Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1228/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2017-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

1.2. Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể

a) Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho NCT, nâng cao nhận thức trong xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe NCT:

- Đến năm 2025, trên 90% lãnh đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể được cung cấp thông tin về tình hình chăm sóc già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.

- Đến năm 2020, có 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT được cung cấp thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật và quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT.

- Đến năm 2020, có 30% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng 60% vào năm 2025.

b) Tăng cường chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT qua nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và xã:

- Đến năm 2020, 100% các bệnh viện tuyến tỉnh có phòng khám chuyên khoa lão khoa, 100% các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện dành giường bệnh điều trị nội trú dành riêng cho NCT.

- Tiếp tục triển khai các biện pháp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh là NCT tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.

- Đẩy mạnh công tác khám bệnh, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe, phòng chống các bệnh tật thường gặp ở NCT tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn.

c) Tăng cường công tác quản lý sức khỏe cho NCT tại cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của NCT trên địa bàn tỉnh:

- Đến năm 2020, trên 80% NCT được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, đến năm 2025 có trên 95% NCT được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

- Hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT được quản lý (ít nhất hai lần/năm). Đến năm 2020, có trên 60% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng 80% vào năm 2025.

2. Các hoạt động và giải pháp

2.1. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho NCT, nâng cao nhận thức trong xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe NCT, cung cấp thông tin về tình hình chăm sóc già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT.

- Định kỳ hàng quý, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn phối hợp với đoàn thể trên địa bàn tổ chức truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho NCT.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn cho người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở bằng nhiều kênh khác nhau.

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua Bản tin sức khỏe, Trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

- Định kỳ thiết kế, nhân bản tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe cho NCT, tiến tới thành lập chuyên mục chăm sóc sức khỏe cho NCT.

- Tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá về tình hình già hóa dân số trên địa bàn tỉnh, từ đó tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin và thảo luận các giải pháp giảm sự già hóa dân số cũng như triển khai có hiệu quả các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức Hội để triển khai công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe cũng như các giải pháp chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn tỉnh.

2.2. Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh

- Tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám, Trạm Y tế.

- Triển khai có hiệu quả công tác đào tạo liên tục, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới nâng cao năng lực về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và tư vấn sức khỏe cho NCT.

- Cử bác sĩ đào tạo chuyên khoa chuyên ngành Lão khoa, tiến tới thành lập khoa Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho NCT từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã.

- Sắp xếp, bố trí phòng khám chuyên khoa lão khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, công bố công khai đối tượng ưu tiên là NCT tại các phòng khám bệnh viện. Các bệnh viện ưu tiên giường bệnh điều trị nội trú dành riêng cho NCT tại các khoa lâm sàng.

- Nâng cao năng lực tư vấn, truyền thông cho cán bộ y tế xã, đẩy mạnh công tác khám bệnh, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe, phòng chống các bệnh tật thường gặp ở NCT, các biện pháp nâng cao sức khỏe chủ động tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn.

2.3. Tăng cường quản lý, chăm sóc sức khỏe cho NCT tại tuyến xã

- Rà soát, xác định số liệu chính xác NCT trên địa bàn, cập nhật các thông tin đối với các lứa tuổi theo địa bàn; công bố, chia sẻ các thông tin về thông tin dân số, đặc biệt đối với thông tin về lứa tuổi trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, lập danh sách, hồ sơ quản lý sức khỏe cho NCT. Triển khai các biện pháp quản lý sức khỏe cho NCT tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT được quản lý ít nhất hai lần/năm, đối với trường hợp người già yếu, không thể đến cơ sở y tế để khám sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe tại điểm thôn, làng hoặc khám sức khỏe tại nhà, có thể lồng ghép, phối hợp cùng các hoạt động thực địa tại cộng đồng của Trạm Y tế.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, chăm sóc sức khỏe NCT cho cán bộ làm công tác chuyên trách của tuyến tỉnh, huyện và nhân viên y tế thôn, làng.

2.4. Thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng

- Tổ chức thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng, từ đó rút kinh nghiệm, tổ chức phổ biến, nhân rộng các cách làm hay về quản lý, chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng.

- Xây dựng các Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT hoặc lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ, các loại hình câu lạc bộ của NCT với sự tham gia của NCT và người nhà của NCT thúc đẩy cung cấp kiến thức kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe của NCT và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT cho người nhà.

- Xây dựng, ban hành bộ tiêu chí xã, phường phù hợp với NCT (với các tiêu chí về vệ sinh, rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt của NCT...), triển khai thí điểm và nhân rộng những cách làm hay.

- Thành lập tổ tình nguyện viên ở cấp xã (Trường Trạm Y tế là Tổ trưởng, viên chức dân số và đại diện Hội NCT xã là Tổ phó; thành viên: Mỗi thôn có 3-5 người tình nguyện viên là cộng tác viên dân số, y tế thôn, làng, tổ dân phố, hội viên Hội NCT và một số thành viên khác của thôn/làng/tổ dân phố).

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới tình nguyện viên về kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT.

- Trang bị một số thiết bị thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe NCT cho tình nguyện viên.

- Duy trì các hoạt động của tổ tình nguyện viên ở cấp xã/phường/thị trấn, bao gồm: Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho NCT tại hộ gia đình được phân công. Theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe của NCT được phân công. Tổ chức các buổi họp của Tổ tình nguyện viên hàng tháng.

- Triển khai thí điểm mô hình sử dụng bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe NCT.

2.5. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT

- Định kỳ 6 tháng, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức giám sát hỗ trợ Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, tổ chức chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn.

- Định kỳ hàng năm, Sở Y tế tổ chức giám sát, đánh giá kết quả triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT tại các đơn vị.

- Hàng năm, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn tỉnh.

3. Nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch

- Kinh phí từ nguồn chương trình chăm sóc sức khỏe cho NCT được UBND tỉnh giao cho ngành Y tế hàng năm.

- Kinh phí từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị được giao hàng năm.

- Kinh phí từ nguồn Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

4. Tổ chức thực hiện:

4.1. Sở Y tế:

- Chủ trì xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch hàng năm trên cơ sở Kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch, văn bản đề xuất các kiến nghị với cấp trên về chăm sóc sức khỏe NCT.

- Phối hợp với các đơn vị tuyến Trung ương, các tổ chức quốc tế, các chương trình dự án có liên quan để được hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật.

- Định kỳ 6 tháng, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan.

4.2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện lồng ghép, gắn kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT với các hoạt động chăm sóc NCT nói chung; phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện các chế độ, chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho NCT.

4.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối và tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh cho các chương trình, dự án phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh; huy động các nguồn lực đề đầu tư cho thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn.

4.4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho NCT trong phạm vi chi sự nghiệp y tế giao hàng năm và theo quy định hiện hành.

4.5. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh cho NCT trên địa bàn tỉnh từ nguồn Quỹ khám chữa bệnh BHYT.

4.6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn cơ quan thông tấn báo chí, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho NCT, các biện pháp phòng tránh bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho NCT.

4.7. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Nghiên cứu, xây dựng chuyên mục, chuyên đề, đăng tin, bài, tăng thời lượng phát sóng chương trình dành riêng cho công tác chăm sóc sức khỏe NCT phát hành định kỳ để thực hiện tuyên truyền cho NCT trên địa bàn tỉnh.

4.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tăng cường công tác chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn. Tổ chức truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn về già hóa dân số cùng như các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho NCT trên địa bàn.

- Nghiên cứu đưa các mục tiêu, chỉ tiêu chăm sóc NCT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lồng ghép việc thực hiện hiệu quả với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan triển khai trên địa bàn.

4.9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đồng thời tham gia giám sát các ngành, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.

4.10. Đề nghị Hội Người cao tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các buổi sinh hoạt định kỳ cũng như các buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách của đơn vị.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch theo nội dung đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CVP UBND tỉnh, PVP phụ trách;
- Lưu VT, KGVX3, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga