Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 57/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2012

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Điện lực 03/12/2004;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2005 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005;

Căn cứ Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/8/2010 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực;

Căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 4351/QĐ-BCT ngày 29/8/2011 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND ngày 15/12/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quy định về Quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 18/01/2011 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển lưới điện thành phố Hà Nội; Quyết định số 3398/QĐ-UBND ngày 12/7/2010 ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển lưới điện thành phố Hà Nội;

Để quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn Thành phố đạt kết quả, đáp ứng mục tiêu điện khí hóa đi trước một bước trong quá trình công nghiệp hóa Thủ đô, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển lưới điện Thành phố Hà Nội năm 2012 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc nhằm hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình cấp điện trọng điểm của Thành phố.

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công trình đầu tư, xây dựng phát triển lưới điện Thành phố theo đúng Quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo tiến độ thi công công trình nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của Thủ đô.

- Tham mưu cho UBND Thành phố các chủ trương, chính sách và các biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện của Thành phố đáp ứng mục tiêu điện khí hóa đi trước một bước trong quá trình công nghiệp hóa Thủ đô.

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, đưa việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thành phố về quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt đi vào nề nếp.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển lưới điện Thành phố theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, đưa ra biện pháp giải quyết nội dung chưa đồng nhất về vị trí và hướng tuyến cấp nguồn điện giữa Quy hoạch chuyên ngành điện và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội.

2. Chỉ đạo việc lập và công bố Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 của 29 quận, huyện, thị xã để chuẩn xác lưới điện phân phối đến từng phường, xã, thôn; xác định rõ quy mô, tiến độ cải tạo và đầu tư để tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện.

3. Chỉ đạo việc tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Điện lực, các nghị định, các quyết định của Bộ Công Thương và UBND Thành phố, các văn bản pháp luật hiện hành về công tác quản lý Quy hoạch phát triển điện lực cho cán bộ các Sở, ngành, các phòng ban liên quan, các Ban quản lý dự án của Thành phố và các quận, huyện, thị xã.

4. Chỉ đạo việc kiểm tra, cập nhật thường xuyên tiến độ đầu tư xây dựng các công trình cấp điện trọng điểm của Thành phố; tập trung nguồn lực để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, hoàn thành việc đưa vào sử dụng công trình trạm biến áp 220kV Tây Hồ, các đường dây 220kV: Chèm-Tây Hồ, Hà Đông-Thành Công, Vân Trì-Sóc Sơn, Vân Trì-Chèm trong năm 2012 và các trạm 110kV theo đúng Quy hoạch được duyệt.

5. Tổ chức rà soát, xác định vị trí, địa điểm, quy mô các dự án điện 220kV, 110kV có trong Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố được Bộ Công Thương phê duyệt đối với các công trình dự kiến đầu tư xây dựng trong năm 2012; Tham mưu cho Thành phố chính sách về đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn Thành phố; cơ chế đặc thù trong giao đất, cho thuê đất và giải phóng mặt bằng đối với các công trình điện trọng điểm.

6. Chỉ đạo việc kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực của thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

7. Tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, đề xuất xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm đồng thời khen thưởng tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phát triển lưới điện.

III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương thường trực Ban chỉ đạo

1.1. Trình UBND Thành phố phê duyệt và tổ chức công bố Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 của 29 quận, huyện, thị xã. Hoàn thành trong năm 2012.

1.2. Tổ chức lớp tập huấn, phổ biến tuyên truyền các chính sách, quy định mới của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Thành phố về công tác quản lý Quy hoạch phát triển điện lực cho cán bộ các Sở, ngành và các phòng ban liên quan; Ban quản lý dự án của các quận, huyện, thị xã; Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội; các đơn vị hoạt động tư vấn chuyên ngành điện.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành Quý II/2012.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã; Tổng Công ty điện lực Hà Nội; các đơn vị hoạt động tư vấn chuyên ngành điện.

1.3. Cập nhật, kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng các công trình cấp điện của Thành phố theo Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt; hoàn thành việc đưa vào sử dụng công trình trạm biến áp 220kV Tây Hồ, các đường dây 220kV: Chèm-Tây Hồ, Hà Đông-Thành Công, Vân Trì-Sóc Sơn, Vân Trì-Chèm trong năm 2012.

- Tiến hành họp định kỳ tổ công tác 1 tháng/1 lần, họp Ban Chỉ đạo 3 tháng/1 lần và họp đột xuất khi cần thiết.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND Thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty điện lực Hà Nội.

1.4. Phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty điện lực Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã liên quan tổ chức xác định vị trí, địa điểm, quy mô các dự án điện 220kV, 110kV dự kiến đầu tư xây dựng trong năm 2012 theo Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố được Bộ Công Thương phê duyệt trên cơ sở phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hoàn thành trong năm 2012.

1.5. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố xây dựng đề án về đầu tư phát triển lưới điện Thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện của Thành phố đáp ứng mục tiêu điện khí hóa đi trước một bước trong quá trình công nghiệp hóa Thủ đô. Hoàn thành trong Quý III/2012.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Tổng Công ty điện lực Hà Nội.

1.6. Kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, hướng dẫn UBND các Quận, huyện, thị xã quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định.

2. Sở Quy hoạch – Kiến trúc

- Chủ trì phối hợp với Sở, ngành rà soát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội với các quy hoạch có liên quan khác và Quy hoạch phát triển điện lực, đề xuất với UBND Thành phố để giải quyết theo quy định.

- Phối hợp với Sở Công Thương hoàn thành việc khảo sát, xác định vị trí, địa điểm, quy mô các dự án điện 220kV, 110kV thực hiện trong năm 2012 theo Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố được Bộ Công Thương phê duyệt phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quy định về thu hồi và hoàn trả vốn đầu tư xây dựng các công trình điện từ nguồn vốn ngân sách.

- Phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố báo cáo UBND Thành phố, Hội đồng quản lý Quỹ đối với các dự án phát triển điện lực vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Đưa vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm của Thành phố quỹ đất cho đầu tư xây dựng các công trình điện lực theo Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt.

- Phối hợp với Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng cơ chế đặc thù đền bù GPMB cho các công trình cấp điện trọng điểm của Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

- Nghiên cứu, rút ngắn thời gian làm thủ tục cấp đất đối với các hạng mục của dự án điện sử dụng diện tích không lớn để tiến hành giao đất tổ chức thi công ngay sau khi Chủ đầu tư thực hiện xong nghĩa vụ đền bù thu hồi đất. Đồng thời với quá trình này Chủ dự án công trình điện có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, giao đất báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định trình UBND Thành phố quyết định.

- Xây dựng trình UBND Thành phố ban hành quy định về cắm mốc giới sau khi giao đất xây dựng công trình điện; trách nhiệm bảo vệ phần đất nằm trong mốc giới và giải quyết, xử lý khi xảy ra lấn chiếm.

5. Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố

Tham mưu cho UBND Thành phố cơ chế đền bù đối với phần đất xen kẹt; đền bù các công trình, tài sản, vật kiến trúc nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hành lang an toàn lưới điện cao áp phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

6. Sở Xây dựng

- Chủ trì phối hợp các Sở, ngành, tham mưu cho UBND Thành phố để ban hành đồng bộ việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống điện.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp phép xây dựng đảm bảo đúng theo Quy hoạch phát triển điện lực.

7. Tổng Công ty truyền tải Điện Quốc gia và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội

- Lập kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện, quản lý lưới điện Thành phố theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt.

- Phối hợp Sở Công thương, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND các quận, huyện, thị xã liên quan rà soát, xác định vị trí, địa điểm, quy mô các dự án điện 220kV, 110kV có trong Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố được Bộ Công Thương phê duyệt và các trạm biến áp trung áp do đơn vị làm chủ đầu tư trong Quy hoạch phát triển điện lực quận, huyện được UBND Thành phố phê duyệt cho năm 2012. Lập và gửi hồ sơ sử dụng đất, phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành cắm mốc giới, trích lục bản đồ cho các công trình điện ngay sau khi xác định được vị trí, địa điểm xây dựng trạm biến áp và đường dây điện.

- Định kỳ hàng tháng báo cáo với thường trực Ban chỉ đạo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, nêu rõ các vướng mắc kiến nghị cần giải quyết để được tháo gỡ kịp thời.

- Tổng Công ty điện lực Hà Nội có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, rà soát, cung cấp thông tin cùng Sở Công Thương hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện.

8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan lập các quy hoạch khác tại địa phương phải đảm bảo bố trí đủ quỹ đất để thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty điện lực Hà Nội rà soát quỹ đất, xác định vị trí, địa điểm xây dựng các dự án điện 220kV, 110kV và các trạm biến áp trung áp.

- Tổ chức giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư xây dựng công trình điện lực đối với khu vực do Chủ đầu tư đề xuất, đã được xác định trong Quy hoạch để xây dựng các công trình điện.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, rà soát, cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Công Thương hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện.

- Kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm, xử phạt vi phạm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực và Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn thành phố Hà Nội.

9. Các cơ quan truyền thông

Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô thị và các cơ quan thông tin truyền thông của Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tuyên truyền để toàn dân hiểu tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng phát triển lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này có trách nhiệm lập Kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ;

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện và phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo hoàn thành các nội dung của Kế hoạch này.

3. Sở Công Thương là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, tổng hợp chủ trì đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình đầu tư xây dựng phát triển lưới điện trên địa bàn Thành phố; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.

Các thành viên Ban chỉ đạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các tổ chức liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực hiện theo kế hoạch này định kỳ 3 tháng/lần gửi về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo – Sở Công Thương Hà Nội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Sở Công Thương – Thường trực Ban chỉ đạo để tổng hợp trình Trưởng Ban chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Các thành viên BCĐ PTLĐ TP;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PT-TH TP; Các Báo: HN mới, KT&ĐT;
- CVP, các PVP, các phòng: TH, CT;
- Lưu VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu