- 1 Quyết định 2779/QĐ-BYT năm 2021 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025 do Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 1493/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình "Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Kế hoạch 359/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 4 Kế hoạch 371/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 357/KH-UBND | Đồng Tháp, ngày 26 tháng 10 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ, TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
Thực hiện Quyết định số 1493/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030”; Quyết định số 2779/QĐ-BYT ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên địa bàn Tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Sức khỏe bà mẹ
Công tác quản lý và chăm sóc phụ nữ có thai ngày càng được quan tâm. Cụ thể: Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 04 lần trong 03 thời kỳ mang thai tăng từ 76,49% năm 2016 lên 92,03% năm 2020; 100% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế; tỷ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc tuần đầu đạt 95,86% năm 2020, chăm sóc tuần thứ 2 đến hết 6 tuần sau đẻ đạt 92,91%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ đẻ 99,99% năm 2016, 100% vào năm 2020; tỷ suất tai biến sản khoa từ 5,13‰ năm 2016 còn 3,81‰ năm 2020; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV tăng từ 57,84% năm 2016 lên 89,02% năm 2020; 100% các trường hợp phụ nữ đẻ có kết quả khẳng định HIV ( ) đều được điều trị ARV; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm viêm gan B tăng từ 71,68% năm 2016 lên 82,83% năm 2020; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm giang mai tăng từ 19,97% năm 2016 lên 48,63% năm 2020.
Ngoài ra, 100% bà mẹ đẻ có kết quả xét nghiệm HIV ( ) được tư vấn và liên hệ để đưa trẻ đi xét nghiệm PCR; liên hệ nhanh với các khoa sản khi có trường hợp HIV khẳng định dương tính để đưa vào điều trị kịp thời.
2. Sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Tỷ lệ trẻ đẻ sống được chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm trong và ngay sau đẻ, sau mổ lấy thai tăng từ 63,81% năm 2016 lên 73% năm 2020; tỷ lệ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gam giảm từ 4,66% năm 2016 còn 2,85% năm 2020; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi từ 1‰ năm 2016 giảm còn 0,92‰ năm 2020; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi là 1,08‰ năm 2020; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 25,4% năm 2016 xuống còn 22,1% vào năm 2020.
3. Hạn chế, khó khăn
3.1. Hạn chế
- Tai biến sản khoa giảm, tuy nhiên tử vong mẹ vẫn còn cao (20,62/100.000), nguyên nhân tử vong do tai biến sản khoa chưa giảm. Tuy nhiên, đa số các trường hợp tử vong mẹ do người làm công tác quản lý thai phụ không thể chăm sóc thai phụ ở địa phương (thai phụ đi làm xa).
- Tỷ suất tử vong sơ sinh (< 28 ngày) là 0,69‰ năm 2016, giảm nhẹ còn 0,61‰ năm 2020.
- Năng lực chăm sóc, điều trị sơ sinh tuyến huyện còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn một số bệnh viện chưa triển khai can thiệp Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm trong và ngay sau mổ lấy thai hoặc có thực hiện nhưng chưa đầy đủ thời gian quy định.
3.2. Khó khăn
- Tuyến huyện do sáp nhập các bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện có sự thay đổi lớn về công tác nhân sự và tổ chức hoạt động. Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản thiếu nhân lực, thiếu bác sĩ chuyên ngành sản khoa nên hạn chế nhiều hoạt động chuyên môn trong công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động của chương trình tại tuyến cơ sở.
- Tại tuyến tỉnh cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực sản, nhi có trình độ đại học và sau đại học vẫn còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Đơn nguyên sơ sinh tuyến huyện hầu như chưa đáp ứng đủ về cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn.
- Số lượng hộ sinh tại tuyến tỉnh, huyện không đáp ứng được theo yêu cầu. Theo quy định hiện hành, nhiều dịch vụ cơ bản đến tuyến tỉnh mới được cung cấp, trong khi ở tuyến dưới (huyện, xã) hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận, tăng chi phí dịch vụ, gây quá tải cho y tế tuyến trên đối với người dân.
- Ý thức chăm sóc trước khi mang thai của người dân nói chung và phụ nữ tuổi sinh đẻ chưa cao. Tình trạng phụ nữ tuổi sinh đẻ ở nông thôn đi làm công nhân tạm trú ở nơi khác, khi sinh mới về địa phương nên việc quản lý và chăm sóc thai không thực hiện được.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ưu tiên các vùng sâu, vùng xa nhằm đạt được các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ sơ sinh và giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
2. Các mục tiêu cụ thể
2.1. Nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm tai biến sản khoa và tử vong mẹ
- Tỷ suất tai biến sản khoa ≤ 3,6‰.
- Tỷ suất tử vong mẹ < 25/100.000 trẻ đẻ sống.
- 90% phụ nữ đẻ được khám thai đủ 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén.
- 99,5% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế.
- 99,7% phụ nữ đẻ được cán bộ y tế qua đào tạo đỡ đẻ.
- 95,5% phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau đẻ, trong đó chăm sóc tuần đầu trên 85%.
- Trên 98% phụ nữ mang thai được uống viên sắt.
2.2. Cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh
- Tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh (< 28 ngày tuổi) < 0,9‰.
- Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ≤ 1,5‰.
- Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi < 3‰.
- Tỷ lệ trẻ mới sinh sống có cân nặng < 2.500 gam ở mức < 3,5%.
- 80% trẻ sơ sinh được chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm trong và ngay sau đẻ/sau mổ lấy thai.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi < 9,7%.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi < 15%.
2.3. Phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp liên tục và có chất lượng
- 85% phụ nữ đẻ được xét nghiệm tầm soát HIV trong khi mang thai.
- 70% phụ nữ đẻ được xét nghiệm tầm soát viêm gan B trong khi mang thai.
- 70% phụ nữ đẻ được xét nghiệm tầm soát giang mai trong khi mang thai.
III. ĐỐI TƯỢNG
- Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, mang thai, trong cuộc đẻ, sau đẻ, bà mẹ cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ em đến hết 5 tuổi, người chăm sóc trẻ và cộng đồng. Ưu tiên các vùng nông thôn thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới.
- Nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản bao gồm cơ sở y tế công lập và ngoài công lập ở các tuyến, tập trung vào tuyến cơ sở.
IV. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền vận động và truyền thông giáo dục sức khỏe
- Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là truyền thông cho người làm công tác quản lý ở các cấp, người có uy tín trong cộng đồng... Huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tham gia vận động chính sách, nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản.
- Phổ biến các thông tin chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản đến mọi đối tượng thông qua hội thảo, tập huấn, vận động, các phương tiện truyền thông như: truyền thanh, truyền hình, báo chí…
- Truyền thông các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng đến nội dung: truyền thông nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nâng cao kiến thức thực hành của bà mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng từ lúc bà mẹ có thai đến sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn của trẻ và chăm sóc trẻ bị bệnh.
- Đa dạng hình thức truyền thông, phát triển các loại tài liệu truyền thông thích hợp với từng nhóm đối tượng. Nâng cao năng lực truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ ở các tuyến và cộng tác viên tại cộng đồng. Kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở cung cấp dịch vụ.
- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin như: internet, mạng xã hội...
2. Về chuyên môn, kỹ thuật
2.1. Đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, sơ sinh và trẻ nhỏ chất lượng, an toàn và bình đẳng
- Nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ mang thai như: quản lý thai sớm, khám thai định kỳ đủ 04 lần trong 03 thời kỳ thai nghén, tuân thủ đầy đủ quy trình khám thai; theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời.
- Tăng cường cập nhật đầy đủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, tập trung vào các quy trình về cấp cứu sản khoa, sơ sinh và các bệnh mới nổi.
- Đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa sản - nhi làm đơn vị kỹ thuật để phát triển, mở rộng các dịch vụ và kỹ thuật thiết yếu để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
- Thực hiện chăm sóc trẻ sơ sinh sớm, trong và ngay sau đẻ, sau mổ lấy thai, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ, đặc biệt là theo dõi tích cực trong 06 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của mẹ và con để xử trí kịp thời. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
- Bổ sung trang thiết bị, thuốc thiết yếu, tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật từ tuyến tỉnh đến tuyến xã theo Hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và theo phân tuyến kỹ thuật từng đơn vị.
- Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến an toàn, kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết. Thực hiện nghiêm quy trình vô khuẩn trong sản khoa ở các tuyến.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ theo danh mục chuyên môn kỹ thuật được phê duyệt, kết hợp với ưu tiên xây dựng, hỗ trợ hệ thống chuyển tuyến thích hợp và cấp cứu ngoại viện. Đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, phù hợp với đặc thù địa phương: Đảm bảo thực hiện chăm sóc sản khoa thiết yếu cơ bản và chăm sóc sơ sinh ở các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là quản lý thai, phát hiện và xử trí thai nguy cơ cao, đỡ đẻ an toàn, chăm sóc, cấp cứu và hồi sức sơ sinh, chăm sóc sau sinh, dự phòng, phát hiện và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở bà mẹ mang thai, phụ nữ (đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, trầm cảm sau sinh, ung thư cổ tử cung...); tiêm chủng phòng bệnh; tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe...
- Đẩy mạnh phối hợp thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản với phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và các bệnh mới nổi.
2.2. Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cho các cơ sở y tế
- Kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, tập trung cho vùng khó khăn, đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở.
- Duy trì, ổn định mạng lưới cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản tại các tuyến. Đào tạo, bổ sung bác sĩ chuyên khoa sản, nhi cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến huyện và tỉnh.
- Định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại nhằm cập nhật kịp thời các kiến thức, kỹ thuật chuyên môn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Đào tạo, cập nhật cho cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể, mạng lưới y tế khóm, ấp về truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, chú trọng bổ sung các kiến thức mới.
- Đẩy mạnh và cải thiện chất lượng công tác chỉ đạo tuyến về sản, phụ khoa và nhi khoa; tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức cấp cứu sản khoa; chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ... ở các cơ sở y tế, bao gồm các cơ sở y tế công lập, cơ sở y tế tư nhân.
- Tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên ngành sản, nhi; đào tạo theo nhu cầu đối với từng tuyến; bổ sung số lượng bác sĩ chuyên ngành sản, nhi thông qua các hình thức như: đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác ở các vùng khó khăn, chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh ở các cơ sở công lập. Cụ thể:
Bảo đảm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 bác sĩ chuyên ngành sản, phụ khoa hoặc bác sĩ đa khoa được đào tạo ngắn hạn chuyên ngành sản, phụ khoa; 01 bác sĩ chuyên ngành nhi khoa hoặc bác sĩ đa khoa được đào tạo ngắn hạn chuyên ngành nhi khoa.
Bác sĩ thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được đào tạo về chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý.
Số lượng điều dưỡng, hộ sinh đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ, đặc biệt ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý. Tạo điều kiện để hộ sinh, điều dưỡng ở tuyến xã làm việc quay vòng ở cơ sở có giường bệnh nhằm góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ.
3. Về đảm bảo tài chính
- Tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Nguồn kinh phí hoạt động dựa vào các nguồn vốn khác nhau: ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội hóa khác (nếu có) cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
4. Nâng cao chất lượng báo cáo thống kê, giám sát, theo dõi và đánh giá
- Hoàn thiện hệ thống ghi chép, thống kê và báo cáo tại các tuyến theo quy định.
- Cải thiện và phối hợp hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai các can thiệp hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là về làm mẹ an toàn như: cấp cứu, hồi sức sản khoa; chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh; giám sát tử vong mẹ và đáp ứng; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ; phối hợp các chương trình Chăm sóc sức khỏe hiện đang triển khai.
- Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử, hệ thống thống kê, báo cáo của Bộ Y tế và đẩy mạnh trong quản lý, triển khai, theo dõi, giám sát, đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản.
- Nâng cao chất lượng giám sát tử vong mẹ và đáp ứng theo hướng chú trọng hơn vào thông tin phản hồi, cũng như thực hiện khuyến nghị từ việc phân tích hồi cứu các trường hợp tử vong mẹ trên địa bàn Tỉnh.
- Tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về dự phòng bệnh HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con tại các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân.
- Cập nhật bộ chỉ số, công cụ theo dõi, đánh giá về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản; nâng cao năng lực thông qua hình thức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ làm công tác thống kê, báo cáo nhằm nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu thu thập.
5. Giải pháp xã hội hóa, hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế
- Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe.
- Xây dựng kế hoạch lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản vào các kế hoạch, chương trình hành động của các ngành, đoàn thể địa phương.
- Huy động mạnh mẽ sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức hoạt động xã hội khác đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn Tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện hằng năm và tổng kết giai đoạn về Ủy ban nhân dân Tỉnh.
- Tăng cường công tác đào tạo nhân lực y tế: Đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên ngành sản, nhi; đào tạo theo theo nhu cầu đối với từng tuyến; bảo đảm số lượng bác sĩ chuyên ngành sản, phụ khoa, chuyên ngành nhi khoa.
- Theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch của các đơn vị liên quan, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh để chỉ đạo thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
2. Sở Tài chính: Hằng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo khả năng cân đối ngân sách địa phương; tham gia kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn vị liên quan huy động các nguồn vốn khác để thực hiện hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở trong tỉnh thông tin, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Tháp, Cổng thông tin điện tử Tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng nội dung truyền thông liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, bản tin… theo các hình thức phù hợp.
6. Bảo hiểm xã hội Tỉnh: thực hiện thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế đối với các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức thành viên
- Phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân quan tâm thực hiện các hoạt động cải thiện sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước hiện đang triển khai thực hiện trên địa bàn dân cư; phối hợp giám sát, phản biện xã hội những nội dung có liên quan đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh: phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản vào các kế hoạch, chương trình hành động của các tổ chức Hội ở địa phương; hỗ trợ ngành y tế cho công tác quản lý đối tượng cần chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản tại địa phương.
- Liên đoàn Lao động Tỉnh: Định hướng, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức phổ biến các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; phối hợp ngành y tế tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Hỗ trợ, bổ sung nguồn lực của địa phương cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên địa bàn huyện, thành phố.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Thực hiện lồng ghép trong kinh phí thực hiện các Kế hoạch khác có liên quan1, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 (Tiểu dự án: Cải thiện dinh dưỡng).
- Nguồn viện trợ và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Khi tiến hành thực hiện, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm chi, quyết toán kinh phí theo đúng chế độ quy định hiện hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 Kế hoạch số 371/KH-UBND ngày 27/12/2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 21/12/2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2021-2025 và các Kế hoạch khác có liên quan
- 1 Quyết định 2779/QĐ-BYT năm 2021 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025 do Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 1493/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình "Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Kế hoạch 359/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 4 Kế hoạch 371/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp