Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 22 tháng 06 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 06/12/2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Xét Tờ trình liên ngành số 55/TTr-SNN&PTNT-KHCN ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20 tháng 9 năm 2011 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 06/12/2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang.

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TRONG THỜI GIAN QUA:

Trong thời gian qua, công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã đạt được các kết quả nhất định và đã bám vào yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các mô hình ứng dụng thí điểm đã từng bước đi vào sản xuất đại trà, các đề tài - dự án sau khi nghiệm thu đều được ứng dụng, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Những thành tựu khoa học và công nghệ cùng với các chính sách đổi mới đã góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm tăng lên cả về năng suất lẫn chất lượng, nâng khả năng cạnh tranh ngày càng cao của hàng hóa nông sản, thực phẩm. Cụ thể như sau:

1. Đối với lĩnh vực nông nghiệp:

- Trên cây lúa, đã ứng dụng công nghệ sinh học vào việc thanh lọc và phục tráng các giống lúa đặc sản xuất khẩu; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng các công cụ sạ hàng kết hợp đồng bộ biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM để làm giảm chi phí sản xuất lúa, tăng năng suất lúa; nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng để quản lý bệnh đốm vằn trên lúa; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản và lúa thơm; thực hiện chương trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; tuyển chọn được các giống lúa ngắn ngày ổn định với khả năng chịu phèn tốt cho năng suất cao.

- Trên cây ăn trái, đã nghiên cứu, ứng dụng thành công qui trình kỹ thuật chăm sóc - thu hoạch, tuyển chọn - phục tráng các giống cây có chất lượng cao, qui hoạch - cải tạo vườn cây đặc sản (vú sữa, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, sơ ri); nhân giống cây đầu dòng cung cấp cho nông dân; nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm trừ sâu sinh học, các biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng ngừa bệnh trên cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường đã góp phần nâng cao năng suất cây ăn trái của tỉnh lên vị trí đứng đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2000 - 2010, tăng 4,4%/năm và đạt khoảng 14,4 tấn/ha).

- Về chăn nuôi, đã triển khai thực hiện mô hình lai tạo giống dê, heo có năng suất, chất lượng cao và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Số lượng một số loại vật nuôi chủ yếu đều tăng như đàn bò tăng bình quân 21,93%/năm, đàn heo tăng bình quân 2,78%/năm, đàn gia cầm 2,37%/năm. Nhờ cải thiện chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật mới nên sản lượng thịt heo hơi năm 2009 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2000 (trong khi tổng đàn heo năm 2009 chỉ tăng 1,2 lần so với năm 2000); sản lượng sữa bò năm 2009 đạt 1.869 tấn, tăng gấp 66,7 lần so với năm 2000, tốc độ tăng bình quân là 59,48%/năm.

- Về thủy sản, đã thực hiện thành công các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) về sản xuất giống tôm sú, nghêu, cua, tôm càng xanh, cá thát lát, cá rô đồng,…và thử nghiệm nuôi cá rô phi trên bè, nuôi cá tra thâm canh theo tiêu chuẩn SQF 1000CM nhằm thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung để tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu thủy sản. Qua đó, trình độ chuyên môn của cán bộ thủy sản không ngừng được nâng lên, góp phần xây dựng hoàn chỉnh các qui trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn GAP, SQF 1000CM và kịp thời chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống các loại cho nhân dân.

2. Đối với lĩnh vực công thương nghiệp:

Trong công nghiệp chế biến đã ứng dụng thành tựu CNSH để chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: cá, tôm, nghêu, các sản phẩm từ trái khóm, nước sơ ri… xuất khẩu ở dạng sơ chế bằng kỹ thuật đông lạnh. Một số loại trái cây khác: vú sữa, chôm chôm, nhãn, bắp (ngô), ớt… được sơ chế, bảo quản và đông lạnh nhanh để xuất khẩu, tuy nhiên số lượng rất ít chủng loại chưa đa dạng, chưa chế biến sâu. Sản phẩm chế biến truyền thống khác như: rượu, bia, nước giải khát, nước mắm, nước chấm, mắm tôm chà… sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, thủ công là chính.

Công nghiệp sinh học chưa phát triển. Các sản phẩm như chế phẩm bón gốc, chế phẩm M.a, B.b, chế phẩm EM, men tiêu hóa, phôi nấm ăn và nấm dược liệu… sản xuất ở quy mô nhỏ hoặc phụ thuộc giống gốc bên ngoài.

3. Đối với lĩnh vực y tế:

Trong y tế, chủ yếu ứng dụng CNSH phục vụ cho chẩn đoán, điều trị bệnh: Sử dụng bộ kit chẩn đoán cúm A H5N1, viêm gan siêu vi A, B, C…; Sử dụng chế phẩm Insulin trong điều trị tiểu đường; Ứng dụng kịp thời các loại vắc-xin thế hệ mới trong phòng bệnh như: Viêm gan siêu vi, Hib, dại, não mô cầu, viêm não Nhật Bản B và các loại bệnh trong dự án tiêm chủng mở rộng…

4. Đối với lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường:

Ứng dụng các chế phẩm cũng như các công nghệ sinh học trong xử lý môi trường đạt kết quả khá. Sử dụng cỏ Vetiver, hầm Biogas, chế phẩm EM trong xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Sử dụng công nghệ vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nước thải y tế, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp để giảm phát thải nguy hại cho môi trường, triển khai chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu chất thải.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; mức đầu tư của toàn xã hội cho thử nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ công nghệ chưa đồng bộ; việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn ở bước khởi đầu.

Từ thực trạng nêu trên, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học phục vụ yêu cầu phát triển bền vững là hết sức cần thiết, khách quan và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU:

1. Quan điểm:

- Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường là hướng phát triển KHCN trọng điểm gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, hình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

- Tập trung chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng và tiếp nhận các thành tựu về tiên tiến của thế giới và trong nước phù hợp điều kiện của tỉnh cho các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, vệ sinh - an toàn thực phẩm, y tế và bảo vệ

môi trường. Qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về CNSH; phát triển đồng bộ cả khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hoạt động đạt hiệu quả cao, chú trọng gắn kết nghiên cứu - sản xuất thử - thương mại hóa sản phẩm.

- Xây dựng và phát triển CNSH, nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy tối đa tiềm lực của tỉnh, kể cả các doanh nghiệp và của nhân dân. Đồng thời mở rộng, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới, kết hợp hiện đại hóa các CNSH truyền thống. Tăng cường liên kết, phối hợp với vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nghiên cứu, ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động hiệu quả.

- Đầu tư tập trung cơ sở hạ tầng KHCN, thiết bị hiện đại, đồng bộ, phát triển CNSH, nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi đầu tư cao, thiết bị hiện đại; do vậy, cần lựa chọn để đầu tư đúng hướng, đúng mức và đồng bộ phù hợp với điều kiên của tỉnh; lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, thiết yếu để đầu tư phát triển.

- Ứng dụng và phát triển CNSH phải đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái trong việc chọn lựa, sử dụng, nhân giống và sản xuất thương phẩm các cây trồng, vật nuôi, chủng sinh vật chuyển gen; không dùng các chất có hại cho con người và môi trường, bảo đảm ATVSTP đạt tiêu chuẩn tiêu dùng, xuất khẩu trong quá trình ứng dụng công nghệ cao, CNSH.

- Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đủ về số lượng và chất lượng cao và coi đây là một trong những điều kiện quyết định cho sự phát triển; Tuyển mới, bố trí sắp xếp hợp lý nguồn nhân lực trình hiện có phù hợp theo trình độ chuyên môn, năng lực.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

- Đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống cây trồng và vật nuôi bao gồm: bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu chọn tạo giống, trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản giống; nâng cao chất lượng giống.

- Tiếp nhận, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và triển khai sản xuất rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xử lý môi trường và y dược. Xây dựng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp chế biến, hình thành và phát triển công nghiệp sinh học. Ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học xử lý, bảo vệ môi trường, phát triển ngành y - dược và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước đối với cán bộ nghiên cứu, quản lý về lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp; công nghệ sinh học nhằm tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao và ứng dụng vào thực tiễn; Đào tạo, bồi

dưỡng nâng cao trình độ trong nước đối với lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên đang làm công tác ứng dụng KHCN và có chính sách thu hút cán bộ KHCN giỏi trong và ngoài nước đến làm việc và chuyển giao công nghệ.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị, phục vụ phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung đầu tư phát triển Trung tâm Kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh làm nòng cốt cho việc hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó cần đầu tư phòng thí nghiệm, điều kiện nghiên cứu, ứng dụng thực nghiệm và hệ thống chuyển giao khoa học công nghệ;

- Hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 100 ha (ở huyện Tân Phước) để thực hiện chức năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - thử nghiệm - trình diễn - chuyển giao; Khu sản xuất thực nghiệm sinh học khoảng 30 ha nhằm sản xuất thử nghiệm ứng dụng CNSH, công nghệ cao để nhân rộng sản xuất;

- Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: phấn đấu tăng tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đến năm 2015 khoảng 50%, ứng dụng công nghệ cao: tưới tự động, tưới nhỏ giọt trong khâu chăm sóc cây trồng, sử dụng nhà lưới trong sản xuất rau, màu có hiệu quả kinh tế cao; đưa máy cấy lúa vào sản xuất giống lúa nguyên chủng;

- Phấn đấu đến năm 2015, có 70% diện tích gieo trồng lúa sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận; 70 % diện tích cây ăn trái sử dụng cây giống đạt chất lượng theo qui định; tập trung nâng cao chất lượng 04 con giống vật nuôi chủ lực là heo lai kinh tế (2 - 3 máu), bò lai sind, gia cầm hướng thịt và trứng; cung cấp khoảng 85% nhu cầu con giống với chất lượng cao, an toàn về dịch bệnh cho các vùng chăn nuôi tập trung, gia trại, trang trại trong tỉnh; nâng cao năng lực nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất giống thủy sản để hình thành tập đoàn thủy sản đa dạng, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, phục vụ phát triển nuôi trồng ở các vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn và nước lợ.

- Nghiên cứu, ứng dụng và triển khai thực nghiệm các công nghệ mới, cải tiến, hiện đại hóa công nghệ truyền thống nhằm tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có trong các lĩnh vực chế biến nông thủy sản.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao KHCN cao trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2015, đào tạo trong và ngoài nước 10 thạc sĩ và 01 tiến sĩ về CNSH, nông nghiệp công nghệ cao.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Nhiệm vụ:

a) Lĩnh vực nông nghiệp

- Cây trồng: Phối hợp nghiên cứu, ứng dụng lai tạo và nhân nhanh một số giống lúa và cây trồng chủ lực thích nghi vùng sinh thái của tỉnh và điều kiện biến đổi khí hậu; phục tráng một số giống lúa đặc sản và cây ăn trái chủ lực; xây dựng quy trình chẩn đoán virus gây bệnh chính và ứng dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ côn trùng và bệnh hại trên cây trồng. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân các loại giống nấm ăn hiện có, tiếp nhận sản xuất giống một số loại nấm ăn mới có giá trị thương phẩm cao và nấm dược liệu quý. Mở rộng và phát triển vùng rau, chủ yếu áp dụng các biện pháp sinh học đảm bảo an toàn.

- Chăn nuôi, thú y: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên bò, heo… nghiên cứu nâng cao tỷ lệ thụ thai trên 70%. Nghiên cứu kỹ thuật và phương thức phổ biến kỹ thuật cấy truyền phôi sản xuất con giống gốc, giống cha mẹ đảm bảo cung cấp con giống tốt cho sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất các chất hỗ trợ cho quá trình biến dưỡng như enzym: phytase, cellulase, protease… để sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu phân lập các vi sinh vật có lợi cho tiêu hóa, làm cơ sở xây dựng các công thức phối hợp vi sinh vật thành chế phẩm probiotic phù hợp cho từng loài gia súc, gia cầm, từng giai đoạn sinh lý và điều kiện sinh thái của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật trong công nghệ sinh học mới và hiện đại như: PCR, Sequencing… để chẩn đoán nhanh và chính xác, cả định tính và định lượng, kháng nguyên và kháng thể… các bệnh trên gia súc, gia cầm.

- Thủy sản: Hoàn thiện và phát triển công nghệ nhân giống cá tra, nghêu và tôm sú. Nghiên cứu, sinh sản nhân tạo giống thủy sản quý (cá lăng, cá chẽm, cua đinh…); chọn tạo và nuôi cấy các loài tảo phổ biến phục vụ cho sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản; tiếp nhận và thương mại hóa các bộ kit chẩn đoán bệnh, chế phẩm sinh học, vắc-xin phòng bệnh cá tra, cá điêu hồng, nghêu, tôm và một số loài thủy sản có giá trị khác. Điều khiển giới tính nhằm sản xuất con giống đơn tính quy mô công nghiệp; tạo giống thủy sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt. Bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen các loài thủy sản đặc hữu phục vụ cho công tác giống. Ứng dụng kit PCR và bộ kit LAMP chẩn đoán nhanh bệnh ở thủy sản. Nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản.

- Ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa phục vụ sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ để chiếu xạ các sản phẩm nông sản nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu, góp phần phát triển mạnh thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển có yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cao như Mỹ, Nhật, EU,...

b) Ứng dụng lĩnh vực công nghiệp chế biến:

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sinh học để sản xuất thử nghiệm các chế phẩm vi sinh, enzym và protein phục vụ cho công nghiệp chế biến (thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học,...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông thủy sản. Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, kit sản phẩm phục vụ chẩn đoán phát hiện nhanh vi sinh vật gây bệnh và độc tố, nhằm nhanh chóng chuẩn hóa chất lượng thực phẩm và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chất lượng nguyên liệu và các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ công nghệ biến đổi gen trong công nghiệp chế biến.

- Chuyển giao công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị lên men, thiết bị sản xuất các chế phẩm vi sinh/enzym/protein (ở quy mô vừa và nhỏ) phục vụ công nghiệp chế biến. Cải tiến dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ mới và công nghệ sinh học để phát hiện các sản phẩm thực phẩm lên men truyền thống của địa phương (nước mắm, nước chấm, mắm tôm chà, hủ tíu, bánh tráng,...) bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh trên thị trường.

c) Ứng dụng lĩnh vực y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng:

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong việc chăm sóc sức khỏe và công nghệ tế bào thực vật trong y học cổ truyền, dược liệu. Ứng dụng công nghệ đơn dòng tế bào vào việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học từ động thực vật và vi sinh vật để sản xuất các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Ứng dụng và từng bước phát triển sản xuất các loại thuốc kháng sinh, vitamin, acid amin, protein bằng công nghệ lên men vi sinh và vi sinh tái tổ hợp. Quy hoạch, thử nghiệm và phát triển cây, con và chế phẩm dược liệu phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ứng dụng và phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị và nâng cao sức khỏe bằng công nghệ sinh học, công nghệ tế bào, y sinh học, kỹ thuật y sinh, hóa sinh, hóa lý, sinh lý, sinh học phân tử, công nghệ nano sinh học.

d) Lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

- Ứng dụng CNSH và các thành tựu KHCN hiện đại để tạo ra các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Sản xuất hữu cơ, sinh thái, GAP trong nông nghiệp.

- Ứng dụng và phát triển CNSH để xử lý các chất thải gây ô nhiễm; tái chế, chế biến phụ phẩm chất thải công - nông nghiệp thành các sản phẩm có ích.

- Ứng dụng và phát triển CNSH để lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

2. Các nhóm giải pháp chủ yếu

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động:

Để triển khai thực hiện phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và phục vụ đời sống, từ tỉnh đến cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; Xem phát triển ứng dụng khoa học công nghệ là khâu then chốt, là giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

b) Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ:

- Xây dựng và phát triển vùng, khu và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trước mắt hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 100 ha có chức năng nghiên cứu ứng dụng - thử nghiệm - trình diễn - chuyển giao; Khu sản xuất thực nghiệm sinh học khoảng 30 ha nhằm sản xuất thử nghiệm ứng dụng CNSH, công nghệ cao để nhân rộng sản xuất.

- Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị, phục vụ phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trong đó cần đầu tư phòng thí nghiệm, khu sản xuất thực nghiệm sinh học và công nghệ cao nhằm tạo điều kiện nghiên cứu, ứng dụng thực nghiệm và hệ thống chuyển giao KHCN.

c) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách:

- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được nhà nước ưu đãi, hỗ trợ cao nhất cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ theo các quy định của pháp luật.

- Xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với chi phí cho tổ chức khoa học công nghệ công lập và các tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học và bức xạ theo các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao.

- Thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực về nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học theo các quy định của pháp luật.

- Xây dựng cơ chế liên kết giữa cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học với người sản xuất và doanh nghiệp về chuỗi ứng dụng KHCN - sản xuất - tiêu thụ. Lồng ghép nhiệm vụ khoa học công nghệ vào các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cơ bản ổn định, lâu dài cho nông dân để tạo động lực khuyến khích nông dân sản xuất nông sản có chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (GAP) góp phần nâng cao uy tín và mở rộng thị trường xuất khẩu ra thế giới.

d) Giải pháp về vốn:

Đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm:

- Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo chi cho đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh;

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chi cho đầu tư và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp;

- Nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển;

- Các nguồn vốn khác: vốn từ nguồn hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân.

e) Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực:

- Đưa đi đào tạo chuyên môn trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ năng lực cán bộ, công chức để có thể đảm đương công tác tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ đồng thời tạo mọi điều kiện để phát huy năng lực cán bộ hình thành nên hệ thống chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai nhiều hình thức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ năng canh tác, kiến thức sản xuất mới cho nông dân;

- Tuyển nhân lực có trình độ đáp ứng chuyên môn theo yêu cầu của Kế hoạch;

- Tăng cường nhân lực có trình độ đại học có chuyên ngành phù hợp về cơ sở.

IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN:

Để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 triển khai thực hiện các Chương trình, đề án, dự án trọng điểm sau:

 (Phụ lục 1, Phụ lục 2)

V. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ: (Phụ lục 3)

Dự kiến tổng kinh phí: 335.211 triệu đồng, trong đó:

- Vốn NSNN: 260.611 triệu đồng;

- Vốn khác (kêu gọi đầu tư): 74.600 triệu đồng

Cụ thể:

Phân kỳ

Nguồn

Tổng

Xây dựng cơ bản

Sự nghiệp

Nguồn khác

Ghi chú

TW

ĐP

TW

ĐP

Tổng KP 2013 - 2015

335.211

39.047

161.314

4.000

56.520

74.600

 

2013

87.800

12.016

38.550

1.200

15.734

20.300

 

2014

159.511

19.522

79.469

1.600

20.920

38.000

 

2015

87.900

7.509

43.295

1.200

19.596

16.300

 

Kinh phí sự nghiệp địa phương, bao gồm: Sự nghiệp KHCN, nông nghiệp, môi trường, công thương và y tế; kinh phí XDCB địa phương được thực hiện từ năm 2013 - 2015.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ (Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh) là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; thống nhất ý kiến với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo những công việc có liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch; Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các sở, ngành tỉnh: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Nội vụ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Xây dựng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại và Du lịch và các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong kế hoạch, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của địa phương mình, phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong kế hoạch này và lồng ghép nhiệm vụ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương để triển khai thực hiện. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan chủ trì (Sở Khoa học và Công nghệ) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng