Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Thực hiện Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của thành phố Hà Nội năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thông tin về nội dung của công tác CCHC nhà nước; phổ biến các Chương trình, Kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm, các hoạt động về CCHC; tuyên truyền về kết quả đạt được trong công tác CCHC của Chính phủ, Thành phố và các cơ quan, đơn vị tới người dân, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc của cơ quan nhà nước; của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

- Nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước; phát huy vai trò giám sát, phối hợp của các tổ chức đoàn thể; vận động các lực lượng quần chúng nhân dân đồng thuận, hợp tác, cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ CCHC của Thành phố.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch được triển khai, tổ chức thực hiện tại 100% các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; gắn với nhiệm vụ chính trị của tổ chức, cơ quan, đơn vị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác, thiết thực, có tính định hướng dư luận; hình thức thông tin, tuyên truyền đa dạng, phong phú, linh hoạt; phù hợp với tình hình thực tế từng khu vực, địa bàn, các nhóm đối tượng.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của nhà nước; Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ, Thành phố về CCHC.

- Các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thành ủy Hà Nội; Chương trình tổng thể về CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; các Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ, Thành phố, địa phương, đơn vị về CCHC, liên quan đến các nội dung của công tác CCHC trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025; các Kế hoạch của Thành phố, đơn vị, địa phương thực hiện 6 nội dung trọng tâm của CCHC.

- Chủ đề công tác năm của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với các nhiệm vụ, chỉ tiêu CCHC của Thành phố năm 2022.

- Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội năm 2022.

2. Tuyên truyền về các hoạt động trong công tác CCHC

a) Trong lĩnh vực Cải cách thể chế

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố

- Tổng kết đánh giá về tình hình thi hành Luật Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô.

b) Trong lĩnh vực cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

- Rà soát, đơn giản hóa các TTHC, trọng tâm là TTHC liên thông thuộc các lĩnh vực: Quy hoạch, đất đai, đầu tư, tư pháp, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, lao động, thuế...

- Việc công bố, công khai TTHC, các dịch vụ công.

- Rà soát, đánh giá, tổng hợp và hoàn thiện các quy trình, quy chế giải quyết TTHC, công việc hành chính của các cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện ủy quyền giải quyết TTHC đối với lĩnh vực đất đai theo quy định của Thành phố.

- Thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 12/7/2021 về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

c) Trong lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy

- Triển khai thực hiện Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND Thành phố.

- Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố theo Quyết định số 4042/QĐ-UBND ngày 27/8/2021.

- Thực hiện quy định phân cấp quản lý nhà nước tại Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 của UBND Thành phố.

d) Trong lĩnh vực cải cách chế độ công vụ

- Tổ chức và kiểm soát thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Thành phố giao.

- Triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022.

- Tổ chức thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế theo Kết luận Thanh tra của Bộ Nội vụ về thực hiện các quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

- Thực hiện nghiêm và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây.

e) Trong lĩnh vực cải cách tài chính công

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 05/11/2020 của UBND Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

- Tiếp tục thực hiện việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, đô thị...

- Thực hiện đầy đủ các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc sử dụng có hiệu quả tài sản công, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

- Thực hiện đúng, đủ các quy định việc công khai, minh bạch về tài chính, quyết toán và dự toán ngân sách các cấp hàng năm, đặc biệt là cấp xã.

g) Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số

- Triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử, Chương trình chuyển đổi số.

- Tiếp tục số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.

- Hoàn thiện và đưa vào vận hành sử dụng Hệ thống Hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai Thành phố.

- Triển khai hệ thống xác định chỉ số CCHC và hệ thống theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC.

- Nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công Thành phố, Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố.

- Xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung của Thành phố.

3. Kết quả công tác CCHC của Thành phố

- Kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI và các chỉ số khác đo lường tính hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố.

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ về CCHC của ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị trên 6 lĩnh vực tại mục II.2. Kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số SIPAS của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

- Các sáng kiến kinh nghiệm, các mô hình mới, cách làm hay của tổ chức, tập thể trong CCHC; các tấm gương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ứng xử văn minh, có trách nhiệm tận tụy, có tinh thần, thái độ đúng mực trong phục vụ nhân dân.

- Các ý kiến đề xuất, góp ý, phát hiện, hiến kế...của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân đối với Thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác CCHC; việc tiếp thu, phản hồi ý kiến đóng góp và kết quả xử lý các kiến nghị, đề xuất của tổ chức, công dân.

III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

- Tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo chí, đài phát thanh, đài truyền thanh); Cổng thông tin điện tử; các website của cơ quan, đơn vị; các trang mạng xã hội; các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số...

- Tuyên truyền trực quan: tài liệu, sách, tranh ảnh, tờ rơi, sổ tay; panô, áp phích, khẩu hiệu, biển hiệu; bảng thông báo, bảng công khai tại trụ sở các cơ quan nhà nước; bảng tin, màn hình điện tử tại các cụm dân cư, tổ dân phố, tòa nhà chung cư...

- Thông qua các hoạt động truyền thông tương tác, cùng tham gia: các sự kiện, mít tinh, cổ động, các cuộc thi tìm hiểu, trao đổi, tọa đàm, đối thoại, tiếp xúc cử tri...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Chủ trì tham mưu UBND Thành phố trong công tác triển khai Kế hoạch; đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; tham mưu công tác kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, gắn với kiểm tra công tác CCHC; tham mưu công tác khen thưởng; định kỳ tổng hợp, báo cáo gắn với báo cáo CCHC của UBND Thành phố; tham mưu Báo cáo kết quả công tác thông tin, tuyên truyền CCHC của thành phố Hà Nội theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

- Đầu mối phối hợp thực hiện tuyên truyền về công tác CCHC của Thành phố trên Bản tin điện tử về CCHC của Chính phủ; chuyển Bản tin điện tử về CCHC của Chính phủ tới các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

- Chịu trách nhiệm về nội dung, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thông tin báo chí 1 lần/quý về CCHC.

- Chịu trách nhiệm thẩm định nội dung đối với các sản phẩm, hoạt động tuyên truyền về CCHC do các đơn vị thuộc Thành phố tổ chức.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các cuộc thi về CCHC do Trung ương phát động.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành Thành phố, tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC của Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ; lồng ghép phù hợp với các nội dung, hoạt động tuyên truyền khác của Thành phố.

- Đề xuất, tham mưu UBND Thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền về CCHC thông qua hình thức tương tác, cùng tham gia. Phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông, các tổ chức đoàn thể để phát động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về CCHC.

- Tham mưu UBND Thành phố ký kết các Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền về CCHC giữa UBND Thành phố với các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương.

- Tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về CCHC của các website, cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí, bản tin thuộc Thành phố; thực hiện có hiệu quả kênh tiếp nhận, xử lý, phản hồi các ý kiến, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố (https://hanoi.gov.vn).

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức biên soạn, xây dựng, phát hành các loại sản phẩm thông tin, tuyên truyền về nội dung CCHC.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND Thành phố tổ chức thông tin báo chí nội dung về CCHC 1 lần/quý.

3. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan về CCHC trên địa bàn Thành phố.

- Chủ động tham mưu, đề xuất với Thành phố, phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn Thành phố gắn với tuyên truyền CCHC.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục thông tin và tuyên truyền về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

4. Văn phòng UBND Thành phố

- Chủ trì tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về Kiểm soát TTHC và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Thực hiện hồi đáp kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến (https://dichvucong.hanoi.gov.vn) của Thành phố.

5. Sở Tư pháp

Đẩy mạnh tuyên truyền về CCHC lồng ghép với các nội dung, hoạt động phù hợp của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố.

6. Các Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế, xác định các nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền để đưa vào Kế hoạch CCHC năm 2022 của cơ quan, đơn vị; chủ động tổ chức thực hiện tuyên truyền CCHC trong tổng thể nhiệm vụ CCHC của Thành phố và cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

- Có trách nhiệm cung cấp thông tin, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, các cơ quan báo chí để tuyên truyền về công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành theo quy định.

- Định kỳ 6 tháng, cuối năm báo cáo kết quả thông tin, tuyên truyền về CCHC lồng ghép trong Báo cáo kết quả công tác CCHC của cơ quan, đơn vị hàng quý, 6 tháng, cuối năm.

- Các đơn vị được giao chủ trì các nội dung (Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở văn hóa và Thể thao, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND Thành phố) có trách nhiệm chủ động tham mưu, đề xuất, theo dõi, đôn đốc, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tổng hợp, báo cáo thành một mục riêng về kết quả thực hiện nội dung được giao chủ trì, lồng ghép trong Báo cáo CCHC hàng quý, 6 tháng, cuối năm của đơn vị.

7. Đề nghị Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

Đưa nội dung chương trình Kế hoạch CCHC lồng ghép trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng, các buổi sinh hoạt chuyên đề của các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Trường và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã.

8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

Chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền CCHC gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2022: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên (Liên đoàn Lao động Thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố, Hội LHPNVN Thành phố, Hội Cựu Chiến binh Thành phố)

Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên tuyên truyền về kết quả thực hiện công tác CCHC của Thành phố, vận động hội viên và nhân dân ủng hộ, tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và thực hiện tốt 2 Bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội.

10. Các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội

Đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương có chương trình phối hợp công tác với thành phố Hà Nội tăng cường thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ CCHC của thành phố Hà Nội, các mô hình mới hiệu quả, gương cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, tình hình triển khai, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của Thành phố.

Các cơ quan báo chí, truyền hình, tạp chí, tập san...của thành phố Hà Nội xây dựng và tăng cường chuyên trang, chuyên mục về CCHC với nội dung phù hợp với đối tượng tuyên truyền.

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thiết lập và duy trì mỗi tuần ít nhất một lần chuyên mục phát sóng về CCHC, thời lượng ít nhất 15 phút vào thời điểm có nhiều người theo dõi.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí đã giao cho các đơn vị tại Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng CP (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ (để báo cáo);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để báo cáo);
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để báo cáo);
- Thường trực HĐND Thành phố (để báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố (để phối hợp);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội (để phối hợp);
- Ban Tuyên giáo Thành ủy (để phối hợp);
- Trường ĐTCB Lê Hồng Phong (để phối hợp);
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Báo Nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Tạp chí Cộng sản, Cổng TTĐT Chính phủ, báo QĐND, Hà Nội mới, Kinh tế và Đô thị, Đài PTTH HN, Cổng GTĐT HN, ANTĐ;
- VPUB: CVP, Các PCVP; Các phòng: KGVX, KSTTHC, NC, TKBT, TH;
- Lưu: VT, NC (Bình), SNV (Hải).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn