Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114-HĐBT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 1986

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 114-HĐBT NGÀY 29-9-1986 VỀ CHẾ ĐỘ HỌC BỔNG VÀ SINH HOẠT PHÍ CỦA HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ DẠY NGHỀ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Tiếp Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Học sinh các trường đào tạo trong nước (đại học, cao đẳng, chuyên tu, dự bị đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, chuyên ngữ để chuẩn bị đi học nước ngoài) theo chỉ tiêu đào tạo của kế hoạch Nhà nước, được cấp học bổng và sinh hoạt phí theo chế độ quy định ở Nghị định này.

Mức học bổng cụ thể để cho từng học sinh chia ra nhiều loại tuỳ theo đối tượng và kết quả học tập của học sinh nhằm khuyến khích học sinh quan tâm đến kết quả học tập, đồng thời chiếu cố thích đáng đối với các học sinh thuộc diện chính sách.

Điều 2.- Suất học bổng cơ bản là 110 đồng/tháng cộng thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng và được bảo đảm cung ứng bằng hiện vật, theo định lượng và giá bán lẻ ổn định do Nhà nước quy định.

Mức định lượng đối với học sinh hưởng sinh hoạt phí (ghi tại điều 5) giống như đối với công nhân, viên chức nhà nước đang làm việc bình thường tại khu vực hành chính, sự nghiệp.

Thời gian học sinh được hưởng chế độ bảo đảm cung ứng bằng hiện vật theo định lượng bao gồm cả thời gian đi thực tập, hoạt động xã hội, nghỉ hè, ốm đau, chờ phân công công tác sau tốt nghiệp không quá 3 tháng.

Điều 3.- Học bổng (chưa kể phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng) được cấp theo các loại và mức sau đây:

a) Học bổng loại I cấp cho học sinh là con liệt sỹ mồ côi cả cha lẫn mẹ; con liệt sỹ đang hưởng tuất vì không có người nuôi dưỡng; con dân tộc ít người mồ côi cả cha lẫn mẹ; thương binh được xếp hạng thương tật mà không ở diện chuyển ngành đi học; con thương binh hạng I và bệnh binh hạng I mà bố mẹ không có khả năng nuôi dưỡng.

Không đạt (lưu ban) : 140 đồng/tháng.

Đạt yêu cầu 160 đồng/tháng.

Tiên tiến 180 đồng/tháng.

Xuất sắc 200 đồng/tháng.

b) Học bổng loại II cấp cho học sinh là con liệt sỹ hoặc con dân tộc ít người không thuộc diện ở điểm a trên đây; con những người hưởng lương, phụ cấp hoặc trợ cấp của Nhà nước mà mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh là con thương binh và bệnh binh hạng I, hạng II, quân nhân phục vụ trên hạn nghĩa vụ quân sự.

Không đạt (lưu ban) 110 đồng/tháng.

Đạt yêu cầu 130 đồng/tháng.

Tiên tiến 150 đồng/tháng.

Xuất sắc 170 đồng/tháng.

c) Học bổng loại III cấp cho học sinh con các gia đình hưởng lương hoặc phụ cấp, trợ cấp của Nhà nước và thuộc khu vực kinh tế tập thể :

Không đạt (lưu ban) không cấp.

Đạt yêu cầu 110 đồng/tháng.

Tiên tiến 130 đồng/tháng

Xuất sắc 150 đồng/tháng.

Điều 4. - Những học sinh không thuộc diện ghi trong điều 3 mục a, b, c, thì không được cấp học bổng, nhưng nếu học tốt thì được thưởng với mức tiên tiến 30 đồng/tháng và xuất sắc 50 đồng/tháng.

Điều 5. - Công nhân, viên chức có thời gian công tác liên tục trên 3 năm (trên 36 tháng) trong biên chế Nhà nước được cấp có thẩm quyền cử đi học (trong chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà nước) tại các trường trong nước từ 12 tháng trở lên được hưởng sinh hoạt phí theo tỷ lệ phần trăm của lương cơ bản trước khi đi học:

Không đạt (lưu ban): 70% lương cơ bản

Đạt yêu cầu 80% lương cơ bản

Tiên tiến 90% lương cơ bản.

Xuất xắc 100% lương cơ bản.

Nếu là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang và chiến sỹ thi đua toàn quốc được hưởng sinh hoạt phí như sau:

Không đạt (lưu ban) 90% lương cơ bản.

Đạt yêu cầu 100% lương cơ bản.

Tiên tiến 105% lương cơ bản.

Xuất xắc 110% lương cơ bản.

Trường hợp là anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc không hưởng lương thì áp dụng mức phụ cấp 250 đồng/tháng để tính thay lương.

Điều 6. - Học sinh ưu tú (được chọn trong số học sinh xuất xắc, thuộc tất cả đối tượng, có nhiều thành tích nổi bật về nghiên cứu khoa học, rèn luyện và hoạt động xã hội, hoặc có thành tích đột xuất tiêu biểu) được cấp học bổng đặc biệt. Một xuất học bổng đặc biệt bằng 110 đồng/tháng cộng với mức học bổng hoặc sinh hoạt phí xuất sắc của từng đối tượng và được cấp trong từng năm học.

Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cùng với Bộ Tài chính và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quy định thể thức lựa chọn và hàng năm tổ chức xét duyệt loại học bổng đặc biệt này.

Điều 7. - Học sinh học các ngành nghề kỹ thuật nặng nhọc độc hại và cần khuyến khích được phụ cấp thêm từ 10% đến 40% xuất học bổng cơ bản. Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề quy định danh mục và tỷ lệ phụ cấp cho các ngành nghề này, sau khi đã thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Lao động.

Điều 8. - Học bổng và sinh hoạt phí của học sinh được cấp theo học kỳ hoặc năm học. Căn cứ vào kết quả học tập của học kỳ trước hoặc năm học trước để cấp học bổng và sinh hoạt phí của học kỳ sau hoặc năm học sau.

Học sinh được nhà trường thu nhận cho học lại và mới tuyển vào học kỳ I năm thứ nhất được cấp học bổng hoặc sinh hoạt phí ngang mức đạt yêu cầu tuỳ theo đối tượng hoặc hoàn cảnh gia đình.

Điều 9. - Trong thời gian nghỉ hè, học sinh không được cấp học bổng trừ học sinh diện chính sách và diện hưởng sinh hoạt phí theo lương thì được cấp ngang mức đạt yêu cầu của từng đối tượng.

Trong thời gian chờ phân công tác sau tốt nghiệp, học sinh (trừ diện chính sách và diện hưởng sinh hoạt phí theo lương) không được cấp học bổng.

Học sinh diện chính sách và hưởng sinh hoạt phí được cấp ngang mức đạt yêu cầu của từng đối tượng, nhưng không quá 3 tháng.

Học sinh tốt nghiệp đi nhận công tác theo kế hoạch phân công của Nhà nước tại cơ sở mới thì được cấp tiền tàu xe từ trường đến cơ sở mới.

Điều 10. - Học sinh bị kỷ luật, tuỳ mức độ nặng nhẹ có thể bị cắt, giảm học bổng hoặc sinh hoạt phí hoặc bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Tổng cục dạy nghề.

Điều 11. - Về phụ cấp thực tập được quy định như sau:

1. Nói chung học sinh thực tập tại các vùng đồng bằng, thành phố và trung du được hưởng phụ cấp thực tập như sau:

Đối với học sinh hưởng học bổng hoặc sinh hoạt phí thấp hơn xuất học bổng 110 đồng/tháng thì trong thời gian thực tập được cộng thêm phụ cấp thực tập cho bằng 110 đồng/tháng.

Đối với học sinh hưởng học bổng hoặc sinh hoạt phí từ 110 đồng/tháng trở lên thì trong thời gian thực tập được phụ cấp thêm 50% xuất học bổng cơ bản (55 đồng/tháng).

2. Các học sinh thực tập ở những nơi có đòi hỏi cường độ lao động cao, nơi khó khăn nguy hiểm, độc hại, thì ngoài khoản phụ cấp thực tập nói ở trên còn được cộng thêm 50% xuất học bổng cơ bản (55 đồng/tháng).

3. Những học sinh học nghề ở các ngành khai thác hầm lò, địa chất hầm lò, khoan dầu khí và thợ lặn trong thời gian thực tập được hưởng học bổng bằng lương thợ bậc 1 của nghề đó và thôi không được học bổng, phụ cấp thực tập và phụ cấp ngành nghề nêu trong điều 3, điều 7 và điều 11.1 và 11.2

4. Nếu thực tập sản xuất ở cơ sở mang lại kết quả cụ thể thì tất cả học sinh đi thực tập được cơ sở thưởng thêm theo hợp đồng ít nhất bằng 30% lương của bậc thợ hoặc cán bộ chuyên môn quy định cho học sinh thực tập.

5. Các mức phụ cấp thực tập trên đây được cộng thêm chênh lệch phụ cấp giá sinh hoạt theo vùng theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

6. Học sinh được thanh toán tiền vé tàu, xe trong thời gian đi thực tập; được nơi đến thực tập cho mượn dụng cụ và giúp đỡ các điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn và bảo hộ lao động, theo khả năng cho phép.

Điều 12. - Điều khoản thi hành:

1. Nghị định này thi hành kể từ năm học 1986-1987 và thay thế các quy định trước đây về chế độ học bổng và sinh hoạt phí đối với học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

2. Học sinh các trường (lớp) thanh, thiếu nhi vùng cao; học sinh các lớp năng khiếu thuộc các trường đại học và trung học chuyên nghiệp quản lý thuộc chỉ tiêu đào tạo hàng năm của Nhà nước, được áp dụng chế độ học bổng quy định tại Nghị định này.

3. Học sinh các trường, lớp do ngành hoặc địa phương đào tạo ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước (địa phương, ngành tự đài thọ kinh phí) phải được Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp hoặc tổng cục dạy nghề đồng ý và sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính thì mới được áp dụng các chế độ tại Nghị định này.

4. Chế độ sinh hoạt phí đối với công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang đi học bồi dưỡng và bổ túc ngắn hạn; hệ đào tạo tại chức; bổ túc văn hoá và nâng cao trình độ; hệ đào tạo tại các trường đảng và đoàn thể và hệ đào tạo của khối trường thuộc lực lượng vũ trang có quy định riêng.

Điều 13. - Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ trưởng Bộ giáo dục, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cùng Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Nội thương và Bộ Lương thực theo chức năng của mình có trách nhiệm quy định và hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị định này.

Điều 14. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Chí Công

(Đã ký)