Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 611/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM VỀ “TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VĂN MINH” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 03/12/2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện chủ đề năm 2017 về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa văn minh” trong các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng các cơ quan, đơn vị, địa phương; thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có kỷ luật, kỷ cương, có nếp sống văn hóa văn minh; tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan trong hệ thống chính trị đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước.

- Xây dựng chuẩn mực về nếp sống văn hóa văn minh, việc cưới, việc tang, lễ hội tại thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân và trong cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn Tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng; sự điều hành triển khai cụ thể của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự giám sát của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và công luận trong việc thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục có tính lâu dài, do vậy cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì.

- Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác triển khai thực hiện Kế hoạch, đảm bảo tuyệt đối không được hình thức. Tăng cường công tác tự kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế.

- Huy động được sự tham gia tích cực, tự giác của các cá nhân, trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong năm 2017.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

A. ĐỐI TƯỢNG

1. Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền các cấp; thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Tỉnh (Công an, Quân sự, Biên phòng) (sau đây gọi tt là các cơ quan, đơn vị, địa phương).

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang công tác tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Tỉnh (sau đây gọi tt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).

3. Hộ gia đình, người dân sinh sống tại các thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân trên địa bàn toàn Tỉnh.

B. VỀ KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

1.1. Những quy định phải tuân thủ trong thực thi nhiệm vụ:

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị địa phương.

2. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.

3. Thực hiện đầy đủ và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

4. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

5. Tuân thủ nguyên tắc, tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

6. Tham dự các cuộc họp khi được mời đúng thành phần, đúng thời gian quy định, khi phát biểu ý kiến tại cuộc họp phải chịu trách nhiệm về nội dung ý kiến phát biểu của mình.

7. Cán bộ, công chức là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và viên chức quản lý ngoài việc thực hiện các nội dung tại điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6 nêu trên, phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

1.2. Những việc không được làm:

Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo Điều 18, 19, 20 Luật cán bộ, công chức, Điều 19 Luật viên chức; đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là Đảng viên phải thực hiện nghiêm túc 19 Điều đảng viên không được làm. Trong đó tập trung vào một số quy định trọng tâm sau:

1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao.

2. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

3. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến hoạt động công vụ để vụ lợi.

4. Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.

5. Đưa thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến uy tín của đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

6. Sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng.

7. Đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức.

8. Quan liêu, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.

2. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương

2.1. Những quy định phải tuân thủ trong hoạt động của đơn vị:

1. Xử lý công việc thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ động phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, địa phương khác khi có yêu cầu phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ.

3. Thực hiện nghiêm túc chế độ họp, giao ban định kỳ hàng tháng.

4. Đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức... phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức.

5. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định.

6. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên.

7. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

8. Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh.

9. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân.

10. Thực hiện việc sắp xếp bài trí công sở đảm bảo tính khoa học, hợp lý, đáp ứng yêu cầu công việc.

11. Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa phương.

12. Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; phối hợp và tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận đối với những hành vi vi phạm về kỷ luật, kỷ cương.

2.2. Những việc không được thực hiện:

1. Thoái thác, đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ được giao, để quá hạn hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

2. Trình vượt cấp hoặc chuyển công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cho cơ quan khác hoặc lên cấp trên.

3. Ban hành hoặc tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản không đúng quy định của pháp luật.

C. VỀ XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VĂN MINH

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

1.1. Phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ; trang phục, đồng phục gọn gàng, lịch sự, đúng quy định.

1.2. Không hút thuốc trong cơ quan, nơi công cộng (trừ những nơi có bố trí khu vực được phép hút thuốc). Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực.

1.3. Không mắc các tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan.

1.4. Không quảng cáo, mua bán, giao dịch thương mại tại công sở dưới mọi hình thức; không đánh bài, chơi các trò chơi cá cược, thưởng phạt có tính chất cờ bạc.

2. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương

2.1. Không có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

2.2. Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

2.3. Thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc; quy chế dân chủ ở cơ sở; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

2.4. Không có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mắc các tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan;

2.5. Thực hiện tốt cải cách hành chính; thực hiện 8 giờ làm việc có hiệu quả; không để xảy ra lãng phí, tham nhũng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

3. Đối với thôn, khu, làng, bản

3.1. Có 90% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó ít nhất 50% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm trở lên.

3.2. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng.

3.3. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

3.4. Có tổ vệ sinh thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định; 100% các gia đình có thành viên tham gia “Ngày chủ nhật xanh”.

3.5. Thường xuyên tổ chức dọn dẹp hệ thống thoát nước, cải tạo các ao, hồ sinh thái, trồng cây xanh; vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, công trình công cộng phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, vùng miền, đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị, theo đúng quy hoạch và quy định pháp luật về xây dựng.

4. Đối với tổ dân phố và tương đương

4.1. Không có người dân: Lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông; đặt biển quảng cáo sai quy định, làm mái che, cơi nới ảnh hưởng tới an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị.

4.2. Không để người dân đổ, tháo nước thải và vứt rác ra đường; bảo vệ hệ thống thoát nước; có điểm thu gom rác thải tập trung.

5. Thực hiện nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

5.1. Việc cưới:

- Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, tránh phô trương, lãng phí, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo.

- Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không sử dụng xe công phục vụ hoặc tham dự các hoạt động trong việc cưới.

5.2. Việc tang:

- Tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc.

- Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài, không rắc vàng mã trên đường đưa tang.

- Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, âm thanh loa máy khi mở không làm ảnh hưởng đến cộng đồng.

- Khuyến khích nhân dân khi có người thân qua đời sử dụng nhà tang lễ chung (đối với khu vực đã có nhà tang lễ), không để thi hài quá 48 giờ trong nhà, thực hiện hình thức điện táng, chôn cất vào nghĩa trang đã được quy hoạch.

5.3. Lễ hội:

- Khi tham gia lễ hội, trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục và ứng xử có văn hóa. Giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường không gian lễ hội; bỏ rác vào nơi quy định, không có tệ nạn xã hội nơi lễ hội.

- Cán bộ công chức, viên chức, người lao động không tổ chức hoặc tham gia lễ hội trong những ngày làm việc, không sử dụng phương tiện công tham dự lễ hội (trừ trường hợp được phân công thực hiện nhiệm vụ).

- Không đốt đồ mã trong khu vực lễ hội; thắp hương theo quy định của Ban tổ chức lễ hội; không mê tín dị đoan.

D. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Khen thưởng

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt Kế hoạch này sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng và làm căn cứ để xét khen thưởng trong các phong trào thi đua năm 2017 và các năm tiếp theo.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt các nội dung kỷ luật, kỷ cương; nếp sống văn hóa văn minh được các cơ quan quản lý trực tiếp xem xét đánh giá, xếp loại hàng năm.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kế hoạch.

- Các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức và người dân khi phát hiện cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương; nếp sống văn hóa văn minh.

2. Xử lý vi phạm

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện nghiêm túc và có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân vi phạm kỷ luật, kỷ cương; nếp sống văn hóa văn minh phải được phát hiện và xử lý kịp thời, kể cả những hành vi bao che, che dấu những vi phạm của tập thể, cá nhân.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không kịp thời phát hiện những vi phạm của các cơ quan, đơn vị, thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, nếu để các cơ quan, tổ chức hoặc người dân phát hiện phải bị xem xét, xử lý kỷ luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương; nếp sống văn hóa văn minh, người đứng đầu phải kịp thời xử lý vi phạm theo quy định.

- Hộ gia đình hoặc công dân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nếp sống văn hóa văn minh tại nơi cư trú, người đứng đầu các thôn (làng, bản, khu phố) phải kịp thời báo cáo người đứng đầu xã, phường, thị trấn để xử lý theo quy định của pháp luật.

E. MỘT SỐ NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Để thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2017 đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung một số nhóm giải pháp trọng tâm như sau:

1. Tiếp tục cải tiến lề lối làm việc; nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử; đổi mới phong cách làm việc; phòng, chống các hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, vô cảm, gây phiền hà đối với tổ chức, công dân; tạo động lực, phát huy tính tự giác, tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động công vụ.

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trách nhiệm gương mẫu của người Đảng viên đối với kỷ luật, kỷ cương hành chính, nếp sống văn hóa văn minh; đặc biệt là nâng cao tính tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, vai trò chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung nêu trong kế hoạch này đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

3. Phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” tạo sự văn minh, thân thiện với người dân và du khách.

4. Khuyến khích, tuyên truyền nhân rộng việc xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.

5. Triển khai sâu rộng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, khu văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; phong trào “Ngày chủ nhật xanh”.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương

- Căn cứ nội dung trọng tâm Kế hoạch này, các quy định của pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; bổ sung, điều chỉnh, xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, địa phương, quy ước, hương ước của thôn, làng, bản một cách thiết thực và sáng tạo để triển khai trong cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời tự tổ chức ký cam kết thực hiện các nội dung Kế hoạch giữa các đơn vị trực thuộc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/02/2017.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đến các xã, phường, thị trấn; thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân.

- Định kỳ hàng tháng, quý các cơ quan đơn vị, địa phương tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo chung). Riêng các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp Tỉnh; huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân các địa phương gửi đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, theo dõi kết quả thực hiện của khối các cơ quan Đảng, đoàn thể, Hội đồng nhân dân các địa phương. Thời gian gửi báo cáo về các cơ quan chủ trì trước ngày 20 hàng tháng.

- Thành lập 01 bộ phận thường trực chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Bộ phận thường trực thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất, khi phát hiện các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm, kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản để xử lý theo quy định.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo dõi, đôn đốc các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp Tỉnh; huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân các địa phương thực hiện kế hoạch này; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và năm 2017 với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

3. Sở Nội vụ

- Chịu trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh thực hiện kế hoạch này; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và năm 2017 với Chủ tịch UBND Tỉnh tại các phiên họp thường kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch trong toàn Tỉnh.

- Tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện kế hoạch đối với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, khi phát hiện những vi phạm lớn hoặc những vi phạm có tính hệ thống phải kịp thời báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND Tỉnh xử lý theo quy định.

4. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh là 2 cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 25/3/2013 của Ủy ban nhân dân Tỉnh cùng với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai các hoạt động của Phong trào; trong quá trình thực hiện chủ động lồng ghép với các nội dung về “Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa văn minh” tại Kế hoạch này để tạo sự đồng bộ, thống nhất các tiêu chí đánh giá thi đua, tạo hiệu quả thực chất của phong trào.

- Phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, định hướng các cơ quan báo chí của Tỉnh, các đơn vị hợp tác truyền thông với Tỉnh thông tin tuyên truyền về công tác triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2017 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn Tỉnh.

- Hướng dẫn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự; tăng thời lượng phát sóng với các hình thức phong phú, sinh động; kịp thời phản ánh kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch; thông tin biểu dương những điểm sáng văn hóa, gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện tiêu cực, những vi phạm để nhân dân, doanh nghiệp biết, giám sát.

6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể Tỉnh

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các tổ chức trên địa bàn toàn Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tham gia giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Triển khai thực hiện Kế hoạch chủ đề công tác năm 2017 về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa văn minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 03/12/2016 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân Tỉnh; do đó Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các địa phương trong toàn Tỉnh phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm của từng đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc./.

 


Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Tỉnh;
- Thành ủy, thị ủy, huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ quan Trung ương trên địa bàn Tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- V0, V1-4, các đ/c CV VP. UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, VX1, TH4;
                       20b-KH02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long