Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

An Giang, ngày 06 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1675/QĐ-TTG NGÀY 29/8/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020;

Thực hiện Công văn số 4258/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 28/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

1.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1675/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020.

1.2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế hiện nay nhằm tăng cường phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật đất đai, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

2.2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đối với một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm trong sử dụng đất đai.

2.3. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đất đai trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi

Thực hiện tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Đối tượng thực hiện

2.1. Đối tượng tăng cường năng lực thanh tra gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra trực thuộc UBND cấp huyện và cán bộ địa chính cấp xã.

2.2. Đối tượng thanh tra gồm:

- UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý đất đai; trọng tâm là việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân.

- Các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; việc quản lý đất trồng lúa và việc quản lý đất đai tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp.

- Các tổ chức sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế; các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường năng lực cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai

1.1. Kiện toàn tăng cường năng lực và tăng biên chế cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra trực thuộc UBND cấp huyện thông qua việc rà soát, điều chuyển cán bộ từ đơn vị khác nhằm tăng cường lực lượng cho tổ chức thực hiện chức năng thanh tra về đất đai mà không làm tăng biên chế của từng địa phương.

1.2. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra đất đai;

1.3. Trang bị các thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra.

2. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố công bố địa chỉ tiếp nhận, hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các cơ quan, cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo phân cấp và người sử dụng đất và tổ chức tiếp nhận, xử lý đầy đủ các thông tin đã tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

3.1. Năm 2016, 2017: Tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, trong đó:

- Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thanh tra tối thiểu 05 đơn vị cấp huyện và 02 đơn vị cấp xã của mỗi huyện.

- UBND cấp huyện tổ chức thanh tra tối thiểu 05 đơn vị cấp xã thuộc mỗi huyện và tổng hợp, báo cáo kết quả gửi về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

3.2. Năm 2018: Tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế:

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm và tổng hợp, báo cáo kết quả gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3.3. Năm 2019: Tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp:

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thanh tra 20 cơ sở sản xuất kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và tổng hợp, báo cáo kết quả gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3.4. Năm 2020: Tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa:

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thanh tra 05 đơn vị cấp huyện trực thuộc và tổng hợp, báo cáo kết quả gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra và đánh giá, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai

Trên cơ sở kết quả thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai trong 05 năm (2016 - 2020) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thực hiện tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện và những tồn tại, vướng mắc trong việc xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các loại đối tượng thanh tra theo Đề án; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; trọng tâm là các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai và các quy định khác có liên quan đến các nội dung thanh tra theo Đề án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm và báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu.

2. Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai theo thẩm quyền. Hàng năm các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch thanh tra để tổ chức thực hiện. Thanh tra tỉnh xem xét, rà soát kế hoạch thanh tra hàng năm của các đơn vị để tránh trùng lắp về nội dung và đối tượng thanh tra.

3. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách, bố trí kinh phí hàng năm cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện kế hoạch.

4. Các Sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ khi có yêu cầu./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh