Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7533/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 23 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; căn cứ tình hình và yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu chung

a) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông). Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu giữa các cấp học, giữa các bộ môn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

2. Tình hình đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đến năm 2015

a) Đến năm 2015, tính chung cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai có 1.325 cán bộ quản lý và 20.407 giáo viên. Trong đó, cấp tiểu học (TH) cán bộ quản lý giáo dục có 731 người, giáo viên có 9.559 người; cấp trung học cơ sở (THCS) cán bộ quản lý giáo dục có 410 người, giáo viên có 7.460 người; cấp trung phổ thông (THPT) cán bộ quản lý giáo dục có 184 người, giáo viên có 3.352 người.

b) Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đều đạt chuẩn trình độ đào tạo theo cấp học. Trình độ đào tạo trên chuẩn của cán bộ quản lý cấp TH đạt 96,69%; cấp THCS đạt 93,89%; cấp THPT đạt 26,73%. Trình độ đào tạo trên chuẩn của giáo viên cấp TH đạt 92,9%; cấp THCS đạt 74,1%; cấp THPT đạt 11,5% (vượt mục tiêu Kế hoạch số 141-KH/TU ngày 02/4/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020).

c) Đánh giá xếp loại cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn hiệu trưởng, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Cán bộ quản lý giáo dục: Cấp TH loại xuất sắc đạt 80,98%, loại khá đạt 14,84%, loại trung bình đạt 4,18%, không có loại kém; cấp THCS loại xuất sắc đạt 82,81%, loại khá đạt 17,19%; cấp THPT loại xuất sắc đạt 88,02%, loại khá đạt 11,98%; cán bộ quản lý giáo dục cấp THCS và cấp THPT không có loại trung bình và loại kém.

- Giáo viên: Cấp TH loại xuất sắc đạt 15,91%, loại khá đạt 74,72%, loại trung bình đạt 9,37%; cấp THCS loại xuất sắc đạt 15,03%, loại khá đạt 71,86%, loại trung bình đạt 13,11%; cấp THPT loại xuất sắc đạt 18,18%, loại khá đạt 72,02%, loại trung bình 9,08%. Các cấp học không có giáo viên xếp loại kém.

d) Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đang công tác tại vùng dân tộc hoặc trường phổ thông dân tộc chưa được đào tạo, bồi dưỡng ít nhất một thứ tiếng dân tộc ở địa bàn công tác.

3. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016 - 2020

a) Về đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

- Đào tạo bổ sung giáo viên thay thế số giáo viên nghỉ hưu: Giáo viên cấp TH là 1.627 người, giáo viên cấp THCS là 940 người, giáo viên cấp THPT là 280 người.

- Đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình và sách giáo khoa mới với các trình độ cao đẳng, đại học đáp ứng yêu cầu về trình độ của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các ngành học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Cán bộ quản lý giáo dục cấp TH là 679 người, cấp THCS là 392 người, cấp THPT là 184 người; giáo viên cấp TH là 8.961 người, cấp THCS là 5.182 người, cấp THPT là 3.352 người.

- Đào tạo trình độ sau đại học phù hợp với quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cấp THCS, THPT ở từng địa phương: Cán bộ quản lý giáo dục cấp THCS là 94 người, cấp THPT là 25 người; giáo viên cấp THCS là 400 người, cấp THPT là 235 người.

b) Về bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

- Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng năng lực triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

- Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, trong đó có 70% đạt mức độ từ khá trở lên.

- Phấn đấu 100% nhà giáo cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi bổ nhiệm làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

- Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng nghề nghiệp tương ứng.

- Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục ngay tại trường.

- Phấn đấu 70% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công tác tại vùng dân tộc được đào tạo, bồi dưỡng ít nhất một thứ tiếng dân tộc.

4. Định hướng đến năm 2025

Bảo đảm năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở đào tạo; bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được chuẩn hóa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

5. Đối tượng

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

II. NỘI DUNG

1. Về đào tạo

a) Đào tạo bổ sung giáo viên thay thế số giáo viên nghỉ hưu.

b) Đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông theo chương trình và sách giáo khoa mới với các trình độ cao đẳng, đại học đáp ứng yêu cầu về trình độ của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các ngành học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

c) Đào tạo trình độ sau đại học phù hợp với quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ở từng địa phương.

2. Về bồi dưỡng

a) Bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nói chung và bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công tác ở vùng dân tộc nói riêng.

c) Bồi dưỡng các giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi để trở thành giáo viên cốt cán tại cơ sở giáo dục phổ thông.

d) Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về tin học hóa trong quản lý cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

đ) Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và các cơ sở giáo dục phổ thông.

3. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng cụ thể

Được quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Triển khai thực hiện hệ thống văn bản, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, công tác truyền thông về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

a) Đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Triển khai thực hiện phần mềm quản lý và các cơ sở dữ liệu về đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa cơ sở giáo dục phổ thông với các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ cho việc tự học, tự bồi dưỡng của nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

c) Triển khai thực hiện việc sửa đổi, cập nhật chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

d) Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao năng lực cho Trường Đại học Đồng Nai và các cơ sở đào tạo khác có liên quan thuộc tỉnh quản lý để phát triển đảm bảo vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

đ) Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông và báo chí về giáo dục để tạo sự đồng thuận trong xã hội với các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác truyền thông và cộng tác viên về đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng và phát triển các chương trình truyền thông về công tác đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

2. Triển khai thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại Trường Đại học Đồng Nai và các cơ sở đào tạo khác có liên quan thuộc tỉnh quản lý

a) Triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở phân tích, đánh giá các chương trình, giáo trình đã có và các yêu cầu mới của giáo dục phổ thông về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông các cấp; tham khảo chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các nước trong khu vực và các nước có nền giáo dục tiên tiến để xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng mới.

b) Triển khai thực hiện ngân hàng đề thi phục vụ đổi mới kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

c) Triển khai thực hiện chuẩn đầu ra đối với mỗi loại hình đào tạo và mã ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu mới về phẩm chất và năng lực của người giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp.

d) Triển khai thực hiện bộ công cụ đánh giá năng lực nghề nghiệp sinh viên sư phạm và giáo viên các cấp học.

đ) Phát triển, phổ biến, chia sẻ tri thức mới và các kinh nghiệm tiên tiến thông qua việc tổng kết và nhân rộng các điển hình trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

e) Triển khai thực hiện đổi mới công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng các đề tài áp dụng phương pháp dạy học hiện đại ở đại học và phổ thông, các đề tài về nghiệp vụ sư phạm.

g) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán; cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

h) Triển khai, thực hiện chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, năng lực sử dụng tiếng Anh, Tin học phục vụ công tác dạy và học cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý Trường Đại học Đồng Nai và các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn tỉnh

a) Triển khai thực hiện hệ thống các tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng viên, các chương trình tự bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

b) Triển khai thực hiện các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông với thực tiễn giáo dục phổ thông.

c) Triển khai thực hiện đổi mới các quy chế giáo dục nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực hành, thực tập giảng dạy và giáo dục của sinh viên sư phạm.

d) Tuyển chọn những giảng viên sư phạm có đủ năng lực và trình độ ngoại ngữ thực hiện trao đổi khoa học và giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong khu vực và các nước có nền giáo dục tiên tiến.

đ) Chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề để bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

e) Triển khai đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học, kiểm tra đánh giá ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

g) Triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên và giảng viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

h) Đẩy mạnh đào tạo chuẩn hóa trình độ đào tạo của giảng viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định.

4. Nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Đại học Đồng Nai và các cơ sở đào tạo khác có liên quan thuộc tỉnh quản lý được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

a) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được lựa chọn về phòng học, các trung tâm học liệu, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm thực hành nghiệp vụ sư phạm, phòng thí nghiệm, phương tiện học tập online theo ngành đào tạo. Xây dựng hệ thống quản lý học tập trung tâm (LMS), nâng cấp hệ thống đường truyền internet, các website, phòng học ảo, đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ thông tin, thư viện số, xây dựng và duy trì trang web cho Trường Thực hành sư phạm.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập Quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh

a) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Tăng cường tính tự chủ và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ động trao đổi khoa học, trao đổi giảng viên và sinh viên,... với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong khu vực và các nước có nền giáo dục tiên tiến.

c) Triển khai thực hiện việc tham gia các hội thảo Quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; tổ chức giao lưu sinh viên sư phạm Đồng Nai với sinh viên sư phạm trong nước, các nước trong khu vực và các nước có nền giáo dục tiên tiến.

6. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc phối hợp triển khai đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh

a) Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan cụ thể hóa nội dung Kế hoạch này trong kế hoạch công tác hàng năm để phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Trên cơ sở Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, ban, ngành liên quan để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

c) Thực hiện kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng theo từng nội dung của Kế hoạch này, đảm bảo kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả.

d) Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sau đào tạo, bồi dưỡng có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

IV. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

a) Giai đoạn 2016 - 2020: Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.

b) Giai đoạn sau năm 2020: Tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được, đảm bảo chất lượng và hiệu quả bền vững.

2. Kinh phí

a) Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sử dụng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

b) Nguồn kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vay vốn ODA (nếu có); kinh phí của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, chọn cử nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được giao.

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, giáo viên; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục theo kế hoạch được duyệt; xây dựng đội ngũ cốt cán tại địa phương để hỗ trợ và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Hướng dẫn theo dõi, kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh, huyện thực hiện Kế hoạch này, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và yêu cầu, tiến độ quy định.

d) Tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đánh giá, đề xuất khen thưởng sơ kết 03 năm, tổng kết 05 năm thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Trường Đại học Đồng Nai, các cơ sở đào tạo có liên quan thuộc tỉnh quản lý được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư ngân sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện dạy học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để thực hiện có chất lượng, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch này.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch được giao.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Tài chính

a) Chủ trì tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách địa phương, bố trí ngân sách đảm bảo để tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch.

b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng mục tiêu và chế độ theo quy định.

5. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu thực hiện đạt hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra của Kế hoạch này phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu phát triển của địa phương.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông của địa phương giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm. Định kỳ báo cáo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Trên đây là Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp