Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 593/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CẢI CÁCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

Thực hiện Chương trình số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định rõ định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và Chương trình số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021.

b) Phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp.

2. Yêu cầu

a) Các nhiệm vụ cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng; bám sát phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm Kế hoạch cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy, đồng bộ với việc thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 20 tháng 9 năm 2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, gắn với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị.

b) Các nhiệm vụ được xác định cụ thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp.

II- NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật

a) Tiếp tục tổ chức, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là các đạo luật liên quan trực tiếp đến cải cách tư pháp như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015,…, đảm bảo đồng bộ với việc triển khai các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp để đưa các chính sách mới về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đi vào cuộc sống.

b) Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 574/KH-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Chú trọng và ưu tiên hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Các Sở, Ban, Ngành được giao chủ trì thực hiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tiến độ, chất lượng.

c) Gắn việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, trước hết từ khâu đầu tiên và có vai trò quan trọng trong tổ chức thi hành pháp luật là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Sở Tư pháp, Công an tỉnh và các Sở, Ban, Ngành có liên quan thực hiện các  nội dung trên trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình.

2. Về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp

a) Tổ chức thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể phát triển các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp trong Công an tỉnh đến năm 2020 theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Bộ Công an; Đề án thi tuyển Điều tra viên Công an nhân dân; các Đề án thuộc lĩnh vực thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện.

b) Tiếp tục thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp các cấp theo Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Quyết định số 2117/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công tác Tư pháp cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang; kiện toàn và tăng cường chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh.

Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Nội vụ phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

3. Về công tác thi hành án

a) Thi hành có hiệu quả Luật thi hành án hình sự, Luật đặc xá; kiện toàn tổ chức cơ quan thi hành án hình sự; có giải pháp triển khai hiệu quả các Đề án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới trại tạm giam, nhà tạm giữ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan thực hiện.

b) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo Quyết định số 2153/QĐ-BTP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

4. Về bổ trợ tư pháp

a) Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, đề án đã được phê duyệt; thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực này với bước đi, lộ trình phù hợp theo tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp.

b) Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1398/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch “Phát triển các tổ chức hành nghề Luật sư từ năm 2010 đến năm 2020” và Quyết định số 2174/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”. Cùng với Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đảm bảo các điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Đề cao trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư và phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư tỉnh; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức luật sư.

c) Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025" trên địa bàn tỉnh An Giang. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

d) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp năm 2012; Quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh An Giang. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp". Củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển nguồn nhân lực giám định tư pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối với lĩnh vực giám định tư pháp theo mức độ, phạm vi và lộ trình phù hợp.

đ) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật công chứng năm 2014 và “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” tại địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa về hoạt động công chứng; thực hiện chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng. Phát huy vai trò tự quản của Hội công chứng viên tỉnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội.

e) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 16 tháng 03 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh An Giang.

Sở Tư pháp chủ trì cùng các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

5. Về xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ

a) Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp gắn với tiêu chuẩn, chức danh bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất chính trị; hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp 2015 - 2019 theo quy định của Luật Hộ tịch; bố trí đủ số lượng cán bộ cho các cơ quan tư pháp, trước hết là các cơ quan tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Đào tạo, bồi dưỡng các chức danh bổ trợ tư pháp (công chứng viên, trợ giúp viên, đấu giá viên, luật sư,...) nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp ở địa phương.

c) Thu hút, tuyển chọn và mở rộng nguồn tuyển chọn đối với những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Nội vụ, các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

6. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp

Tăng cường quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp trên địa bàn tỉnh; quan tâm đào tạo trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên sâu về tư pháp quốc tế cho đội ngũ cán bộ tư pháp.

Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Ngoại vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

7. Đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp

Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan tư pháp. Xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc; tập trung nguồn lực xây dựng các phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chuyên ngành.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

8. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình phối hợp số 28-CTr/BCĐCCTPTW-HĐPHTW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, tập trung tuyên truyền, phổ biến các Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp, quyền con người, quyền công dân... đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong Nhân Dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sở Tư pháp chủ trì cùng các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố được phân công chủ trì, phối hợp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng theo Kế hoạch (Kế hoạch phải xác định lộ trình, nguồn nhân lực, thời gian tổ chức thực hiện, các điều kiện bảo đảm thực hiện); kịp thời báo cáo xin ý kiến, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (đồng thời gửi Sở Tư pháp).

2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ trì và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các báo cáo sơ kết, tổng kết hàng năm và nhiệm kỳ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh