Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Hà Giang, ngày 15 tháng 05 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN VIỆC THỰC HIỆN KHÔNG BUÔN BÁN, TIÊU THỤ BẤT HỢP PHÁP ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Giang tại Công văn số 4922-CV/TU ngày 5/3/2015 về việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã và Hướng dẫn số 98-HD/BTGTW ngày 26/12/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã;

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bảo vệ động vật, thực vật hoang dã và Chương trình số 93/CTr/TU ngày 31/12/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương không buôn bán động vật, thực vật hoang dã.

- Tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

- Nâng cao ý thức bảo vệ động vật, thực vật hoang dã của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân và mỗi người dân thể hiện qua hành vi không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

- Tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc tiêu dùng sản phẩm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm; các sản phẩm không gây hại cho động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm, thân thiện với môi trường.

2. Yêu cầu

- Tuyên truyền tạo sự thống nhất cao, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân, lao động trong ngành và sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ-TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Công tác tuyên truyền về nội dung nêu trên phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài nhất là trong các dịp lễ, tết. Việc xây dựng các nội dung triển khai phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế ở địa phương, đơn vị.

- Phối hợp, tập trung lực lượng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, triệt phá các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, quảng cáo, tiêu dùng trái phép động vật hoang dã nói chung, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm; kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm, chống người thi hành công vụ.

- Trong quá trình phối hợp thực hiện giữa các sở, ban, ngành phải tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động gây nuôi và lưu thông hàng hóa có nguồn gốc hợp pháp; song song với việc kiểm tra, xử lý theo quy định cũng cần tích cực giải thích, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các công ước quốc tế về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã và các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã gồm:

+ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES);

+ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

+ Bộ luật hình sự năm 1999;

+ Luật bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

+ Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

+ Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm;

+ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP, ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm;

+ Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

+ Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của chính phủ quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

+ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

+ Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 4/1/2012 quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;

+ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 quy định về hướng dẫn thực hiện khai thác tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

+ Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2013 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã, quy định trong các phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã;

+ Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg, ngày 24/01/2013 cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT, ngày 05/9/2013 ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;

+ Chương trình hành động số 93/CTr/TU ngày 31/12/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang (Khóa XV) thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Tuyên truyền về vị trí, vai trò của động vật hoang dã và ý nghĩa của việc bảo vệ động vật, thực vật hoang dã đối với sự sinh tồn và phát triển của con người; về tác hại của nạn buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên và xã hội.

- Tuyên truyền về đạo đức môi trường, truyền thống văn hóa, lối sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên con người Việt Nam. Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ, tôn tạo môi trường thiên nhiên. Học tập, tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong việc bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.

- Khuyến khích, thúc đẩy phát triển theo xu hướng sản xuất xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh ngày càng lan tỏa trong xã hội.

2. Hình thức tuyên truyền

- Các cơ quan phát thanh, truyền hình xây dựng các bản tin, chuyên mục phù hợp để tuyên truyền, quảng bá đến mọi đối tượng trong xã hội.

- Tuyên truyền thông qua các nhiệm vụ chuyên môn và các phương tiện truyền thông của địa phương:

+ Lồng ghép tuyên truyền về quản lý bảo vệ động vật hoang dã trong kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của ngành, địa phương;

+ Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt họp thôn, tổ dân phố, họp chi bộ, họp triển khai công tác chuyên môn, các hội nghị, hội thảo;

+ Sử dụng các trang tin điện tử trên Internet của các cơ quan thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, thông tin tuyên truyền về quản lý động vật hoang dã;

+ Biên soạn, in ấn và phát hành rộng rãi các tài liệu tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tài liệu hỏi đáp, tờ rơi, pa nô, áp phích, tranh tuyên truyền về quản lý bảo vệ động vật hoang dã và công bố số điện thoại đường dây nóng về quản lý mua bán, săn bắt động vật hoang dã để người dân biết. Chỉ đạo các địa phương tuyên truyền bằng các khẩu hiệu trên các biển tuyên truyền trực quan tại địa phương.

3. Đối tượng tuyên truyền

Tuyên truyền đến mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú trọng các nhóm đối tượng khai thác, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ và nhân dân sinh sống gần rừng, nhất là các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và các vùng thuộc khu bảo tồn, vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang...

4. Thời gian tuyên truyền: Thường xuyên

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện nghiêm túc kế hoạch này; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm cho UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.

b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng các quy định của Nhà nước và Công ước CITES; cung cấp tài liệu, hướng dẫn cụ thể các quy định pháp luật, các quy trình kỹ thuật, các biện pháp an toàn về gây nuôi, phát triển các loài động vật hoang dã cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

- Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước và các quy định của CITES về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất của chúng. Rà soát, lập danh sách những đối tượng đầu lậu, bảo kê, kinh doanh, mua bán động vật hoang dã trái phép để phối hợp với các ngành, chính quyền các địa phương có biện pháp quản lý và đấu tranh ngăn chặn;

- Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Kiểm lâm với các ngành Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã theo Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP, ngày 06/02/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng và Kế hoạch phối hợp số 41/LN-KL-CA-BP-QS-NNPTNT, ngày 07/3/2003 giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Biên phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

- Tổ chức quản lý gây nuôi, phát triển động vật hoang dã theo đúng các quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/6/2006 của Chính phủ về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường; Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.

c) Chỉ đạo Chi cục Thú y: Tăng cường công tác quản lý an toàn dịch bệnh tại các trại/cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn và khi lưu thông trên thị trường theo đúng quy định.

2. Sở Công Thương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp Chi cục Kiểm lâm và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát các địa điểm kinh doanh, các trục đường giao thông, các khu dân cư để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về mua, bán, vận chuyển, gây nuôi, chế biến động vật, thực vật hoang dã.

3. Công an Tỉnh

- Triển khai phối hợp thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP, ngày 06/02/2002 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng trong công tác bảo vệ rừng, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã và Kế hoạch số 41/LN-KL-CA-BP-QS-NNPTNT ngày 07/3/2003 giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Biên phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tổ chức theo dõi, điều tra, xác minh làm rõ đường dây khai thác, nuôi, nhốt, mua, bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh làm rõ, xử lý những vụ việc buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép hoặc chống người thi hành công vụ.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường trong hoạt động gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã theo quy định tại: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước về Đa dạng sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm của chúng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ trái phép đối với động vật hoang dã;

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã để người dân biết và thực hiện.

6. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng Ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã; kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo đúng quy định hiện hành.

7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân không tham gia buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Động viên khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động tuyên truyền, tạo dư luận phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật đồng thời hoan nghênh, biểu dương các tấm gương “người tốt, việc tốt” trong việc bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.

8. Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, săn bắt, tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã.

- Kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

9. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước và các quy định của CITES về săn, bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi, nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất của chúng.

- Tăng cường, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã đến mọi tầng lớp nhân dân; trong đó, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chấp hành các quy định về mua bán, tiêu thụ, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu các loài động vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân công theo Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

2. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai, quán triệt thực hiện các nội dung của Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng năm báo cáo về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 25 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn hoặc phát sinh vướng mắc kịp thời báo cáo UBND Tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- TTTr Tỉnh ủy;
- TTr HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, TH, NNTNMT.

CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông