Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN-BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-NĐ

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Chiếu theo đề nghị của Nha Giao thông thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện và Vụ Hành chính trị an thuộc Bộ Công an;
Sau khi lấy ý kiến của các Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp;
Sau khi được Thủ tướng phủ thông qua;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành bản thể lệ tạm thời về vận tải đường bộ.

Điều 2. - Các điều khoản trái với bản thể lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện và Bộ Công an, Giám đốc Nha Giao thông, Giám đốc Vụ Hành chính trị an, Chủ tịch Ủy ban Hành chính các Liên khu Việt Bắc 3, 4 khu Tả Ngạn, khu Hồng Quảng, Khu tự trị Thái Mèo, khu vực Vĩnh Linh, thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng chiếu nghị định thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Trần Quốc Hoàn

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG




Lê Dung

THỂ LỆ TẠM THỜI

VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 1. - Để đảm bảo thi hành chính sách vận tải, bảo đảm an toàn vận chuyển, bản thể tạm thời về vận tải đường bộ này quy định:

a) Việc quản lý các xe cộ và người lái, người điều khiển.

b) Sự hoạt động của ngành vận tải, đặc biệt là các kinh doanh vận tải bộ.

c) Sự trừng phạt những vụ vi phạm thể lệ.

Chương 1:

QUẢN LÝ XE CỘ

TIẾT A. ĐĂNG KÝ XE

Điều 2. - Tất cả các xe cộ trừ những loại ghi ở điều 3 dưới đây, của tư nhân cũng như của cơ quan chính quyền, đoàn thể, của công dân Việt Nam, cũng như của ngoại kiều, bất luận để dùng vào việc riêng hay để làm vận tải chuyên nghiệp, đều bắt buộc phải đăng ký.

Những xe mới sản xuất chưa bán, mới nhập khẩu, hay còn thuộc quyền sơ hữu của người nhập khẩu, cũng phải đăng ký như xe đã bán cho người dùng, thể lệ này không áp dụng cho xe viện trợ và xe mậu dịch quốc doanh nhập khẩu nhưng chưa giao cho các cửa hàng bán lẻ.

Điều 3. - Được miễn không phải đăng ký những xe đạp nhỏ, hai hay ba bánh của trẻ em, xe cút kít, xe đẩy tay không chở được quá một tạ hàng. Xe đạp loại nhỡ phải đăng ký như xe loại lớn.

Điều 4. - Khi đăng ký một xe cộ, chủ xe phải xuất trình:

- Giấy bán xe hay giấy tờ hợp lệ chứng tỏ xe là của người xin đăng ký;

- Giấy chứng nhận chủ xe đã nộp thuế nhập khẩu (nếu là xe ở nước ngoài đưa vào);

- Giấy kê khai lý lịch chủ xe có chính quyền địa phương ( Ủy ban hành chính xã, đại diện chính quyền khu phố hay đồn công an) chứng nhận (trường hợp xe ô tô, xe mô tô, xích lô máy, xích lô, xe ngựa).

Riêng trường hợp xe ô tô, chủ xe phải nộp đơn xin đăng ký và cấp giấy phép sử dụng.

Điều 5. - Xe cộ đã đăng ký đều có số. Khi xe thay đổi chủ, số đăng ký không thay đổi, trừ trường hợp xe cộ của tư nhân bán cho cơ quan hay của cơ quan bán cho tư nhân.

Cơ quan đăng ký cấp cho chủ xe một biển số (hai nếu là xe ô tô, mô tô, xích lô, xích lô máy) để gắn vào xe. Chủ xe phải trả tiền biển số và tiền in giấy tờ.

Riêng về trường hợp xe ô tô, xe mô tô, xích lô máy, xích lô và xe ngựa, chủ xe phải nộp một khoản lệ phí khi đăng ký cũng như khi sang tên.

Điều 6. - Xe cộ đã đăng ký và khám xét được cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu và được sử dụng ngay, trừ trường hợp xe ô tô phải có thêm giấy phép sử dụng mới được chạy.

Điều 7. - Khi xe thay đổi chủ, người mua phải đến trình cơ quan Giao thông hay Công an nơi mình cư trú hoặc sử dụng xe chậm nhất là 10 ngày sau ngày mua xe. Trường hợp xe ô tô dùng để kinh doanh vận tải, người bán phải được cơ quan Giao thông cho phép mới được bán.

Điều 8. - Ngoài hai trường hợp nói ở điều 4 và 7 trên đây và đối với các loại xe phải đăng ký, chủ xe phải khai trình với cơ quan Giao thông hay Công an về tình trạng xe như sau:

a) Đã sửa lại xe làm thay đổi hẳn kiểu xe.

b) Đã thay đổi toàn bộ phận máy.

c) Xe bị mất tích.

d) Xe hỏng nát, định hủy bỏ hay phá ra để lấy đồ phụ tùng.

Trường hợp sau cùng chủ xe phải báo cáo với cơ quan Giao thông hay Công an và trả lại biển số.

Điều 9. - Xe quân sự do cơ quan quân sự đăng ký và cho số riêng.

Xe cộ của tư nhân, cơ quan chính quyền, đoàn thể do hai cơ quan Giao thông và Công an đăng ký theo sự phân công như sau:

a) Công an đăng ký:

- Xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô máy, xe mô tô trong toàn quốc.

- Xe xích lô trong ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.

- Xe ô tô loại du lịch của tư nhân, xe con của tất cả các cơ quan, đoàn thể, xe ca và xe vận tải của các cơ quan dùng vào việc giao tế hay chuyên chở cán bộ công nhân viên, trong hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

b) Giao thông đăng ký: Tất cả xe cộ trong toàn quốc trừ những loại do Công an đăng ký như đã ghi ở trên và theo sự phân công dưới đây:

- Sở Công chính Hà Nội, Sở Công chính Hải Phòng và các Khu Giao thông đăng ký xe ô tô.

- Sở Công chính Hà Nội, Sở Công chính Hải Phòng và các Ty Giao thông đăng ký các xe cộ thô sơ (xe bò, xe trâu, xe ngựa, xe xích lô, trừ xe xích lô trong ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định).

Tiết B. khám xe

Điều 10. - Tất cả các xe cộ khi đăng ký đều phải khám xét, xe ô tô, mô tô, xích lô, xích lô máy, xe ngựa dùng làm vận tải chuyên nghiệp trước khi đem dùng vào việc kinh doanh đều phải khám lại dù đã khám khi đăng ký xe.

Điều 11. - Cơ quan nào đăng ký thì cơ quan ấy khám xét và cấp giấy phép sử dụng. Riêng các xe cộ dùng để kinh doanh vận tải thì cơ quan Giao thông phụ trách khám xét an toàn, trừ xe xích lô trong ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định do Công an khám xét.

Điều 12. - Xe ô tô và mô tô dùng vào việc riêng, sau khi đã được cấp giấy phép sử dụng, hàng năm khám lại một lần.

Các xe cộ dùng để kinh doanh vận tải như ô tô, mô tô, xích lô, xích lô máy, xe ngựa 6 tháng phải khám lại một lần. Xe có đủ bảo đảm an toàn mới được gia hạn giấy phép chạy. Riêng về trường hợp xe ô tô, tùy tình trạng xấu tốt và theo sự nhận xét của cơ quan Giao thông, thời hạn trên có thể rút xuống 4 hay 3 tháng.

Xe bò, xe ba gác, xe đạp dùng để kinh doanh vận tải không phải khám xét định kỳ.

Ngoài những lần khám định kỳ và đối với tất cả các loại xe cộ bất luận là xe dùng riêng hay xe để kinh doanh vận tải, nếu cần, cơ quan công an và Giao thông có thể khám xét bất cứ lúc nào, hoặc ở dọc đường hoặc ở những địa điểm nhất định.

Khi đã có công báo về việc khám xe hoặc khi nhận được giấy báo riêng, chủ xe phải mang xe đến địa điểm và đúng ngày giờ như đã quy định để khám.

Điều 13. - Chủ xe phải nộp một khoản lệ phí khám xe trong những trường hợp sau đây:

- Khám định kỳ: xe ô tô, mô tô dùng vào việc riêng.

- Lần khám đầu khi xin dùng vào việc kinh doanh vận tải cũng như những lần khám định kỳ sau để gia hạn giấy phép

Tất cả các xe cộ dùng vào việc kinh doanh vận tải thuộc loại phải khám định kỳ như đã ghi ở điều 12.

Lệ phí khám xe không thu trong những trường hợp sau:

- Khám khi đăng ký hay khi sang tên.

- Khám bất thường.

Điều 14. - Xe phải vững chắc, các bộ phận, máy móc phải tốt. Xe phải có đủ còi, chuông báo hiệu, hãm, đèn và lúc nào cũng phải được giữ gìn tốt để bảo đảm an toàn cho hành khách và hàng hóa.

Điều 15. - Động cơ xe ô tô phải chạy êm. Cấm không được dùng động cơ chạy theo lối buông hơi thẳng.

Điều 16. - Xe đạp, xe xích lô và tất cả các xe cơ giới đều phải có hãm tốt có thể hãm xe trong bất cứ trường hợp nào. Xe đẩy tay hay xe kéo như xe bò, xe ba gác không phải có hãm. Tuy nhiên, ở những vùng có nhiều đồi, dốc. Ủy ban hành chính tỉnh có thể bắt buộc những loại xe này lắp những bộ phận hãm vào xe.

Xe ô tô phải có hai hệ thống hãm riêng biệt, mỗi hệ thống phải đủ hiệu lực hãm xe dừng ngay lại dù xe đang xuống dốc.

Điều 17. - Xe xích lô, xe đạp, xe ngựa và tất cả các loại xe cơ giới phải có đèn trắng ở phía trước và một đèn đỏ ở phía sau, đèn đỏ phía sau có thể thay bằng kính màu đỏ phản ánh.

Xe ô tô phải có:

- Ở phía trước 2 đèn pha trắng hay vàng chiếu sáng đường được ít nhất 100 mét và hai đèn cột chiếu sáng được 25 mét.

- Ở phía sau, về bên trái một đèn đỏ.

Ngoài ra, biển số phải có đèn riêng soi sáng để có thể đọc số được dễ dàng.

Xe mô tô chỉ cần có một đèn pha trắng ở phía trước và một đèn đỏ ở phía sau.

Điều 18. - Xe đạp, xe ngựa, xe xích lô phải có chuông và tất cả các loại xe cơ giới phải có còi. Còi xe ô tô và mô tô phải nghe xa được ít nhất là 100 mét. Cấm không được dùng những còi hét, tiếng kêu inh ỏi làm đinh tai người đi đường và khiến cho sức vật hoảng sợ.

Chương 2:

QUẢN LÝ NGƯỜI LÁI, ĐIỀU KHIỂN XE

Điều 19. - Lái xe mô tô, xích lô, xích lô máy và xe ô tô bất luận lớn nhỏ bắt buộc phải có bằng lái.

Lái xe đạp máy không phải có bằng.

Người đạp xe xích lô không phải có bằng nhưng phải được sát hạch về luật đi đường và phải có giấy chứng nhận được đạp xe xích lô.

Điều 20. - Bằng lái xe phân ra 5 loại:

- Bằng lái xe xích lô máy.

- Bằng lái xe mô tô.

- Bằng lái xe ô tô hạng nhẹ.

- Bằng lái xe ô tô hạng nặng (trên 3 T5).

- Bằng lái xe chuyên chở công cộng.

Điều 21. - Lái xe có người chuyên nghiệp sinh sống về nghề lái xe và người không chuyên nghiệp. Căn cứ vào trình độ kỹ thuật lái, chia người lái xe chuyên nghiệp ra làm 3 cấp (cấp 1, cấp 2, cấp 3). Tiêu chuẩn các cấp sẽ do Nha Giao thông quy định riêng.

Điều 22. - Muốn thi lấy bằng lái xe phải có điều kiện về tuổi như sau:

- Xe mô tô …………… 18 tuổi.

- Xe ô tô hạng nhẹ, xích lô ………….. 20 tuổi.

- Xe ô tô hạng năng, xe chuyên chở công cộng 22 tuổi.

Người xin thi lấy bằng lái xe phải nộp cho cơ quan giao thông:

a) Đơn xin có dán tem, ghi rõ loại xe xin sát hạch.

b) Một giấy chứng nhận sức khỏe theo mẫu của cơ quan Giao thông và do bác sĩ hay y sĩ cấp chưa qúa 6 tháng.

c) 2 tấm ảnh nửa người, chụp trước mặt, đầu để trần khổ 4x6 cm.

d) 3 bản kê khai lý lịch do chính quyền cấp xã, khu phố hay đồn công an chứng nhận.

e) Biên lai nộp lệ phí sát hạch.

Điều 23. - Sát hạch gồm có những môn dưới đây:

a) Quy tắc giao thông, luật đi đường

b) Kỹ thuật lái xe (thực nghiệm trên đường).

c) Máy móc thưởng thức (lý thuyết).

Thí sinh không trúng tuyển môn a không được sát hạch về những môn b và c.

Người có bằng lái xe hạng nhẹ muốn thi lấy bằng lái xe hạng nặng hay bằng lái xe chở công cộng chỉ được thi sau một thời hạn 6 tháng kể từ ngày sát hạch bằng lái xe hạng nhẹ.

Nha Giao thông sẽ ấn định thể thức sát hạnh, chương trình thi và phụ trách việc sát hạch, cấp bằng lái.

Điều 24. - Quân nhân lái xe quân sự đều do cơ quan quân sự sát hạch và cấp bằng lái. Sau khi giải ngũ, quân nhân muốn đổi bằng lái quân sự lấy bằng lái xe dân dụng phải làm đơn xin với cơ quan Giao thông.

Điều 25. - Những người lái xe chuyên nghiệp hàng năm phải khám sức khỏe và có thể xin sát hạch lại để định lại cấp.

Điều 26. - Người có bằng lái xe hạng nào chỉ được lái xe hạng ấy hay loại dưới. Trong khi lái xe, bằng phải mang luôn trong người. Cấm ngặt không được mượn hay cho mượn bằng lái xe.

Trường hợp bằng ghi sai, không được tự tiện sửa chữa mà phải mang đến cơ quan Giao thông để đổi bằng khác. Bằng rách, nát hay thất lạc phải đến cơ quan Giao thông để xin cấp bản thứ hai.

Chương 3:

QUẢN LÝ CÁC KINH DOANH VẬN TẢI BỘ

Điều 27. - Trừ trường hợp ghi ở điều 28 dưới đây, tất cả mọi công dân Việt Nam và ngoại kiều kinh doanh vận tải, bất cứ dưới hình thức nào (cho thuê xe cộ hay chuyên chở thuê) bất luận với xe cộ thô sơ hay là cơ giới, dù là tư doanh, công doanh hay công tư hợp doanh đều phải có giấy phép kinh doanh vận tải.

Đối với những doanh nghiệp vận tải quốc gia thì văn kiện thành lập doanh nghiệp thay cho giấy phép kinh doanh.

Điều 28. – Được miễn không phải xin giấy phép kinh doanh, những người dùng một xe cộ thô sơ như xe bò, xe ba gác, xe đạp hay một con ngựa để chuyên chở thuê, những việc chuyên chở chỉ là nghề phụ, hoạt động một cách bất thường, trong một phạm vi nhỏ hẹp.

Điều 29. - Cá nhân hay tổ chức kinh doanh muốn kinh doanh vận tải phải được phép của cơ quan Giao thông trước khi xin đăng ký kinh doanh với cơ quan công thương.

Trường hợp những nhà chỉ cho thuê xe cộ thì cơ quan Thương nghiệp cấp giấy kinh doanh và đăng ký, cơ quan Giao thông chỉ khám xét xe về mặt an toàn.

Thể thức xin phép kinh doanh vận tải quy định riêng.

Điều 30. - Việc cấp giấy phép kinh doạnh vận tải phân công như sau:

a) Nha Giao thông cấp giấy phép cho những kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

b) Sở Công chính Hà Nội, Sở Công chính Hải Phòng và các Ty Giao thông cấp giấy phép cho những kinh doanh vận tải bằng những xe cộ khác.

Điều 31. - Nếu quá một hạn là 2 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký mà đương sự không bắt đầu kinh doanh thì giấy phép và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị thu hồi trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Đang kinh doanh mà muốn nghỉ một thời gian hoặc thôi hẳn, đương sự phải nộp đơn xin phép nêu rõ lý do.

Điều 32. - Trong khi kinh doanh, người kinh doanh vận tải không được tự ý:

- Thay đổi luồng đường.

- Tăng hay rút số xe cộ.

- Thay đổi tính chất chuyên chở (xe được phép chở hành khách dùng để chuyên chở hàng hóa hay ngược lại).

Muốn thay đổi các điều kiện kinh daonh như trên phải được phép trước của cơ quan Giao thông.

Điều 33. – Các nhà kinh doanh vận tải phải có nơi để xe cộ nhất định, ở những địa điểm thuận tiện, không gây phiền nhiễu cho nhân dân.

Điều 34. - Ngoài người lái xe ra, các xe ô tô dùng kinh doanh vận tải phải có đủ số phụ lái, công nhân khuân vác như đã ghi trong giấy phép lái xe.

Các người phụ trách xe phải luôn luôn chú ý bảo đảm an toàn cho hành khách và hàng hóa trong khi xe chạy cũng như khi hành khách lên xuống, bốc dỡ hàng hóa.

Điều 35. - Xe chở chất nổ, như đạn, mìn, kíp… và chất bắt lửa như xăng, dầu, mazout… phải có tổ chức bảo đảm an toàn và phải có dấu hiệu riêng; xe chạy bằng hơi than tuyệt đối không được chở chất hắt lửa, chất nổ không được dùng cùng chở một chuyến với hành khách. Xe cộ chở chất nổ hay chất bắt lửa, trong khi đi đường cũng như khi đổ bến, không được đi hay đỗ sát gần những xe cộ khác.

Điều 36. - Súc vật như chó, mèo có thể chở cùng một chuyến với hành khách nhưng phải buộc mõm, trói chân hay cho vào rọ. Lợn không được chở cùng một chuyến với hành khách.

Điều 37. - Xe ô tô làm vận tải công cộng phải có quy định đã được cơ quan Giao thông duyệt. Nội quy gồm những điểm sau đây:

a) Trọng lượng xe không.

b) Số hành khách hoặc trọng lượng số hàng đã được phép chở.

c) Giá vé cước.

d) Nhiệm vụ của người phụ trách xe (giữ gìn xe sạch sẽ, trước khi xe chạy, soát lại cửa lên xuống, xe đỗ nhưng máy vẫn chạy, người lái không được bỏ xe đi nơi khác…).

e) Nhiệm vụ của hành khách (giữ vệ sinh, xe đang chạy không thò đầu ra ngoài xe, không vứt rác hoặc các đồ vật qua cửa xe…).

Bản nội quy xe phải dán ngay trong xe.

Điều 38. - Các nhà kinh doanh vận tải phải chấp hành nghiêm chỉnh thể lệ vận tải, giữ đúng nội quy xe, tôn trọng nội quy các bến, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ Giao cảnh, chịu sự kiểm soát của các cơ quan Giao thông, Công an, Thuế vụ, Hải quan…

Việc kiểm soát làm theo thể thức riêng của mỗi cơ quan. Nhân viên phụ trách kiểm soát phải có phù hiệu hoặc mang theo công lệnh trong khi thừa hành nhiệm vụ.

Chương 4:

TRỪNG PHẠT NHỮNG VỤ VI PHẠM THỂ LỆ

Điều 39. - Tùy theo nặng nhẹ những vi phạm thể lệ vận tải trừng phạt như sau:

a) Phê bình hoặc cảnh cáo: trường hợp vi phạm không quan trọng, không gây thiệt hại cho ai, nguyên nhân vì người vi phạm không thông hiểu thể lệ.

b) Phạt tiền: Trường hợp vi phạm tương đối quan trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

- Các xe thô sơ (xích lô, xe bò, xe ngựa, xe đạp…) bị phạt từ 1.000đ đến 20.000đ.

- Các xe mô tô phạt từ 2.000đ đến 50.000đ,

Dưới đây là mức phạt tiền đối với một số vi phạm thể lệ vận tải áp dụng cho xe mô tô và ô tô.

- Từ 2.000đ đến 5.000đ.

- Sử dụng những xe cộ chưa đăng ký, chưa có giấy phép sử dụng.

- Xe cộ thay đổi chủ, quá hạn không xin sang tên.

- Không mang xe đến khám đúng kỳ hạn

- Xe làm vận tải công cộng không có nội quy, nội quy chưa được cơ quan Giao thông duyệt.

- Từ 5.000đ đến 20.000đ.

- Không có bằng lái mà lái những xe bắt buộc phải có bằng lái hoặc lái xe đòi hỏi bằng lái cao hơn bằng của mình.

- Xe có những bộ phận hư hởng dễ xảy ra tai nạn vẫn cho chạy.

- Chở hàng qúa trọng tải, quá số hành khách được phép chuyên chở;

- Tự ý thay đổi tính chất chuyên chở.

Từ 10.000đ đến 50.000đ

- Chưa được phép kinh doanh mà đã kinh doanh.

- Chạy xe ở những luồng đường không được phép chạy.

- Hết hạn chạy xe, không đưa xe lại khám vẫn cho chạy xe (xe làm vận tải công cộng).

- Trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Giao thông và Công an.

Đối với một số vi phạm thể lệ như kinh doanh trái phép, chở quá trọng tải quá số hành khách được phép chở, có thể không phạt theo các mục trên mà áp dụng lối phạt gấp đôi số tiền chủ xe đã thu được trong kinh doanh trái phép hoặc về số lượng hàng hóa và hành khách chở hàng quá mức. Trong trường hợp này sẽ không áp dụng các mục tối đa.

c) Rút giấy phép sử dụng giấy phép kinh doanh.

Trường hợp xe hỏng vẫn cho chạy hoặc vi phạm thể lệ quan trọng hay nhiều lần đã được giáo dục nhưng không chịu sửa chữa.

d) Rút bằng lái: Trường hợp gây ra tai nạn, xét ra vì người lái thiếu tinh thần trách nhiệm. Tùy theo lỗi nặng hay nhẹ mà rút bằng từ 15 ngày tới 3 tháng hoặc rút vĩnh viễn. Trường hợp người lái xe bị thương tật nặng không thể lái được xe nữa thì rút vĩnh viễn.

Đối với tất cả các vụ vi phạm thể lệ thì tuỳ theo trường hợp nặng nhẹ mà áp dụng một hay hai ba sự trừng phạt trên.

e) Truy tố trước Tòa án: Những trường hợp sau đây thì nhất thiết truy tố trước Tòa án và can phạm sẽ bị trừ phạt theo hình luật chung:

- Gây ra tai nạn rối bỏ trốn.

- Vi phạm quan trọng, làm thiệt hại nhiều đến tài sản và tính mệnh của nhân dân.

Bồi thường : Đối với những tai nạn đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng riêng chủ xe phải bồi thường.

Điều 40. - Những cán bộ và nhân viên sau đây có quyền lập biên bản các vụ vi phạm thể lệ:

- Công an viên trật tự các cấp.

- Cán bộ Giao thông từ cấp Trưởng ty trở lên.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện và thị xã.

- Công tố ủy viên Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố.

Điều 41. - Quyền xử lý các vi phạm thể lệ định như sau:

- Ủy ban hành chính xã phê bình cảnh cáo.

- Các đồn Công an phạt tiền mức 5.000đ là tối đa.

- Công an cấp quận và đội cảnh sát giao thông trở lên phạt tiền tới mức tối đa và tạm thời thu bằng lại, giấy phép sử dụng, giấy phép kinh doanh rồi đề nghị ngay với cấp đã cấp giấy phép để rút chính thức.

Ngoài ra đối với các vụ tai nạn xét ra không cần phải truy tố trước tòa án, Công an các cấp có quyền thương lượng bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 42. - Để sát với hoàn cảnh địa phương và sau khi đã được Bộ Công an và Vụ Bộ Giao thông duyệt, Ủy ban hành chính các thành phố và tỉnh có thể quy định những thể lệ, và căn cứ không trái với bản điều lệ này, để thi hành trong phạm vi thành phố hay tỉnh của mình.