Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 297/KH-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2017-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 15/6/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi; Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai với các nội dung như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Người cao tuổi năm 2009;

- Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;

- Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;

- Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025;

- Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020

- Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi;

- Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/2/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;

- Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 15/6/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi.

- Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 06/6/2013 của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Lào Cai, giai đoạn 2013-2020;

- Văn bản số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017 của Bộ Y tế về xây dựng và triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

2. Cơ sở thực tiễn

Theo nguồn số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lào Cai năm 2016 có 51.726 người cao tuổi (60+) chiếm 7,42% dân số toàn tỉnh. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 người cao tuổi của tỉnh chiếm 5,98% dân số toàn tỉnh, như vậy tỷ lệ người cao tuổi của tỉnh tăng trung bình 0,205%/năm, với đà tăng số lượng người cao tuổi của tỉnh như hiện nay đến năm 2030 dân số tỉnh ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già (tỷ lệ người cao tuổi  ≥ 10%).

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện, song việc chăm sóc, khám chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi lồng ghép với khám và điều trị chung tại các bệnh viện và khám tại các phòng khám đa khoa khu vực, Trạm Y tế xã, phường (sau đây gọi là trạm y tế), chưa có bệnh viện nào có khoa Lão khoa, nhân lực bác sỹ và điều dưỡng đều chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Năm 2016 khám và tư vấn 209.789 lượt người; điều trị nội trú 20.375 lượt người; số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại trạm y tế xã, phường, thị trấn là 23.604 người. Tuy vậy nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu tại các bệnh viện chưa đáp ứng được cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (thiếu máy thở, máy theo dõi chức năng sống, Monitoring, điện tim, đo độ loãng xương, máy tạo oxy...); tại Trạm Y tế nhân lực, thiết bị dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị cho người cao tuổi còn thiếu (sổ theo dõi và quản lý người cao tuổi, máy khí dung, máy đo đường huyết, bộ khám tai mũi họng).

Già hóa dân số nhanh sẽ tác động lớn tới đời sống, kinh tế, xã hội, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai là rất cần thiết.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% Lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về sức khỏe người cao tuổi.

- 100% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Mục tiêu 2: Nâng cao sức khỏe người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu người cao tuổi. Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.

- 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

Mục tiêu 3: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà, vv...). Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

- 100% bệnh viện tuyến tỉnh (trừ bệnh viện sản nhi) có Khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị cho người cao tuổi;

- 100% người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế.

Mục tiêu 4: Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung. Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.

- Tăng ít nhất 2 lần số người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016.

III. THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian

Đề án được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2025 và chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (2017-2020): Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng: Tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi của các cơ sở y tế; xây dựng các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hướng dẫn sử dụng Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng tổ chức, quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thử nghiệm các mô hình, loại hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dài hạn; thí điểm xây dựng phong trào xã/phường/thị trấn phù hợp với người cao tuổi; nghiên cứu phát triển hệ thống chỉ báo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thực hiện một số nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Giai đoạn 2 (2021-2025): Tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường/thị trấn phù hợp với người cao tuổi; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

2. Phạm vi: Triển khai trên địa bàn toàn tỉnh

3. Đối tượng của Đề án

- Đối tượng hưởng thụ: Người cao tuổi, gia đình có người cao tuổi.

- Đối tượng tác động: Cấp ủy Đảng, Chính quyền và Ban ngành, đoàn thể cán bộ y tế, dân số, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Đề án; cộng đồng người cao tuổi sinh sống.

IV. GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Thường xuyên lồng ghép tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc; lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác nhân Ngày Truyền thống NCT Việt Nam 6/6 và Tháng hành động vì NCT Việt Nam vào tháng 10 hàng năm.

- Xây dựng và triển khai mô hình điểm về tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng (từ năm 2017-2025 mỗi năm mở rộng 02 xã, phường, thị trấn x 09 huyện, thành phố và duy trì các xã đã được triển khai).

2. Xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Phối hợp xây dựng bộ tiêu chí của xã/phường/thị trấn phù hợp với người cao tuổi;

- Hướng dẫn triển khai thí điểm phong trào xây dựng xã/phường/thị trấn phù hợp với người cao tuổi;

- Đánh giá kết quả và phát động phong trào xây dựng xã/phường/thị trấn phù hợp với người cao tuổi.

3. Củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi

a) Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Người cao tuổi:

- Xây dựng và ban hành quy định về nhân lực và trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người cao tuổi của y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn;

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn;

- Bổ sung trang thiết bị thiết yếu cho y tế cơ sở và trạm y tế xã/phường/thị trấn để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng;

- Thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại y tế cơ sở theo quy định;

- Định kỳ hàng năm tổ chức chiến dịch khám sức khỏe và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi (Mỗi năm khám và lập hồ sơ theo dõi tăng 8% trong tổng số người cao tuổi của địa phương).

b) Nâng cao năng lực cho các bệnh viện thực hiện khám và chữa bệnh cho người cao tuổi:

- Xây dựng kế hoạch tiếp nhận, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ tuyến trên;

- Bổ sung trang thiết bị phù hợp điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh là người cao tuổi;

- Phối hợp nghiên cứu khoa học các đề tài, sáng kiến trong khám và điều trị các bệnh về Lão khoa.

4. Xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi

a) Xây dựng, duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình:

- Thành lập tổ tình nguyện viên ở cấp xã; xây dựng về chức năng, nhiệm vụ, cách thức thành lập tổ tình nguyện viên, các chính sách khuyến khích cho các tình nguyện viên; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới tình nguyện viên; trang bị một số thiết bị thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tình nguyện viên. Duy trì các hoạt động của tổ tình nguyện viên ở cấp xã/phường/thị trấn.

- Xây dựng và phát triển mô hình sử dụng bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

b) Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ người cao tuổi khác:

- Xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- Tổ chức tập huấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho người cao tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ để hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe;

- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ tập trung có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

c) Thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho Người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung:

- Xây dựng, triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn và mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày.

- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Đánh giá kết quả mô hình, triển khai mở rộng mô hình.

5. Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Xây dựng kế hoạch đào tạo bác sỹ chuyên khoa Lão khoa; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Lão khoa cho người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Xây dựng và phát triển mô hình bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

6. Hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi

Xây dựng và ban hành quy định hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; Quy định tiêu chuẩn về khoa lão và khu điều trị lão khoa của bệnh viện; các quy chế chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; Bộ tiêu chí xã/phường/thị trấn phù hợp với Người cao tuổi; Quy định, hướng dẫn sử dụng bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; Quy định về khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

7. Nghiên cứu, hợp tác quốc tế

- Triển khai một số nghiên cứu khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại địa phương;

- Tăng cường hợp tác với các trường đại học Y, bệnh viện Lão khoa Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ, các nguồn vay ưu đãi để thực hiện Kế hoạch.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn ngân sách của tỉnh; nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan chủ trì, quản lý và điều phối thực hiện kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đoàn thể liên quan lồng ghép các nguồn lực để triển khai có hiệu quả Kế hoạch. Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện hằng năm.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Kế hoạch; Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh kết quả thực hiện, Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Theo chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Y tế, Hội người cao tuổi tỉnh điều tra rà soát số người cao tuổi phục vụ quản lý, giám sát và xây dựng kế hoạch hàng năm; xây dựng và triển khai chính sách cải thiện phúc lợi cho người cao tuổi; lồng ghép các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động thực hiện mô hình thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan đưa các mục tiêu về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm; Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách đảm bảo chi cho các nội dung hoạt động của Kế hoạch.

4. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách, hằng năm chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế và các đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch tài chính để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.

5. Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

- Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi thuộc địa phương mình quản lý; Thống kê, cung cấp thông tin về người cao tuổi;

- Phối hợp với ngành y tế và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách về khám, chữa bệnh và khám sức khỏe cho người cao tuổi.

6. Các Sở, ban, ngành liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Ngành Y tế, Thường trực Ban Công tác Người cao tuổi, Ban đại diện Hội Người cao tuổi của tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ;

- Phối hợp với ngành y tế và địa phương tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động hưởng ứng triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh.

8. UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn quản lý; Tích cực huy động nguồn lực và bổ sung kinh phí địa phương cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi trên địa bàn;

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.

VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA GIÁM SÁT

1. Chế độ báo cáo

a) Giai đoạn 2017-2020:

- UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan, báo cáo thực hiện kế hoạch về Sở Y tế (cơ quan chủ trì thực hiện) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế thường kỳ 6 tháng 1 lần.

- Năm 2017 thực hiện đánh giá đầu kỳ trước ngày 15/12/2017.

- Năm 2020 thực hiện đánh giá giữa kỳ kiểm điểm thực hiện các mục tiêu kế hoạch của địa phương trước ngày 10/11/2020.

b) Giai đoạn 2021-2025:

Đánh giá cuối kỳ kiểm điểm thực hiện các mục tiêu kế hoạch của địa phương trước ngày 10/11/2025.

2. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương: định kỳ 01 lần/năm và đột xuất.

Các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Tổng cục DS-KHHGĐ-Bộ Y tế;
- CT, PCT2, PCT 4;
- UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Thành viên Tiểu ban DS-KHHGĐ Ban Chỉ đạo Y tế - Dân số tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Dân Số-KHHGĐ;
- Bệnh viện, TTYT các huyện, TP;
- CVP, PCVP2;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Thanh