Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
CỤC THỐNG KÊ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 331/CTK-TH

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA THU THẬP THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA DOANH NGHIỆP NGÀNH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ NĂM 2018

Thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 27/10/2016 của Thành Ủy về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định 2953/QĐ-UBND ngày 07/06/2016 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt chương trình Nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định 2153/QĐ-UBND ngày 04/05/2017 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc Ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh.

Để có cơ sở báo cáo chỉ tiêu tổng hợp về Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ năm 2018 trên địa bàn TPHCM, Cục Thống kê xây dựng Kế hoạch điều tra thu thập thông tin như sau:

1. Mục đích

- Thu thập các thông tin cơ bản về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ như: ngành nghề kinh doanh, lao động và trình độ của người lao động, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và ĐMST, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ... Trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch định hướng, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

- Làm căn cứ đánh giá hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác số liệu từ Điều tra doanh nghiệp 2018 và Tổng điều tra kinh tế 2017 nhằm đánh giá, phân tích hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST, từ đó giảm thiểu thời gian điều tra.

2. Đối tượng, phạm vi điều tra

- Đối tượng điều tra: các doanh nghiệp hoạt động thuộc 9 ngành dịch vụ trọng yếu có đến 31/12/2017, có phát sinh doanh thu và chi phí. Cụ thể bao gồm các ngành cấp 1, được quy định theo danh mục mã ngành VSIC 2017 như sau:

G. Thương nghiệp, bán buôn bán lẻ và sửa chữa xe có động cơ;

H. Vận tải, kho bãi;

I. Khách sạn, nhà hàng;

J. Thông tin và truyền thông;

K. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm;

L. Hoạt động kinh doanh bất động sản;

M. Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ;

P. Giáo dục và đào tạo;

Q. Y tế.

Đối với “Hoạt động Thông tin và truyền thông” sẽ bao gồm: hoạt động ngành lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động viễn thông; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động dịch vụ thông tin; hoạt động phát thanh, truyền hình.

Đối với “Hoạt động kinh doanh hất động sản” sẽ bao gồm: hoạt động mua bán bất động sản; dịch vụ tư vấn, môi giới mua bán bất động sản. (Đơn vị có hoạt động xây dựng nhà ở, công trình dân dụng đã được tính vào hoạt động của ngành xây dựng).

Đối với “Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ” sẽ bao gồm: hoạt động pháp luật, kế toán và kiểm toán; hoạt động trụ Sở văn phòng, tư vấn quản lý; kiến trúc, kiểm tra và phân tích kỹ thuật; quảng cáo và nghiên cứu thị trường; nghiên cứu khoa học và phát triển; một số hoạt động dịch vụ liên quan đến khoa học, công nghệ khác.

- Phạm vi điều tra: Các doanh nghiệp được điều tra đang hoạt động thuộc 9 ngành dịch vụ nêu trên thuộc các thành phần kinh tế: nhà nước, ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài.

3. Nội dung điều tra

3.1. Thông tin nhận dạng đơn vị khi điều tra

- Tên doanh nghiệp; mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, fax, email; Loại hình doanh nghiệp; Ngành hoạt động sản xuất kinh doanh.

3.2. Thông tin về lao động có đến 31/12/2017 và 01/01/2017

- Lao động chia theo trình độ, theo cấp quản lý;

- Lao động có tham gia nghiên cứu trong các phòng R&D, phòng Marketing của doanh nghiệp.

3.3. Các chỉ tiêu về kết quả sản xuất kinh doanh qua 2 năm 2016,2017

- Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong đó doanh thu thuần có ứng dụng công nghệ cao; Chi phí quản lý doanh nghiệp, trong đó chi phí Nghiên cứu và phát triển.

3.4. Hoạt động ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo năm 2017

- Tình hình liên doanh, liên kết chiến lược; Tỷ lệ chi phí bản quyền, nhượng quyền thương mại so với doanh thu thuần; giá trị xuất khẩu công nghệ cao (nếu có). Đánh giá mức độ đổi mới sản phẩm/dịch vụ; quy trình vận hành/hoạt động; mức độ đổi mới mô hình quản lý, đổi mới trong tiếp cận thị trường;

- Tổng chi phí nghiên cứu phát triển, nghiên cứu khoa học được thực hiện trong năm 2017.

3.5. Thông tin về các thiết bị công nghệ của doanh nghiệp:

- Chi phí khấu hao, giá trị còn lại của thiết bị công nghệ;

- Thông tin về xuất xứ các thiết bị công nghệ.

3.6 Quá trình vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin

- Chi phí vận hành hạ tầng thông tin liên lạc, hạ tầng máy tính;

- Tình hình sử dụng website, facebook, các trang mạng xã hội.

3.7 Thông tin về việc áp dụng hệ thống quản lý, hệ thống tiêu chuẩn môi trường

4. Thời điểm điều tra và thời kỳ thu thập thông tin

4.1. Thời điểm điều tra: Bắt đầu từ 01/10/2018.

4.2. Thời điểm và thời kỳ thu thập thông tin

Các thông tin về lao động được thu thập thông tin tại hai thời điểm 01/01/2017 và 31/12/2017.

Các thông tin thu thập theo thời kỳ (kết quả sản xuất kinh doanh, chi phí, lợi nhuận, giá trị xuất khẩu,...): là số liệu chính thức của cả năm 2017.

5. Nguồn số liệu tính toán

Bao gồm các thông tin được chọn lựa từ Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Điều tra doanh nghiệp 2018 (phiếu 1A); từ điều tra trình độ khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ (phiếu 1E); từ điều tra chọn mẫu về sử dụng công nghệ trong sản xuất (phiếu 1Am).

Cụ thể các thông tin như: tên, địa chỉ, tình trạng hoạt động, loại hình doanh nghiệp, ngành hoạt động, lao động, kết quả hoạt động, vốn đầu tư, việc sử dụng máy tính và internet, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ..v.v...

6. Các bảng danh mục được sử dụng

(1) Bảng phân ngành kinh tế: Áp dụng Bảng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

(2) Bảng danh mục các đơn vị hành chính: Áp dụng bảng danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật đến thời điểm 31/12/2017;

(3) Bảng danh mục sản phẩm công nghiệp: áp dụng trong điều tra doanh nghiệp hàng năm;

(4) Bảng danh mục nước và vùng lãnh th;

Ngoài ra còn sử dụng Danh mục các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

7. Phương pháp điều tra, khảo sát:

Áp dụng phương pháp chọn mẫu kết hợp với phỏng vấn các chuyên gia.

7.1- Phương pháp chọn mẫu:

Căn cứ vào danh sách tổng thể các doanh nghiệp hiện đang hoạt động ở 9 ngành dịch vụ trọng yếu từ điều tra doanh nghiệp 2018 (doanh nghiệp làm phiếu 1A) do Cục Thống kê cung cấp, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tiến hành chọn mẫu các doanh nghiệp để khảo sát theo phương pháp chọn mẫu số lớn, có kết hợp chọn mẫu đại diện đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Số lượng phân bổ mẫu điều tra ở 9 ngành dịch vụ khoảng 1.600 đơn vị (kể cả số đơn vị dự phòng. Trong đó: doanh nghiệp do quận/huyện phụ trách chiếm 55%; doanh nghiệp do thành phố phụ trách chiếm 45%.

Trong khi tiến hành thu thập thông tin, nếu bị mất mẫu do chuyển đi, ngừng hoạt động, không trả lời, điều tra viên sẽ thay thế bằng doanh nghiệp khác trong danh sách dự phòng theo nguyên tắc cùng ngành và cùng quy mô sản xuất. Các trường hợp khác khi thay đổi mẫu, đề nghị tham khảo ý kiến của Phòng Tổng hợp.

7.2- Phỏng vấn các chuyên gia:

Sau khi có kết quả từ điều tra chọn mẫu 1.505 doanh nghiệp, các chuyên gia của Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và các Sở, ngành (nếu có) sẽ tiến hành chọn lựa, phỏng vấn chuyên sâu các doanh nghiệp.

8. Kế hoạch điều tra, tính toán:

Cục Thống kê giao Phòng Tổng hợp có trách nhiệm chính trong tổ chức, phối hợp cùng 24 Chi cục và các phòng Nghiệp vụ (phòng Công nghiệp, phòng Nông nghiệp, phòng Thương mại) đôn đốc, thu thập thông tin

Giai đoạn 1: gồm 2 bước như sau

Bước 1: Công tác chuẩn bị, từ 25/8/2019 đến 20/09/2018, gồm các công việc sau:

- Làm việc cấp Trưởng phòng với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế để xác định mục tiêu, các chỉ tiêu cần khảo sát;

- Thẩm định, thiết kế bảng hỏi (phiếu điều tra);

- Rà soát số lượng đơn vị tổng thể thuộc các ngành cần nghiên cứu, khảo sát;

- Kiểm tra tính logic của thông tin doanh nghiệp được cung cấp, gồm: mã ngành cấp 5, loại hình, tình trạng hoạt động trong 2 năm liền kề, phân loại phiếu điều tra doanh nghiệp đã thực hiện;

- Phân nhóm ngành kinh tế cấp 1;

- Xây dựng đề cương, kế hoạch;

- Lập dự toán kinh phí;

- Họp Lãnh đạo Cục Thống kê và Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển để thông qua chủ trương, hình thức hợp tác cung cấp thông tin.

Bước 2: Lập danh sách, chọn mẫu điều tra, từ 20/09/2018 đến 30/09/2018

- Cục thống kê (phòng Tổng hợp) lập danh sách các doanh nghiệp thuộc 9 ngành trọng yếu nêu tại mục 2 của Kế hoạch, sắp xếp theo tiêu chí lao động hoặc doanh thu đế Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển tiến hành chọn mẫu.

- Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển thống nhất danh sách được chọn mẫu, kể cả dự phòng. Dự kiến 1.600 doanh nghiệp.

- Cục thống kê tiếp nhận danh sách mẫu, viết chương trình nhập tin phiếu điều tra của doanh nghiệp được chọn mẫu;

- In danh sách mẫu cho 24 quận, huyện và phòng Nghiệp vụ;

- Phân công số lượng mẫu cho lực lượng điều tra viên và các phòng Nghiệp vụ cùng tham gia.

Giai đoạn 2: Tổ chức điều tra, thu thập, xử lý kết quả, gồm các bước sau

Bước 1: Triển khai tập huấn, tổ chức điều tra.

Căn cứ vào danh sách điều tra, tiến hành phân công như sau:

- 24 Chi cục tiến hành điều tra các doanh nghiệp Ngoài nhà nước theo danh sách được chọn;

- Phòng Tổng hợp điều tra các đơn vị Nhà nước, FDI;

- Các phòng Nghiệp vụ phối hợp đôn đốc, thu thập theo lĩnh vực ngành phụ trách.

Hình thức thu thập: phỏng vấn trực tiếp hoặc gián tiếp bằng hình thức gửi thư, gửi mail hướng dẫn.

Bước 2: Nhập tin phiếu điều tra, kiểm tra và bàn giao kết quả nhập tin, từ 01/10 đến 20/10/2018

- Các Chi cục, phòng Nghiệp thu thập, kiểm tra thông tin ghi trên phiếu gửi về Phòng Tổng hợp trước 15/10/2018;

- Phòng Tổng hợp kiểm tra, nhập tin, lập biểu tổng hợp nhanh. Thời hạn 20/10/2018

Bước 3: Tính toán, trích xuất dữ liệu. Thời hạn trước 30/10.

- Bộ phận công nghệ thông tin truy xuất, tính toán suy rộng các chỉ tiêu trong tổng thể doanh nghiệp đã thực hiện phiếu 1A thuộc 9 ngành dịch vụ.

- Bàn giao file dữ liệu mẫu đã nhập tin; dữ liệu doanh nghiệp thuộc 9 ngành dịch vụ đã thực hiện phiếu 1A cho Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển viết phân tích.

Giai đoạn 3: Điều tra phỏng vấn chuyên sâu

- Trên kết quả điều tra chọn mẫu, sẽ chọn 50 doanh nghiệp để phỏng vấn chuyên sâu;

- Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển chịu trách nhiệm xây dựng bảng phỏng vấn và tổng hợp kết quả phỏng vấn;

- Lực lượng tham gia phỏng vấn có thể được trưng tập từ những chuyên viên của Cục Thống kê, của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển hoặc của Sở - ngành (nếu có).

- Bổ sung kết quả điều tra phỏng vấn chuyên sâu vào kết quả điều tra chọn mẫu. Thời hạn trước 30/11/2018.

8- Kinh phí điều tra

Kinh phí điều tra được cấp theo hợp đồng giao khoán giữa Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển và Cục Thống Kê TPHCM.

 


Nơi nhận:
- Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển;
- Lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM;
- Trưởng Phòng TH, HC, KT;
- Lưu VT.

CỤC TRƯỞNG




Huỳnh Văn Hùng