Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KH-UBND

Lào Cai, ngày 04 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Đề án số 01-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về Tái cơ cấu nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 654/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ kết quả triển khai Kế hoạch số 164/KH-UBND, ngày 06/10/2014 của UBND tỉnh Lào Cai “Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai đến năm 2020”.

Năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi đạt 63.189 tấn, đạt 124 % KH (50.833 tấn). Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 43% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, vượt 3,5% so với mục tiêu Đề án số 01 (37,4%). Sản lượng thịt hơi bình quân 87,5 kg/người/năm, đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, ngoài ra hàng năm cũng đã có một lượng khá lớn sản phẩm xuất bán ra ngoại tỉnh. Việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang chăn nuôi trang trại bước đầu phát triển khá tốt ở vùng thấp, toàn tỉnh hiện có 504 trang trại gia súc, gia cầm. Chăn nuôi hàng hóa đã giúp cho nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, trở thành hộ khá, giàu. Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: (i) Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm trên 90% tổng số hộ chăn nuôi, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi, trình độ nhận thức, ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Đây chính là nguyên nhân làm dịch bệnh ngày càng phát sinh nhiều trên đàn vật nuôi; (ii) Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi chưa phát triển, chủ yếu sản xuất tự phát, không cân đối được nguồn cung - cầu của thị trường; (iii) Một số sản phẩm chăn nuôi (trâu, lợn) của cả nước, trong đó có tỉnh Lào Cai chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, giá cả thường xuyên bấp bênh do chính sách biên mậu của nước bạn.

Căn cứ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay: trung bình 03kg thịt/người/tháng (tương đương với 4,5kg thịt hơi), 54kg/người/năm. Dân số của tỉnh Lào Cai, năm 2019 có khoảng 722.736 người, nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân toàn tỉnh là 39.000 tấn thịt hơi/năm; nhu cầu tiêu thụ của khách du lịch và lao động ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 tấn/năm. Ngoài ra, ước lượng thực phẩm cần cho các lễ hội, tiệc hiếu, hỷ... khoảng 8.000 tấn/năm. Như vậy, tổng nhu cầu thịt hơi của tỉnh trong năm 2019 là 53.000 tấn. Theo Kế hoạch năm 2019 sản lượng thịt hơi đạt 58.610 tấn, dư 5.610 tấn (xuất bán ra ngoại tỉnh, chế biến các sản phẩm hàng hóa: lạp sườn, thịt sấy, giò, chả...). Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh khoảng 54.000 tấn.

Căn cứ tình hình, tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): hiện nay bệnh DTLCP chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát, dịch đang lây lan mạnh... Theo thông tin của Cục Thú y: từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 18/8/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 6.888 xã, 592 huyện của 62 tỉnh, thành phố, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 4.385.996 con (chiếm 15,6% tổng đàn lợn cả nước), trọng lượng tiêu hủy 253.212 tấn. Tại tỉnh Lào Cai, từ ngày 17/5/2019 đến ngày 27/8/2019 bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.939 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (chiếm 5,53 % số hộ chăn nuôi lợn toàn tỉnh) thuộc 108/164 xã, phường của 9/9 huyện, thành phố làm 22.188 con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy, trọng lượng 973.625kg (Số liệu thống kê 01/10/2018, tổng đàn lợn khoảng 525.278 con, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2018 là 50.450 tấn), số lợn tiêu hủy bằng 4,2% tổng đàn, trọng lượng tiêu hủy bằng 1,9% tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng. Hiện nay bệnh DTLCP vẫn tiếp tục lây lan mạnh như dự báo tại tình huống 2 của Kế hoạch số 257/KH-UBND tỉnh ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh Lào Cai “Bệnh DTLCP tiếp tục lây lan, dự báo đến hết năm 2019, ước khoảng 10% số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị dịch; số lợn phải tiêu hủy ước 10% tổng đàn”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai đến năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, nhu cầu ẩm thực của khách du lịch, mở rộng thị trường ngoại tỉnh và hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

- Chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại an toàn sinh học (đặc biệt với bệnh DTLCP), an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giá trị và hiệu quả chăn nuôi.

- Hình thành các vành đai cung cấp thực phẩm cho các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch trên cơ sở các chuỗi liên kết khép kín sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.

- Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, vùng để chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi hữu cơ dựa trên các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương để nâng cao giá trị.

2. Mục tiêu cụ thể

- Năm 2019: Sản lượng thịt hơi các loại đạt 58.000 tấn. Trong đó: thịt lợn 45.500 tấn, thịt gia cầm 9.820 tấn, thịt trâu 2.120 tấn, thịt bò 560 tấn, thịt ngựa 158 tấn, thịt dê 225 tấn, các loại thịt khác 227 tấn; trứng: 46,4 triệu quả. Bình quân sản phẩm chăn nuôi đạt 81 kg thịt hơi và 64 quả trứng/người/năm.

- Năm 2020: Sản lượng thịt hơi các loại đạt 59.620 tấn. Trong đó: thịt lợn 45.800 tấn, thịt gia cầm 10.500 tấn, thịt trâu 2.130 tấn, thịt bò 570 tấn, thịt ngựa 158 tấn, thịt dê 230 tấn, các loại thịt khác 232 tấn; trứng 50,4 triệu quả.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ra ngoại tỉnh, xuất bán hàng năm khoảng 4-5 ngàn tấn thịt hơi các loại.

- Tăng cường khả năng kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm (Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Dại chó, bệnh Tai xanh ở lợn).

II. NỘI DUNG CƠ CẤU

1. Tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng và phương thức chăn nuôi

1.1. Vùng thấp (gồm các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai và một số xã vùng thấp của huyện Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà)

- Ưu tiên, khuyến khích các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gia cầm chuyển đổi mạnh đầu tư sang chăn nuôi trang trại đủ điều kiện theo Điều 55 Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ 01/01/2020); áp dụng quy chuẩn an toàn sinh học theo QCVN 01-14:2010/BNNPTNT, QCVN 01 -15:2010/BNNPTNT (Trang trại biệt lập, cách xa khu dân cư, nhà ở, đường giao thông... ti thiểu 100 m); thực hiện chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), hoặc các tiêu chuẩn an toàn khác để liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn; hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

Phát triển chăn nuôi bò sữa ở những vùng có điều kiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi công nghệ cao (Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát...).

Phương thức chăn nuôi lợn, gà đẻ và bò sữa theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, công nghệ cao và chăn nuôi hướng hữu cơ; đàn gia cầm thịt chủ yếu nuôi theo phương thức bán công nghiệp, bán chăn thả, có quản lý.

- Đối với những hộ duy trì quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ: Phải đầu tư đảm bảo điều kiện chăn nuôi theo Điều 56 của Luật Chăn nuôi.

Phương thức chăn nuôi bán công nghiệp, kết hợp với phương thức chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi hướng hữu cơ, sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại chỗ chế biến thức ăn chăn nuôi (thức ăn hỗn hợp, ủ men vi sinh...) để nâng cao giá trị.

1.2. Vùng cao (gồm các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa và các xã vùng cao của huyện Văn Bàn, Bát Xát)

Tận dụng lợi thế về giống vật nuôi bản địa đặc hữu, đất đai chưa sử dụng hoặc trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn thô xanh, nguồn phụ phẩm trồng trọt và lương thực sẵn có phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa; lợn đen và gia cầm bản địa tạo các sản phẩm đặc sản, chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ẩm thực (các món ăn truyền thống, sản phẩm qua chế biến: nạp sườn, thịt sấy, giò, chả...) để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng.

Hướng dẫn, vận động người dân xây dựng, sửa chữa chuồng trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi theo Điều 56 Luật Chăn nuôi: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch an toàn cho vật nuôi; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

2. Tái cơ cấu các loại vật nuôi chính

Hiện tại lượng thực phẩm sản xuất, cung ứng tại chỗ cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, chưa xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá, tất cả các mặt hàng thực phẩm (thịt lợn, trâu, bò, ngựa, gà và thủy sản cơ bản vẫn giữ giá như giai đoạn trước khi xảy ra bệnh DTLCP; giá thịt lợn thấp hơn các tỉnh vùng xuôi).

Một số hộ chăn nuôi gia cầm đã chủ động tăng đàn và một số hộ chăn nuôi lợn bị mắc bệnh DTLCP đã chuyển đổi sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác (trâu, bò, dê, gia cầm).

Tuy nhiên, bệnh DTLCP còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó ngăn chặn. Theo tình huống 2 của Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh Lào Cai: dự báo đến hết năm 2019, ước khoảng 10% số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị dịch; số lợn phải tiêu hủy ước 10% tổng đàn (thời điểm 01/4/2019) bằng khoảng 48.000 con, trọng lượng tiêu hủy khoảng 2.100 tấn, bằng 4% sản lượng thịt lợn và bằng 3,3% tổng sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh năm 2018.

Để nhanh chóng khống chế dịch, ổn định sản xuất chăn nuôi, đảm bảo an ninh thực phẩm cho tỉnh, thực hiện cơ cấu đàn vật nuôi chính như sau:

2.1. Đàn lợn

Phát triển tổng đàn lợn đến hết 2019 đạt 475.000 con, năm 2020 đạt 485.000 con.

Chính quyền các địa phương tăng cường, quyết liệt hơn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác chỉ đạo phòng chống bệnh DTLCP; thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh Lào Cai và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh để sớm khống chế dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và kinh phí của Nhà nước cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, tranh thủ xuất bán đàn lợn đủ tuổi giết thịt để hạn chế rủi ro.

Tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn, chủ động sản xuất con giống tại chỗ, tạm dừng việc bổ sung tăng đàn nái và đực giống. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hộ chăn nuôi tự ý mua con giống lợn từ các địa phương khác về nuôi, không tuân thủ đúng Hướng dẫn số 4292/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm soát, vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có dịch bệnh DTLCP.

Đối với xã chưa có bệnh DTLCP, các hộ không chủ động sản xuất được con giống chỉ mua trong thôn, xã; đàn lợn khi mua về phải được tiêm phòng đầy đủ và thực hiện nuôi cách ly ở khu vực cách biệt với khu đang chăn nuôi lợn của gia đình ít nhất 07 ngày trước khi cho nhập đàn.

Đối với các hộ xuất hiện bệnh DTLCP, chỉ thực hiện tái đàn lợn sau ít nhất 30 ngày kể từ ngày công bố hết dịch, đã thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đảm bảo không còn vi rút gây bệnh DTLCP trong khu vực chăn nuôi; và chỉ mua con giống trong thôn, xã.

Tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cho ăn chế phẩm sinh học để nâng sức đề kháng, quan tâm bảo vệ tốt đàn lợn giống ông bà, bố mẹ. Thống kê quản lý chặt các cơ sở chăn nuôi lợn đực giống và tạm dừng hoạt động kinh doanh lợn đực bằng phương pháp phối giống trực tiếp cho đàn lợn nái trên địa bàn để tránh lây lan dịch bệnh (chỉ sử dụng lợn đực giống để phối giống trực tiếp cho đàn lợn nái trong cùng trang trại hoặc cùng hộ chăn nuôi). Người dẫn tinh viên làm dịch vụ phối giống cho lợn nái phải thực hiện khử trùng triệt để dụng cụ, quần áo bảo hộ, ủng, mũ trước khi vào và ra khỏi chuồng trại chăn nuôi...

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi lợn theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, có phương án đầu tư sản xuất theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-14: 2010/BNNPTNT) ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc thực hành chăn nuôi tốt theo quy trình VietGAHP có thể nhập lợn giống từ các trại lợn an toàn dịch bệnh của các tỉnh nhưng phải thực hiện nghiêm theo đúng Hướng dẫn số 4292/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm soát, vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP.

Vùng thấp chú trọng chuyển đổi tăng cơ cấu đàn lợn ngoại, lợn lai có tỷ lệ máu ngoại cao; vùng cao phát triển mạnh đàn lợn đen bản địa để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh.

Đến năm 2020, tỷ lệ đàn lợn nái lai và lợn nái ngoại chiếm 40%, lợn nái nội chiếm 60%; đàn lợn thịt giống lai và giống ngoại chiếm 50% và lợn thịt giống bản địa chiếm 50%. Chủ động sản xuất con giống thương phẩm tại chỗ để hạn chế thấp nhất nguồn dịch lây lan vào tỉnh (qua nhiều năm theo dõi lượng lợn giống vào tỉnh dưới 2% tổng nhu cầu con giống).

Khuyến khích, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn công nghệ cao tham gia nghiên cứu lai tạo các giống lợn; bảo tồn, phục tráng các giống bản địa; nuôi giữ giống ông bà để sản xuất nhân giống lợn bố mẹ là các giống lợn ngoại, lợn lai cung ứng cho các trang trại, hộ chăn nuôi để chủ động sản xuất con giống có chất lượng tốt, sạch bệnh tại chỗ. Phối hợp với các doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu, chọn lọc nhằm nâng cao năng suất sinh sản, sinh trưởng của giống lợn bản địa.

Đối với đàn giống lợn bản địa trong dân: tăng cường bình tuyển, chọn lọc nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn, sản xuất đủ con giống cho nhu cầu tại chỗ.

2.2. Đàn gia cầm

Phát triển mạnh đàn gia cầm. Năm 2019 tổng đàn đạt 4.122 nghìn con, năm 2020 đạt 4.400 nghìn con.

Cơ cấu giống đến năm 2025, sản lượng đàn gà lông màu, thả vườn chiếm tỷ trọng trên 95%. Các giống gà lông màu gồm các giống nhập nội, các giống gà lai (Đông tảo, gà hồ, gà mía lai với các giống gà nhập nội) khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, có chất lượng thịt thơm, ngon. Bên cạnh đó, phát triển mạnh đàn gà địa phương để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng thịt gà.

Đàn gà công nghiệp lông trắng duy trì tỷ lệ dưới 5% tổng đàn gà, chủ yếu phục vụ nhu cầu khách du lịch nước ngoài.

Phát triển tổng đàn ngan, vịt ngan chiếm khoảng 13-15% tổng đàn gia cầm.

Khuyến khích hỗ trợ 1-2 doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất giống gia cầm ở huyện Bảo Thắng hoặc các huyện, thành phố có đủ điều kiện.

2.3. Đàn trâu, bò

- Đàn trâu:

Phát triển tổng đàn trâu năm 2019 đạt 129 nghìn con, năm 2020 đạt 130 nghìn con.

Tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống thông qua bình tuyển, chọn lọc và luân chuyển trâu đực giống tốt đã được bình tuyển giữa các vùng. Quy hoạch vùng giống trâu tốt ở huyện Bảo Yên gồm 4 xã: Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Thượng Hà, Tân Dương.

- Đàn bò:

Phát triển tổng đàn bò năm 2019 đạt 19 nghìn con, năm 2020 đạt 19.500 nghìn con.

Tập trung cải tạo và nâng cao tầm vóc đàn bò ở vùng thấp bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo từ các giống bò cao sản.

Đối với vùng cao điều kiện giao thông khó khăn, chăn nuôi rải rác sử dụng bò đực giống tốt để cải tạo đàn. Quy hoạch vùng giống bò bản địa tốt ở 2 xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu thuộc huyện Mường Khương và xã Cán Cấu, Lử Thẩn thuộc huyện Si Ma Cai.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, thâm canh ở vùng có điều kiện, trồng cỏ, nuôi nhốt hoặc bán chăn thả. Thực hiện vỗ béo trâu, bò thịt trước khi xuất bán, để rút ngắn thời gian nuôi, tăng trọng lượng xuất chuồng.

* Để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt do lợn mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản hàng hóa chú trọng đầu tư chăn nuôi thâm canh, vỗ béo trâu, bò thịt trước khi xuất bán, quan tâm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, tăng trọng lượng xuất chuồng. Đồng thời, căn cứ điều kiện diện tích chuồng trại, ao nuôi đầu tư tăng quy mô chăn nuôi khoảng 10-15%. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào nhu cầu thị trường, các cơ sở, hộ chăn nuôi lựa chọn đối tượng vật nuôi, quy mô phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, cung vượt quá cầu. Các hộ chăn nuôi lợn đã bị bệnh DTLCP nếu có điều kiện thì chuyển đổi sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác.

(Có các Biểu số 01, 02, 03, 04, 05 kèm theo)

3. Tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng

Trên cơ sở một số chuỗi liên kết chăn nuôi đã hoạt động hiệu quả (Chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm của HTX Quý Hiền, HTX Xuân Tiến, chuỗi lợn hữu cơ của Công ty Anh Nguyên...), tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, Hội ngành hàng.

Xây dựng mô hình liên kết vùng: Lợn đen Mường Khương, Bát Xát; Gà thả đồi Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên; Bò Si Ma Cai, Mường Khương; Trâu Bảo Yên, Văn Bàn... để có lượng sản phẩm đủ lớn cung cấp cho các hợp đồng tiêu thụ cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.

Chú trọng việc xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi: Lợn đen bản địa, Trâu Bảo Yên, Bò vàng vùng cao Lào Cai.... Quan tâm chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm (thịt sấy, lạp sườn, xúc xích, giò, chả...).

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về thú y

Chính quyền các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp khẩn cấp phòng, chống bệnh DTLCP theo Kế hoạch số 257/KH-UBND tỉnh ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh Lào Cai. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại cơ sở; phát hiện yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, các hộ chăn nuôi cố tình vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật làm dịch bệnh lây lan rộng.

Hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi cam kết áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là chăn nuôi lợn, thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP; xây dựng các cơ sở, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh; áp dụng quy trình quản lý an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y với các cơ sở giết mổ, chế biến.

Thực hiện triệt để việc tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm đối với một số bệnh nguy hiểm, nhất là các vùng khống chế, vùng có nguy cơ cao. Kiện toàn hệ thống Thú y, tăng cường giám sát, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm đặc biệt là vật nuôi sống nhập lậu qua biên giới.

Cơ sở, hộ chăn nuôi lợn tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa, nước rác cho lợn ăn, kể cả khi nấu chín. Chủ động đầu tư kinh phí mua hóa chất, vôi bột, hàng tuần rắc vôi bột khu vực chuồng lợn và xung quanh; nhà nước hỗ trợ hóa chất khử trùng tiêu độc cho khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm, khu vực bị dịch, có nguy cơ bị dịch và trong các đợt cao điểm phát động vệ sinh tiêu độc khử trùng.

2. Giải pháp về giống

- Tăng cường nhập giống thuần chủng các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, đa dạng hóa nguồn gen, vật liệu di truyền để làm nguyên liệu cho nhân giống và lai tạo giống.

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ mới trong việc chọn, lai tạo các giống vật nuôi.

- Phát triển hợp lý các giống địa phương, bảo tồn các giống vật nuôi có chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế cao (Trâu Bảo Yên; Vịt Nghĩa Đô; Vịt Sín Chéng; Lợn Mường Khương; Gà H’Mong; Bò vàng vùng cao...).

- Kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống trong nông hộ, tập trung kiểm tra việc công bố tiêu chuẩn chất lượng giống.

- Chủ động sản xuất đủ nguồn giống lợn tại chỗ để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan do nhập giống.

- Kiểm soát và thay thế trâu, bò đực giống và lợn đực giống không đạt chất lượng. Tăng cường quản lý chất lượng đực giống theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vùng thấp hỗ trợ các cơ sở loại bỏ hình thức kinh doanh lợn đực phối giống trực tiếp, chuyển đổi đầu tư xây dựng cơ sở khai thác, thụ tinh nhân tạo để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lây lan..

3. Giải pháp về thức ăn chăn nuôi

- Quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi làm cơ sở cho quy hoạch nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn công nghiệp. Mở rộng diện tích trồng cỏ, cây thức ăn xanh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, giống ưu thế lai và áp dụng quy trình canh tác thâm canh.

- Đầu tư thiết bị cơ khí để thu gom, xử lý chế biến các phụ phẩm nông nghiệp, máy phối trộn thức ăn, dây truyền sản xuất thức ăn để giảm giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng.

- Có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, khuyến khích việc thiết lập hệ thống kênh phân phối thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy xuống trang trại để giảm các khâu trung gian, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi.

4. Giải pháp về giết mổ gia súc, gia cầm

- Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt Phương án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát và bổ sung quy hoạch hệ thống giết mổ, chế biến ở các huyện, thành phố gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo thuận lợi nhất cho việc thu gom, vận chuyển vật nuôi, xử lý môi trường, vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động giết mổ, hạn chế thấp nhất việc giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo quy định về vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Giải pháp về tổ chức sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm

5.1. Tổ chức sản xuất

- Hoàn thiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với hệ thống giống, hệ thống giết mổ, chế biến gia súc gia cầm và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích và hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Củng cố phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các doanh nghiệp và trang trại, giữa các hộ chăn nuôi trong mô hình tổ hợp tác, HTX.

- Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công cùng có lợi giữa các hộ chăn nuôi, chủ trang trại với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với kinh doanh giết mổ, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, vật tư chăn nuôi. Triển khai đồng bộ các khâu quản lý về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi.

- Cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân về việc đăng ký thủ tục đầu tư.

5.2. Thị trường tiêu thụ sản phẩm

- Củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đối với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu thông - tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các doanh nghiệp và Hiệp hội, Chương trình OCOP.

- Khai thác thị trường khách du lịch với các sản phẩm chăn nuôi đặc sản, đặc hữu.

- Khai thác các thị trường có nhiều tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc.

- Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại.

6. Giải pháp về chính sách

6.1. Hỗ trợ đầu tư phát triển

- Các địa phương quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các trang trại, cơ sở chăn nuôi đủ điều chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm theo chuỗi tiếp cận, thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tiếp nhận các chương trình Dự án từ nguồn chương trình giống quốc gia...

- Huy động nguồn lực từ các Chương trình: Nông thôn mới, mục tiêu Giảm nghèo bền vững, khuyến công, nguồn sự nghiệp khoa học, mô hình khuyến nông hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

6.2. Đất đai dành cho chăn nuôi

- Các địa phương quy hoạch cụ thể diện tích đất dành cho xây dựng khu chăn nuôi tập trung, trang trại, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

- Tận dụng diện tích đất chưa sử dụng, chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp để trồng cây làm thức ăn chăn nuôi.

6.3. Chính sách xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm

Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và quảng bá các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại lĩnh vực chăn nuôi thông qua việc tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, xây dựng Website, bố trí điểm bán hàng tại các khu du lịch ...

7. Giải pháp về đào tạo, tập huấn và khuyến nông chăn nuôi

- Đào tạo nhân lực: Hỗ trợ đào tạo cho mỗi trang trại 01 kỹ thuật viên trình độ từ trung cấp chăn nuôi - thú y trở lên. Nội dung đào tạo, tập huấn cho các cơ sở, hộ chăn nuôi: Kỹ thuật chọn giống, sử dụng thuốc thú y, chế biến thức ăn, quy trình sản xuất an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), thụ tinh nhân tạo, quản lý trang trại, giết mổ, chế biến, marketing, xử lý môi trường...

- Nội dung công tác khuyến nông chăn nuôi được thực hiện theo hướng áp dụng khoa học, công nghệ mới tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ưu tiên cho mô hình khuyến nông về giống, thức ăn và chế biến sản phẩm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Căn cứ nội dung Kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi cụ thể trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề cho nông nghiệp, nông thôn để chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tại cơ sở; hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, chỉ đạo và báo cáo cấp có thẩm quyền.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan Thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực quản lý.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan, căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách hàng năm của Tỉnh để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế chính sách và bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho Ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Tham gia, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và TBKT, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch này.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thụ hưởng chính sách theo quy định.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho nông dân nông thôn phù hợp với yêu cầu sản xuất, của từng vùng.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo quản lý, xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về đất đai để đầu tư sản xuất, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường bền vững.

8. Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại, thiết lập mạng lưới phân phối và tìm kiếm thị trường, nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất.

9. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện chiến lược an ninh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn theo quy định.

9. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lào Cai: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn; nghiên cứu đề xuất bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai: Tích cực thông tin, tuyên truyền các nội dung và các mô hình, điển hình, cách làm mới hiệu quả cao về tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai đến năm 2020.

11. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức Đoàn thể tỉnh: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội và phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai đến năm 2020.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai đến năm 2020. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung Kế hoạch nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này thay thế Kế hoạch 164/KH-UBND ngày 06/10/2014 của UBND tỉnh Lào Cai./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động TBXH, Thông tin và Truyền thông;
- Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Lào Cai;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Lào Cai;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi - Thú y;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu VT, TH1, NLN1,2.

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Xuân Trường

 

Biểu số 01:

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2015-2018, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai)

Hạng mục

Đơn vị tính

Tình hình phát triển giai đoạn 2015-2018

Tăng trưởng /năm (%)

Kế hoạch phát triển đến năm 2020

Tăng trưởng 2020/2019

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

TỔNG SẢN LƯỢNG THỊT HƠI CÁC LOẠI

Tấn

55.345

59.861

60.369

63.189

4,5

58.610

60.220

2,7

Sản lượng thịt hơi các loại vật nuôi chính

Tấn

54.843

59.182

59.801

62.579

4,5

58.000

59.600

2,8

I. Gia súc;

 

647.448

670.930

665.041

672.166

 

623.200

629.500

 

1. Đàn lợn

Con

506.056

524.004

514.060

525.278

1,3

475.000

480.000

1,1

- Sản lượng thịt hơi

Tấn

45.080

48.645

48.657

50.450

3,8

45.500

46.300

1,8

2. Đàn trâu

Con

124.982

129.962

131.542

127.619

0,7

129.000

130.000

0,8

- Sản lượng thịt hơi

Tấn

1.902

2.004

2.081

2.100

3,4

2.120

2.160

1,9

3. Đàn bò:

Con

16.410

16.964

19.439

19.269

5,5

19.000

19.500

1,6

- Sản lượng thịt hơi

Tấn

455

503

528

557

7,0

560

580

3,6

4. Đàn ngựa

Con

9.165

8.659

8.494

8.353

-3,0

8.000

8.000

0,0

- Sản lượng thịt hơi

Tấn

152

156

157

166

3,0

160

160

0,0

5. Đàn dê

Con

25.711

43.996

48.888

45.909

21,3

47.000

48.000

2,1

- Sản lượng thịt hơi

Tấn

143

313

205

219

15,3

223

230

3,1

II. Gia cầm chính (Gà, vịt, ngan):

1000 con

3.476

3.751

3.866

4.008

4,9

4.122

4.400

6,7

- Sản lượng thịt hơi

Tấn

7.406

8.030

8.535

9.472

8,5

9.820

10.560

7,5

- Trứng

1000 quả

39.115

40.254

42.025

42.732

3,0

46.400

50.400

8,6

III. SP chăn nuôi khác:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Sản lượng thịt hơi các loại vật nuôi khác (thỏ,...)

Tấn

207

210

206

225

2,8

227

230

1,3

- Sản lượng mật ong

Tấn

49

56

49

50

0,7

51,0

52,0

2,0

Biểu số 02:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN LƯỢNG, TỔNG ĐÀN LỢN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Huyện, thành phố

Năm 2019

Năm 2020

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng số

475.000

45.500

480.000

46.300

1

Thành phố Lào Cai

25.000

2.982

25.050

2.990

2

Huyện Bát Xát

68.600

5.200

68.800

5.230

3

Huyện Mường Khương

28.000

1.584

28.100

1.600

4

Huyện Si Ma Cai

15.800

1.243

16.000

1.270

5

Huyện Bắc Hà

38.500

2.596

39.000

2.650

6

Huyện Bảo Thắng

155.000

21.227

156.500

21.580

7

Huyện Bảo Yên

54.500

4.847

55.000

4.950

8

Huyện Sa Pa

30.000

1.516

30.100

1.530

9

Huyện Văn Bàn

59.600

4.305

61.450

4.500

Biểu số 03:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN LƯỢNG, TỔNG ĐÀN TRÂU TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Huyện, thành phố

Năm 2019

Năm 2020

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng số

129.000

2.120

130.000

2.160

1

Thành phố Lào Cai

3.660

82

3.670

83

2

Huyện Bát Xát

21.840

259

21.970

265

3

Huyện Mường Khương

12.560

58

12.650

60

4

Huyện Si Ma Cai

9.500

282

9.600

284

5

Huyện Bắc Hà

18.360

283

18.460

287

6

Huyện Bảo Thắng

11.180

291

11.250

295

7

Huyện Bảo Yên

18.150

441

18.250

445

8

Huyện Sa Pa

10.450

37

10.550

38

9

Huyện Văn Bàn

23.300

387

23.600

403

Biểu số 03:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN LƯỢNG, TỔNG ĐÀN BÒ TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Huyện, thành phố

Năm 2019

Năm 2020

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng số

19.200

560

19.500

580

1

Thành phố Lào Cai

720

19

720

19

2

Huyện Bát Xát

1.300

48

1.300

48

3

Huyện Mường Khương

3.200

34

3.250

35

4

Huyện Si Ma Cai

4.000

86

4.050

88

5

Huyện Bắc Hà

1.100

76

1.120

78

6

Huyện Bảo Thắng

1.300

145

1.320

148

7

Huyện Bảo Yên

780

24

790

25

8

Huyện Sa Pa

2.400

34

2.450

35

9

Huyện Văn Bàn

4.400

94

4.500

104

Biểu số 04:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN LƯỢNG, TỔNG ĐÀN LỢN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Huyện, thành phố

Năm 2019

Năm 2020

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng đàn (Con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng số

475.000

45.500

480.000

46.300

1

Thành phố Lào Cai

25.000

2.982

25.050

2.990

2

Huyện Bát Xát

68.600

5.200

68.800

5.210

3

Huyện Mường Khương

28.000

1.584

28.100

1.590

4

Huyện Si Ma Cai

15.800

1.243

16.000

1.260

5

Huyện Bắc Hà

38.500

2.596

39.000

2.630

6

Huyện Bảo Thắng

155.000

21.227

156.500

21.430

7

Huyện Bảo Yên

54.500

4.847

55.000

5.020

8

Huyện Sa Pa

30.000

1.516

30.100

1.520

9

Huyện Văn Bàn

59.600

4.305

61.450

4.650

Biểu số 05:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN LƯỢNG, TỔNG ĐÀN GIA CẦM TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Huyện, thành phố

Năm 2019

Năm 2020

Tổng đàn (1000 con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng đàn (1000 con)

Sản lượng (Tấn)

Tổng số

4.122

9.820

4.400

10.560

1

Thành phố Lào Cai

215

640

218

650

2

Huyện Bát Xát

370

886

395

950

3

Huyện Mường Khương

210

348

216

360

4

Huyện Si Ma Cai

146

340

150

350

5

Huyện Bắc Hà

253

630

265

650

6

Huyện Bảo Thắng

1.720

4.890

1.850

5.260

7

Huyện Bảo Yên

573

950

614

1.020

8

Huyện Sa Pa

145

296

152

310

9

Huyện Văn Bàn

490

840

540

920