Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH THÁI BÌNH
BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN PHÁP LỆNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ NGHỊ ĐỊNH 36/2009/NĐ-CP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-BCĐ

Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

MỞ ĐỢT CAO ĐIỂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 36/2009/NĐ-CP TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ - 2014

Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; Ban Chỉ đạo của tỉnh xây dựng Kế hoạch mở đợt cao điểm thực hiện các văn bản này trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các biện pháp nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vi phạm về pháo, kiên quyết không để xảy ra đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014, góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, tích cực thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12, Nghị định 36/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

3. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm gắn với xử lý trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra vi phạm.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 và Nghị định 36/2009/NĐ-CP ở các cấp; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Chủ động có phương án phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở phối hợp thực hiện hiệu quả các biện pháp vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về pháo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014.

2. Tổ chức quán triệt Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12, Nghị định 36/2009/NĐ-CP (sau đây gọi chung là Pháp lệnh và Nghị định) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, tập trung vào những nội dung mới về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định cấm pháo triệt để. Đồng thời, tổ chức, hướng dẫn ký cam kết cho cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang không vi phạm, không bao che, dung túng các trường hợp vi phạm, vận động người thân chấp hành nghiêm các quy định.

3. Thực hiện đa dạng các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp gắn với việc ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh; trong đó:

- Phát huy các hình thức tuyên truyền đã có hiệu quả như: Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng giôn, khẩu hiệu, biển tường, tọa đàm, xét xử lưu động các vụ án… gắn với tuyên truyền lưu động, triển lãm thông tin ảnh;

- Tổ chức ký cam kết đến 100% hộ gia đình, trường học, cơ quan, doanh nghiệp; phát động phong trào toàn dân thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh và Nghị định; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo. Kiện toàn, duy trì hoạt động của các mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ như ngõ tự quản, cụm dân cư, tổ dân phố, dòng họ, họ giáo… an toàn về an ninh trật tự.

4. Thực hiện nghiêm túc quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ công chức và viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang để xảy ra vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo theo Công văn số 222/UBND-NC ngày 30/1/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

5. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ và pháo. Kiên quyết điều tra làm rõ các vi phạm, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo quy định pháp luật, phục vụ tốt công tác tuyên truyền răn đe, giáo dục chung.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức triển khai các Kế hoạch, phương án chỉ đạo; phối hợp hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả các chuyên đề công tác.

Tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra khảo sát, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm để chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các phương án vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Tập trung đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là các đường dây đưa từ tỉnh ngoài về Thái Bình tiêu thụ. Từ ngày 24/12 (Quý Tỵ) đến hết ngày 03 Tết Giáp Ngọ, Công an tỉnh chủ trì phối hợp các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng phương án huy động đủ lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là đốt pháo ở những nơi công cộng.

2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy: Hướng dẫn các cơ sở Đảng tiếp tục đưa nội dung kiểm điểm kết quả thực hiện Chỉ thị số 13CT-TU ngày 04/9/2013 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào nội dung họp Chi bộ Đảng hàng tháng.

3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Ra lời kêu gọi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các chức sắc tôn giáo, các thành viên và toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Pháp lệnh và Nghị định, vận động mọi người cùng tham gia thực hiện.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình và các hệ thống phát thanh và truyền thanh của huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có kế hoạch tuyên truyền trong từng tuần, tháng, quý; tập trung cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014; tăng thời lượng đưa tin, bài tuyên truyền Pháp lệnh và Nghị định để cán bộ, nhân dân biết, thực hiện; công khai đưa tin, hình ảnh những trường hợp vi phạm; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt để nhân dân tham gia tích cực.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp, hình thức tuyên truyền có hiệu quả như treo băng rôn, biển tường, pa nô, khẩu hiệu, tổ chức ra quân, mít tinh tuyên truyền lưu động, tuyên truyền miệng trong nhân dân, đặc biệt là tại các trường học và nơi công cộng.

6. Sở Tư pháp: Chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp; biên soạn tài liệu và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; tuyên truyền, hướng dẫn các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện các chế tài xử lý vi phạm Pháp lệnh và Nghị định.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các trường học, tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết; tổ chức các hoạt động tự quản của học sinh, sinh viên; kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về pháo và vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm; xác định đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, của trường, lớp. Những trường hợp vi phạm mà chưa đủ tuổi xử lý hình sự thì yêu cầu gia đình, nhà trường phối hợp xử lý, cam kết quản lý, giáo dục.

8. Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Liên đoàn Lao động tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; đoàn viên, hội viên cam kết không vi phạm và không để người thân trong gia đình vi phạm. Thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, cơ quan, thôn, làng, tổ dân phố để tuyên truyền, nhắc nhở, chỉ đạo các thành viên của hội tích cực tham gia các tổ công tác ở cơ sở.

9. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Thanh tra Giao thông phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuần tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phát hiện, xử lý các phương tiện vận tải chở pháo, chất nổ trái phép; chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức ký cam kết đội ngũ lái xe không vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

10. Sở Y tế: Chỉ đạo các bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn tiếp nhận, điều trị những trường hợp bị thương do sử dụng pháo trái phép (nếu có); thông qua công tác điều trị để tuyên truyền, khuyến cáo về tai nạn do việc sản xuất, sử dụng pháo gây ra.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo kiểm tra công tác bảo vệ các kho vũ khí, vật liệu nổ; kiểm tra việc bảo quản, sử dụng không để xảy ra mất mát, hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ và các sự cố về cháy, nổ. Giao Ban Quân sự huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ xã, phường, thị trấn phối hợp lực lượng công an và bảo vệ dân phố tuần tra, mật phục, bắt giữ đối tượng vi phạm về pháo.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp Hải quan, Công an huyện và các xã, thị trấn ven biển có kế hoạch điều tra cơ bản xác định đối tượng và địa bàn trọng điểm nhập lậu trên tuyến biển và phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép trên địa bàn phụ trách.

12. Chi cục Hải quan: Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng công an kiểm tra chặt chẽ các loại hàng hóa nhập lậu, chú ý việc nhập lậu pháo qua đường biển, phát hiện những đường dây lớn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

13. Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thành lập các đoàn, tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra các loại phương tiện giao thông, hàng hóa từ các tỉnh về, đặc biệt là từ các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng…; phát hiện bắt, xử lý hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán pháo, vũ khí thô sơ, đồ chơi nguy hiểm.

14. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo, phối hợp với cơ quan điều tra các cấp sớm đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án về vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ và pháo theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Công văn số 01/CV-LN ngày 30/12/2009 của Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.

15. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; chỉ đạo các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, ký cam kết, đảm bảo đến hết tháng 12/2013 hoàn thành việc ký cam kết trong toàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập danh sách các địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn; kiên quyết không để tái diễn tình trạng sản xuất pháo, thuốc pháo trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra việc sản xuất pháo phải xử lý liên đới trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Ban Chỉ đạo huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giao trách nhiệm cho từng xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp không để xảy ra tình trạng phức tạp về pháo. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho các xã, phường, thị trấn hoạt động hiệu quả.

16. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Công an tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; kinh phí phục vụ sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng của Ban Chỉ đạo tỉnh.

17. Đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh và các ngành chức năng đề xuất việc xóa danh hiệu thi đua, đơn vị văn hóa đối với các đơn vị, địa phương có vi phạm. Đề xuất biện pháp xử lý liên đới trách nhiệm đối với người đứng đầu những đơn vị, địa phương để xảy ra các vi phạm về pháo mà thiếu biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

18. Ban Thi đua Khen thưởng (Sở Nội vụ): Phối hợp Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị theo dõi tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc.

2. Phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh như sau:

- Đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban, phụ trách chung;

- Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực, phụ trách địa bàn các huyện, thành phố;

- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Trưởng ban, trực tiếp phụ trách, theo dõi việc thực hiện ở các đoàn thể của tỉnh;

- Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng ban, trực tiếp phụ trách, theo dõi việc thực hiện ở các sở, ngành;

- Các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh chịu trách nhiệm triển khai ở ngành, đoàn thể mình và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn ở địa bàn được phân công như sau:

+ Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phụ trách địa bàn huyện Đông Hưng;

+ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh phụ trách địa bàn huyện Vũ Thư;

+ Sở Công thương, Sở Tư pháp, Hội Phụ nữ tỉnh phụ trách địa bàn thành phố Thái Bình;

+ Sở Nội vụ, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, phụ trách địa bàn huyện Kiến Xương;

+ Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Hải quan Thái Bình phụ trách địa bàn huyện Quỳnh Phụ;

+ Ban Dân vận tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, phụ trách địa bàn huyện Tiền Hải;

+ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Cựu Chiến binh, phụ trách địa bàn huyện Thái Thụy;

+ Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên Đoàn lao động tỉnh, phụ trách địa bàn huyện Hưng Hà;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phụ trách địa bàn huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện ở địa phương;

3. Sở Tài chính hướng dẫn và đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kế hoạch này.

4. Giao Công an tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 và Nghị định 36/2009/NĐ-CP; tổng hợp tình hình, báo cáo Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu VT, NC, TH.

TRƯỞNG BAN
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH




Phạm Văn Ca