Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 48/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 06 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân của các cơ quan quản lý nhà nước;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

2. Yêu cầu:

- Quán triệt đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân.

- Khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân hiện nay; đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

- Làm rõ vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp công dân, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan nhà nước.

- Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 6/2011.

Để đổi mới công tác tiếp công dân, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải coi việc tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức. Công tác tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, tổ chức. Việc kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức phải gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp dân.

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Lịch tiếp công dân được xây dựng cho 6 tháng 1 lần và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi tiếp công dân. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND, Thủ trưởng và cấp phó cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp tham gia các buổi tiếp công dân theo lịch. Trường hợp có lý do chính đáng phải hoãn việc tiếp dân, thì phân công lại hoặc bố trí vào thời gian tiếp theo và phải thông báo trước cho nhân dân biết.

Sau khi tiếp công dân phải có thông báo việc tiếp công dân hoặc văn bản trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trực thuộc trong công tác tiếp công dân, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực làm công tác tiếp công dân, đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc cho Trụ sở Tiếp công dân.

- Việc tiếp công dân gắn với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thì đích thân Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp dân và có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” phức tạp.

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác tiếp công dân tới cán bộ công chức nói chung và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân nói riêng. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân.

2. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp công dân

Thực hiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tiếp công dân các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh như sau:

a) Về mô hình tổ chức:

* Đối với cấp tỉnh:

- Các cơ quan lãnh đạo của tỉnh như: Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tiếp công dân chung tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh (số 37 Tôn Đức Thắng, phường Phú Hội, thành phố Huế). UBND tỉnh quyết định thành lập Trụ sở tiếp công dân tỉnh và chỉ định một Phó Chánh thanh tra tỉnh phụ trách để chủ trì, quản lý, phối hợp thực hiện việc tiếp công dân của tỉnh.

Trụ sở tiếp công dân tỉnh có con dấu riêng.

- Đối với Thanh tra tỉnh, sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở cơ quan để tiếp nhận các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền. Thanh tra tỉnh, sở, ngành thuộc UBND tỉnh bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân; đồng thời, có trách nhiệm cử cán bộ tham gia phục vụ tiếp công dân với Lãnh đạo tỉnh khi có yêu cầu.

* Đối với thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và các huyện:

Tổ chức tiếp công dân tại Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp mình và phải bố trí Phòng Tiếp dân riêng làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Ủy ban nhân dân cấp huyện cử 1 đến 2 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân, được sử dụng con dấu của Văn phòng UBND cấp huyện trong hoạt động tiếp công dân.

* Đối với các xã, phường, thị trấn:

Tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân cấp xã cử 01 cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm công tác tiếp dân.

b) Về hoạt động của Trụ sở tiếp công dân:

- Tại trụ sở tiếp công dân phải có nội quy, quy chế, quy trình tiếp công dân công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Việc tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa công tác tiếp công dân với các cơ quan cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nối mạng internet tạo điều kiện cho người dân được biết kết quả của việc tiếp công dân, quá trình thụ lý giải quyết, trả lời đơn, thư của công dân trên mạng internet.

c) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở tiếp công dân

- Chức năng của Trụ sở tiếp công dân: Trụ sở tiếp công dân có chức năng tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trong công tác tiếp công dân; chuẩn bị kế hoạch, các điều kiện cần thiết để Thủ trưởng cơ quan nhà nước tiếp công dân.

- Nhiệm vụ của Trụ sở tiếp công dân:

+ Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân về những vấn đề liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý nhà nước, hoạt động của các cơ quan, tổ chức để chuyển đến cơ quan cá nhân có thẩm quyền tiếp thu, xem xét, giải quyết.

+ Tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức.

+ Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

- Quyền hạn của Trụ sở Tiếp công dân:

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kế hoạch, chương trình làm việc, tài liệu cho Thủ trưởng - cơ quan Nhà nước cùng cấp tiếp công dân.

+ Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc kết luận, chỉ đạo của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước khi tiếp công dân.

+ Khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, Trụ sở tiếp công dân có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan cử cán bộ có trách nhiệm đến Trụ sở tiếp công dân để phối hợp tham gia tiếp dân, bàn biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời.

+ Kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trả lời việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh của công dân do cán bộ tiếp công dân của Trụ sở chuyển đến.

+ Theo định kỳ, báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đột xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

+ Yêu cầu cơ quan công an kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người có hành vi gây rối trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ tiếp dân, xâm phạm tài sản của nhà nước và cá nhân.

- Nhiệm vụ của cán bộ tiếp công dân:

+ Cán bộ tiếp dân luôn có thái độ ứng xử đúng mực, nhẹ nhàng, có văn hóa đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

+ Hướng dẫn công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng, những nội dung, yêu cầu cần giải quyết, cung cấp những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc; hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo đến đúng người có thẩm quyền; giải thích cho công dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

+ Đối với những vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng công dân vẫn còn thắc mắc thì cán bộ tiếp dân hướng dẫn, giải thích cho công dân rõ để chấp hành nghiêm túc.

+ Mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung công dân đến trình bày; tiếp nhận và phân loại đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

+ Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cán bộ của các cơ quan tham gia tiếp dân tại Trụ sở để làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết nhũng vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp.

+ Thực hiện nhiệm vụ khác do người phụ trách tiếp công dân giao.

3. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Xây dựng, hoàn chỉnh Qui định về công tác tiếp công dân: nhằm quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời gian, phương thức thực hiện tiếp công dân; đảm bảo dân chủ, kỹ cương, hiệu quả hiệu lực công tác tiếp công dân, chủ động trong công tác tiếp công dân của các cấp, các ngành.

- Xây dựng Quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và của các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã: Nội dung Quy chế cần xác định nhiệm vụ cụ thể từng khâu công việc của từng cơ quan, đơn vị cũng như vai trò, trách nhiệm đối với cán bộ tham gia thực hiện công tác tiếp công dân; tránh tình trạng đùn đẩy công việc và trách nhiệm lẫn nhau; đảm bảo được việc theo dõi công tác tiếp dân có hệ thống và liên tục; nâng cao được vai trò chủ động trong công việc nhằm thực hiện công tác tiếp dân có hiệu quả.

- Sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh Quy định về thẩm quyền trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; Quy định về thẩm quyển, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh: nhằm cụ thể hóa thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.

- Xây dựng và triển khai hệ thống tin học phục vụ công tác quản lý việc tiếp công dân; quản lý việc tiếp nhận, xử lý đơn thư trên phạm vi toàn tỉnh nhằm theo dõi tiến độ thụ lý, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền; đồng thời, phục vụ công tác thống kê, tổng hợp thông tin liên quan công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trên địa bàn.

Thông qua việc sử dụng hệ thống tin học, cơ quan quản lý hành chính nhà nước hoặc Lãnh đạo UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp tiếp công dân có thể theo dõi được toàn bộ quá trình tiếp nhận, thụ lý đơn đối với từng vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu công tác tiếp công dân; tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạn vi toàn tỉnh.

4. Tăng cường, nâng cao chất lượng cán bộ và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân

- Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân ở các cấp, các ngành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng; đồng thời, đảm bảo đủ số lượng cán bộ biên chế cho Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy nhằm đáp ứng kịp thời, yêu cầu của công tác tiếp công dân.

- Bổ sung cán bộ có năng lực, phẩm chất, có kỹ năng công tác tiếp dân cho Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và UBND các cấp, các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân phải chọn người có phẩm chất, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm; có tác phong gần gũi quần chúng, am hiểu tâm lý; có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; được đào tạo nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Thực hiện các chính sách của Nhà nước đã ban hành về đãi ngộ đặc thù, thỏa đáng đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm khuyến khích, động viên và thu hút cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt về làm công tác tiếp dân.

5. Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc cho cơ quan tiếp dân

a) Đối với cấp tỉnh:

- Hoàn thành việc xây dựng công trình Trụ sở tiếp công dân của tỉnh tại số 37 đường Tôn Đức Thắng để đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

- Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Trụ sở tiếp công dân của tỉnh trước ngày 30 tháng 7 năm 2011.

b) Đối với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã:

- Tiếp công dân tại trụ sở cơ quan nhưng phải có phòng tiếp công dân riêng.

- Phòng tiếp công dân phải bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân. Phấn đấu trước ngày 30 tháng 12 năm 2011 phải hoàn thành đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết cho Phòng Tiếp công dân cấp huyện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Phân công trách nhiệm

a) Thanh tra tỉnh có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan rà soát, thống kê đội ngũ làm công tác tiếp công dân; xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh quyết định về biên chế bộ máy tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

- Chủ trì phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội & Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh xây dựng dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Xây dựng, hoàn chỉnh Qui định về công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy định về thẩm quyền trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 2033/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006) và Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 1490/2007/QĐ-UBND ngày 30/6/2007) của UBND tỉnh đúng với các quy định mới của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai; phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương.

- Tiếp nhận, quản lý và sử dụng phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo. Thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu công tác tiếp công dân; tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo để phục vụ công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh.

- Thực hiện việc xây dựng nội qui, qui chế tại nơi tiếp công dân của Trụ sở tiếp công dân tỉnh và hệ thống biểu mẫu liên quan để niêm yết. Đồng thời, xây dựng nội qui, qui chế mẫu để niêm yết tại nơi tiếp công dân của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã.

- Phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.

- Phối hợp với lực lượng công an địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

- Theo dõi, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch triển khai đề án, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Sở Nội vụ có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; đồng thời, tiến hành rà soát, tăng cường biên chế nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân trình UBND tỉnh phê duyệt.

c) Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội & Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hòa, phối hợp chung giữa Lãnh đạo các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; đảm bảo điều kiện thuận lợi để Lãnh đạo các cơ quan Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện việc tiếp công dân đúng thời gian theo lịch tiếp công dân đã thông báo.

- Phân công cán bộ theo dõi công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; cử cán bộ phối hợp với Thanh tra tỉnh tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh khi có yêu cầu đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

- Thực hiện việc cài đặt Hệ thống phần mềm quản lý công tác tiếp dân, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và các sở, ngành, UBND thành phố, thị xã và các huyện theo văn bản UBND tỉnh đã chỉ đạo. Đồng thời, chịu trách nhiệm theo dõi, vận hành hệ thống phần mềm đã cài đặt đảm bảo thông suốt, nhằm giúp cho các cơ quan quản lý, người có thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ động nguồn dữ liệu, kịp thời nắm bắt thông tin để phục vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu về công tác tiếp dân; tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ Văn phòng để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

d) Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Xây dựng dự toán kinh phí để triển khai thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kinh phí để triển khai thực hiện Đề án lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác (nếu có).

- Có kế hoạch bố trí kinh phí thực hiện Đề án về chế độ chính sách đối với cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về tăng cường cơ sở vật chất cho Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

đ) Các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm:

- Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này; định kỳ báo cáo việc thực hiện Đề án với Chủ tịch UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ.

- Chỉ đạo Thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc quyền; Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

- Rà soát tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiếp công dân trên địa bàn quản lý; xây dựng phương án củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác tiếp dân theo nội dung của Đề án.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - nhất là pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân và ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của công dân.

- Lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực, có trách nhiệm để làm công tác tiếp dân; thực hiện chính sách đãi ngộ đặc thù cho đội ngũ cán bộ tiếp công dân.

- Tạo điều kiện thuận lợi và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất nơi tiếp công dân của sở, ngành, địa phương bảo đảm khang trang, thoáng mát, đủ phòng làm việc và các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết để phục vụ cho công tác tiếp công dân.

- Tiếp nhận, quản lý và sử dụng phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc việc cập nhật cơ sở dữ liệu công tác tiếp công dân; tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ công tác theo quy định chung.

2. Thời gian, tiến độ thực hiện Đề án

a) Về kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ cho cơ quan tiếp công dân:

- Trước ngày 30 tháng 12 năm 2011, hoàn thành việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 100% cán bộ làm công tác tiếp công dân.

- Trước ngày 30 tháng 06 năm 2012, hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tiếp công dân trên toàn tỉnh.

b) Về bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho trụ sở tiếp công dân:

- Trước ngày 30 tháng 7 năm 2011 hoàn thành việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

- Phòng Tiếp công dân UBND cấp huyện xong trước ngày 30 tháng 12 năm 2011.

- Trước ngày 30 tháng 12 năm 2012, hoàn thành việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho phòng tiếp dân cấp xã.

c) Về kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính Nhà nước về thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; về thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án:

- Hàng năm tiến hành 01 đợt kiểm tra do Thanh tra tỉnh chủ trì, có sự tham gia, phối hợp với lực lượng các sở, ban, ngành chức năng liên quan.

Thời gian kiểm tra đợt 1 được thực hiện từ tháng 04/2011 đến 06/2011.

3. Kinh phí triển khai kế hoạch thực hiện Đề án

a) Về nguyên tắc lập dự toán và sử dụng kinh phí:

- Kinh phí để triển khai thực hiện Đề án lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh cấp và các nguồn hỗ trợ khác (nếu có).

- Sở Tài chính, phòng Tài chính cấp huyện có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí để triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc xây dựng dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí phải theo đúng quy định của pháp luật.

b) Kinh phí chi việc triển khai thực hiện Đề án:

- Kinh phí xây dựng, hoàn thiện Trụ sở, nơi làm việc, trang thiết bị.

- Kinh phí xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp công dân.

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân.

- Kinh phí bồi dưỡng cho người trực tiếp làm công tác tiếp công dân theo chế độ quy định.

4. Theo dõi, kiểm tra và chế độ thông tin báo cáo.

- Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và các huyện chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, báo cáo kết quả Chủ tịch UBND tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng một lần, Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và các huyện báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các CQ chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND TP Huế, TX Hương Thủy & các huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- CVP, PCVP UBND tỉnh; các Chuyên viên;
- Lưu: VT, KNTD (2).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao