Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4073/KH-BCT

Hà nội, ngày 09 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;

n cứ Quyết định số 1907/QĐ-BCT ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng,

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, THỜI GIAN TỔ CHỨC VÀ CHỦ ĐỀ

1. Mục đích và yêu cầu

1.1. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

1.2. Các hoạt động hưởng ứng cần được tổ chức, thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm mục đích, yêu cầu tại Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

1.3. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động hưởng ứng cần tính đến diễn biến của dịch bệnh SARS-CoV-2 (“COVID-19”), bảo đảm an toàn sức khỏe cho những người tham gia, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển các phương thức, thói quen, kỹ năng kinh doanh, tiêu dùng phù hợp với trạng thái bình thường mới.

2. Thời gian tổ chức thực hiện

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2022, trong đó tập trung vào tháng của Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15 tháng 3 và các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết dương lịch, tết âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2021 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3 (Tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5 năm 2022.

3. Chủ đề

Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là: “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Đồng thời, trong quá trình triển khai các hoạt động, cần kết hợp, lồng ghép với các hoạt động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị quyết số 82/NQ-CP).

II. CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM NĂM 2022

1. Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam

Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 được triển khai từ ngày 15 tháng 11 năm 2021 đến ngày 28 tháng 02 năm 2022. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đặc biệt trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cần xây dựng các công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động biến trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động trong Tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Tùy điều kiện thực tế, các hoạt động có thể được tổ chức trực tuyến hoặc tập trung.

2. Các hoạt động trong Tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022

2.1. Các hoạt động ở Trung ương

2.1.1. Đơn vị chủ trì: Bộ Công Thương

2.1.2. Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, các bộ ngành trung ương (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,...), Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan, tổ chức liên quan.

2.1.3. Đơn vị thực hiện: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.

2.1.4. Nội dung thực hiện

2.1.4.1. Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.

2.1.4.2. Các hoạt động trong tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.

i. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến:

- Treo băng rôn, khẩu hiệu và thực hiện các hoạt động tuyên truyền phù hợp tại trụ sở cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên các tuyến phố, tại các khu dân cư và các địa điểm công cộng; trên giao diện của các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng hoặc các hình thức kinh doanh trực tuyến khác (Tham khảo và lựa chọn các nội dung tuyên truyền phù hợp theo Phụ lục kèm theo).

- Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp đăng tải các tin, bài và thực hiện các hoạt động tuyên truyền khác trên các phương tiện thông tin, đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội.

ii. Các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề của năm và các nội dung khác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

iii. Tổ chức hoặc phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi cho người tiêu dùng.

- Phối hợp với một hoặc một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số triển khai chương trình khuyến mại, tri ân người tiêu dùng.

- Các hoạt động khác với mục tiêu tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi người tiêu dùng.

iv. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên.

v. Tổ chức các sự kiện công cộng hướng về cộng đồng người tiêu dùng, trong đó khuyến khích các hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội có tính chất kết nối cao.

vi. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

vii. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông qua các trang mạng xã hội.

viii. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đề xuất giải pháp, chính sách nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử.

ix. Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng khác phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phạm vi, địa bàn và lĩnh vực hoạt động.

2.1.5. Ban hành Bộ tài liệu, ấn phẩm điện tử Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, bao gồm:

- Các clip phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 hoặc các hình thức phát động tương tự;

- Các video clip chủ đề năm 2022 trong đó tập trung cung cấp các kiến thức tiêu dùng cũng như khuyến nghị một số hành vi tiêu dùng liên quan đến Chủ đề của năm 2022;

- Bộ ấn phẩm truyền thông với hình thức điện tử (tờ rơi, băng rôn, sổ tay hướng dẫn, ...).

- Bộ tài liệu hội thảo trực tuyến bao gồm phần trình bày các tham luận, phát biểu, chia sẻ của các chuyên gia về các nội dung liên quan đến chủ đề của năm phục vụ cho việc sử dụng tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Bộ tài liệu, ấn phẩm điện tử nêu trên sẽ được chuyển giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp như một tài liệu tham khảo, phục vụ vào công tác tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại tổ chức, đơn vị mình.

2.1.6. Địa điểm và phương thức tổ chức

2.1.6.1. Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 được dự kiến tổ chức tại thành phố Hà Nội.

2.1.6.2. Các hoạt động khác: Tùy theo tính chất và quy mô, các sự kiện khác có thể được lựa chọn tổ chức tại một địa phương hoặc nhiều địa phương trên cả nước.

Khuyến khích sự phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Trung ương và các hoạt động địa phương cũng như giữa các địa phương để tăng tính thống nhất, lan tỏa, tiết kiệm ngân sách nhà nước và nguồn lực chung của xã hội.

2.2. Các hoạt động tại địa phương

Căn cứ chủ đề phát động của Bộ Công Thương và yêu cầu thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và các hoạt động triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của địa phương trong cả năm 2022.

2.2.1. Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2.2. Đơn vị thực hiện: Sở Công Thương.

2.2.3. Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ban, ngành ở địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.

2.2.4. Nội dung tổ chức

Các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 tại địa phương bao gồm:

2.2.4.1. Các hoạt động nêu tại Mục II.2.1.4 (Các hoạt động ở Trung ương) tại địa phương, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.

2.2.4.2. Các buổi mít tinh, tuần hành, diễu hành.

2.2.4.3. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa phương.

2.2.4.4. Phối hợp với đài phát thanh, truyền hình địa phương tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ và tuyên truyền pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

2.2.4.5. Các hoạt động thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

i. Các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng: hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại và các hoạt động tri ân khác.

ii. Các chương trình ký kết, cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng.

iii. Tuyên dương các doanh nghiệp có nhiều hoạt động hướng tới người tiêu dùng.

iv. Các hoạt động khác phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại địa phương.

2.3. Hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân khác

Căn cứ kế hoạch và chủ đề do Bộ Công Thương phát động, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động thực hiện hoặc tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 do các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức (Các nội dung nêu tại Mục II.2.1.4 (Các hoạt động ở Trung ương) và Mục II.2.2.4 (Các hoạt động tại địa phương)).

3. Các hoạt động tiếp nối Tháng cao điểm và hoạt động tổng kết

3.1. Các hoạt động tiếp nối Tháng cao điểm

Kết thúc Tháng cao điểm, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2022, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phát huy những kết quả đạt được trong Tháng cao điểm, tiếp tục quan tâm, tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tại địa phương, đơn vị và trong phạm vi, lĩnh vực hoạt động.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan được khuyến khích tiếp tục thực hiện các hoạt động nêu tại Mục II.2.1.4 (Các hoạt động ở Trung ương) và Mục II.2.2.4 (Các hoạt động tại địa phương).

Ngoài ra, tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể xây dựng và thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng theo ngày, tuần, tháng để tập trung vào nhóm người tiêu dùng tại địa phương hoặc trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động.

3.2. Các hoạt động tổng kết

3.2.1. Thực hiện các hoạt động tổng kết, đánh giá về các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai tại địa phương, đơn vị; Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành Trung ương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3.2.2. Tham khảo, nhân rộng các hoạt động, mô hình thực hiện tốt và hiệu quả; Xây dựng phương án, kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm cũng như các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

3.2.3. Tự mình hoặc đề xuất các cơ quan có thẩm quyền có hình thức khen thưởng, động viên phù hợp đối với các cá nhân, tổ chức có các đóng góp tích cực cho công tác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác chuẩn bị

1.1. Bộ Công Thương

1.1.1. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

- Căn cứ nội dung kế hoạch được phê duyệt, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản, kế hoạch triển khai và dự toán kinh phí chi tiết cho từng hoạt động và tổ chức triển khai các hoạt động ở Trung ương (Mục I.2.1.4).

- Là đơn vị thường trực Ban Tổ chức, điều phối, tổ chức và xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.

1.1.2. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

1.1.2.1 Các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung tại Mục II.2.1.4 (Các hoạt động ở Trung ương) tại cơ quan, đơn vị, trong lĩnh vực được phân công và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 01 tháng 5 năm 2022 để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

1.1.2.2. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai đồng loạt hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 vào ngày 15/3 bằng các hình thức phù hợp trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và website thương mại điện tử đã đăng ký tại Bộ Công Thương.

1.1.2.3. Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.

1.1.2.4. Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mại đồng thời trên phạm vi cả nước, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, từng bước khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế của đất nước và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Xây dựng, đề xuất và triển khai chương trình khuyến mại tập trung phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và theo quy định của pháp luật.

1.1.2.5. Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện các nội dung ở Mục III.1.1.1.

1.1.2.6. Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp:

Căn cứ các nội dung được nêu tại Mục III.1.1.1, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp phối hợp cùng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lập dự toán ngân sách, kế hoạch thực hiện, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phê duyệt, cấp ngân sách phù hợp để thực hiện các hoạt động.

1.2. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp viễn thông chuyển tải thông điệp tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 tới người tiêu dùng trên cả nước bằng hình thức tin nhắn, thư điện tử hoặc các hình thức khác phù hợp.

- Phối hợp, lồng ghép với các hoạt động do Bộ Công Thương tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.

1.3. Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tổ chức triển khai các hoạt động tại địa phương theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

- Phối hợp, lồng ghép với các hoạt động do Bộ Công Thương tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.

1.4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

1.4.1. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Lễ phát động và các hoạt động khác hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 tại thành phố Hà Nội.

1.4.2. Thực hiện các nội dung tại Mục II.2.2.4 (Các hoạt động tại địa phương) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 ở Trung ương, địa phương bao gồm các nguồn: Ngân sách nhà nước; đóng góp của các tổ chức, cá nhân; tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước; nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Kế hoạch triển khai

Tháng 7 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành, thông báo và triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Từ tháng 7 năm 2021, các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí, thực hiện việc chuẩn bị và triển khai các hoạt động hướng tới và hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.

Trong tháng 3 năm 2022, tổ chức Lễ phát động và các hoạt động trong Tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá và gửi báo cáo kết quả triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa phương và đơn vị về Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng). Bản mềm báo cáo gửi về theo địa chỉ hòm thư điện tử: bvntd@moit.gov.vn.

Trước ngày 30 tháng 5 năm 2022, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên toàn quốc.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ kế hoạch chung và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai./.

 

 

Nơi nhận:
- PTT Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KTTH);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Hội BVNTD các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc Bộ (để t/h);
- Lưu VT, CT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 

PHỤ LỤC:

MỘT SỐ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN NGÀY QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 4073/KH-BCT ngày 09 tháng 7 năm 2021)

- Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới.

- Tiêu dùng an toàn trên nền tảng trực tuyến.

- Tiêu dùng an toàn để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.

- Thông tin cá nhân là tài sản quan trọng của người tiêu dùng.

- Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng.

- Tiêu dùng thời kỳ số: đúng lúc và đúng chỗ.

- Tiêu dùng qua mạng - mua hàng chính hãng.

- Không sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

- Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững.

- Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường.

- 1800-6838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Lưu ý: Căn cứ tình hình kinh tế xã hội tại địa phương và hoạt động cụ thể tại đơn vị, các cơ quan, tổ chức có thể bổ sung các nội dung tuyên truyền khác phù hợp với quy định của pháp luật.