Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 156-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 1979

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨCBỘ MÁY CỦA ỦY BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960.
Căn cứ vào nghị quyết số 294-NQ/QHK6 ngày 24-8-1978 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.
Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định số 172-CP ngày 01-11-1973 của Hội đồng Chính phủ.
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 23-2-1979.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ quản lý tổng hợp và xây dựng luật lệ về công tác xây dựng cơ bản của Nhà nước; bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ bản theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch và pháp luật Nhà nước, nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng nhanh, vững chắc và có hiệu quả cao cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, củng cố quốc phòng và cải thiện đời sống nhân dân.

Điều 2. - Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Nghiên cứu và phối hợp với các Bộ có nhiệm vụ xây dựng chuyên ngành và các Bộ có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định về phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp lớn về phát triển công tác xây dựng cơ bản, những chính sách, chế độ, luật lệ chung về quản lý xây dựng cơ bản; tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ và luật lệ ấy.

2. Tiến hành việc nghiên cứu với sự tham gia của các Bộ, các ngành có liên quan để dự thảo các quy định về tiêu chuẩn, quy phạm, định mức, đơn giá, v.v… để trình Chính phủ xét duyệt, ban hành chung cho toàn ngành xây dựng cơ bản; đồng thời tổ chức việc phối hợp giữa các Bộ có nhiệm vụ xây dựng chuyên ngành nghiên cứu dự thảo các quy định về tiêu chuẩn, quy phạm, định mức, đơn giá, v.v… thuộc lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng của từng Bộ để trình Chính phủ xét duyệt, ban hành hoặc do Bộ ban hành theo quy định chung của Nhà nước.

3. Giúp Chính phủ thẩm tra thiết kế các công trình và thiết kế quy hoạch xây dựng quan trọng.

Tham gia với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt nhiệm vụ thiết kế các công trình trên hạn ngạch, chuẩn bị trình duyệt các luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế sơ bộ các công trình quan trọng do Chính phủ quyết định.

4. Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản của cả nước, nhất là các công trình trọng điểm. Trong phạm vi trách nhiệm của Ủy ban, đề xuất và kiến nghị với Hội đồng Chính phủ hoặc với thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương có liên quan về những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch xây dựng cơ bản của Nhà nước.

5. Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám định Nhà nước về chất lượng công tác xây dựng cơ bản và nghiệm thu, bàn giao các công trình xây dựng cơ bản thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước.

6. Tổ chức việc hợp tác với các Bộ có nhiệm vụ xây dựng chuyên ngành trong công tác nghiên cứu và thông tin khoa học, kỹ thuật và kinh tế xây dựng; nghiên cứu và thông tin những vấn đề khoa học, kỹ thuật và kinh tế xây dựng chung, tổng hợp phục vụ toàn ngành hoặc liên ngành xây dựng; phối hợp với Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước trong việc quản lý kế hoạch nghiên cứu và đề nghị ban hành các chính sách khoa học, kỹ thuật trong toàn ngành xây dựng cơ bản.

7. Tổ chức phối hợp với các Bộ hữu quan tiến hành nghiên cứu các vấn đề về tiêu chuển hóa, điển hình hóa, v.v… trong xây dựng chung cho toàn ngành và trong từng lĩnh vực chuyên ngành.

8. Nghiên cứu và tổ chức các đề án về tổ chức quản lý xây dựng cơ bản áp dụng chung cho công tác xây dựng cơ bản trong cả nước. Tham gia ý kiến với các Bộ hữu quan trong việc nghiên cứu các đề án về tổ chức quản lý của từng chuyên ngành xây dựng, các đề án về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công nhân và về quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công nhân toàn ngành xây dựng, trước khi trìnhChính phủ xét duyệt và ban hành.

9. Nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các đồ án thiết kế quy hoạch xây dựng tổng thể quan trọng: các vùng lãnh thổ, vùng công nghiệp và đô thị đặc biệt. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc quản lý tổng hợp công tác quy hoạch xây dựng của các ngành và địa phương; trên cơ sở các quy hoạch xây dựng đã được Chính phủ xét duyệt, thực hiện quản lý Nhà nước trong việc sử dụng đất xây dựng và xác định địa điểm xây dựng theo quy hoạch.

10. Nghiên cứu và phối hợp với các Bộ chuyên ngành nghiên cứu các vấn đề về quản lý và sử dụng hợp lý, với công suất và hiệu quả cao các loại máy móc, thiết bị hiện có trong toàn ngành xây dựng; tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ xây dựng và các Bộ chuyên ngành về phương hướng trang bị máy móc, thiết bị và cơ giới hóa từng bước cho toàn ngành xây dựng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả cao.

11. Tổ chức thực hiện việc hợp tác quốc tế về khoa học, kỹ thuật và kinh tế xây dựng thuộc các lĩnh vực công tác của Ủy ban theo đúng đường lối, chính sách và các quy định về quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

12. Tập trung và quản lý thống nhất các số liệu, tài liệu về công tác khảo sát xây dựng do các ngành và các cấp thực hiện để tránh khảo sát trùng lắp; thu nhập và chỉnh lý tổng hợp các tài liệu, số liệu đó để cung cấp thống nhất, đồng bộ cho các cơ quan thiết kế và thi công ở trong nước và nước ngoài đối với những công trình thuộc diện quản lý của Chính phủ.

Điều 3. – Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước gồm có:

A. Các viện làm nhiệm vụ của các trung tâm nghiên cứu, kết hợp với quản lý:

1. Viện khoa học và kỹ thuật xây dựng cơ bản;

2. Viện kinh tế xây dựng cơ bản;

3. Viện quy hoạch xây dựng tổng hợp;

4. Viện tiêu chuẩn hóa và điển hình hóa xây dựng;

5. Viện nghiên cứu về cơ giới hóa và công nghệ xây dựng.

B. Các vụ làm chức năng giúp Ủy ban quản lý tổng hợp:

1. Vụ thẩm tra thiết kế tổng hợp;

2. Vụ theo dõi, tổng hợp tình hình xây dựng cơ bản của các ngành trung ương và địa phương (gọi tắt là Vụ tổng hợp xây dựng);

3. Vụ dự báo xây dựng cơ bản;

4. Vụ tổ chức và cán bộ;

5. Ban thanh tra và giám định xây dựng Nhà nước;

6. Văn phòng.

C. Một số tổ chức thuộc diện quản lý của Ủy ban: (Các cơ sở về thực nghiệm và máy tính điện tử, về thông tin và nhà xuất bản xây dựng, v.v…).

Điều 4. - Hệ thống tổ chức quản lý công tác xây dựng cơ bản ở các ngành và các cấp gồm có:

1. Ở mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ (tùy theo khối lượng xây dựng cơ bản của mỗi ngành) có tổ chức vụ hoặc phòng quản lý xây dựng cơ bản.

2. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tùy theo khối lượng công các xây dựng cơ bản) có tổ chức ban hoặc phòng xây dựng cơ bản tỉnh, thành phố.

3. Ở các huyện và đơn vị tương đương (tùy theo khối lượng xây dựng cơ bản) có cán bộ hoặc tổ xây dựng (thuộc Ban công nghiệp – giao thông – xây dựng).

Điều 5. - Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước do một Chủ nhiệm phụ trách. Giúp việc Chủ nhiệm có các Phó chủ nhiệm và ủy viên. Các Phó chủ nhiệm và ủy viên giúp Chủ nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chung, và được Chủ nhiệm ủy quyền chỉ đạo từng phần công tác của Ủy ban. Phó chủ nhiệm hoặc ủy viên có thể trực tiếp làm thủ trưởng một đơn vị trong Ủy ban.

Điều 6. - Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có trách nhiệm xây dựng điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn. Việc quy định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức trong Ủy ban do đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban quyết định.

Điều 7. - Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước quản lý tổ chức, biên chế cán bộ, nhân viên, tài sản, tài vụ của Ủy ban theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 8. - Bộ Xây dựng có trách nhiệm chuyển sang Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước những bộ phận công tác và các cán bộ, nhân viên có khả năng bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước như quy định ở điều 1 và điều 2 trên đây. Kế hoạch và nội dung bàn giao cụ thể về cán bộ, các phương tiện hoạt động và các tài sản có liên quan do Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và Bộ Xây dựng thỏa thuận trên cơ sở bảo đảm tốt yêu cầu công tác chung và hoàn thành gọn trong quý II năm 1979. Ngoài ra theo đề nghị của Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, yêu cầu các Bộ, các ngành và các cấp có liên quan cần điều động bổ sung cho Ủy ban một số cán bộ phù hợp với yêu cầu công tác.

Điều 9. - Những quy định trước đây về tổ chức quản lý công tác xây dựng cơ bản trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 10. – Các đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị