Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Yên Bái, ngày 16 tháng 3 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM NĂM 2015

Thực hiện Chương trình hành động bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 - 2020; Công văn số 661/LĐTBXH-BVCSTE ngày 27/02/2015 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội hướng dẫn công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2015, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, từng bước hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có cơ hội phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, nhân cách và trí tuệ.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và được khám bệnh miễn phí; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 18,5%;

- Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, duy trì tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 98%;

- 100% số xã phường đăng ký xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em (XPPHTE); phấn đấu có 150/180 xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em;

- Giảm số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trung bình 3%/năm; tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp 3%/năm. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị bạo lực, ngược đãi; trẻ em bị tai nạn thương tích giảm 4%/năm;

- Vận động ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em cấp tỉnh, huyện và xã đạt 2,1 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh đạt 380 triệu đồng, cấp huyện đạt 1.200 triệu đồng, cấp xã đạt 550 triệu đồng).

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 27/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2158/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2013- 2015; Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014- 2020; Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg ngày 04/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh; ; Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Kế hoạch liên ngành số 3970/KHLN-BLĐTBXH-BGDĐT ngày 15/10/2013 về việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2013 – 2020; Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 14/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015; Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 28/2/2013 về việc phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 12/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg ngày 04/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh; Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 07/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020.

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 25/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2014-2020.

Các cấp, các ngành, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả của các nội dung đã triển khai, qua đó đề ra các giải pháp cho việc nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong những năm tiếp theo.

2. Thực hiện Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em

2.1. Dự án truyền thông, giáo dục và vận động xã hội

- Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các sự kiện quan trọng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6, dịp hè, Tết Trung thu, và nhân dịp khai giảng năm học mới;

- Xây dựng phóng sự về Bảo vệ trẻ em phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; Ký hợp đồng với Tạp chí gia đình và Trẻ em để mua và cung cấp tài liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Biên soạn và nhân bản in tài liệu, tờ rời tuyên truyền về thực hiện quyền trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”; bảo đảm cho mọi trẻ em được vui Tết Trung thu và Tết cổ truyền dân tộc; Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh để chuẩn bị tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2015; hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm trẻ em, diễn đàn trẻ em.

- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; cung cấp tin, bài, phóng sự, những tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

2.2. Dự án Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác BVCSTE

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thành viên Ban chỉ đạo, Ban bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện, xã và nhóm nhân viên công tác xã hội ở thôn, bản, giúp cho cán bộ các cấp có kỹ năng, phương pháp tiếp cận, làm việc chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp xã và đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên;

- Cử cán bộ đi dự các lớp tập huấn, đào tạo tại trung ương về quản lý, giảng viên nòng cốt đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

2.3. Dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em:

- Thành lập và triển khai các hoạt động của hệ thống Bảo vệ trẻ em gồm: Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; Ban bảo vệ cấp xã, mạng lưới cộng tác viên thôn bản, nhóm trẻ em nòng cốt; Tập huấn nâng cao năng lực về kiến thức, kỹ năng thực hành cho hệ thống BVTE các cấp; Hỗ trợ các hoạt động giao ban, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai các hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp;

- Hỗ trợ đội ngũ cán bộ cấp tỉnh tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, thực hành nghiệp vụ BVCSTE tham dự các khóa đào tạo do Trung ương tổ chức;

- Tổ chức tập huấn các hoạt động trợ giúp nâng cao nâng cao năng lực cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em tại trường học và các vùng trọng điểm;

- Xây dựng mạng lưới đội ngũ nhân viên chăm sóc trẻ em tại cấp thôn, bản; duy trì chế độ họp giao ban và báo cáo hàng tháng của đội ngũ nhân viên chăm sóc trẻ em;

- Tổ chức đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh làm tốt về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội các hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2.4. Dự án Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng

- Duy trì các mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại các xã/huyện.

- Hoạt động chủ yếu của các mô hình: Tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý cho trẻ, trợ giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và phúc lợi xã hội để hòa nhập cộng đồng; tập huấn các kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em. Hỗ trợ triển khai các hoạt động phòng ngừa, theo dõi nhóm trẻ mà mô hình hướng tới;

- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ trực tiếp giải quyết những khó khăn trước mắt cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- Các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý các công trình phúc lợi dành cho trẻ em, đặc biệt là công trình văn hóa, thể thao, sân vui chơi cho trẻ em; Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí cho trẻ em, ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở các địa bàn khó khăn.

2.5. Hỗ trợ các hoạt động Bảo vệ chăm sóc trẻ em

- Tổ chức các hoạt động khám sàng lọc phân loại cho trẻ em khuyết tật vận động, khiếm thính, bị bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ mua máy trợ thính và phẫu thuật tim miễn phí;

- Hỗ trợ các chương trình Bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện các chương trình BVCSTE.

3. Hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em và các Dự án phi chính phủ

3.1. Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em

- Xây dựng và ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai các hoạt động vận động thu hút các nguồn tài trợ, ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phấn đấu thu Quỹ Bảo trợ trẻ em toàn tỉnh đạt 2,1 tỷ đồng.

- Các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức các đoàn đi thăm hỏi động viên và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các ngày Lễ, Tết, "Tháng hành động vì trẻ em"..., hỗ trợ trẻ em bị thiên tai, tai nạn rủi ro đột xuất; hỗ trợ phẫu thuật cho các trường hợp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; cấp học bổng cho trẻ em gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó học khá, giỏi và trẻ em khuyết tật; phối hợp, thực hiện các hoạt động phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, trẻ bị dị tật mắt, trẻ em bị khuyết tật khác.

- Phối hợp với Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để triển khai các chương trình: Phẫu thuật nụ cười; Phẫu thuật mắt và các bệnh về mắt; chương trình phẫu thuật tim bẩm sinh; chương trình học bổng cho trẻ em nghèo...

3.2. Các dự án Phi Chính phủ

- Kêu gọi nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em từ các nguồn viện trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ cho các hoạt động chăm sóc trẻ em.

- Triển khai có hiệu quả Dự án hỗ trợ thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng do Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam tài trợ. Năm 2015 mở rộng địa bàn dự án dự án ở các huyện: Yên Bình; Văn Chấn; Lục Yên nâng tổng số huyện có dự án Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng đầu tư là 17 xã/7 huyện; Tập trung vào các hoạt động: (i) Nâng cao năng lực của Ban Bảo vệ trẻ em (Ban BVTE) dựa vào cộng đồng các cấp; (ii)Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan trong công tác bảo vệ trẻ em; (iii) Nâng cao kiến thức và năng lực của người dân về bảo vệ trẻ em; (iv) Cải thiện cơ chế báo cáo và chuyển tuyến các ca xâm hại trẻ em ở các cấp; (v) Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; (vi) Tăng cường khả năng ứng phó và tự bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức xâm hại, bóc lột tại cộng đồng bao gồm nhóm trẻ dễ bị tổn thương.

4. Hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

Triển khai thực hiện Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 với các nhóm hoạt động: (i) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em (PCTNTTTE); (ii) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các cấp, cộng tác viên tại cấp xã về các kiến thức, kỹ năng PCTNTTTE; (iii) Xây dựng, nhân rộng và đánh giá mô hình “Ngôi nhà an toàn”; (iv) Tăng cường hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, (v) Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành PCTNTTTE; (vi) Thu thập thông tin số liệu về TNTTTE, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện PCTNTTTE tại địa phương và (vii) Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình/kế hoạch PCTNTTTE giai đoạn 2014 - 2015, Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em tại địa phương và xây dựng, trình phê duyệt Chương trình/kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

III. KINH PHÍ:

Kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em: 1.145.000.000 đồng (Một tỷ một trăm bốn mươi năm triệu đồng chẵn); trong đó:

1. Nguồn ngân sách:

- Kinh phí từ Trung ương hỗ trợ: 991 triệu đồng;

- Kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương tỉnh: 154 triệu đồng;

- Ngoài ra Ngân sách cấp huyện và cấp xã hỗ trợ, bổ sung kinh phí để thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

2. Nguồn vận động:

Kinh phí từ nguồn vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho các hoạt động về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em năm 2015.

Kinh phí từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ thông qua dự án Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, các huyện, thị, thành phố tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em đúng theo kế hoạch;

- Nghiên cứu xây dựng các dự án, đề án, đề xuất những giải pháp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Chủ trì xây dựng báo cáo và tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 14/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015;

- Xây dựng Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, trong đó đặc biệt là các ngành thành viên Ban chỉ đạo công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh (theo Quyết định số 1103/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh), chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu vì trẻ em trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành, tăng cường phối hợp thực hiện công tác truyền thông vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; huy động nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo lĩnh vực về việc thực hiện quyền trẻ em, thực hiện các chế độ, chính sách dành cho trẻ em. Báo cáo kết quả phối hợp thực hiện Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 theo lĩnh vực ngành quản lý.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn;

- Chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn;

- Cân đối bổ sung ngân sách địa phương, nguồn vận động từ cộng đồng để hỗ trợ thực hiện các hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

- Tổ chức tổng kết quả phối hợp thực hiện Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn;

- Tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo tình hình kết quả các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- PCT UBND tỉnh (VX);
- Cục BVCSTE, Bộ LĐ-TB&XH;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, TX, thành phố;
- Chánh, Phó VP UBND(t/h) tỉnh;
- Lưu: VT,VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Chinh