Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2174/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 23 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2020" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Luật sư năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020";

Theo đề nghị của Giám đốc Tư pháp tại Tờ trình số 40/TTr-STP ngày 11/8/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án "Phát triển Tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
 
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp; (đã ký)
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Phòng: NC, TH;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

ĐỀ ÁN

"PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2020" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2174/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh )

I- CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TRẠNG TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ, ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ

1. Cơ sở pháp lý của việc xây dựng Đề án:

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật Luật sư năm 2006;

- Căn cứ Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư;

- Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTP ngày 25/4/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư;

- Căn cứ Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020";

2. Thực trạng Tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh:

a) Thực trạng Tổ chức hành nghề luật sư:

Hiện nay toàn tỉnh có 31 Tổ chức hành nghề luật sư, gồm: 01 Công ty Luật, 23 Văn phòng luật sư, 01 Chi nhánh của Tổ chức hành nghề luật sư và 06 Văn phòng giao dịch. Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư đều đặt trụ sở tại thành phố Long Xuyên. Có 17 Văn phòng luật sư trang bị máy vi tính hòa mạng; 10 Văn phòng luật sư trang bị máy Fax, 04 Văn phòng luật sư có nhân viên hành chính, văn thư, kế toán,...

b) Đội ngũ luật sư:

Tổng số luật sư thành viên của Đoàn luật sư của tỉnh hiện nay là 47 luật sư; trong đó có 21 luật sư mới gia nhập từ 2007 đến 2009. Tuổi đời bình quân của luật sư là 57 tuổi. Có 43 luật sư có trình độ Đại học, 01 luật sư có trình độ Thạc sĩ, 04 luật sư có trình độ tương đương đại học, 22 luật sư chưa qua đào tạo nghề luật sư, trong đó có 07 luật sư được miễn tập sự hành nghề luật sư. Chưa có luật sư thông thạo ngoại ngữ. Có 20 luật sư sử dụng được máy vi tính cá nhân.

Các tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng hoạt động nghề nghiệp, từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác cho các tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện công cuộc cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên tổ chức và hoạt động luật sư vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: số lượng luật sư hiện có so với dân số trên địa bàn tỉnh còn rất thấp (01 luật sư/47.000 dân), chưa đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh; chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ luật sư còn chênh lệch nhiều, hiệu quả tranh tụng tại các phiên tòa chưa cao, chưa ngang tầm yêu cầu của xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Các tổ chức hành nghề luật sư phân bố không đều trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung tại thành phố Long Xuyên, gây khó khăn cho việc cung ứng dịch vụ pháp lý cho người dân.

Xuất phát từ thực trạng tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư; yêu cầu tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020, cần thiết phải xây dựng Đề án "Phát triển Tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh An Giang.

II- MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC

1. Mục tiêu:

- Nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Nâng cao vai trò, vị trí của Tổ chức hành nghề luật sư trong việc quản lý luật sư, nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư.

- Phát triển Tổ chức hành nghề luật sư trên toàn tỉnh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tư vấn pháp luật, tham gia tranh tụng và các dịch vụ pháp lý khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về luật sư.

- Xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư, am hiểu luật pháp và thông lệ, tập quán quốc tế, sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ (Tiếng Anh) để có thể tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và UBND tỉnh.

2. Nguyên tắc:

- Phát triển Tổ chức hành nghề luật sư đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, phải có bước đi phù hợp, theo quy hoạch và lộ trình cụ thể nhằm bảo đảm cho sự phát triển hoạt động luật sư đạt hiệu quả cao, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng phát triển chung của tỉnh.

- Đề án "Phát triển Tổ chức hành nghề luật sư từ năm 2010 đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh phải xuất phát từ thực trạng đội ngũ luật sư và yêu cầu về tư vấn pháp luật, tham gia tranh tụng và các dịch vụ pháp lý khác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh từ nay đến năm 2020.

III- NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Quy hoạch phát triển mạng lưới Tổ chức hành nghề luật sư:

a) Định hướng chung:

Tiếp tục phát triển các Tổ chức hành nghề luật sư tại các khu vực có nhu cầu dịch vụ pháp lý cao, khuyến khích phát triển tổ chức hành nghề luật sư tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, các huyện giáp biên giới để phục vụ một cách thuận tiện, kịp thời cho tổ chức và nhân dân.

b) Quy hoạch phát triển Tổ chức hành nghề luật sư:

- Khu vực 1: Thành phố Long Xuyên;

- Khu vực 2: Thị xã Tân Châu và thị xã Châu Đốc;

- Khu vực 3: Các huyện Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn;

- Khu vực 4: Các huyện còn lại.

2. Lộ trình phát triển:

a) Giai đoạn 1 (từ năm 2010 đến năm 2015):

- Củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ của các Văn phòng Luật, Công ty Luật;

- Khuyến khích thành lập mới từ 10 đến 15 Tổ chức hành nghề luật sư, trong đó:

+ Khu vực 1: Thành lập mới từ 03 - 05 Tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có từ 01 - 03 Công ty Luật;

+ Khu vực 2: Thành lập từ 02 - 04 Tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có 01- 02 Công ty luật;

+ Khu vực 3: Mỗi huyện có ít nhất 02 Tổ chức hành nghề luật sư trở lên;

+ Khu vực 4: Mỗi huyện ít nhất có 01 Tổ chức hành nghề luật sư;

b) Giai đoạn 2 (từ năm 2015 đến năm 2020):

Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các Tổ chức hành nghề luật sư, đặc biệt là đối với Văn phòng Luật sư.

3. Xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư về số lượng:

Phấn đấu đến năm 2020, số lượng luật sư của tỉnh đạt gấp 3-4 lần so với hiện nay (từ khoảng 150 – 200).

- Giai đoạn từ 2010 – 2015: Phát triển từ 40 - 60 luật sư;

- Gia đoạn từ 2015 -2020: Phát triển từ 50 - 70 luật sư.

4. Về trình độ chuyên môn:

- Từ năm 2011 - 2015: Có khoảng 05 - 10 luật sư đạt trình độ Thạc sĩ và phấn đấu có 01- 03 luật sư đạt trình độ Tiến sĩ; ít nhất 10% luật sư thông thạo một ngoại ngữ có đủ khả năng tham gia vào các chương trình, dự án liên doanh nước ngoài của tỉnh hoặc tham gia tư vấn, tranh tụng những vụ việc có yếu tố nước ngoài mà không cần có phiên dịch.

- Từ năm 2015 - 2020: Có khoảng 20 luật sư đạt trình độ Thạc sĩ và phấn đấu có 03 - 05 luật sư đạt trình độ Tiến sĩ; ít nhất 15 % luật sư thông thạo một ngoại ngữ.

5. Về lĩnh vực hành nghề:

- Từ năm 2011 - 2015: Có khoảng 05 luật sư, 01 tổ chức hành nghề luật sư có khả năng tư vấn cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh An Giang (bao gồm doanh nghiệp của nước ngoài), tiếp cận và tham gia tranh chấp thương mại có yếu tố người nước ngoài;

- Từ năm 2015 – 2020: Có ít nhất 10 luật sư và từ 03 - 05 tổ chức hành nghề luật sư có khả năng tư vấn cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh An Giang (bao gồm doanh nghiệp của nước ngoài), tiếp cận và tham gia tranh chấp thương mại có yếu tố người nước ngoài.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Đoàn Luật sư của tỉnh rà soát đội ngũ luật sư hiện có để nắm bắt trình độ được đào tạo và khả năng phát triển của từng luật sư để tiếp tục đào tạo và định hướng phát triển.

Căn cứ quy mô, trình độ và kết quả đánh giá khả năng phát triển của các Tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh để định hướng phát triển một số Công ty luật chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại.

b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Đoàn Luật sư của tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng luật sư.

c) Liên hệ với Trung tâm đào tạo liên kết tại Học viện Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục mở khóa đào tạo luật sư theo mô hình liên kết đào tạo và lựa chọn luật sư tham gia các khoá bồi dưỡng, đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án.

d) Tiến hành rà soát đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, chuẩn bị nguồn gửi đi đào tạo theo lộ trình của Đề án.

e) Tham mưu cho UBND và HĐND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ, phát triển luật sư trên địa bàn tỉnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện Đề án.

f) Tăng cường kiểm tra tổ chức và hoạt động của các Tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về luật sư.

2. Trách nhiệm của Đoàn Luật sư:

Phối hợp với Sở Tư pháp trong quá trình thực hiện Đề án. Tiến hành rà soát đội ngũ luật sư và các Tổ chức hành nghề luật sư, chuẩn bị nguồn gửi đi đào tạo theo lộ trình của Đề án.

3. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo cho các khóa đào tạo, bồi dưỡng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển luật sư theo lộ trình triển khai thực hiện Đề án này.

4. Trách nhiệm của Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chính trị cho đội ngũ luật sư.

5. Trách nhiệm của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh:

Tham gia tích cực trong quá trình thực hiện Đề án. Phấn đấu để có thể phục vụ tốt nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và sẵn sàng tham gia vào các chương trình, dự án lớn của tỉnh khi có yêu cầu.

6. Trách nhiệm của các ban, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh:

Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện Đề án và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Tư pháp tổng hợp kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp khắc phục./.