, năm về công tác phòng, chống mại dâm, tình hình triệt xóa các tụ điểm mại dâm và xử phạt hành chính về hành vi vi phạm tệ nạn mại dâm, công tác tiếp cận, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm tại địa bàn các xã, phường, thị trấn gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội (qua Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

+ Bố trí đủ cán bộ có năng lực làm công tác phòng, chống mại dâm; kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành cấp xã theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu quả Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã.

+ Xây dựng kế hoạch phòng, chống mại dâm, đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mại dâm vào sinh hoạt tổ dân phố, khu dân cư và các Câu lạc bộ của các Hội, đoàn thể ở địa phương duy trì và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

+ Thực hiện có hiệu quả mô hình phòng, chống mại dâm; quản lý, duy trì trong sạch địa bàn không để hiện tượng mại dâm tái hoạt động tại các tụ điểm mại dâm công cộng đã được triệt xóa. Thống kê, báo cáo số người vi phạm tệ nạn mại dâm bị xử phạt hành chính trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

+ Chú trọng công tác hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm, bán dâm nghiện ma túy tại địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp, không tái hoạt động mại dâm.

UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, các đoàn thể Thành phố và yêu cầu các Sở, Ban, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ Kế hoạch của UBND Thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình của ngành, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện (gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội)./.

 

 

Nơi nhận:
- UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Bộ LĐTB&XH;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- T.Trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Lê Hồng Sơn, Ngô Văn Quý;
- Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể liên quan;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP N.N Kỳ, P.C.Công, các Phòng: KGVX, TKBT, NC, TH;
- Lưu: VT, KGVX(Tue).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

PHỤ LỤC SỐ 01

DANH SÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ÁP DỤNG MÔ HÌNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 10/02/2017 của UBND Thành phố)

STT

Quận, huyện, thị xã

Xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình PCMD

Duy trì 2017

Áp dụng mới năm 2017

Tổng số năm 2017

1

Quận Ba Đình

Phường Ngọc Khánh
Phường Cống Vị

 

2

2

Quận Hoàn Kiếm

Phường Chương Dương
Phường Tràng Tiền
Phường Phan Chu Trinh

 

3

3

Quận Cầu Giấy

Phường Quan Hoa
Phường Trung Hòa

 

2

4

Quận Long Biên

Phường Bồ Đề
Phường Đức Giang
Phường Ngọc Thụy

Phường Ngọc Lâm

4

5

Quận Hoàng Mai

Phường Giáp Bát
Phường Thịnh Liệt

 

2

6

Huyện Gia Lâm

Thị trấn Yên Viên
Xã Yên Viên

 

2

7

Huyện Thanh Trì

Xã Tân Triều
Xã Ngọc Hồi
Xã Ngũ Hiệp
Xã Liên Ninh
Xã Vĩnh Quỳnh

 

5

8

Quận Nam Từ Liêm

Phường Cầu Diễn
Phường Phú Đô

 

2

9

Quận Bắc Từ Liêm

Phường Xuân Đỉnh
Phường Cổ Nhuế 1

 

2

10

Huyện Đông Anh

Xã Vĩnh Ngọc
Xã Kim Chung
Xã Mai Lâm
Xã Dục Tú
Xã Nam Hồng

Thị trấn Đông Anh

6

11

Huyện Sóc Sơn

Xã Phú Minh
Xã Tiên Dược
Xã Phù Linh
Thị trấn Tân Dân

 

4

12

Quận Hà Đông

Phường Mộ Lao
Phường Vạn Phúc
Phường Phú Lương
Phường Dương Nội
Phường Phúc La
Phường Phú Lãm

 

6

13

Huyện Thạch Thất

Thị trấn Liên Quan
Xã Thạch Hòa
Xã Bình Yên

 

3

15

Huyện Hoài Đức

Xã Vân Côn

 

1

16

Huyện Ba Vì

Xã Tản Lĩnh
Xã Thuần Mỹ

 

2

17

Quận Đống Đa

Phường Láng Hạ
Phường Láng Thượng

 

2

18

Quận Hai Bà Trưng

Phường Thanh Lương
Phường Bạch Đằng

Phường Lê Đại Hành

3

19

Quận Thanh Xuân

0

Phường Thanh Xuân Nam

1

20

Huyện Mê Linh

0

Xã Quang Minh
Xã Thanh Lâm

2

 

Tổng cộng

48

6

54

 

PHỤ LỤC SỐ 02

TỤ ĐIỂM MẠI DÂM CÔNG CỘNG ĐÃ TRIỆT XÓA ĐANG DUY TRÌ TRONG SẠCH ĐỊA BÀN
(Kèm theo Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 10/02/2017 của UBND Thành phố)

STT

Quận - Huyện

THỜI GIAN TRIỆT XÓA TỤ ĐIỂM BÀN GIAO CHO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

1

Ba Đình

 

Đường Bưởi - Công viên Thủ lệ, phường Ngọc Khánh

Dốc Tập lái phường Cống Vị

 

 

 

 

khu vực đường ven sông Tô Lịch đoạn từ đầu phố Hoàng Quốc Việt đến cầu Nguyễn Khánh Toàn thuộc phường Cống Vị

2

Hoàng Mai

 

 

 

Đường Giải Phóng, phường Phương Liệt

 

 

 

 

2

Tây Hồ

 

Đường Hoàng Hoa Thám (phía sau trường cấp II Chu Văn An) thuộc phường Thụy Khuê và Ngọc Hà

 

 

 

 

 

 

3

Cầu Giấy

Cổng Bảo tàng Dân tộc học phường Quan Hoa

Dốc Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa

 

 

 

 

 

 

4

Hoàn Kiếm

 

Khu vực phố Yết Kiêu -Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, phường Cửa Nam

 

 

 

Đường Phạm Ngũ Lão, Dốc Bát Cổ thuộc phường Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Chương Dương

 

 

5

Hai Bà Trưng

Khu vực Hàng Chuối - Phan Huy Chú, phường Phạm Đình Hổ

 

Xung quanh Hồ Thiền Quang, phường Nguyễn Du,

 

Đường Trần Bình Trọng - Cung văn hóa Hữu Nghị, phường Trần Hưng Đạo.

 

 

 

6

Long Biên

 

Dốc Chương Dương - cây xăng Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy

 

Khu vực bến xe Gia Lâm-vườn hoa Gia Lâm, P Ngọc Lâm

 

 

 

 

7

Từ Liêm

1. Km 10 Phùng Khoang, phường Trung Văn

2. Đường 32 địa phận xã Phú Diễn - Minh Khai

 

 

 

Khu vực Cầu Đôi, phường Đại Mỗ.

 

 

 

8

Hà Đông

 

 

 

Khu vực làng Việt Kiều Châu Âu, đường Trần Phú, phường Mỗ Lao,

 

 

Đường Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông

 

9

Thạch Thất

 

 

 

 

Ngã ba đường Láng - Hòa Lạc đại lộ Thăng Long, xã Hòa Thạch.

 

 

 

Tổng cộng (20)

4

5

2

3

3

1

1

1