Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG VỤ NĂM 2020

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND Thành phố về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội; Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố về ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Thực hiện Chủ đề công tác năm 2020 của Thành phố “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thông qua hoạt động kiểm tra để đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực; đồng thời, phát hiện những tồn tại, thiếu sót, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ; đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực thi nhiệm vụ công vụ và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ cấp Thành phố đến cơ sở trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

- Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân của các cơ quan, đơn vị nhà nước thuộc thành phố Hà Nội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức (đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp); có phong cách ứng xử văn minh; xây dựng nề nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu; kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu đối với tổ chức, công dân.

- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của công dân, tổ chức; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những nội dung về thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ.

2. Yêu cầu

- Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo đúng pháp luật, chính xác, khách quan, trung thực.

- Không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng kiểm tra công vụ.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Đối tượng

- Các sở, cơ quan tương đương sở; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố; các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại Thành phố (sau đây gọi tắt là các sở, ban, ngành); UBND các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố; một số doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố có liên quan đến nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính được UBND Thành phố giao;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại: các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố; một số doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố có liên quan đến nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính được UBND Thành phố giao.

2. Nội dung

- Việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công đối với cá nhân và tổ chức, trong đó tập trung kiểm tra việc giải quyết hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư của các cơ quan, đơn vị;

- Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

- Việc tổ chức triển khai các nội dung công việc, nhiệm vụ được Thành ủy, UBND Thành phố giao; trong đó, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 05 năm, 2015 - 2020;

- Việc triển khai, kết quả thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 19/9/2016 của UBND Thành phố về triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2020 của UBND Thành phố;

- Việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ; các Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 và Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố;

- Việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bộ thủ tục hành chính, quy trình, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Phương pháp

- Kiểm tra theo chương trình, kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất (không thông báo trước thời gian và địa điểm kiểm tra).

- Kiểm tra theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố hoặc theo thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí được UBND Thành phố giao cho Sở Nội vụ tại Quyết định số 6999/QĐ-UBND ngày 06/12/2019. Các thành viên Đoàn Kiểm tra công vụ được bồi dưỡng số tiền 200.000 đồng/người/ngày (áp dụng mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

Là cơ quan thường trực của Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố có trách nhiệm:

- Dự thảo trình UBND Thành phố ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố để tiến hành hoạt động kiểm tra công vụ.

- Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra công vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố để báo cáo UBND Thành phố.

2. Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố

2.1. Thành phần Đoàn Kiểm tra công vụ

- Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố do Chủ tịch UBND Thành phố quyết định thành lập.

- Cơ cấu của Đoàn Kiểm tra công vụ bao gồm: Trưởng Đoàn là Giám đốc Sở Nội vụ; Phó trưởng Đoàn thường trực là Phó Giám đốc Sở Nội vụ; các Phó trưởng Đoàn là Phó Chánh Thanh tra Thành phố, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ; thành viên Đoàn là công chức của Sở Nội vụ, Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp.

- Căn cứ điều kiện cụ thể và nội dung chuyên đề kiểm tra công vụ, Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố có thể mời công chức, viên chức thuộc Bộ Nội vụ và một số sở, ban, ngành Thành phố tham gia Đoàn Kiểm tra; các cơ quan thông tấn, báo chí thuộc Thành phố cử cán bộ tham gia và đưa tin về hoạt động của Đoàn Kiểm tra.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Nhiệm vụ

Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố có nhiệm vụ sau đây:

- Triển khai các hoạt động kiểm tra công vụ theo nội dung nêu trong kế hoạch này;

- Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; báo cáo định kỳ 06 tháng và cả năm về kết quả kiểm tra công vụ;

- Nhiệm vụ cụ thể các các thành viên Đoàn Kiểm tra do Trưởng Đoàn Kiểm tra phân công.

b) Quyền hạn

Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố có quyền hạn sau đây:

- Được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra:

+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra (trừ những thông tin, tài liệu đang bảo mật) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

+ Báo cáo, giải trình về nội dung kiểm tra;

+ Thực hiện kiến nghị, yêu cầu, kết luận của Đoàn Kiểm tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Ban hành thông báo kết quả kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra; kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm, có biện pháp khắc phục tồn tại, thiếu sót được nêu ra qua hoạt động kiểm tra;

- Đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kiến nghị của Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Được sử dụng các phương tiện thu phát thông tin để phục vụ hoạt động kiểm tra.

3. Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công vụ; quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra công vụ để kiểm tra công vụ tại cơ quan, đơn vị mình và cấp dưới trực thuộc, Trưởng đoàn là lãnh đạo cơ quan, đơn vị;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị;

- Tổ chức thực hiện kiến nghị, yêu cầu, kết luận của Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về kết quả kiểm tra công vụ tại cơ quan, đơn vị mình với UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ để tổng hợp);

- Tổng hợp kết quả kiểm tra công vụ 06 tháng và cả năm, gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị cần kịp thời báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố;
- VPUBTP: CVP, Các PCVP;
Các phòng: NC, TKBT, KT, KSTTHC, HCTC;
- Các báo, đài Thành phố: Hà Nội Mới, Kinh tế &Đô thị, Pháp luật và xã hội;
- Lưu: VT, NC(Bình).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung