Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 122-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 1980

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 122-CP NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 1980 VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRƯỜNG QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 12 năm 1979 về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế;
Xét đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1 - Thành lập Trường quản lý kinh tế Trung ương. Trường đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

Trường quản lý kinh tế Trung ương đặt tại Hà Nội và có phân hiệu ở miền Nam, đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2 - Trường quản lý kinh tế Trung ương có nhiệm vụ:

1. Xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm của trường về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế trình Ban bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt; tổ chức thực hiện các kế hoạch ấy.

2. Thực hiện việc bồi dưỡng những kiến thức quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa cho các đối tượng: cán bộ cao cấp và kế cận cao cấp, cán bộ trung cấp quản lý kinh tế; chuyên viên làm công tác quản lý kinh tế; cán bộ làm công tác giảng dạy về quản lý kinh tế.

3. Nghiên cứu hoặc tham gia với các cơ quan có liên quan nghiên cứu về khoa học quản lý kinh tế; tổ chức việc tham quan, khảo sát thực tế nhằm phục vụ tốt việc học tập và giảng dạy của nhà trường.

4. Quản lý các mặt hoạt động khác của trường theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 3 - Trường quản lý kinh tế Trung ương có hai hệ:

1. Hệ bồi dưỡng dài hạn theo chương trình cao cấp về quản lý kinh tế;

2. Hệ bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ cao cấp.

Điều 4 - Trường quản lý kinh tế Trung ương do một Hiệu trưởng phụ trách Giúp việc Hiệu trưởng có một số Phó hiệu hưởng.

Bộ máy tổ chức của trường gồm có:

Ban giáo vụ,

Khoa ngắn hạn,

Khoa dài hạn,

Ban tổ chức và cán bộ,

Văn phòng,

Các tổ bộ môn (do Hiệu trưởng quyết định thành lập).

Trường có Hội đồng khoa học do Hiệu trưởng làm Chủ tịch, với những thành viên là các cán bộ giảng dạy quản lý kinh tế trong trường và có thể có một số ngoài trường tham gia.

Cán bộ lãnh đạo trường và cán bộ phụ trách các đơn vị trực thuộc trường được bổ nhiệm và hoạt động theo quy chế chung như các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Chính phủ.

Điều 5 - Trường quản lý kinh tế Trung ương là đơn vị hoạt động sự nghiệp, có kinh phí và con dấu riêng.

Điều 6 - Các đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế, Hiệu trưởng Trường quản lý kinh tế Trung ương, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)