ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/KH-UBND | Lạng Sơn, ngày 10 tháng 8 năm 2016 |
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017
Thực hiện Công văn số 5281/BKHĐT-HTX ngày 07/7/2016 của Bộ kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh như sau:
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2016
1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác
Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh thành lập được 05 hợp tác xã (HTX), ước tính cả năm 2016 thành lập mới khoảng 10 HTX, đạt 67% so với kế hoạch; có 63 HTX giải thể do hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; 57 HTX đăng ký lại theo Luật HTX 2012, 01 HTX chuyển đổi sang loại hình khác, đạt 95% kế hoạch. Ước tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 123 HTX, 01 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực kinh tế, tổng số vốn điều lệ đăng ký 170 tỷ đồng.
Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp, thủy sản có 83 HTX chiếm 65,3%; Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có 11 HTX chiếm 8,6%; Dịch vụ thương mại, chợ và dịch vụ khác có 20 HTX chiếm 15,7%; Giao thông Vận tải có 06 HTX chiếm 4,7% và lĩnh vực Xây dựng là 07 HTX chiếm 5,5%. Trong tổng số 127 HTX, chỉ còn 91 HTX đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 36 HTX đang tạm ngừng hoạt động, trong đó lĩnh vực Nông- lâm- nghiệp, thủy sản có 29 HTX; Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có 05 HTX; Dịch vụ thương mại, chợ và dịch vụ khác có 2 HTX tạm ngừng hoạt động.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, LHHTX hiệu quả chưa cao so với các năm trước, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt khoảng 64 tỷ đồng, doanh thu bình quân mỗi HTX là 703 triệu đồng/HTX/năm, lãi bình quân là 46 triệu đồng/HTX/năm.
Về số lượng tổ hợp tác (THT), 6 tháng đầu năm có khoảng 1.715 THT hoạt động, ước tính hết năm 2016 trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.735 THT, đạt 100% với kế hoạch. Các THT hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau như: Nông- lâm- nghiệp; Công nghiệp; Thương mại-Dịch vụ, trong đó có 722 THT đã đăng ký chứng thực theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Doanh thu bình quân của THT năm 2016 ước khoảng 490 triệu đồng/THT/năm, lãi bình quân là 18 triệu đồng/THT/năm.
2. Về thành viên, lao động của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác
Trong 6 tháng đầu năm, phát triển mới được 72 thành viên HTX nâng tổng số thành viên HTX lên 3.934 người; tăng 80 lao động thường xuyên tại các HTX nâng tổng số lao động thường xuyên trong các HTX lên 5.487 người, số lao động là thành viên HTX là 3.934 người; thành lập mới 15 THT với số thành viên mới là 165 người, nâng tổng số thành viên THT là 18.390 người.
Ước tính đến 31/12/2016, thành lập mới được 10 HTX với số thành viên mới khoảng 170 người, nâng tổng số thành viên HTX lên 4.030 thành viên; lao động thường xuyên tăng khoảng 210 người, nâng tổng số lao động thường xuyên trong các HTX lên 5.612 người với số lao động là thành viên HTX là 4.030 người; thành lập mới 35 THT với số thành viên mới là 375 người nâng tổng số thành viên tổ hợp tác là 18.765 người; toàn tỉnh có 01 liên hiệp hợp tác xã hoạt động với 4 HTX thành viên, và 85 lao động.
3. Về trình độ cán bộ quản lý HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác
Tổng số cán bộ quản lý HTX trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước tính là 590 người. Số cán bộ quản lý qua đào tạo cao đẳng, đại học trở lên khoảng 35 người, chiếm tỷ lệ 6% tổng số cán bộ quản lý; qua đào tạo ở trình độ sơ, trung cấp là 370 người chiếm tỷ lệ 62%, còn lại chưa qua đào tạo.
Nhìn chung sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể đối với nền kinh tế của tỉnh chưa đáng kể, doanh thu của HTX, THT còn thấp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đóng góp vào GRDP hằng năm; thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX, THT còn thấp so với mức thu nhập chung của người lao động trong thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của HTX, THT được phát triển trên 5 lĩnh vực, tuy nhiên, còn rất nhiều hạn chế, cụ thể như sau:
1. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thuỷ sản
Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 83 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Nông-lâm nghiệp, Thuỷ sản với 2.576 thành viên, tuy nhiên có đến 29 HTX đang tạm ngừng hoạt động.
Nhìn chung, các HTX đã tạo được sự liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, một số HTX mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả góp phần nâng cao đời sống của thành viên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều HTX hoạt động quy mô nhỏ, vốn góp của thành viên thấp, không trích lập được các quỹ, không trả được thù lao cho Hội đồng quản trị và không có báo cáo quyết toán tài chính năm; trình độ, năng lực của cán bộ quản lý điều hành còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi; thiếu sự chủ động, thiếu liên doanh, liên kết trong sản xuất –kinh doanh- dịch vụ.
Uớc tính doanh thu bình quân 06 tháng đầu năm 2016 của HTX nông nghiệp đang hoạt động là 845 triệu đồng/HTX, lợi nhuận trung bình là 34,5 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên HTX là 2,7 triệu đồng/tháng.
Ước toàn tỉnh có khoảng 1.115 THT hoạt động với mức doanh thu bình quân khoảng 450 triệu đồng/năm, lãi bình quân 18 triệu đồng/THT. Số THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm 89%, vốn hoạt động chủ yếu là dùng kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí theo quy định; Số THT hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản 35 THT chiếm 11%, các THT này bước đầu hoạt động đã có hiệu quả, nhưng chưa cao do người dân chủ yếu là làm kinh tế hộ, việc lập THT hầu hết mang tính thời vụ, thiếu ổn định lâu dài, còn mang tính tự phát, hoạt động chủ yếu là học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo hợp đồng hợp tác; năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý THT còn rất hạn chế, chưa thuyết phục được tổ viên góp vốn để tổ chức các hoạt động kinh tế, tạo ra lợi nhuận cho THT, nhiều tổ hợp tác hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả hoặc hoạt động cầm chừng.
2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Hiện nay, có 11 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhưng có 05 HTX tạm ngừng hoạt động.
Trong những năm gần đây, các HTX hoạt động trong lĩnh vực này gặp khá nhiều khó khăn, hậu quả của hàng tồn kho lớn từ những năm trước để lại, đặc biệt là các HTX hoạt động khai thác đá xây dựng do chưa ra hạn được giấy phép khai thác mỏ. Một số đơn vị còn lại duy trì hoạt động tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, doanh thu bình quân ước đạt 820 triệu đồng/HTX, lợi nhuận trung bình là 35,5 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên HTX là 03 triệu đồng/tháng.
3. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, môi trường
Có 20 HTX hoạt động Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, môi trường. Phần lớn các HTX hoạt động với các ngành nghề chủ yếu là: Dịch vụ bốc xếp vận chuyển hàng hoá; nhà trọ; dịch vụ bến bãi; vệ sinh môi trường, kinh doanh nhà hàng, chợ... nhìn chung các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này vẫn duy trì hoạt động khá tốt, chất lượng dịch vụ tiếp tục được quan tâm, tăng cường đầu tư mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/1 người/1 tháng.
4. Lĩnh vực vận tải
Các HTX trong lĩnh vực vận tải hoạt động chủ yếu là vận tải hành khách các tuyến cố định, vận tải hàng hóa, hợp đồng du lịch lễ hội. Ban Quản trị chủ yếu thực hiện các dịch vụ cho thành viên về thủ tục giấy tờ xe; hợp đồng mở các luồng tuyến trong và ngoài tỉnh; khai thác các hợp đồng vận tải; in vé... các HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải chủ yếu gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng dịch vụ và việc thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải về điều kiện kinh doanh với các thành phần kinh tế khác... Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn duy trì tốt được quá trình hoạt động kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho thành viên và người lao động như: HTX vận tải Đoàn Kết, HTX vận tải Hoàng Đồng (huyện Cao Lộc). Thu nhập bình quân người lao động khoảng 3,3 triệu đồng/1 người/1 tháng.
5. Lĩnh vực xây dựng cơ bản
Hiện nay toàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có 07 HTX hoạt động ở lĩnh vực này, tuy nhiên phần lớn có quy mô nhỏ, chủ yếu thực hiện thi công những công trình dân dụng; cầu cống liên hợp, làm đường giao thông nông thôn; xây dựng mương máng… vốn đầu tư không quá lớn. Các đơn vị vẫn duy trì hoạt động tốt tiêu biểu ở lĩnh vực này như: HTX Thống Nhất (huyện Chi Lăng), HTX 17/10 (huyện Cao Lộc), HTX Thành Công (huyện Lộc Bình).
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn
Tiếp nối các hoạt động triển khai Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn từ năm 2015, trong 6 tháng đầu năm 2016 tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tổ chức triển khai, phổ biến các chính sách pháp luật về HTX tới toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân.
a. Thuận lợi
Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã cụ thể được bản chất của HTX là chủ yếu tương trợ giữa các thành viên với nhau, đảm bảo được lợi ích của các thành viên khi tham gia HTX. Là văn bản pháp lý để các HTX, liên hiệp HTX hoạt động; các cấp, các ngành và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công việc.
Các cấp, các ngành của tỉnh đã nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí thành phần kinh tế tập thể trong sự nghiệp phát triển KT – XH nói chung, nhiều chương trình, kế hoạch đầu tư, phát triển đã gắn với xây dựng và quan tâm đến khu vực kinh tế tập thể, cụ thể: UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 31/8/2013 về việc quy định mức chi hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập và các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, qua đó tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các sáng lập viên của các HTX chuẩn bị thành lập, đại diện các HTX đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số vốn Điều lệ của Quỹ là 03 tỷ đồng, đặt Văn phòng quỹ tại Liên minh HTX tỉnh, đây là nguồn vốn để hỗ trợ các các HTX, LHHTX chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng phạm vi dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, LHHTX mới, các mô hình HTX điển hình tiên tiến; Quyết định số 1497/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả KTTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng về Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn cho các cán bộ quản lý HTX qua đó đã giúp các cán bộ HTX nắm rõ hơn về Luật HTX 2012; năm 2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2016-2020); trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1497/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 qua đó giúp các cấp, các ngành của địa phương có định hướng phát triển khu vực KTTT trong 5 năm tiếp theo.
b. Khó khăn
Theo Điều 62 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: "Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày luật này có hiệu lực mà tổ chức và hoạt động không phù hợp quy định của luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng". So sánh với Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012 xác định rõ bản chất của HTX, LHHTX là phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của thành viên; bỏ nội dung "Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp", quy định khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn sẽ hình thành các doanh nghiệp HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Theo nhiều ý kiến ở các HTX, đây là một vướng mắc mà các HTX, LHHTX đang gặp phải khi bắt buộc các HTX, LHHTX phải điều chỉnh hoạt động theo Luật HTX năm 2012 về mối quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối và quan hệ quản lý.
Việc các văn bản hướng dẫn dưới Luật HTX năm 2012 ban hành chậm, phần nào gây khó khăn cho HTX, LHHTX, nhất là thủ tục đăng ký thành lập, dẫn đến UBND ở các huyện, thành phố lúng túng, khó khăn trong chuyển đổi hình thức hoạt động các HTX, LHHTX theo luật mới. Cụ thể, kể từ khi Luật HTX năm 2012 chính thức có hiệu lực (01/7/2013), thì đến ngày 21/11/2013 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều thi hành Luật HTX và ngày 26/5/2014 mới ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn đăng ký HTX và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của HTX (có hiệu lực từ ngày 01/8/2014). Vì vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2013 đến tháng 8/2014, các HTX thành lập mới đều được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp theo mẫu cũ nhưng có nơi ghi chức danh mới là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX; có nơi lại ghi Trưởng Ban quản trị và Chủ nhiệm như Luật HTX năm 2003. Về trình tự các bước chuyển tiếp, trong Luật HTX ghi cụm từ “đăng ký lại” (tại Điều 62, Khoản 1), trong khi tại Khoản 2 và 3 Điều 32 của Nghị định 193/2013/NĐ-CP lại ghi “đăng ký thay đổi” để chỉ dẫn việc HTX, LHHTX tiếp tục đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã gây lúng túng cho cán bộ nhà nước trong quá trình hướng dẫn các HTX, LHHTX đăng ký hoạt động. Tại Khoản 3, Điều 19, Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chỉnh Phủ quy định: "Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký hợp tác xã tiến hành xem xét hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện thì xóa tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sổ đăng ký, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, ra thông báo về việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã", còn tại Khoản 3, Điều 17, Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định "Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan đăng ký hợp tác xã ra xác nhận về việc giải thể của hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục II-8 và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục II-10. Khi nhận giấy xác nhận về việc giải thể hợp tác xã và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp tác xã phải nộp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã" đã gây khó khăn cho cán bộ nhà nước khi thực hiện việc " ra văn bản xác nhận về việc giải thể kèm quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hay ra thông báo về việc giải thể hợp tác xã".
Việc thực hiện Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn ở các HTX còn hạn chế; nhiều thành viên trong HTX do việc hiểu biết Luật chưa rõ dẫn đến việc chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của HTX còn chậm nhất là xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mới, sửa đổi điều lệ, đánh giá lại tài sản, xác định lại tư cách thành viên, phân chia vốn của các thành viên trong HTX. Ngoài ra, việc chuẩn bị nội dung và cách thức tổ chức đại hội, công tác bầu cử chưa đạt về nội dung; các thành viên HTX chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của công tác chuyển đổi… nên công tác chuyển đổi hoạt động HTX chưa đạt về thời gian và chất lượng. Ngay cả khi HTX thực hiện chuyển đổi xong nhưng một số HTX có số lượng thành viên quá ít, việc cung ứng một số dịch vụ theo tiêu chí của Luật HTX năm 2012 là đáp ứng tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, cho khách hàng không phải thành viên cũng sẽ rất khó khăn (với HTX nông nghiệp không quá 32%, HTX phi nông nghiệp không quá 50%; đối với trường hợp HTX tạo việc làm, tiền lương trả cho người lao động không phải là thành viên với hợp đồng lao động không thời hạn không quá 30% tổng tiền lương của HTX chi trả cho tất cả người lao động trong HTX với hợp đồng lao động không thời hạn).
2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã họp và triển khai các hoạt động phổ biến pháp luật và các nội dung hướng dẫn về chuyển đổi HTX, giao nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tập trung hướng dẫn các huyện, thành phố quan tâm đến công tác sắp xếp, chuyển đổi HTX.
Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các huyện đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi HTX. Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp kiểm tra, làm việc và hướng dẫn các huyện, thành phố, giải quyết từng khó khăn, vướng mắc kịp thời hoàn thành chuyển đổi HTX theo kế hoạch (trước 30/6/2016).
Chỉ đạo Sở Tài chính quan tâm cân đối, bố trí vốn để tăng vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh ưu tiên cho các HTX làm ăn tốt tiếp cận được nguồn vốn vay, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi.
Chỉ đạo Sở Công Thương tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, định hướng thị trường đầu ra cho các HTX hoạt động trong lĩnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phối hợp với Liên minh hợp tác xã trong triển khai chương trình khuyến nông, khuyến công và công tác xúc tiến thương mại cho các HTX sản xuất, chế biến sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và mở rộng các loại dịch vụ cho các hộ nông dân có nhu cầu; chú trọng phát triển các HTX chuyên ngành, các HTX dịch vụ tổng hợp có đầu tư khoa học công nghệ để phát triển như HTX chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao, HTX chuyên trồng rau sạch, cây ăn quả, HTX chế biến nông sản thực phẩm...
Các sở, ngành chuyên môn khác như Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ quan tâm đến công tác phát triển thành phần kinh tế tập thể. UBND các huyện, thành phố đã tập trung rà soát tình hình hoạt động của các HTX; cân đối ngân sách của huyện, xã để hỗ trợ cho các HTX. Chỉ đạo các xã, phường rà soát quỹ đất công ích để giao cho các HTX nông nghiệp sử dụng. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012. Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện, thành phố.
3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi Hợp tác xã
Theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi liên quan đất đai, tài chính, tín dụng, đào tạo cán bộ nói chung và HTX nói riêng có thay đổi so với trước. Tuy nhiên, do đặc điểm Lạng Sơn là tỉnh miền núi, mặt bằng rất khó khăn, các ưu đãi về đất đai cho thành phần kinh tế tập thể rất khó thực hiện. Ngoài ra, Ngân sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể tại Lạng Sơn cũng còn thiếu, bên cạnh đó xuất phát từ đặc điểm hạn chế của chính các HTX, THT là quy mô siêu nhỏ, năng lực quản trị yếu, vì vậy cũng rất khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Do các văn bản hướng dẫn thiếu đồng bộ và chậm ban hành, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ khuyến khích thành lập mới HTX, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX với số kinh phí được phân bổ trong năm 2016 là 375 triệu đồng và nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh là 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: 80 triệu đồng; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới: 80 triệu đồng.
4. Kết quả đăng ký lại, chuyển đổi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
a. Kết quả thực hiện
Tính đến ngày 30/6/2016 tỉnh Lạng Sơn có 127 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, xây dựng, vận tải, dịch vụ (riêng từ năm 2014 đến hết ngày 30/6/2016 toàn tỉnh có 32 HTX được thành lập mới, trong đó có 30 HTX thành lập theo Luật HTX 2012, 02 HTX thành lập theo Luật HTX 2002 và nằm trong đối tượng cần chuyển đổi). Trong tổng số 127 HTX, có 91 HTX đang hoạt động và 36 HTX đang ngừng hoạt động trong diện đăng ký giải thể hoặc giải thể bắt buộc.
Sau khi rà soát, trên địa bàn tỉnh có 61/127 HTX cần chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX 2012, tính đến hết tháng 6/2016 đã có 57/61 HTX hoàn thành chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX 2012 và 01 HTX chuyển đổi loại hình sang hình thức kinh doanh khác, chiếm 95,08%; đến nay toàn tỉnh còn 03 HTX chưa thực hiện chuyển đổi chiếm 4,92%.
b. Thuận lợi
Trong 02 năm 2015 và 2016, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự tích cực tham gia của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh để tập trung cho công tác chuyển đổi HTX, công tác chuyển đổi, tổ chức lại đã đạt được kết quả tích cực.
c. Khó khăn
Một số HTX thiếu tính chủ động trong việc thực hiện chuyển đổi, một số trường hợp bỏ mặc hoặc phó thác toàn bộ cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 HTX không đủ điều kiện chuyển đổi, tổ chức lại, thuộc diện giải thể bắt buộc, số HTX này đã tạm ngừng hoạt động nhiều năm, hiện nay không còn tồn tại với nhiều lý do khác nhau như: HTX thành lập trước đây không có Hội đồng quản trị, không có ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên HĐQT đã bỏ trốn, mất tích, không liên lạc được hoặc đã chết… do đó không đảm bảo đủ thành phần của Hội đồng giải thể theo quy định.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017
I. MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017
1. Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017 gắn liền với Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016 – 2020, cụ thể hóa các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010 – 2020 của tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành, địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo.
2. Phát triển kinh tế tập thể, HTX được xây dựng từ nhu cầu chung, thực tế của các thành viên; theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của HTX, đồng thời có tác động trực tiếp đối với thành viên HTX, các HTX, LHHTX, THT trên địa bàn tỉnh. Thông qua HTX, thành viên, nhất là nông dân với quy mô sản xuất nhỏ có thể liên kết lại với nhau nhằm phát huy lợi thế của kinh tế theo quy mô, tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
3. Phát triển đồng thời giữa số lượng và chất lượng của các thành phần kinh tế tập thể, tạo nền tảng trong hoạt động, phát triển lâu dài. Tạo doanh thu và thu nhập ổn định cho HTX, LHHTX, THT và các thành viên, đẩy mạnh cạnh tranh sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017
1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn
Thuận lợi: Trong năm 2017, tình hình kinh tế cả nước nói chung và kinh tế của tỉnh Lạng Sơn nói riêng có mức tăng trưởng khá so với các năm trước. Sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là một tác nhân quan trọng; sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và các loại thành phần kinh tế trong xã hội góp phần tạo mối quan hệ mật thiết, phối hợp hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển.
Khó khăn, hạn chế: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch chưa phát huy lợi thế của địa phương; Các chương trình khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư chưa phát huy hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn còn chậm như đất đai, xây dựng, thuế…. Một số bộ phận công chức thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực kinh nghiệm xử lý chuyên môn còn hạn chế. Chất lượng nguồn thấp chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, trình độ tay nghề thấp.
2. Định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể sâu rộng trong xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với thành phần kinh tế tập thể trong toàn bộ các cán bộ, công chức, viên chức.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX, THT, đặc biệt các HTX lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xây dựng, thương mại và vận tải. Nâng cao năng lực và kỹ năng quản trị cho các lãnh đạo HTX.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX với nhau; giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế để ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm khác, nâng dần năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Định hướng và tuyên truyền cho các HTX hoạt động đa ngành, đa nghề, tập trung thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và các làng nghề nông thôn.
3. Mục tiêu tổng quát
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển số lượng HTX, LHHTX, THT mới thành lập trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi nhằm tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của các thành phần kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường; góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
4. Một số mục tiêu cụ thể
- Phát triển kinh tế tập thể với tốc độ tăng trưởng hợp lý, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 0,5% trở lên, góp phần tham gia cùng với các thành phần kinh tế khác trong tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh 8 - 9%, tốc độ tăng trưởng của khu vực HTX đạt từ 6,5%/năm trở lên.
- Hoàn thành giải thể, tổ chức lại cho 36 HTX đã tạm ngừng hoạt động. Dự kiến tăng số lượng HTX lên khoảng 133 HTX, 02 LHHTX, 1.775 THT, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như nông -lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh. Số lượng thành viên là 4.230 người, số thành viên THT là 19.010 người , số thành viên HTX của LHHTX là 9 HTX. Tăng dần doanh thu bình quân của HTX từ 850 triệu đồng/HTX/năm lên 880 triệu đồng/HTX/năm. Doanh thu bình quân của thành viên HTX lên37 triệu đồng/ năm, của tổ hợp tác từ 490 lên 494 triệu đồng/ năm.
- Phát triển số lượng, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, LHHTX và THT, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thành viên và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Khuyến khích thành lập HTX dịch vụ tổng hợp, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân và thu gom, vận chuyển rác thải nông thôn.
5. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2017
5.1. Nâng cao năng lực, nguồn nhân lực Hợp tác xã
Tiếp tục xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ HTX, thành viên HTX về Luật Hợp tác xã năm 2012, các chuyên ngành chuyên môn sâu, phù hợp với nhu cầu của cán bộ, thành viên HTX. Dự kiến tổ chức 06 khóa đào tạo và tập huấn cho trên 320 lượt người tham dự, các nội dung bồi dưỡng gồm nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, quản trị cho cán bộ quản lý HTX; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực, chuyên đề; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã hằng năm. Thường xuyên cập nhật các khóa đào tạo của Trung ương về nâng cao trình độ cho cán bộ, thành viên HTX và gửi thông báo đến các HTX có nhu cầu đào tạo.
5.2. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của HTX trên địa bàn; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả.
5.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp Liên minh HTX tỉnh và các ngành liên quan thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác như: Rà soát tình hình hoạt động của HTX, hướng dẫn các huyện thực hiện giải thể các HTX đã ngừng hoạt động nhiều năm nay; tăng số lượng HTX thành lập mới hàng năm, thu hút thêm thành viên tham gia vào HTX; tăng số vốn điều lệ của HTX; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các hợp tác xã,…
Liên minh hợp tác xã chủ động xây dựng chương trình hoạt động phát huy vai trò hỗ trợ phát triển hợp tác xã, phối hợp với các ngành chuyên môn xây dựng các mô hình hoạt động, các lĩnh vực kinh doanh phù hợp với đặc điểm đặc thù của kinh tế tập thể.
Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động hỗ trợ thành phần kinh tế tập thể, kết hợp với các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, nông nghiệp nông thôn, đầu tư, khoa học công nghệ, chương trình nông thôn mới và các nội dung khác theo chuyên ngành.
5.4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể khi có sự thay đổi. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác xã; theo dõi giám sát thi hành Luật hợp tác xã và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với khu vực kinh tế này.
5.5. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
- Các đoàn thể xã hội có kế hoạch tham gia phát triển kinh tế tập thể.
- Huy động các nguồn lực hỗ trợ của các huyện, thành phố, của doanh nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
- Huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 7502/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng năm 2017 do UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2 Báo cáo 112/BC-UBND năm 2016 kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 3 Kế hoạch 4412/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể năm 2017 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 4 Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 5 Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hóa năm 2017
- 6 Quyết định 2473/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định
- 7 Công văn 5281/BKHĐT-HTX năm 2016 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 8 Kế hoạch 62/KH-BCĐ năm 2016 về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình ban hành
- 9 Kế hoạch 69/KH-UBND năm 2016 thực hiện Kết luận 56-KL/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020
- 10 Luật Doanh nghiệp 2014
- 11 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 12 Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 13 Quyết định 18/2013/QĐ-UBND mức chi hỗ trợ sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn
- 14 Luật hợp tác xã 2012
- 15 Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
- 16 Luật Hợp tác xã 2003
- 1 Kế hoạch 7502/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng năm 2017 do UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2 Báo cáo 112/BC-UBND năm 2016 kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 3 Kế hoạch 4412/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể năm 2017 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 4 Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 5 Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hóa năm 2017
- 6 Quyết định 2473/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định
- 7 Kế hoạch 62/KH-BCĐ năm 2016 về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình ban hành
- 8 Kế hoạch 69/KH-UBND năm 2016 thực hiện Kết luận 56-KL/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020