Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 02 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2020

Thực hiện Công văn số 5044/BNN-KTHT ngày 17/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn báo cáo thực trạng công tác đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2011-2016 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2017-2020 như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Các văn bản chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

- Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Liên Bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09/7/2012 của Liên Bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ;

- Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy định về đào tạo thường xuyên,

2. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương đã được điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao đông nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020”. Hiện nay, Đề án vẫn đang được triển khai thực hiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người lao động khu vực nông thôn tỉnh Lạng Sơn nên chưa có sự điều chỉnh lại. Đồng thời, trong quá trình triển khai tỉnh Lạng Sơn đã chủ động ban hành các chính sách, văn bản chỉ đạo của địa phương để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

3. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011 - 2020 đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt, triển khai thực hiện theo Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 30/12/2010 là căn cứ quan trọng để xây dựng nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch đến nay ngành nông nghiệp và PTNT đã thu được một số kết quả nhất định: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 3,62 % (đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mục tiêu 3,5-4%); cơ cấu nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực; đã dần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn bước đầu được đổi mới, chất lượng đời sống của người dân nông thông từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp Lạng Sơn đã và đang bộc lộ nhiều điểm yếu kém, bất cập như: tăng trưởng ngành vẫn mang tính chất lũy kế, kém bền vững và chưa có bước đột phá. Sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún, chưa theo quy luật thị trường; giá trị sản xuất hàng hóa còn thấp. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp hoạt động không theo kịp nhu cầu phát triển, kém hiệu quả… Nguyên nhân của tình trạng trên là do định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp theo quy hoạch trước chưa rõ, không sát với thực tế; nhiều phương án phát triển thiếu tính khả thi, phương án phát triển vùng sản xuất hàng hóa chưa đúng với thực tế…

Trước yêu cầu thực tiễn, để xây dựng thành công nông thôn mới cũng như thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần thiết phải có một định hướng chiến lược phát triển mới, mang tính lâu dài cho ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Do đó UBND tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ năm 2011 - 2020, xây dựng bổ sung định hướng đến 2025.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011-2016

1. Công tác chỉ đạo điều hành của địa phương về đào tạo nghề nông nghiệp

Xác định là một tỉnh miền núi, biên giới với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu do vậy cần tập trung cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nên ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1956/QĐ-TTg , ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", nhằm tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện Đề án, ngày 20/8/2010 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về tăng cường lãnh đạo triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 02/6/2010 triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ngày 20/01/2011 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020". Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án và xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Các xã, phường, thị trấn thành lập tổ chỉ đạo, phân công các thành viên theo dõi, phụ trách địa bàn. Đã tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị, cấp phát tài liệu sổ tay, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình, kế hoạch của tỉnh đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã tổ chức được hơn 100 hội nghị, lồng ghép tuyên truyền được 157 buổi, phát trên 3.000 sổ tay với trên 350.000 lượt người được phổ biến; các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền được trên 500 tin, bài.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn và các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện (Chi tiết tại phụ lục 1).

2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp

a) Kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 (Chi tiết tại phụ lục 2).

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được 15.568 người, với tổng kinh phí hỗ trợ: 23.355 triệu đồng. Đối tượng là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định, được triển khai rộng khắp ở các xã trên địa bàn tỉnh, số lao động nông thôn học nghề nông nghiệp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn cơ bản bám sát được mục tiêu của Đề án, xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, gắn đào tạo nghề với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động dạy nghề, các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và đáp ứng được toàn bộ những vướng mắc của học viên. Đồng thời việc dạy nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ. Từ đó các học viên nắm chắc và vững những kiến thức, kỹ năng nghề vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình và đã thu được những kết quả nhất định và nhiều hộ gia đình có nguyện vọng và đang thực hiện việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng tại hộ.

Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm do vậy có trên 70 % học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

b) Kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2016, ước thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 (Chi tiết tại phụ lục 3).

Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 4.205 người, 120 lớp, với tổng kinh phí đào tạo 9.700 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã tổ chức được 57 lớp học nghề nông nghiệp cho 1.995 người (đối tượng 1: 1.951 người; đối tượng 2: 14 người; đối tượng 3: 41 người).

Đánh giá chung:

- Thuận lợi: Trong 6 tháng đầu năm Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh luôn sát sao chỉ đạo, hướng dẫn các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, chương trình cụ thể để hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ trong năm. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nguồn vốn được phân bổ ngay từ đầu năm tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề chủ động triển khai thực hiện kế hoạch trong năm.

- Khó khăn: Một số nơi cấp ủy,chính quyền ở cấp xã, chưa thực sự quan tâm đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, do vậy việc triển khai công tác dạy nghề còn nhiều hạn chế, chưa nhân rộng các mô hình dạy nghề cho người dân học tập theo. Địa bàn tuyển sinh chủ yếu ở các thôn bản, giao thông đi lại khó khăn, học viên chủ yếu sản xuất nông nghiệp ít khi ở nhà nên rất khó tiếp cận để vận động tuyên truyền học viên đi học.

Ước thực hiện 6 tháng cuối năm 2016: tiếp tục đào tạo được 2.210 lượt người, nâng số người được đào tạo lên 4.205 người, đạt 100% kế hoạch.

c) Đánh giá kết quả đạt được, ưu điểm, nhược điểm, những vấn đề bấp cập cần giải quyết trong thời gian tới.

- Ưu điểm:

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Kết quả đó nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh luôn sát sao chỉ đạo, hướng dẫn các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, chương trình cụ thể để hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm, phối hợp với các tổ chức doàn thể để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Qua học nghề, lao động nông thôn nắm bắt được những kiến thức mới, công nghệ mới tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Do vậy sau học nghề có trên 70% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Công tác dạy nghề cho LĐNT góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn, phục vụ tích cực cho việc thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới.

- Tồn tại, hạn chế:

Một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề để tạo việc làm góp phần khắc phục khó khăn về kinh tế gia đình. Vì thế, một số xã việc tổ chức các lớp học nghề chưa mang lại hiệu quả kinh tế, học nghề xong nhưng một số lao động nông thôn chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất.

Công tác tuyển sinh: Địa bàn tuyển sinh chủ yếu ở các thôn bản, giao thông đi lại khó khăn, học viên chủ yếu sản xuất nông nghiệp ít khi ở nhà nên rất khó tiếp cận để vận động tuyên truyền học viên đi học.

Đội ngũ giáo viên cơ hữu ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện còn thiếu, chủ yếu phải hợp đồng mời giảng, thỉnh giảng nên không chủ động được trong việc tổ chức các lớp dạy nghề.

Một số xã chưa xác định được ngành nghề đào tạo, chưa tư vấn được cho người dân học nghề gì để phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Khả năng tiếp thu, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế quá trình sản xuất, phát triển kinh tế hộ còn nhiều khó khăn, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Sau đào tạo chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hoá.

Một số nơi cấp ủy,chính quyền ở cấp xã, chưa thực sự quan tâm đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, do vậy việc triển khai công tác dạy nghề còn nhiều hạn chế, chưa nhân rộng các mô hình dạy nghề cho người dân học tập theo.

Học viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, tuổi của học viên không đồng đều nên tiếp thu kiến thức chậm rất khó khăn cho công tác quản lý và truyền đạt kiến thức của giáo viên.

Đa số các doanh nghiệp của Lạng Sơn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn tới thu hút nhân lực còn ở mức độ thấp do vậy việc dạy nghề chưa gắn với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

d) Những bài học kinh nghiệm rút ra từ đào tạo nghề nông nghiệp ở địa phương.

- Tiếp tục tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về học nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của người lao động từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để giải quyết việc làm.

- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu tốt cho Ủy ban nhân dân tỉnh để huy động sự tham gia, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp như: Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh...

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm nghề và Kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên các cơ sở dạy nghề và cán bộ quản lý dạy nghề.

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề liên kết và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng thu hút lao động qua đào tạo nghề từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến quá trình tổ chức đào tạo và nhận người học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực; Kế hoạch dạy nghề phải cụ thể, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động. Đơn vị đào tạo phải kết hợp được 02 yếu tố: Đào tạo nghề và bao tiêu hoặc giới thiệu địa chỉ đầu ra cho lao động nông thôn, có như vậy mới tạo được niềm tin và đảm bảo thu hút được lao động nông thôn duy trì nghề sau khi học nghề.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở đào tạo nghề về việc đào tạo và thực hiện các chính sách trong đào tạo.

III. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2020

1. Mục tiêu

- Đến 2020 đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được 17.612 người (năm 2017 đào tạo được 4.102 người; năm 2018 đào tạo được 4.305 người; năm 2019 đào tạo được 4.445 người; năm 2020 đào tạo được 4.760 người).

- Đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

2. Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020

- Tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hoá các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng lao động, chú trọng tới công tác tuyển sinh đào tạo. Từng bước chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, đảm bảo đáp ứng lao động sau khi đào tạo biết vận dụng kiến thức đã được học vận dụng vào sản xuất.

- Tuyển sinh và đào tạo nghề cho 17.612 người (Chi tiết tại phụ lục 4). Gồm:

Nhóm nghề trồng trọt: 9.485 người; Nhóm nghề chăn nuôi: 6.335 người; Nhóm nghề thủy sản: 357 người; Nhóm nghề trồng rừng: 1.435 người;

- Đào tạo cho đối tượng nông dân làm nghề có yêu cầu kỹ thuật (Chi tiết tại phụ lục 5). Gồm:

Nuôi trồng thủy sản: 357 người; Chăn nuôi gia súc gia cầm: 5.985 người; Sản xuất giống cây trồng chế biến nông lâm, thủy sản: 525 người; Đào tạo cho đối tượng nông dân làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật: 875 người;

- Kinh phí cho công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020(Chi tiết tại phụ lục 6).

+ Chỉ tiêu, nhiệm vụ: Giai đoạn 2017-2020 đào tạo được 17.612 người

+ Kinh phí: 41.000 triệu đồng (Ngân sách Trung ương: 35.000 triệu, ngân sách địa phương: 6.000 triệu)

- Hiện tại tỉnh Lạng Sơn có 10 trung tâm dạy nghề của 10 huyện; có 09 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề (Trường cao đẳng nghề Lạng Sơn; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc; Trung tâm Dạy nghề Công Đoàn; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật; Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Trung tâm Dạy nghề phụ nữ; Trung tâm Dịch vụ việc làm; Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân).

- Đội ngũ giáo viên cơ hữu dạy nghề nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn hiện có 64 người, giáo viên thính giảng 76 người. Đội ngũ giáo viên cơ hữu chủ yếu là của các trường, bình quân mỗi trung tâm dạy nghề chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên cơ hữu, còn lại là giáo viên mời giảng, thỉnh giảng là cán bộ khuyến nông, cán bộ của phòng nông nghiệp và PTNT và cán bộ đã nghỉ hưu nhưng có đủ sức khỏe, có chuyên môn, tay nghề được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề để tham gia giảng dạy. Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Lạng Sơn phối hợp với trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc tổ chức bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Do vậy chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh được nâng lên. Đồng thời tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề về các kỹ năng, nghiệp vụ quản lý, kiểm tra, giám sát, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án, các chính sách hỗ trợ cho người học, công tác tuyên truyền, tuyển sinh.

- Tỉnh Lạng Sơn đã chủ động lồng ghép các dự án, mô hình khuyến nông vào công tác đào tạo nghề để các học viên vừa học vừa làm mô hình thực tế từ, đó biết vận dụng lý thuyết và thực hành để áp dụng vào quá trình sản xuất của địa phương có hiệu quả hơn.

- Hàng năm các cơ sở dạy nghề đã chủ động sử dụng chương trình, giáo trình dạy nghề của của Tổng cục dạy nghề ban hành theo các danh mục nghề quy định. Các cơ sở dạy nghề đã chủ động biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo trình phù hợp với thời gian, ngành nghề phát triển cây, con giống của địa phương. UBND tỉnh đã giao cho cơ quan chức năng tổ chức biên soạn 30 bộ chương trình, giáo trình; trong đó biên soạn mới trong năm 2013, 2014 là 04 bộ chương trình, giáo trình trồng cây hồi, cây quýt Bắc Sơn; cây hồng Bảo Lâm và một số nghề khác. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng, chỉnh sửa, biên soạn chương trình, giáo trình các nghề, cập nhật nội dung đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thiết kế các chương trình, khóa học dựa trên năng lực thực hiện của học sinh, sinh viên. Đổi mới chương trình, giáo trình phương pháp đào tạo theo mođun và giáo trình tích hợp qua đó thu hút người học và nâng cáo chất lượng đào tạo. Tổ chức nghiên cứu các chuyên đề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với giáo dục dạy nghề tổng kết việc áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến trong các ngành học nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề.

- Trong giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Lạng Sơn tiến hành xây dựng 08 mô hình điểm về đào tạo nghề nông nghiệp, với kinh phí thực hiện 1.200 triệu đồng. (Chi tiết theo phụ lục 7)

- Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề nông nghiệp là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Lạng Sơn tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làn công tác quản lý và cho cán bộ làm công tác giảng dạy với tổng số người là 160 người (Chi tiết theo phụ lục 8).

- Trong giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn trên nhiều hình thức như kiểm tra, giám sát thường xuyên, và định kỳ 6 tháng, hàng năm.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo điều hành của địa phương

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề đối với quá trình giải quyết việc làm, từng bước làm thay đổi được nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, làm cho người lao động xác định được đào tạo nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để giải quyết việc làm.

Huy động sự tham gia đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng thu hút lao động qua đào tạo ngề từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến quá trình tổ chức đào tạo và nhận người học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp sau tốt nghiệp.

Tiếp tục giao các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với quy định và thực tiễn của địa phương.

2. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nông nghiệp và việc làm sau học nghề.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của nhà nước, của tỉnh về sự nghiệp đào tạo nghề với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với đặc điểm, điều kiện dân cư trên từng địa bàn trong tỉnh.Tăng cường công tác tuyên truyền lồng ghép: vừa trực tiếp thông qua các Hội nghị, cuộc họp, tư vấn tại chỗ, vừa tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về học nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của người lao động từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để giải quyết việc làm. Giới thiệu, tư vấn việc làm miễn phí cho người lao động; ưu tiên xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, khuyến khích lao động nông thôn tự tạo việc làm mới sau khi học nghề.

Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh để huy động sự tham gia phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...

3. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chú trọng việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân nhằm giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học - kỹ thuật hướng tới tăng năng suất lao động, chất lượng tốt, giá thành hạ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; biết làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đồng thời, bồi dưỡng kiến thức để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển làng, xã.

Tiếp tục sử dụng các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẵn có; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm đào tạo nghề.

Hình thức đào tạo nghề cho nông dân chủ yếu là đào tạo ở trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, địa bàn đào tạo trên toàn tỉnh và các cơ sở được đào tạo hàng năm do UBND tỉnh phê duyệt.

4. Lồng ghép các mô hình khuyến nông với đào tạo nghề nông nghiệp

Tập trung chỉ đạo, lựa chọn các mô hình dạy nghề có hiệu quả để nhân rộng, đồng thời kết hợp các mô hình khuyến nông lồng ghép vào các lớp dạy nghề tạo điều kiện cho các học viên vừa học vừa làm mô hình thực tế có hiệu quả.

Tăng cường chỉ đạo các huyện, các cơ sở đào tạo nghề phối hợp nghiên cứu lựa chọn, đào tạo xây dựng mô hình điểm có tính khả thi cao trên địa bàn làm điểm để nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Định hướng mô hình, nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đến vấn đề ưu tiên vay vốn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề.

5. Kiểm tra, giám sát đào tạo nghề nông nghiệp đánh giá hiệu quả học nghề nông nghiệp

Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo định kỳ và đột xuất các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh qua đó phát hiện và xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện việc tự kiểm tra, kiểm định chất lượng.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực; xây dựng Kế hoạch dạy nghề phải đạt mục tiêu cụ thể, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động.

Lao động nông thôn tham gia học nghề phải được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Sau học nghề phải có trên 80% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có như vậy người lao động mới yên tâm học nghề từ đó mới nâng cao hiệu quả học nghề.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị đào tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán kinh phí bố trí cho nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hàng năm và cả giai đoạn 2017- 2020.

- Củng cố nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các cấp.

- Xây dựng bổ sung, điều chỉnh danh mục và định mức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trình UBND tỉnh ban hành.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, bổ sung, điều chỉnh định mức và danh mục đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trình UBND tỉnh ban hành.

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, nhất là giám sát chất lượng dạy nghề.

3. Sở Tài chính

Thẩm định và bố trí đủ kinh phí cho hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu và kinh phí cho nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

5. UBND cấp huyện

- Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo UBND cấp xã xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp sát với thực tiễn, theo nhu cầu học nghề của người dân, ưu tiên lao động nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các dự án phát triển sản xuất của địa phương.

- Tổng hợp nhu cầu và kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp hằng năm và cả giai đoạn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

Trên đây là kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh Lạng Sơn trân trọng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo yêu cầu./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Vinh Quang