Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Phú Yên, ngày 06 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ UBND CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016; Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy Phú Yên về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện khảo sát năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (tên gọi tiếng anh là Department & District Competitiveness Index viết tắt là DDCI). Trên cơ sở đó đánh giá công tác điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong năm 2018, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

- Tạo sự cạnh tranh, thi đua về năng lực điều hành giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh từ đó tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Là kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.

- Tạo sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị về triển khai thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với trách nhiệm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước.

- Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện và loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân được nhanh nhất, hài lòng nhất. Tiến tới cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

2. Yêu cầu

- Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực và đầy đủ về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính và đánh giá của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch, là căn cứ để so sánh chất lượng điều hành các sở, ngành, địa phương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; đồng thời trên cơ sở ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan căn cứ vào Kế hoạch này trực tiếp chỉ đạo, triển khai kế hoạch hành động cụ thể của từng cơ quan, đơn vị mình thông qua các chỉ tiêu cụ thể; tập trung đẩy mạnh khai thác, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính với nhà đầu tư và doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh về thời gian và tài chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Phương pháp thực hiện

- Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ và các chỉ số thành phần của PCI, được áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

- Thực hiện khảo sát lấy ý của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Hình thức khảo sát: Gửi phiếu khảo sát qua đường thư tín, phỏng vấn trực tiếp, khảo sát trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và Câu lạc bộ doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu tỉnh Phú Yên.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến

- Các sở, ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Giao thông và Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Phú Yên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố gồm: Thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa.

3. Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến

- Tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

- Tính năng động của Lãnh đạo.

- Chi phí thời gian.

- Chi phí không chính thức.

- Cạnh tranh bình đẳng.

- Chi phí gia nhập thị trường.

- Hỗ trợ doanh nghiệp.

- Thiết chế pháp lý.

- Sự ổn định trong sử dụng đất.

- Đào tạo lao động.

4. Thời gian thực hiện

- Xây dựng, hoàn chỉnh phương án đánh giá, bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá: Trong năm 2017.

- Tiến hành khảo sát: Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 01/12/2018.

- Tổ chức tổng hợp, báo cáo và công bố kết quả DDCI năm 2018 của tỉnh: Trong tháng 12/2018.

5. Nguồn kinh phí: Từ nguồn ngân sách tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan chủ trì thực hiện (cơ quan thường trực): Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm Xúc tiến đầu tư). Trường hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh được thành lập thì Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh sẽ là cơ quan chủ trì. Cơ quan chủ trì có nhiệm vụ sau:

- Dựa trên các nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến theo Kế hoạch này, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án cụ thể để đưa các nội dung khảo sát vào bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá cho phù hợp theo từng giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng mẫu phiếu, tiến hành phát/thu phiếu khảo sát, phương án tính điểm từ các nguồn dữ liệu. Là cơ quan đầu mối thu thập thông tin, ý kiến phản hồi; tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh công bố kết quả khảo sát DDCI. Thông qua kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, địa phương và đề xuất những giải pháp khắc phục để UBND chỉ đạo.

- Xây dựng dự toán kinh phí gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Cơ quan phối hợp

a) Sở Tài chính: Chủ trì thẩm định dự toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh và trung ương thực hiện tuyên truyền về PCI, DDCI năm 2017 và các nội dung liên quan đến Kế hoạch này.

- Chủ trì tổng hợp thường xuyên các tin bài về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh từ các kênh thông tin truyền thông. Kịp thời định hướng thông tin và phản biện những tin bài phản ánh không trung thực có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

c) Sở Nội vụ:

- Căn cứ kết quả khảo sát, chấm điểm bộ chỉ số DDCI tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, phân loại người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét đưa kết quả đánh giá khảo sát vào công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh.

- Phối hợp với cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch xây dựng phương án chấm điểm tổng từ các nguồn dữ liệu khác.

d) Câu lạc bộ doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu tỉnh Phú Yên:

- Phối hợp cơ quan thường trực triển khai thực hiện xây dựng mẫu phiếu, tiến hành phát/thu phiếu khảo sát, phương án tính điểm từ các nguồn dữ liệu.

- Tổ chức tuyên truyền để nâng cao vai trò và trách nhiệm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong đánh giá PCI, DDCI.

đ) Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp với cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch xây dựng phương án chấm điểm tổng từ các nguồn dữ liệu khác.

e) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Có trách nhiệm triển khai, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Kế hoạch này đến phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc và tham gia phối hợp với các đơn vị chủ trì để thực hiện Kế hoạch này.

- Xây dựng, triển khai kế hoạch hành động cụ thể của từng cơ quan, đơn vị mình một cách hiệu quả, thiết thực nhằm phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong dịch vụ công của cơ quan, địa phương có liên quan.

Yêu cầu các sở, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Chánh, PVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NCTh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Hoàng Văn Trà