Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 1981

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 201-CP NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 1981 VỀ QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 172-CP ngày 3-11-1973 và Nghị định 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Để làm căn cứ cho các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch và quản lý, kinh tế tài chính, bảo đảm huy động và sử dụng tiết kiệm lực lượng lao động, tiền vốn, vật tư và các tài nguyên thiên nhiên khác đạt hiệu quả kinh tế ;
Theo đề nghị của đồng chí chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Từ nay, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, v.v... có sử dụng vật tư, lao động đều phải quản lý bằng định mức kinh tế- kỹ thuật theo quy định trong nghị định này.

Điều 2.- định mức kinh tế - kỹ thuật (dưới đây gọi tắt là định mức) là lượng lao động sống và lao động quá khứ biểu hiện băngf thời gian lao động, bằng giá trị hoặc hiện vật được phép sử dụng để sản xuất một đơn vị sản phẩm (hoặc thực hiện một khối lượng công việc) theo tiêu chuẩn, chất lượng quy định và theo quy trình công nghệ hợp lý, trong những điều kiện trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức sản xuất và trình độ quản lý của thời kỳ kế hoạch.

Điều 3.- Định mức kinh tế kỹ thuật phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Bảo đảm là căn cứ tương đối chính xác để xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý kỹ thuật;

- Phù hợp với các điều kiện tổ chức - kỹ thuật của tững thời kỳ kế hoạch;

- Bảo đảm sự thống nhất giữa các loại định mức và phương pháp xây dựng định mức;

- Bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, bảo đảm tính quần chúng, quyền làm chủ tập thể của người lao động và quyền tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở.

Điều 4.- Định mức được chia thành các loại sau đây:

a) Định mức Nhà nước áp dụng chung cho các ngành, các cấp, được quy định cho những sản phẩm (công việc) chủ yếu, do Nhà nước thống nhất quản lý, xó liên quan đến các cân đối chung của nền kinh tế quốc dân.

b) Định mức áp dụng trong từng ngành, được quy định cho những sản phẩm (công việc) khi chưa có định mức Nhà nước, khi cần cụ thể hóa định mức Nhà nước,hoặc cho những sản phẩm (công việc) của ngành được phân cấp quản lý.

c) Định mức tỉnh,thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) áp dụng trong phạm vi tỉnh, được quy định cho những sản phẩm (công việc) khi chưa có định mức Nhà nước, định mức ngành; khi cần cụ thể hóa định mức Nhà nước, định mức ngành; hoặc cho những sản phẩm (công việc) của tỉnh, được phân cấp quản lý.

d) Định mức huyện, quận và thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) áp dụng trong phạm vi huyện được quy định cho những sản phẩm (công việc) khi chưa xó định mức Nhà nước, định mức ngành, định mức tỉnh, thành phố; khi cần cụ thể hoá định mức của cấp trên, hoặc cho những sản phẩm (công việc) của huyện được phân cấp quản lý.

e) Định mức đơn vị cơ sở áp dụng trong từng đơn vị xơ sở được quy định cho những sản phẩm (công việc ) khi chưa có định nức Nhà nước, định mức ngành (đối với xí nghiệp quốc doanh trung ương), định mức địa phương (đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương); khi cần cụ thể hoá định mức của cấp trên; hoặc cho những sản phẩm (công việc) của đơn vị cơ sở sản xuất được phân cấp quản lý.

Điều 5.- Định mức đã được phân cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của nghị định này là căn cứ pháp lý để tiến hành các công việc sau đây;

- Xây dựng các chỉ tiêu kế họach;

- Phân phối và cung ứng vật tư, lao động, tiền vốn...;

- Xác định giá thành và giá chỉ đạo của Nhà nước;

- Đánh giá việc thực hiện kế hoạch; xem xét chất lượng sản phẩm (công việc ); xét thưởng hoặc phạt đối với các đơn vị hoặc cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch.

Trường hợp chưa có định mức chính thức do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc đã có, nhưng cần được sửa đôiem bôe sung thì trong khi chờ có định mức chính thức, hội đồng xét duyệt định mức cấp trên quyết định việc áp dụng định mức tạm thời để làm căn cứ tinhs kế hoạch, tính giá tnhành và đánh giá công việc quản lý của cấp dưới.

Chương 2:

XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC

Điều 6.- Thời gian xây dựng định mức (bao gồm xây dựng, sửa đổi bổ sung định mức) được quy định như sau:

a) Đối với định mức để tính kế hoạch hàng năm.

-Định mức đơn vị xơ sở và đinh mức huyện phải hoàn thành 8 tháng trước khi bước vào năm kế hoạch.

- Định mức ngành và định mức tỉnh, thành phố phải hoàn thành6 tháng trước khi bước vào năm kế hoạch .

- Định mức Nhà nước phải hoàn thành 4 tháng trước khi bước vào năm kế hoạch.

b) Đối với định mức để tính kế hoạch 5 năm.

- Định mức đơn vị cơ sở và định mức huyện phải hoàn thành 2 năm trước khi xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo.

- Định mức ngành và định mức tỉnh, thành phố phải hoàn thành 18 tháng trước khi xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo.

- Định mức Nhà nước phải hoàn thành 12 tháng trước khi xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Điều 7.- khi xây dựng, xét duyệt và ban hành các định mức, các ngành, các cấp phải dựa vào các căn cứ sau đây:

- Các số liệu của tài liệu thiết kế, quy trình công nghệ, công thức chế tạo, quy trình công nghệ, công thức chế tạo, quy trình thao tác và những điều kiện kỹ thuật trong sản xuất;

- Các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (công việc) do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định;

- Các chỉ tiêu về tiết kiệm tiêu dùng vật tư, tiền vốn, lao động để sản xuất sản phẩm (công việc) được ghi trong các kế hoạch hàng năm và 5 năm;

- Các số liệu thống kê hàng năm và các tài liệu có liên quan khác.

Điều 8.- Về phương pháp xây dựng định mức, các ngành, các cấp có thể, tuỳ theo đặc điểm kinh tế- kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cụ thể mà quyết định vận dụng đồng thời hoặc một phương pháp thích hợp sau đây:

- Phương pháp tổng hợp (trong đó có thống kê, kinh nghiệm; ước lượng so sánh;

- Phương pháp phân tích(trong đó có phân tích khảo sát; thí nghiệm, thực nghiệm; phân tích tính toán).

Điều 9.- Trách nhiệm xây dựng định mức:

a) Thủ trưởng các ngành, các đơn vị cơ sở, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức (hoặc chỉ đạo việc tổ chức) xây dựng định mức về những sản phẩm (công việc) được phân cấp quản lý (bao gồm cả những định mức trình cấp trên ban hành).

b) Về xây dựng định mức Nhà nước: Định mức đối với những sản phẩm (công việc) thuộc phạm vi quản lý của ngành nào do ngành đó xây dựng trình Chính phủ ban hành.

Chương 3:

XÉT DUYỆT VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC

Điều 10.- Thẩm quyền xét duyệt và ban hành định mức được quy định như sau:

- Định mức Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo đề nghị của thủ trưởng các ngành chủ quản sản phẩm (công việc) sau khi xem xét ý kiến của Hội đồng xét duyệt định mức Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước ban hành các định mức này.

- Định mức ngành do Bộ trưởng, Tổng cục Trưởng xét duyệt và ban hành sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng xét duyệt định mức của Bộ, Tổng cục.

- Định mức tỉnh so Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt và ban hành sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng xét duyệt định mức tỉnh.

- Định mức huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện xét duỵet và ban hành sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng xét duyệt định mưcs huyện.

- Định mức đơn vị, cơ sở do thủ trưởng đơn vị cơ sở ban hành sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng xét duyệt định mức đơn vị.

Điều 11.- Uỷ ban kế hoạch Nhà nước phối hợp với Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, các ngành, các cấp nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ quyết định danh mục phân cấp xây dựng, xét duyệt và ban hành định mức đối với các sản phẩm (công việc).

Điều 12.- Các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt định mức được thành lập hội đồng xét duyệt định mức để giúp thủ trưởng cơ quan xem xét về các mặt kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ và pháp chế có liên quan đến định mức, trước khi thủ trưởng cơ quan quyết định ban hành.

Chủ tịch Hội đồng là Phó thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, đơn vị cơ sở hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương; các thành viên của hội đồng gồm có đại diện các cơ quan kế hoạch, thống kê, khoa học- kỹ thuật, lao động, vật tư, tài chính, vật giá... Thường trực của hội đồng này là đại diện cơ quan kế hoạch của ngành, địa phương hoặc đơn vị cơ sở.

Hội đồng xét duyệt định mức Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập.

Hội đồng xét duyệt định mức Nhà nước gồm có:

- Một phó chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước là Chủ tịch,

- Đại diện các Bộ Tài chính, Lao động, Vật tư, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Uỷ banKhoa học và kỹ thuật Nhà nước làm uỷ viên; khi xét duyệt định mức thuộc quyền quản lý của Bộ nào thì một thứ trưởng của Bộ đó tham gia hội đồng.

Điều 13.- Chủ tịch Hội đồng xét duyệt định mức ở mỗi cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo và chủ trì các hội nghị bảo vệ định mức ở cấp mình, nêu ra các kết luận và đánh giá cuối cùng khi xét duyệt từng định mức.

Trường hợp xây dựng định mức chưa đạt yêu cầu hoặc có những ý kiến chưa nhất trí giữa hội đồng và đơn vị bảo vệ định mức, phải ghi rõ những ý kiến khác nhau vào biên bản; chủ tịch hội đồng đề ra những biện pháp tiếp tục giải quyết những vấn đề chưa nhất trí trong thơì hạn nhất định; nếu đến thời hạn mà vẫn không nhất trí được thì chủ tịch hội đồng báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến và quyết định định mức tạm thời chi đơn vị cấp dưới áp dụng để bảo đảm tiến độ lập kế hoạch.

Điều 14.- Đơn vị cấp dưới phải gửi bản dự án trình duyệt định mức của đơn vị mình cho hội đồng xét duyệt định mức cấp trên trực tiếp, đồng thời phải chịu trách nhiệm về độ tin cậy của các định mức trình duyệt. Đối với đơn vị nào làm dự án định mức chậm trễ, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên được quyền ấn định định mức và đơn vị đó phải nghiêm chỉnh thi hành.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được dự án, hội đồng xét duyệt định mức cấp trên phải họp hội đồng xét duyệt định mức để cấp dưới bảo vệ dự án định mức, nếu chậm trễ cấp dưới được quyền tạm thời thực hiện định mức theo bản dự án đã gửi cho cấp trên.

Điều 15.- Những đình mức do các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố xét duyệt và ban hành đều phải sao gửi cho Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Chương 4:

TỔ CHỨC CHUYÊN TRÁCH VỀ CÔNG TÁC ĐỊNH MỨC

Điều 16.- Ở các cơ quan quản lý ngành, các điạ phương, các đơn vị cơ sở phải có một bộ phận chuyên trách nằm trong cơ quan kế hoạch để giúp Thủ trưởng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác định mức. Biên chế của bộ phận này nằm trong biên chế chung đã được quy định cho ngành, địa phương hoặc cơ sở.

Điều 17.- Nhiệm vụ và quyền hạn của bộ phận chuyên trách công tác định mức:

a) Nhiệm vụ:

- Tổ chức xây dựng định mức thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành mình, cấp mình, đồng thời tham gia xây dựng định mức của cấp trên và hướng dẫn cấp dưới xây dựng và quản lý định mức;

- Lập bản thuyết minh dự án định mức để trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, ban hành;

- Phổ biến các định mức đã ban hành; theo dõi, kiểm tra và kiến nghị các biện pháp để thực hiện tốt các định mức ấy;

- Nghiên cứu xây dựng hoặc tham gia xây dựng các chế độ, thể lệ và phương pháp định mức;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác định mức;

- Làm báo cáo sơ kết, tổng kết công tác định mức, kiến nghị với cấp trên sửa đổi những định mức cũ và xây dựng những định mức mới.

b) Quyền hạn:

- Kiểm tra việc áp dụng các định mức đã ban hành trong ngành, địa phương hoặc đơn vị cơ sở;

- Yêu cầu các đơn vị cung cấp những tài liệu, những tình hình có liên quan đến việc xây dựng, xét duyệt và ban hành định mức.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18.- Nghị định này áp dụng cho các ngành, các cấp, và các đơn vị cơ sở quốc doanh trong cả nước, kể cả các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ kinh tế.

Đối với các sản phẩm chuyên dùng của quốc phòng, công an và công việc riêng trong quân đôi, công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định riêng.

Điều 19.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các văn bản trước đây về công tác định mức kinh tế - kỹ thuật trái với Nghị định này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành nghị định này.

Điều 20.- Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thủ trưởng các đơn vị cơ sở quốc doanh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)