Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6684/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 29 tháng 09 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 07/CT-TTG NGÀY 21/3/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; Quyết định số 765/QĐ- BTTTT ngày 28/4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách;

Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 234/TTr-STTTT ngày 30/8/2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023, đảm bảo công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách, góp phần gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Triển khai tuyên truyền dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Yêu cầu

- Các Sở, Ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách.

- Nội dung kế hoạch phải thiết thực, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp ở các cấp.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

II. NHIỆM VỤ, HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò của hoạt động tuyền thông chính sách

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện hoạt động truyền thông chính sách trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trong toàn tỉnh.

- Chủ trì thực hiện: các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố.

- Phối hợp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp.

- Hình thức thực hiện: Hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề; tổ chức cuộc thi tìm hiểu, triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền sẵn có của đơn vị, địa phương.

- Thời gian thực hiện: hằng năm.

2. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch

a) Rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản QPPL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông đảm bảo triển khai tốt hoạt động truyền thông chính sách

- Chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp thực hiện: các cơ quan báo chí, truyền thông và đơn vị liên quan

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

b) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nội dung kế hoạch này phố.

- Chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Phối hợp thực hiện: các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành

- Thời gian thực hiện: thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu của tỉnh.

3. Công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí

Theo dõi hoạt động thông tin trên báo chí, chủ động phối hợp, định hướng nội dung và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông chính thống khác liên qua đến các vấn đề dự luận xã hội quan tâm.

- Chủ trì thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Phối hợp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và Công an tỉnh.

- Thời gian thực hiện: định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của tỉnh.

4. Công tác quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội và xử lý vi phạm

a) Quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử phải là dòng chảy chính

- Chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Phối hợp thực hiện: Công an tỉnh, Tổ công tác báo chí tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

b) Chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh và các Sở, Ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

c) Đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ và Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Nam.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

d) Đánh giá, xử lý các cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, giấy phép hoạt động báo chí

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/ liên tục.

5. Triển khai hoạt động truyền thông chính sách của ngành thông tin truyền thông tỉnh

a) Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách đối với lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông.

- Thời gian: Định kỳ hàng năm.

b) Đẩy mạnh truyền thông liên quan đến hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông trên nền tảng số và các hoạt động truyền thông của tỉnh

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

c) Tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề liên quan đến hoạt động của tỉnh, ngành, địa phương

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Văn phòng UBND tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian: Định kỳ/đột xuất.

d) Tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông để tạo hiệu quả truyền thông chính sách trong ngành thông tin và truyền thông

- Đơn vị chủ trì thực hiện: các cơ quan báo chí của tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

e) Thông tin, tuyên truyền các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

f) Tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở

Xây dựng chuyên mục "Truyền thông chính sách" để triển khai công tác tuyên truyền được kịp thời, rộng rãi trên sóng phát thanh đài huyện và đài truyền thanh xã.

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ vào tình hình thực tiễn, khuyến khích các địa phương chủ trì biên dịch nội dung dự thảo chính sách qua tiếng dân tộc bản địa, tổ chức truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh và các phương tiện truyền thông như xe thông tin lưu động, loa di động, mạng xã hội… để dễ dàng chuyển tải nội dung dự thảo chính sách đến với đồng bào thiểu số.

Triển khai tuyên truyền chính sách trên hệ thống bảng tin điện tử công cộng, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở và các hình thức phù hợp khác.

- Chủ trì thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Phối hợp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Hằng năm.

h) Thành lập kênh Zalo "Truyền thông chính sách Quảng Nam"

Thường xuyên để chia sẻ nội dung truyền thông, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ từ cấp tỉnh đến cơ sở và đồng thời lan tỏa những cách làm hay sáng tạo trong quá trình thực hiện.

- Chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp thực hiện: các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: năm 2023.

6. Công tác bồi dưỡng, tập huấn

a) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các sở, ngành và địa phương, các phóng viên, biên tập viên và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thực hiện công tác truyền thông chính sách; kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: hằng năm.

b) Xây dựng sổ tay về truyền thông chính sách

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Hình thức/số lượng: 01 cuốn.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2026.

7. Xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông

a) Xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông của các sở, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách

Tổng hợp thông tin về đội ngũ truyền thông chính sách; người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn tỉnh, đảm bảo 100% các sở, ngành, địa phương của tỉnh có đầu mối người phát ngôn.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và cập nhật các năm tiếp theo.

b) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiện toàn, phát triển bộ phận truyền thông bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của sở, ngành, địa phương.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và cập nhật các năm tiếp theo.

c) Đẩy mạnh hoạt động Tổ công tác thông tin truyền thông tỉnh Quảng Nam

Theo dõi, nắm bắt thông tin báo chí, mạng xã hội thông tin về Quảng Nam kịp thời xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông trong trường hợp cần thiết.

- Đơn vị chủ trì: Tổ công tác thông tin truyền thông tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên và đột xuất.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được trích từ nguồn ngân sách theo quy định phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước; các nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác (nếu có).

- Hằng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tăng cường chỉ đạo, định hướng cho các cơ quan thông tin, báo chí, truyền thông thực hiện việc tuyên truyền về các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ Công tác thông tin truyền thông tỉnh Quảng Nam

Thường xuyên nắm bắt thông tin báo chí, dư luận xã hội về tỉnh Quảng Nam, thông tin kịp thời những vấn đề mà báo chí, xã hội quan tâm, góp phần định hướng dư luận. Đồng thời chủ động tham mưu UBND tỉnh xử lý khủng hoảng truyền thông (nếu có).

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Chủ động cung cấp thông tin, chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ quan báo chí thông qua các Hội nghị giao ban báo chí hằng tháng để kịp thời thực hiện tốt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn Quảng Nam đảm bảo nội dung, hiệu quả cao nhất.

- Chủ động hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Luật Báo chí, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, Quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Nam.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì tại phần II của Kế hoạch này.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện Kế hoạch trong dự toán ngân sách hàng năm của các địa phương, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành; theo dõi, kiểm tra các đơn vị, địa phương về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

6. Các cơ quan báo chí và cổng TTĐT của tỉnh

- Phát huy vai trò tích cực của cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; gắn công tác truyền thông chính sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; khuyến khích đổi mới, sáng tạo về nội dung và hình thức truyền thông chính sách, bảo đảm tính chủ động, kịp thời, chất lượng, hiệu quả.

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục truyền thông chính sách trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

- Tăng cường tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội để mở rộng đối tượng tiếp nhận thông tin.

- Liên tục cập nhật các thông tin chính thống kịp thời về các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các sự kiện nổi bật diễn ra hằng ngày; chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

- Khuyến khích bộ phận biên tập viên đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách, bảo đảm sinh động, thực tế, linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận.

- Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các mạng xã hội (facebook, youtube, zalo, tiktok). Tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách.

- Tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin trên Fanpage Thông tin Quảng Nam và 1022 Quảng Nam về hoạt động của lãnh đạo tỉnh, các sự kiện, thông tin chính thống, bảo đảm kịp thời, chính xác để tương tác và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp

7. Các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phân công công việc tại Kế hoạch này để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

- Kiện toàn, khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối chia sẻ nội dung về truyền thông chính sách, chủ động cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

- Xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách hằng năm và triển khai hoạt động truyền thông chính sách của địa phương trên nền tảng số và các phương tiện thông tin cơ sở, thông tin truyền thông khác (pa nô, áp phích, bảng tin điện tử..).

- Bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả công tác truyền thông chính sách 6 tháng và cuối năm gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, các sở, ngành, địa phương chủ động phát hiện các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách để tổng hợp đề nghị UBND tỉnh khen thưởng, động viên kịp thời theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TTTT (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BTG TU;
- Các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo QN, Đài PT-TH QN;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu