ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3189/KH-UBND | Bến Tre, ngày 23 tháng 6 năm 2016 |
PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP MŨI NHỌN, ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020
Căn cứ Công văn số 213-CV/TU ngày 09 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện 113 đầu việc theo Nghị quyết Đại hội X của tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc phê duyệt Đề án Định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;
UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể sau:
Đề án Định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012. Đề án đã xác định 02 ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp chế biến thủy sản và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa; 07 ngành công nghiệp ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ ngành may; sản xuất thức ăn chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản); công nghiệp hóa chất (phân bón sạch, hóa dược); công nghiệp cơ khí; thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm; công nghiệp chế biến súc sản; công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...) cần tập trung kêu gọi đầu tư phát triển.
Giai đoạn 2012-2015, triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn: Đã thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1.621,61 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN): Ngành công nghiệp chế biến thủy sản tăng trưởng bình quân 12,90%/năm, chiếm tỷ trọng 29% năm 2015; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa tăng trưởng bình quân 2,11%/năm, chiếm tỷ trọng 13,59% năm 2015. Sự phát triển này đã khẳng định ưu thế của tỉnh là chế biến dừa và chế biến thủy sản.
2. Đối với các ngành công nghiệp ưu tiên: Đã thu hút được 13 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 9.847,5 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GTSXCN: Ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành dệt may, da-giày tăng trưởng bình quân 23,91%/năm, chiếm tỷ trọng 15,58% năm 2015; ngành công nghiệp cơ khí-điện, điện tử tăng trưởng bình quân 36,03%/năm, chiếm tỷ trọng 20,79% năm 2015; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,64%/năm, chiếm tỷ trọng 45,22% năm 2015; ngành hóa chất tăng trưởng bình quân 8,46%/năm, chiếm tỷ trọng 4,69% năm 2015; công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới: Triển khai xây dựng và đưa vào quy hoạch các dự án điện gió: Nhà máy điện gió Thanh Phong (công suất nhà máy là 29.7 MW), Nhà máy điện gió Hàn Quốc-Bến Tre (công suất dự kiến 60 MW), Nhà máy điện gió Bình Đại-Bến Tre (công suất nhà máy là 30 MW), Nhà máy điện gió Bình Đại (công suất nhà máy là 30 MW) nhằm khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng sạch, góp phần cung ứng nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của tỉnh Bến Tre trong tương lai.
3. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Một số ngành công nghệ mang tính kỹ thuật cao: Thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm chưa thu hút được các nhà đầu tư;
- Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề, chuyên môn nghiệp vụ trong tỉnh chưa gắn kết được với nhu cầu của doanh nghiệp;
- Điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh và nguồn nguyên liệu cung ứng cho các ngành ưu tiên, mũi nhọn chưa ổn định, thị trường biến động bất thường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư cũng như trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường;
- Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai thường bị kéo dài do các hồ sơ, thủ tục về ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… chưa được tập trung đầu mối;
- Số lượng doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chưa nhiều. Doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
* Nguyên nhân:
- Do phải chịu sự tác động diễn biến của tình hình thế giới, khu vực; thị trường, giá cả các loại nông sản luôn biến động… cùng với những khó khăn kết cấu hạ tầng yếu, nguồn lực đầu tư hạn chế, diễn biến bất thường của thời tiết… đã tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn;
- Hầu hết doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ vì vậy việc đầu tư công nghệ và trang thiết bị hiện đại gặp khó khăn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn về điều kiện tài sản đối ứng,…;
- Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa thật đồng bộ, vẫn còn một số trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp; cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư chậm phát huy tác dụng.
B. Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên giai đoạn 2016-2020
- Nhằm hỗ trợ công nghiệp tỉnh hình thành và phát triển nhanh những sản phẩm có doanh số lớn, khả năng cạnh tranh và hiệu quả cao, xuất khẩu ngày càng tăng, góp phần tạo động lực cho kinh tế tỉnh phát triển trong thời kỳ hội nhập;
- Tuyên truyền, phổ biến về định hướng, chủ trương phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên cần tập trung đầu tư phát triển;
- Phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phải phù hợp với quy hoạch phát triển chung ngành công nghiệp của tỉnh, trên cơ sở khai thác tốt lợi thế của tỉnh cùng với sự tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên đạt tốc độ phát triển nhanh và bền vững;
- Phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phải tạo thành liên kết chuỗi và liên kết vùng, tạo ra các khu vực sản xuất tập trung với quy mô lớn, tiến tới hình thành các khu kinh tế đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo môi trường, giữa hiệu quả kinh tế xã hội với an ninh quốc phòng.
II. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới
1. Mục tiêu phát triển
+ GTSXCN ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 12,02%/năm;
+ GTSXCN ngành dừa tăng trưởng bình quân 12,47%/năm;
+ GTSXCN ngành dệt may, da-giày tăng trưởng bình quân 12,43%/năm;
+ GTSXCN ngành cơ khí-điện, điện tử tăng trưởng bình quân 12,78%/năm;
+ GTSXCN ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng trưởng bình quân 10,08%/năm;
+ GTSXCN ngành hóa chất tăng trưởng bình quân 17,12%/năm;
+ Đến năm 2020, tổng công suất của các dự án năng lượng gió đi vào vận hành từ 100 MW-150 MW.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng đầu tư và tăng dần tỷ trọng giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Tập trung đồng bộ việc kêu gọi thu hút đầu tư và phát triển nhanh các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên. Chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển và đa dạng sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở các ngành công nghiệp chế biến dừa, chế biến thủy sản:
- Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, giải quyết hài hòa giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Khuyến khích đầu tư phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng sản lượng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản hiện có (các sản phẩm nghêu, cá tra, cá biển các loại); kêu gọi các dự án đầu tư chế biến tôm xuất khẩu với công nghệ hiện đại, các dự án đầu tư công nghệ, xử lý và tận dụng các phế phụ phẩm để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: colagen, chitosan, glucosamin, canxi hoạt tính bột cá, dầu cá... Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản. Kiểm soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến.
- Phát triển công nghiệp chế biến dừa có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế tiềm năng của ngành sản xuất và chế biến dừa. Duy trì sản xuất và tiêu thụ ổn định các sản phẩm hiện có; hỗ trợ tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm chất lượng giá trị gia tăng cao (sữa dừa, nước dừa đóng hộp, than hoạt tính...) gắn với đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường nhất là thị trường xuất khẩu; khuyến khích và kêu gọi đầu tư chiều sâu, phát triển sản phẩm mới có triển vọng về thị trường (dầu dừa tinh khiết VCO (Virgin coconut oil), mỹ phẩm, các loại thực phẩm chức năng, dược phẩm, các sản phẩm sau chỉ xơ dừa…). Đầu tư xây dựng các khu vực chế biến tập trung (3 khu vực) và nâng cấp công nghệ sơ chế, kiểm định chất lượng sơ chế để nâng cao chất lượng nguyên liệu, giảm chi phí. Hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm thu hút lao động nông thôn.
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ và ngành dệt may, da-giày theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao. Khuyến khích đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng phát thương hiệu và chuyển đổi phương thức sản xuất gia công sang phương thức mua nguyên liệu, bán sản phẩm. Quy hoạch và đầu tư phát triển một cụm công nghiệp sợi dệt nhuộm tập trung để tạo điều kiện xử lý môi trường, kêu gọi đầu tư các dự án lớn, các dự án về may dệt, nhuộm, da-giày. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu, phụ kiện cho ngành dệt-may, da-giày để nâng cao giá trị gia tăng, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững ngành dệt-may, da-giày.
- Phát triển ngành công nghiệp cơ khí tập trung vào sản xuất, chế tạo các phụ tùng, sửa chữa các máy móc thiết bị phục vụ cho công nghiệp ngành chế biến và các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư củng cố kêu gọi đầu tư phát triển đồng bộ công nghiệp cơ khí, đóng mới, sửa tàu cá; sản xuất phụ trợ gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác và chế biến thủy sản. Tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện trong hộp số xe ô tô, sản xuất bộ dây dẫn điện cho xe có động cơ, kêu gọi đầu tư phát triển thêm ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe máy, cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô, xe máy trong nước.
- Phát triển ngành công nghiệp thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm tập trung thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp chi tiết, linh kiện điện tử chuyên dùng, công nghiệp phần mềm hướng đến xuất khẩu; sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử, công nghiệp, cơ điện tử.
- Phát triển công nghiệp chế biến súc sản tập trung thu hút các dự án đầu tư các nhà máy chế biến súc sản với quy mô 2.000-3.000tấn/năm tại các khu, cụm công nghiệp thuộc huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri.
- Phát triển ngành công nghiệp hóa chất (phân bón, hóa dược…) theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc tân dược của tỉnh để đủ điều kiện cạnh tranh với sản phẩm trong và ngoài nước. Thu hút, phát triển các dự án sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, sản xuất có nguồn gốc từ dược liệu và thu hút khuyến khích các dự án sản xuất đa dạng phân bón, có chất lượng cao. Xem xét mở rộng một số dự án trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu cao hơn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
- Phát triển nhanh ngành công nghiệp sản xuất năng lượng mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...) để góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao sản xuất công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng gió theo quy hoạch và đã cấp giấy phép. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối (Biogas) phù hợp với thực tế của địa phương.
b) Phát triển vùng nguyên liệu
Quy hoạch phát triển ổn định vùng nguyên liệu để phục vụ cho công nghiệp chế biến của tỉnh:
- Cây dừa: tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn dừa, phát triển vườn dừa theo mô hình liên kết sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến dừa nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dừa. Đến năm 2020, diện tích dừa khoảng 70.000 ha;
- Nuôi trồng thủy sản: ổn định diện tích nâng cao hiệu quả vùng nuôi theo hướng an toàn, bền vững, diện tích khoảng 47.000ha;
Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa vào trồng trọt, chăn nuôi các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thực hiện tưới nhỏ giọt trong phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các mô hình liên kết chuỗi, liên kết với các địa phương khác, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ trong việc khai thác và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển sản xuất lâu dài.
c) Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đến năm 2020 và những năm tiếp theo
Huy động các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, coi đó là khâu đột phá để phát triển công nghiệp. Tập trung cho công tác kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, xem đây là giải pháp quan trọng nhất trong việc huy động vốn và tạo đà cho các dự án thứ cấp đầu tư vào tỉnh. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách và nguồn khác để đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại), các cụm công nghiệp: Phú Hưng (thành phố Bến Tre), Phong Nẫm (Giồng Trôm) và Thị Trấn-An Đức (Ba Tri) và Thành Thới B (Mỏ Cày Nam). Tiếp tục rà soát bổ sung và điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phù hợp với diễn biến điều kiện phát triển của địa phương theo hướng ưu tiên kết nối hạ tầng hiện có.
Xây dựng, điều chỉnh chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, nhất là chính sách đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp một cách tốt nhất, phù hợp với pháp luật và khả năng của địa phương để có thể huy động được các nguồn vốn ngoài nhà nước vào phát triển công nghiệp tỉnh nhà. Áp dụng huy động vốn ứng trước đối với nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng, trước tiên là đầu tư cho điện và nước, giao thông đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp.
d) Phát triển thị trường
Đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xúc tiến thương mại có trọng tâm trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại; huy động tốt các nguồn lực, để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm; mở rộng hoạt động liên kết thương mại tiêu thụ sản phẩm; xây dựng triển khai Chương trình xúc tiến thương mại và Chương trình xuất khẩu đến 2020; chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm dừa và thủy sản chủ lực của tỉnh; kế hoạch nâng cao năng lực công tác thông tin xúc tiến thương mại.
Xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu... Làm tốt công tác dự báo thị trường. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc phổ biến thông tin và điều phối thị trường, đa dạng thị trường.
d) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế
Nâng cao trình độ năng lực đội ngũ doanh nhân và cán bộ quản lý các ngành kỹ thuật trọng yếu từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập. Triển khai Kế hoạch hỗ trợ thông tin và đào tạo nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và maketing; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy quản lý điều hành sản xuất cho phù hợp với cơ chế thị trường; nâng cao chất lượng hoạt động các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Đa dạng hóa công tác đào tạo nghề, truyền nghề, gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo trên 80% người lao động qua đào tạo có việc làm, phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Sắp xếp và tổ chức lại, củng cố, nâng cấp, hệ thống đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp thuê các chuyên gia giỏi về kỹ thuật, quản lý, đồng thời xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
đ) Về khoa học công nghệ, khuyến công và tổ chức lại sản xuất
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, tiến hành hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo hướng mua hoặc nhập công nghệ mới của các nước phát triển, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Tập trung huy động nguồn lực triển khai công tác khuyến công có trọng tâm, trọng điểm hướng vào việc phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn của tỉnh. Triển khai Dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa và chương trình Khuyến công đến 2020. Phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%. Mỗi năm có 20-30 doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm và đến năm 2020 có 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết chia sẻ lợi ích sản xuất- chế biến-tiêu thụ. Xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa nông ngư dân sản xuất nguyên liệu với các nhà doanh nghiệp (trong và ngoài nước) trong chế biến dừa và chế biến thủy sản, phát triển hình thức người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc cổ phần) với nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu ổn định, vững chắc cho nhà máy hoạt động hiệu quả.
e) Giải pháp về đất đai và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường
Diện tích đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 1.877 ha (đất xây dựng khu công nghiệp: 1.497 ha và đất xây dựng cụm công nghiệp: 380 ha). Nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, kêu gọi đầu tư, ứng vốn ngân sách trung ương hoặc dùng nguồn vốn vay ưu đãi trong việc tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tiếp tục cập nhật các chính sách, pháp luật mới, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Triển khai nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra, không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; nâng cao chất lượng dự báo và chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững trong cộng đồng đi đôi với kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý nước thải, chất thải trong sản xuất công nghiệp.
g) Đẩy mạnh cải cách hành chính
Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thân thiện, bình đẳng, cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục triển khai các biện pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thường xuyên rà soát và loại bỏ những thủ tục không hợp lý, định kỳ tổ chức đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. Có cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn,.... Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực thi, vận hành thủ tục; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết, đồng thời công khai minh bạch mọi thủ tục, thường xuyên rà soát và loại bỏ những thủ tục không hợp lý, nâng cao tính hài lòng của doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận thủ tục hành chính của nhà nước.
1. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành tỉnh, các huyện, thành phố, tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này. Tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên về xúc tiến thương mại, khuyến công. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư và hàng năm lựa chọn các doanh nghiệp ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các cơ chế hỗ trợ, chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên.
3. Trung tâm Xúc tiến đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức xúc tiến, lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên.
4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên. Hướng dẫn và kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí theo quy định.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm chế biến nông sản, thực phẩm.
6. Sở Giao thông vận tải: Tham mưu thực hiện kế hoạch phát triển giao thông vận tải, trong đó tập trung xây dựng những công trình trọng điểm có tính chất liên kết vùng, nối khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Đăng tải thông tin, tuyên truyền về kế hoạch hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của tỉnh.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan bố trí quỹ đất cho nhu cầu phát triển công nghiệp; Hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp có giải pháp khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
9. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với các ngành lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp, trong đó có nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ cho các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên của tỉnh.
10. Sở Khoa học và Công nghệ: Thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên theo các quy định hiện hành. Cung cấp thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, thông tin và hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp. Ưu tiên, bố trí vốn khoa học công nghệ cho các chương trình, đề tài, dự án liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên của tỉnh.
11. UBND các huyện, thành phố: Phối hợp các sở, ngành tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch này, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp để đầu tư hạ tầng phục vụ cho nhu cầu thu hút đầu tư, củng cố và tăng cường công tác thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên trên địa bàn.
Hàng năm các sở, ngành, các huyện, thành phố báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên trên địa bàn tỉnh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Sở Công Thương có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG ƯU TIÊN THUỘC KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP MŨI NHỌN, ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 3189/KH-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
TT | Nội dung | Sản phẩm | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp |
1 | Triển khai Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh | Báo cáo kết quả | Sở Công Thương | Các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố |
2 | Triển khai Chương trình khuyến công đến năm 2020 | Báo cáo kết quả | Sở Công Thương | Sở Tài chính, doanh nghiệp |
3 | Xây dựng Chương trình tiết kiệm năng lượng 2016-2020 | Chương trình | Sở Công Thương | Doanh nghiệp |
4 | Xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại đến 2020 | Chương trình | Sở Công Thương | Các sở, ngành, doanh nghiệp |
5 | Triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm dừa và thủy sản chủ lực của tỉnh | Báo cáo kết quả | Sở Công Thương | Doanh nghiệp |
6 | Kế hoạch đổi mới công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường | Kế hoạch | Sở Công Thương | Các sở, ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp |
7 | Kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, maketing và kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế | Kế hoạch | Sở Công Thương | Doanh nghiệp |
8 | Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại), CCN Phú Hưng (Thành phố Bến Tre), CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm), CCN Thị Trấn - An Đức (Ba Tri) và CCN Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) | Kế hoạch | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Tài chính, Công Thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND thành phố Bến Tre, các huyện: Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, các doanh nghiệp |
9 | Rà soát điều chỉnh chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư | Quyết định | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở có liên quan, UBND các huyện, thành phố |
10 | Xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp | Kế hoạch | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Doanh nghiệp |
11 | Kế hoạch duy trì nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh | Kế hoạch | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở ngành, các huyện, thành phố |
12 | Rà soát bổ sung và điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp | Quyết định | Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp | Các sở có liên quan, UBND các huyện, thành phố |
13 | Triển khai Dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2013-2020 | Báo cáo kết quả | Sở Khoa học và Công nghệ | Sở Tài chính, doanh nghiệp |
14 | Tổ chức thực hiện mô hình liên kết 4 nhà một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh | Báo cáo kết quả | Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn | Các sở có liên quan, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp |
15 | Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ổn định vùng nguyên liệu để phục vụ cho công nghiệp chế biến của tỉnh | Báo cáo kết quả | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp |
16 | Triển khai chương trình đào tạo nghề, truyền nghề, gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động | Báo cáo kết quả | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Các sở ngành, doanh nghiệp |
17 | Triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp, tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường | Báo cáo kết quả | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp |
18 | Lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên | Danh mục dự án | Trung tâm Xúc tiến đầu tư | Các sở ngành, các huyện, thành phố |
- 1 Kế hoạch 4750/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng theo Quyết định 1292/QĐ-TTg do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2 Kế hoạch 4751/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản theo Quyết định 1291/QĐ-TTg do tỉnh Bến Tre
- 3 Kế hoạch 4752/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp theo Quyết định 1342/QĐ-TTg do tỉnh Bến Tre ban hành
- 4 Quyết định 1895/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề án định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển
- 1 Kế hoạch 4750/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng theo Quyết định 1292/QĐ-TTg do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2 Kế hoạch 4751/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản theo Quyết định 1291/QĐ-TTg do tỉnh Bến Tre
- 3 Kế hoạch 4752/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp theo Quyết định 1342/QĐ-TTg do tỉnh Bến Tre ban hành