VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/KH-VKSTC | Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2021 |
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
Căn cứ Quy chế thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-VKSTC ngày 01/9/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao;
Căn cứ nhu cầu công tác của VKS theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014; VKSND tối cao ban hành Kế hoạch tổ chức thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp năm 2021 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC THI TUYỂN
1. Mục đích
Để tuyển chọn, bổ nhiệm đủ số lượng chức danh Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp cho Viện kiểm sát các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014;
Nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi để tuyển chọn, bổ nhiệm đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ công chức ngành KSND, nhất là đội ngũ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát các cấp.
2. Yêu cầu
Bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Viện trưởng VKSND tối cao quản lý thống nhất công tác tổ chức cán bộ trong Ngành;
Bảo đảm bình đẳng, khách quan, dân chủ, công khai trong quá trình tổ chức thi tuyển; lựa chọn được người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 để bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp;
Nội dung thi phải sát với yêu cầu, phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi chức danh.
3. Nguyên tắc
Việc tổ chức tuyển chọn, thi tuyển được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh (có số dư).
Trường hợp đơn vị có khó khăn, không đảm bảo về nguồn dự thi thì không nhất thiết thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh.
Người dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao hơn phải đang giữ ngạch thấp hơn liền kề.
Người đăng ký dự thi có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo quy định trước khi Hội đồng thi tuyển phê duyệt danh sách dự thi.
Người trúng tuyển phải có đủ các bài thi của các môn thi theo quy định; có số điểm của mỗi bài thi từ 50 điểm trở lên (chưa nhân hệ số); có tổng điểm thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu mỗi ngạch Kiểm sát viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi được phê duyệt.
1. Số lượng vị trí cần bổ sung Kiểm sát viên
Các đơn vị tiến hành rà soát chỉ tiêu, số lượng Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp đã được VKSND tối cao giao còn thiếu tính đến ngày 31/12/2021.
2.1. Kiểm sát viên cao cấp:
- Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp trở lên công tác tại VKSND tối cao, VKS quân sự trung ương, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp thứ hai; Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật tổ chức VKSND năm 2014 nêu trên mà có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2021 (khoản 2 Điều 79 Luật tổ chức VKSND năm 2014) đang giữ ngạch Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Kiểm tra viên chính trở lên phải hiện giữ hệ số lương từ 4,74 trở lên được tham gia dự thi.
Đối với công chức công tác tại VKSND tối cao, ưu tiên cho các đồng chí công tác ở đơn vị làm nghiệp vụ. Các trường hợp khác, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Ban cán sự đảng VKSND tối cao xem xét, quyết định.
- Người dự thi ở VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh có nguyện vọng đăng ký theo chỉ tiêu VKSND cấp cao nào thì phải có ý kiến đồng ý của đơn vị quản lý trực tiếp và VKSND cấp cao đó; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND cấp cao đã đăng ký.
- Người dự thi ở VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh có nguyện vọng đăng ký theo chỉ tiêu của VKSND tối cao thì phải có ý kiến đồng ý của đơn vị quản lý trực tiếp và Lãnh đạo VKSND tối cao; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND tối cao và chấp hành sự phân công của Viện trưởng VKSND tối cao.
2.2. Kiểm sát viên trung cấp:
- Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp trở lên công tác tại VKSND các cấp, VKS quân sự các cấp; Viện trưởng VKSND cấp huyện;
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật tổ chức VKSND năm 2014 nêu trên mà có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2021 (khoản 2 Điều 78 Luật tổ chức VKSND năm 2014) đang giữ ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên được tham gia dự thi.
- Người dự thi là Kiểm sát viên sơ cấp đang giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện (chỉ tiêu không theo đơn vị đã phân bổ mà thực hiện nguyên tắc có cạnh tranh);
- Người dự thi là Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên sơ cấp công tác tại VKSND cấp huyện không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng có nguyện vọng đăng ký theo chỉ tiêu của VKSND cấp tỉnh thì Ủy ban kiểm sát VKSND cấp tỉnh xem xét, quyết định; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND cấp tỉnh; đồng thời Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm điều động, bố trí công chức ở VKSND cấp tỉnh đến VKSND cấp huyện để bảo đảm VKSND hai cấp ổn định biên chế để thực hiện tốt nhiệm vụ;
- Người dự thi là Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện có nguyện vọng đăng ký theo chỉ tiêu của VKSND tối cao, VKSND cấp cao nào thì Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao, Ủy ban kiểm sát VKSND cấp tỉnh xem xét, quyết định và được VKSND tối cao, VKSND cấp cao nơi người đó đăng ký đồng ý; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND tối cao, VKSND cấp cao đã đăng ký.
Lưu ý: Người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý VKSND các cấp có nguyện vọng đăng ký dự thi Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp theo chỉ tiêu của VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh phải làm đơn cam kết nếu được bổ nhiệm Kiểm sát viên thì không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và chấp hành sự phân công của lãnh đạo đơn vị nơi đăng ký nguyện vọng. Trường hợp do có nhu cầu cần bố trí lãnh đạo, quản lý thì lãnh đạo, cấp ủy đơn vị nơi cán bộ đến công tác xem xét, quyết định.
2.3. Kiểm sát viên sơ cấp:
Chuyên viên, Kiểm tra viên công tác tại VKSND các cấp và VKS quân sự các cấp.
3. Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký thi tuyển
3.1. Ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
- Đối với người dự thi Kiểm sát viên cao cấp: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp theo quy định tại Điều 75 và Khoản 1 Điều 79 Luật tổ chức VKSND 2014 (đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm).
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật tổ chức VKSND năm 2014 nêu trên mà có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2021 (Khoản 2 Điều 79 Luật tổ chức VKSND năm 2014) đang giữ ngạch Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Kiểm tra viên chính trở lên được dự thi phải hiện giữ hệ số lương từ 4,74 trở lên được tham gia dự thi; có bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị hoặc Cử nhân lý luận chính trị.
- Đối với người dự thi Kiểm sát viên trung cấp: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp theo quy định tại Điều 75 và khoản 1 Điều 78 Luật tổ chức VKSND năm 2014 (đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm).
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật tổ chức VKSND năm 2014 nêu trên mà có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, tính đến ngày 31/12/2021 (khoản 2 Điều 78 Luật tổ chức VKSND năm 2014) đang giữ ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên và là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
- Đối với người dự thi Kiểm sát viên sơ cấp: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp theo quy định tại Điều 75 và Điều 77 Luật tổ chức VKSND năm 2014.
3.2. Được cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá quá trình công tác liên tục trong 03 năm trước liền kề (2018, 2019, 2020) hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trường hợp trong ba năm trước đó có 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải có ít nhất 01 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì được xem xét; được tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi ứng viên công tác đồng ý và thống nhất cử ứng viên đăng ký tham gia dự thi tuyển.
3.3. Đạt trên 50% số phiếu của Ủy ban kiểm sát đồng ý giới thiệu tham gia dự thi.
3.4. Được cấp ủy hoặc chính quyền cơ sở nơi ứng viên cư trú thường xuyên (12 tháng trở lên) nhận xét tốt về việc chấp hành pháp luật của ứng viên và gia đình tại nơi cư trú;
3.5. Không trong thời gian đang xem xét hoặc bị thi hành kỷ luật;
3.6. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
3.7. Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức theo quy định.
* Điều kiện và tiêu chuẩn được xác định đến ngày cơ quan có thẩm quyền xét tuyên chọn cử dự thi. Giao Thủ trưởng đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp chịu trách nhiệm về điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng dự thi.
4. Hồ sơ ứng viên đăng ký thi tuyển
- Đơn đăng ký thi tuyển;
- Tờ trình của Ủy ban kiểm sát cùng cấp xét tuyển người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và khả năng để dự thi;
- Sơ yếu lý lịch (khai theo mẫu quy định không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhân sự);
- Bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất;
- Nhận xét đánh giá của lãnh đạo đơn vị;
- Bản sao có công chứng về trình độ cử nhân luật và đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát (đối với người dự thi chưa phải là Kiểm tra viên, Kiểm sát viên);
- Ý kiến đồng ý của VKSND tối cao, VKSND cấp cao (đối với người dự thi có nguyện vọng về VKSND tối cao, VKSND cấp cao);
- Nhận xét đánh giá của cấp ủy hoặc chính quyền nơi cư trú;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (có giá trị trong thời hạn 6 tháng).
* Đối với những người đã đăng ký dự thi Kiểm sát viên năm 2020 nhưng chưa trúng tuyển để được bổ nhiệm Kiểm sát viên, nếu đơn vị, địa phương xác nhận đến nay vẫn đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì lập danh sách đề nghị dự thi, người dự thi làm đơn xin dự thi, giấy khám sức khỏe, có bản nhận xét, đánh giá công tác của năm trước đó và không phải lập hồ sơ đăng ký.
5. Quy trình, thời gian tổ chức thi tuyển
5.1 Thông báo thi tuyển
VKSND tối cao thông báo công khai việc thi tuyển đến các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự trung ương, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trên cơ sở Kế hoạch này, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự trung ương, VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát về số lượng Kiểm sát viên cao cấp; Kiểm sát viên trung cấp của cấp tỉnh và Kiểm sát viên trung cấp là Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên sơ cấp của đơn vị cần bổ nhiệm; đồng thời Ủy ban kiểm sát các cấp tuyển chọn và cử người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi. Xây dựng hồ sơ, tờ trình báo cáo VKSND tối cao, yêu cầu hồ sơ có tại VKSND tối cao trước ngày 15/8/2021.
Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, thẩm định, lập danh sách người dự thi, báo cáo Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên trước ngày 30/8/2021.
Lưu ý: VKSND tối cao chỉ xem xét bổ sung chỉ tiêu bổ nhiệm trước khi công bố kết quả điểm thi tuyển và thuộc chỉ tiêu năm 2021.
5.2 Hình thức, nội dung, đề thi, thời gian, địa điểm thi, cách tính điểm thi
- Hình thức thi: thi viết 180 phút và thi trắc nghiệm 60 phút hoặc thi vấn đáp không quá 30 phút;
- Nội dung thi: Kiến thức liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp (theo các lĩnh vực của Luật tổ chức VKSND, hình sự, dân sự, hành chính... và các văn bản liên quan đang có hiệu lực thi hành);
- Đề thi: VKSND tối cao sẽ xây dựng 02 bộ đề thi theo hai khối hình sự và tư pháp để các thí sinh có quyền lựa chọn và đăng ký khối thi theo năng lực, sở trường và cạnh tranh theo chỉ tiêu chung cả khối hình sự và dân sự (không tính cạnh tranh theo khối thi), các ứng viên đăng ký dự thi ở khối nào thì thi theo đề thi khối đó;
- Thời gian tổ chức thi: Dự kiến tháng 10/2021 và được chia làm 2 đợt:
Đợt 1: Thi Kiểm sát viên cao cấp, đối tượng thi là Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh;
Đợt 2: Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp cho các đối tượng còn lại.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình đại dịch COVID-19, lịch thi có thể thay đổi, VKSND tối cao sẽ thông báo sau.
- Địa điểm thi: Tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đối với ứng viên của các tỉnh từ Quảng Trị trở ra và tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với ứng viên của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào.
- Cách tính điểm: Bài thi được chấm theo thang điểm 100 đối với mỗi hình thức thi (điểm thi viết: 100, tính hệ số 2; điểm thi trắc nghiệm: 100, tính hệ số 1).
6. Công nhận kết quả thi và bổ nhiệm chức danh
Căn cứ kết quả thi, Hội đồng thi tuyển thông báo kết quả thi và báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, công nhận kết quả thi và bổ nhiệm Kiểm sát viên theo quy định.
1. Hội đồng thi tuyển chỉ đạo, tổ chức kỳ thi đúng quy định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
2. Các đơn vị cần nắm vững quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối tượng dự thi được nêu tại điểm 2 Phần II của Kế hoạch này để tuyển chọn cử công chức dự thi đảm bảo đúng quy định, cơ cấu; tuyệt đối không được hạn chế số lượng dự thi.
3. Vụ Tổ chức cán bộ, các Ban giúp việc của Hội đồng thi tuyển có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự trung ương, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
4. Văn phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính VKSND tối cao, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan có trách nhiệm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất và sắp xếp công việc của đơn vị để công chức tham gia triển khai thực hiện các hoạt động của Hội đồng thi tuyển.
5. Căn cứ Kế hoạch này, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKS quân sự trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quán triệt và thực hiện đúng yêu cầu, nội dung của Kế hoạch đề ra./.
| VIỆN TRƯỞNG |
- 1 Kế hoạch 110/KH-VKSTC về tổ chức thi tuyển Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016
- 2 Quyết định 436/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Quyết định 363/QĐ-VKSTC năm 2020 quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4 Kế hoạch 70/KH-VKSTC về tổ chức thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5 Kế hoạch 59/KH-VKSTC về tổ chức thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp ngành Kiểm sát năm 2022 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 6 Kế hoạch 81/KH-VKSTC về tổ chức thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp ngành Kiểm sát năm 2022 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành