Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Cà Mau, ngày 21 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; thực hiện Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc Công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên địa bàn tỉnh Cà Mau một cách khoa học, đầy đủ. Đảm bảo việc nhận dạng để đề xuất cấp thẩm quyền đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

- Huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan. Có các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa phi vật thể để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa một cách lâu dài, bền vững; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức triển khai phải đảm bảo tính khoa học, chính xác hiệu quả. Phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thể hiện sự đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN

1. Nội dung cụ thể

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa phi vật thể trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là các di sản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó cần tập trung vào các di sản: Nghề truyền thống Gác kèo ong; Nghề truyền thống Muối ba khía, Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc, Lễ hội đền thờ Vua Hùng, Lễ Vía Bà Thủy Long (Đầm Dơi), Nghề truyền thống làm tôm khô (Rạch Gốc)...

Phối hợp với các trường phổ thông trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học, trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị các ở các huyện, thành phố... nhằm giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể cho đối tượng là học sinh, sinh viên, học viên bằng hình thức nói chuyện chuyên đề.

Xác định giá trị văn hóa phi vật thể của các di sản nhằm định hướng cụ thể di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đưa vào danh mục quốc gia, di sản danh mục của tỉnh hoặc đưa ra khỏi danh mục đã được kiểm kê.

Xây dựng kế hoạch, nội dung bảo vệ, phát huy giá trị theo phân kỳ từng giai đoạn.

2. Phân kỳ thực hiện

2.1. Giai đoạn 2019 - 2024:

a. Năm 2019

Trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với di sản: Nghề truyền thống Gác kèo ong; Nghề truyền thống Muối ba khía.

b. Năm 2020

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với di sản Nghề truyền thống Gác kèo ong; Nghề truyền thống Muối ba khía: Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình sản xuất, thực hành di sản; xây dựng 02 mô hình thực hành di sản để giới thiệu tại huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời; tổ chức 01 phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền 02 di sản này tại phòng trưng bày cố định của Bảo tàng.

- Lập hồ sơ di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

c. Năm 2021

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với di sản Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc: Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình thực hành di sản; hỗ trợ Ban quản trị Vạn lăng tổ chức Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc; chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của Bảo tàng.

- Lập hồ sơ di sản văn hóa Lễ hội Đền thờ Vua Hùng, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

d. Năm 2022

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với di sản Lễ hội Đền thờ Vua Hùng: Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình thực hành di sản; hỗ trợ Ban quản trị tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Hùng; chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của Bảo tàng.

- Lập hồ sơ di sản văn hóa Nghề truyền thống làm tôm khô (Rạch Gốc), trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

đ. Năm 2023

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với di sản Nghề truyền thống làm tôm khô (Rạch Gốc): Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình sản xuất, thực hành di sản; xây dựng mô hình thực hành di sản để giới thiệu tại huyện Ngọc Hiển; chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của Bảo tàng.

- Lập hồ sơ di sản văn hóa Lễ Vía Bà Thủy Long (Đầm Dơi), trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

e. Năm 2024

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với di sản Lễ Vía Bà Thủy Long (Đầm Dơi): Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình thực hành di sản; hỗ trợ Ban quản trị tổ chức Lễ Vía Bà Thủy Long (Đầm Dơi); chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của Bảo tàng.

- Lập hồ sơ di sản văn hóa Lễ Vía Bà Thiên Hậu (Phường 2, thành phố Cà Mau), trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

- Tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện kế hoạch (2019 - 2023).

2.2. Giai đoạn 2025 - 2030:

a. Năm 2025

- Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm xác định lại danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần đưa vào danh mục Quốc gia, cấp tỉnh hoặc đưa ra khỏi danh mục đã được phê duyệt: Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hành kiểm kê, tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia...

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với di sản Lễ Vía Bà Thiên Hậu (Phường 2, thành phố Cà Mau): Sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình thực hành di sản; hỗ trợ Ban quản trị tổ chức Lễ Vía Bà Thiên Hậu (Phường 2, thành phố Cà Mau); chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tại phòng trưng bày cố định của Bảo tàng.

b. Từ năm 2026 đến năm 2030:

- Mỗi năm xây dựng ít nhất một (01) hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị bổ sung vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

- Mỗi năm xây dựng và thực hiện ít nhất một (01) kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trong năm trước liền kề.

c. Năm 2030:

Tổ chức tổng kết thực hiện kế hoạch.

III. GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ

1. Giải pháp

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

- Kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực của ngành di sản. Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành di sản. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành di sản có chuyên môn sâu và kỹ năng tác nghiệp giỏi, chuyên môn hóa.

2. Kinh phí: Thực hiện theo quy định hiện hành.

Tổng cộng: 3.721.000.000đ (Ba tỷ, bảy trăm hai mươi mốt triệu đồng.)

Trong đó:

- Ngân sách cấp tỉnh 2.521.000.000đ (Hai tỷ, năm trăm hai mươi mốt triệu đồng)

- Ngân sách cấp huyện 550.000.000 đ (Năm trăm, năm mươi triệu đồng)

- Ngân sách xã hội hóa 550.000.000 đ (Năm trăm, năm mươi triệu đồng)

(có dự toán kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a. Tham mưu thành lập ban chỉ đạo: Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh (Trưởng ban), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm phó ban và các thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.

b. Thành lập Tổ giúp việc do lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp có liên quan; đại diện lãnh đạo các phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thành phố.

c. Tham mưu công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức xây dựng kế hoạch tổng thể, các kế hoạch thành phần, thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả kế hoạch.

d. Tham mưu kiểm tra, giám sát, đôn đốc các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau trong việc triển khai thực hiện, tổng hợp kết quả thực hiện các kế hoạch thành phần, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện.

2. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ nội dung Kế hoạch được phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự toán kinh phí cụ thể gửi Sở Tài chính tổng hợp và cân đối khả năng của ngân sách địa phương trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

3. Sở Giáo dục - Đào tạo

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt chương trình, kế hoạch “Học tập suốt đời ở Thư viện, Bảo tàng”; tổ chức đưa học sinh đến tham quan và học tập ở Bảo tàng.

4. UBND các huyện, thành phố Cà Mau

a. Bố trí ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch được giao trên cơ sở Kế hoạch được duyệt và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

b. Tham mưu chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, tuyên truyền công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

c. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn theo đúng nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành.

d. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện và Kế hoạch thực hiện các nội dung Kế hoạch thành phần của Kế hoạch tổng thể trên địa bàn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch Bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Các đơn vị: Phần III;
- Ban Tuyên giáo TU, Hội Khoa học lịch sử, Hội VHNT tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VXT08, M.A03/5

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân