Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4741/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 19 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP CỦA NHÂN LOẠI HÁT XOAN PHÚ THỌ NĂM 2017

Căn cứ quyết định số 2058/QĐ-TTg ngày 7 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013 - 2020);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 129/TTr-SVHTTDL ngày 10/10/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ năm 2017 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích.

- Nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ theo đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cần thiết để năm 2017 Hát Xoan Phú Thọ đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật của nhân loại.

2. Yêu cầu.

- Các công việc thực hiện phải bám sát nội dung của đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo đồng bộ theo các quy định của Công ước UNESCO và văn bản hướng dẫn thực hiện Công ước, Quyết định của Ủy ban Liên Chính Phủ; trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 và những năm trước đây để bổ sung cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

- Phát huy được ý thức, trách nhiệm, nhiệt tình của các nghệ nhân, nhân dân ở các phường Xoan gốc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch phải được sự chỉ đạo chặt chẽ, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.

II. NỘI DUNG:

1. Tiếp tục triển khai công tác truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca trên địa bàn tỉnh:

- Nội dung truyền dạy, thực hành: Trên cơ sở lựa chọn truyền dạy một số bài Hát Xoan ở 3 chặng Xoan cổ.

- Đối tượng tham gia: Đại diện ban chủ nhiệm, hạt nhân tiêu biểu của 34 Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ trên địa bàn tỉnh: Cụ thể 02 học viên/01 câu lạc bộ.

- Địa điểm: Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và Du lịch.

- Thời gian truyền dạy: 10 ngày, dự kiến tháng 6 năm 2017

- Người truyền dạy: Các nghệ nhân thuộc các phường Xoan gốc.

2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và truyền thông của Trung ương và Địa phương.

3. Đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan tới Hát Xoan.

4. Tiếp tục đưa di sản hát Xoan vào trường học; nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan và mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy Hát Xoan trong trường học:

4.1. Tiếp tục nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan trong 652 trường học. Tổng số 1.400 bộ sách, đĩa, (số lượng 02 bộ/trường). Nhiệm vụ này đã có trong Kế hoạch của năm 2016 và tiếp tục triển khai trong năm 2017.

4.2. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy hát Xoan trong các trường học (gồm 270 học viên).

- Nội dung:

+ Phần lý thuyết tìm hiểu lịch sử của nghệ thuật hát Xoan

+ Phần thực hành trình diễn múa, hát, gõ trống của 31 bài bản hát xoan cổ.

- Đối tượng: Giáo viên dạy âm nhạc trong các trường TH và THCS.

- Chương trình: 06 lớp/năm, 45 học viên/lớp (mỗi lớp học 08 bài)

- Thời gian: 10 ngày/lớp, dự kiến tổ chức vào tháng 7, 8 năm 2017.

- Giảng viên: Các nghệ nhân tại các phường Xoan gốc, các chuyên gia nghiên cứu về Hát Xoan ở Trung ương và Địa phương.

- Địa điểm mở lớp: Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và Du lịch.

5. Tổ chức liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là học sinh tiểu học và học sinh THCS trên địa bàn toàn tỉnh (tháng 7/2017).

6. Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân Hát Xoan (theo Quyết định số 3255/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016 của Bộ VHTTDL về ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Hai năm 2018).

7. In bổ sung 3.000 đĩa DVD (đã phát hành năm 2016) để giới thiệu những đặc trưng của nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ và những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc cam kết với UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

8. Xuất bản một tài liệu chính thống gồm những bài bản Xoan để truyền dạy trong các câu lạc bộ, các lớp cộng đồng...

9. Ủy ban nhân dân các xã: Kim Đức, Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) phải chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành Hát Xoan tại các phường Xoan, đặc biệt là việc tiếp tục truyền dạy Hát Xoan cho các đối tượng, nhất là các cháu thanh, thiếu nhi tại các phường Xoan gốc; Kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng/phường Xoan.

10. Tăng cường công tác vận động để đề nghị UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và chủ động các điều kiện để tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO khi ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dự kiến năm 2017 (Kế hoạch, thời gian có báo cáo riêng).

11. Tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi và đưa vào sử dụng các di tích gắn với Hát Xoan theo quyết định số 2058/QĐ-TTg, ngày 07/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích có tục kết nước nghĩa với các phường Xoan.

12. Sưu tầm bổ sung thêm hiện vật và hoàn thiện việc trưng bày, giới thiệu về Hát Xoan Phú Thọ tại Nhà trưng bày Hát Xoan trong khuôn viên Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, TP Việt Trì.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Nguồn kinh phí: Trong nguồn dự toán ngân sách tỉnh giao năm 2017

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết để thực hiện các nội dung của kế hoạch này. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về chất lượng, hiệu quả, tiến độ các nội dung triển khai thực hiện kế hoạch.

- Chủ trì phối hợp với UBND huyện, thành, thị có các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền dạy, thực hành, tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu trong và ngoài nước để tuyên truyền quảng bá di sản; tổ chức đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan tới Hát Xoan; Xuất bản một tài liệu chính thống gồm những bài bản Xoan để truyền dạy trong các câu lạc bộ, các lớp cộng đồng...

- In bổ sung 3.000 đĩa DVD (đã phát hành năm 2016) để giới thiệu những đặc trưng của nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ và những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc cam kết với UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp;

- Chủ trì, phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình tỉnh, báo Phú Thọ và các cơ quan báo chí trung ương tổ chức công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về Hát Xoan Hát Xoan, công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ;

- Chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (sau khi được công nhận).

- Chủ trì xây dựng kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân Hát Xoan.

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan trong trường học và mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy hát Xoan trong các trường học.

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là học sinh tiểu học và học sinh THCS trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phối hợp với UBND thành phố Việt Trì chỉ đạo các xã: Kim Đức, Phượng Lâu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành hát Xoan tại các phường Xoan, đặc biệt là việc tiếp tục truyền dạy Hát xoan cho các đối tượng, nhất là các cháu thanh thiếu nhi tại các phường xoan gốc.

- Sưu tầm bổ sung thêm hiện vật và hoàn thiện việc trưng bày, giới thiệu về Hát Xoan Phú Thọ tại Nhà trưng bày Hát Xoan trong khuôn viên Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, TP Việt Trì.

- Xây dựng và tổng hợp dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện.

2. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo hoàn thành các nội dung công việc theo kế hoạch đề ra; cấp phát kịp thời kinh phí, đảm bảo thuận lợi cho quá trình thực hiện các công việc nêu trong kế hoạch; kiểm tra thanh quyết toán việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

3. Văn phòng UBND tỉnh: Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch.

4. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các đoàn công tác vận động, quảng bá tuyên truyền ở nước ngoài theo kế hoạch.

5. Sở giáo dục và đào tạo: Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc tiếp tục nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan trong trường học và phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lựa chọn và triệu tập giáo viên dự các lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy hát Xoan trong các trường học; phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc lựa chọn và triệu tập học sinh tham gia cuộc thi liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là học sinh tiểu học và học sinh THCS trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Việt Trì trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về Hát Xoan Phú Thọ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ đến đông đảo nhân dân, bạn bè quốc tế trong và ngoài nước được biết.

7. Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì và các địa phương liên quan đến Hát Xoan: Chỉ đạo UBND xã Kim Đức, xã Phượng Lâu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành hát Xoan tại các phường Xoan gốc, đặc biệt là việc tiếp tục truyền dạy Hát Xoan cho các đối tượng nhất là các cháu thanh, thiếu nhi tại các phường Xoan gốc bố trí nghệ nhân, diễn viên, cán bộ tham gia các lớp truyền dạy, tập huấn đảm bảo yêu cầu trong kế hoạch. Tạo điều kiện cho các nghệ nhân Hát Xoan, các phường Xoan gốc tổ chức truyền dạy, các hoạt động biểu diễn, phục hồi Hát Xoan; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nghiên cứu, điều tra, sưu tầm tư liệu; vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể trên địa bàn tích cực tham gia bảo tồn di sản Hát Xoan, bảo vệ di tích; triển khai công tác lập hồ sơ khoa học, đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa tại các phường Xoan theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ năm 2017. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- Bộ Ngoại giao;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cục DSVH (Bộ VHTTDL);
- Vụ VH đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao);
- Các đơn vị có tên trong Kế hoạch (t/h);
- Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, VX (60b).

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hà Kế San