Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 26-CP NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1996 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

1. Mọi hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (dưới đây gọi là vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường) của các tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

3. Mọi hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải được phát hiện kịp thời và bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, đúng pháp luật; mọi hậu quả về môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì bị xử phạt từng hành vi vi phạm.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải căn cứ vào tính chất, mức độ, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 2.- Bồi thương thiệt hại về môi trường

Việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường gây ra được tiến hành theo nguyên tắc thoả thuận giữa bên có hành vi gây ra thiệt hại và bên bị thiệt hại.

Đối với những thiệt hại về vật chất do vi phạm hành chính và bảo vệ môi trường gây ra có giá trị đến 1.000.000 đồng mà không tự thoả thuận được thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định mức bồi thường, những thiệt hại có giá trị từ trên 1.000.000 đồng được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 3.- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt, nhưng có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và d thuộc khoản 3 của Điều 11 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án vi phạm Luật Bảo vệ môi trường ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt hành chính nếu hành vi của cá nhân có dấu hiệu vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; thời hiệu xử phạt hành chính là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này nếu cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính mới về bảo vệ môi trường hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử lý thì thời hiệu xử phạt tính từ thời điểm thực hiện vi phạm mới hoặc từ thời điểm có hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử lý chấm dứt.

4. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

Điều 4.- Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường ở địa phương mình.

2. Chánh thanh tra và thanh tra viên về bảo vệ môi trường của các cơ quan: Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực cơ quan mình quản lý.

3. Trường hợp vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan thì việc xử phạt do cơ quan thụ lý đầu tiên thực hiện.

4. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải xử phạt ở mức cao hơn mức xử phạt quy định đối với người có thẩm quyền đang thụ lý thì phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền cao hơn quyết định.

5. Khi xét thấy hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có dấu hiệu tội phạm thì những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp giải quyết.

Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ vi phạm về bảo vệ môi trường có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.

Điều 5.- áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khác

1. Khi xử phạt bằng hình thức phạt tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm xuống thấp hơn nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác phải được áp dụng kèm theo hình phạt chính nếu Nghị dịnh này có quy định việc xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khác đối với hành vi vi phạm hành chính nhằm triệt để xử lý vi phạm, loại trừ nguyên nhân, điều kiện tiếp tục vi phạm và khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

Chương 2:

NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Điều 6.- Vi phạm về phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi nộp không đúng thời hạn quy định Bản kê khai các hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các cơ sở đang hoạt động.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không nộp Bản kê khai các hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường của cơ sở đang hoạt động;

b. Không nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án hoặc cơ sở đang hoạt động do cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định theo danh mục của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ban hành;

c. Cản trở công tác điều tra, nghiên cứu, kiểm soát đánh giá hiện trạng môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường do Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không nộp hoặc không nộp đúng thời hạn quy định Báo cáo dánh giá tác động môi trường của các dự án hoặc cơ sở đang hoạt động do cấp Trung ương thẩm định theo danh mục của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ban hành;

b. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các yêu cầu ghi tại phiếu thẩm định hoặc giấy phép về môi trường của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với vi phạm quy định tại Điều này:

a. Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy phép về môi trường đối với vi phạm tại điểm b khoản 3 của Điều này;

b. Buộc chấm dứt vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3 của Điều này; buộc thực hiện đúng yêu cầu đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 của Điều này.

Điều 7.- Vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Khai thác các nguồn lợi sinh vật không theo đúng thời vụ, địa bàn, phương pháp và bằng công cụ, phương tiện huỷ diệt hàng loạt, làm tổn hại tính đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái;

b. Sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp;

c. Sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên không theo đúng các quy định ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Khai thác các nguồn lợi sinh vật gây tổn hại tính đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái trong trường hợp tái phạm;

b. Sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên không có giấy phép hoặc không theo đúng quy định ghi trong giấy phép trong trường hợp tái phạm.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi được quy định tại khoản 2 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với vi phạm quy định tại Điều này:

a. Tịch thu tang vật, công cụ, phương tiện khai thác đối với trường hợp vi phạm quy định khoản 1, khoản 2 của Điều này;

Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy phép đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 của Điều này.

b. Buộc chấm dứt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3 của Điều này.

Điều 8.- Vi phạm về khai thác, kinh doanh động thực vật quý, hiếm thuộc danh mục do các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thuỷ sản công bố

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, kinh doanh các đối tượng trên lần đầu, hậu quả đã được khắc phục.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác, kinh doanh số lượng lớn có tính chất chuyên nghiệp một chủng loại hoặc số lượng nhỏ nhưng nhiều chủng loại các đối tượng trên.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với hành vi vi phạm tại Điều này:

a. Tịch thu tang vật, công cụ, phương tiện khai thác đối với vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này;

b. Buộc chấm dứt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này.

Điều 9.- Vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trước khi thải chất thải ở các dạng rắn, lỏng, khí ra ngoài phạm vi quản lý của cơ sở;

b. Không trang bị hoặc trang bị không đủ, không đúng các thiết bị kỹ thuật để xử lý chất thải theo yêu cầu hoặc thiết kế đã được Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải trong trường hợp tái phạm;

b. Không trang bị hoặc trang bị không đúng, không đầy đủ các thiết bị kỹ thuật để xử lý chất thải trong trường hợp tái phạm;

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đúng chế độ quy định các thiết bị kỹ thuật xử lý chất thải, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trường hợp các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, gây hậu quả xấu về bảo vệ môi trường.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Thải khói, bụi, khí độc quá giới hạn cho phép, thải mùi hôi thối gây hại vào không khí;

b. Thải dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ vượt quá giới hạn cho phép, thải xác động vật thực vật, vi khuẩn, siêu vi trùng độc hại và gây dịch bệnh vào nguồn nước.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đối với hành vi vi phạm tại khoản 5 của Điều này trong trường hợp tái phạm.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 5 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

8. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với hành vi vi phạm quy định ở Điều này:

a. Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy phép đối với các vi phạm quy định tại Điều này;

b. Buộc đình chỉ vi phạm, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả xấu và bồi thường thiệt hại đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 10.- Vi phạm về giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ, thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ quan trọng, hoá chất độc hại, chế phẩm vi sinh vật có liên quan đến bảo vệ môi trường

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng đối với các hành vi cho thuê, mua bán giấy phép lần đầu, chưa gây hậu quả.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Khai man trong việc xin cấp giấy phép;

b. Không có giấy phép của Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp;

c. Không theo đúng quy định ghi trong giấy phép về số lượng, nồng độ hoặc hàm lượng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quy định ở khoản 2 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm tại Điều này:

a. Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy phép về môi trường đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2 của Điều này; tước quyền sử dụng không thời hạn giấy phép về môi trường đối với vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2 và khoản 3 của Điều này;

b. Tịch thu tang vật hoặc buộc tiêu huỷ khối lượng sai khác so với giấy phép của các chế phẩm vi sinh, các loài động vật, thực vật, nguồn gen; buộc tái xuất hàng hoá nhập khẩu trái phép vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này.

Điều 11.- Vi phạm về nhập khẩu, xuất khẩu chất thải

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu chất thải.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trường hợp tái phạm.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm tại Điều này:

Buộc tiêu huỷ hoặc tái xuất chất thải, bồi thường thiệt hại và chấm dứt vi phạm.

Điều 12. - Vi phạm về phòng tránh sự cố môi trường trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không có phương án phòng tránh rò rỉ dầu, cháy dầu, sự cố nổ dầu và tràn dầu;

b. Không có phương tiện xử lý sự cố cháy nổ dầu và tràn dầu.

2. Phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không có chứng chỉ kỹ thuật khi sử dụng các hoá chất độc hại;

b. Không chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gây ra sự cố rò rỉ dầu, cháy nổ dầu và tràn dầu.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng

5. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với hành vi vi phạm tại Điều này:

Buộc thực hiện theo quy định đối với các vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, của Điều này. Buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc bồi thường thiệt hại đối với các vi phạm quy định tại khoản 3 của Điều này.

Điều 13.- Vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với chất phóng xạ

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Kinh doanh chất phóng xạ mà không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát chất bức xạ;

b. Kinh doanh chất phóng xạ không có giấy phép kinh doanh.

c. Không có giấy phép khi sản xuất, vận chuyển, sử dụng, cất giữ chất phóng xạ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp không bảo đảm điều kiện kinh doanh và quy định khi sản xuất, vận chuyển, sử dụng.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 2 của Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:

a. Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 của Điều này;

b. Buộc áp dụng các biện pháp theo quy định, buộc khắc phục hậu quả, buộc bồi thường thiệt hại đối với vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này.

Điều 14.- Vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khi sử dụng nguồn phát bức xạ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Sử dụng nguồn bức xạ mà không xin phép;

b. Sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư có nguồn phát bức xạ điện từ, bức xạ ion hoá có hại không theo đúng quy định về an toàn bức xạ;

c. Không thường xuyên kiểm tra và định kỳ báo cáo với Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường về tác động đến môi trường của cơ sở sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư có nguồn bức xạ điện từ, bức xạ ion hoá.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với vi phạm quy định tại khoản 1 của Điều này trong trường hợp có tình tiết tăng nặng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:

a. Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy phép sử dụng nguồn bức xạ đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 của Điều này;

b. Buộc chấm dứt vi phạm, áp dụng các biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại đối với vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 của Điều này.

Điều 15.- Vi phạm về vận chuyển và xử lý nước thải, rác thải

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Vận chuyển rác và các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng các quy định về bảo vệ môi trường;

b. Không xử lý theo quy định nước thải, rác thải trước khi thải.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tái phạm tại điểm a khoản 1 của Điều này.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm quy định ở Điều này;

a. Tước quyền sử dụng đến 6 tháng giấy phép về môi trường đối với vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này;

b. Buộc chấm dứt vi phạm, áp dụng các biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại đối với vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này.

Điều 16.- Vi phạm quy định về ô nhiễm đất

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chôn vùi, thải các chất độc hại quá giới hạn cho phép vào đất.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chôn vùi, rác thải chất độc hại quá giới hạn cho phép với khối lượng lớn, thời gian khắc phục hậu quả lâu dài.

3. Hình thức phạt bổ sung và biện pháp khác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:

Buộc chấm dứt vi phạm, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 17.- Vi phạm quy định về tiếng ồn, độ rung quá giới hạn cho phép làm tổn hại sức khoẻ và ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng đối với các hành vi sau đây:

a. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá giới hạn cho phép;

b. Gây bất kỳ tiếng ồn, độ rung lớn nào trong thời gian 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn, độ rung trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với vi phạm quy định tại Điều này:

Buộc chấm dứt vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.

Điều 18.- Vi phạm trong việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ pháo, thuốc pháo và đốt pháo hoa.

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Thực hiện không đúng nội dung, quy định của giấy phép khi sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo hoa;

b. Vi phạm quy định về an toàn khi sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo hoa.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển pháo hoa trên các phương tiện chuyên chở người.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại thuốc nổ lấy từ bom, mìn, đạn, lựu đạn và các loại vũ khí khác để sản xuất pháo hoa.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với hành vi vi phạm ở Điều này:

a. Tịch thu tang vât, tước quyền sử dụng không thời hạn giấy phép đối với vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này.

b. Buộc chấm dứt vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, của Điều này.

Điều 19.- Vi phạm trong việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không kịp thời báo cho Uỷ ban Nhân dân địa phương, cơ quan hoặc tổ chức gần nhất khi phát hiện sự cố môi trường.

b. Không thực hiện những biện pháp thuộc trách nhiệm của mình để kịp thời khắc phục sự cố môi trường;

c. Không chấp hành hoặc chấp hành không đúng lệnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố môi trường.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 của Điều này trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:

Buộc chấm dứt vi phạm, buộc thực hiện các yêu cầu đối với các hành vi quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1, khoản 2 của Điều này.

Chương 3:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 20.- Thẩm quyền quyết định xử lý

1. Thanh tra viên chuyên ngành khoa học, công nghệ và môi trường thuộc các tổ chức thanh tra: Thanh tra Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Cục Môi trường và Thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang thi hành công vụ có quyền áp dụng các quyền quy định tại khoản 1, Điều 34 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể gồm: phạt cảnh cảo, phạt tiền đến 200.000 đồng đối với những vi phạm hành chính thuộc địa bàn quản lý của mình; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ô nhiễm môi trường có giá trị đến 500.000 đồng; được quyền buộc tổ chức, cá nhân vi phạm đình chỉ hành vi vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, tiêu huỷ các vật phẩm gây hại cho môi trường sống.

2. Chánh thanh tra chuyên ngành khoa học, công nghệ và môi trường thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường có quyền áp dụng các quyền quy định tại khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, cụ thể gồm: Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ô nhiễm môi trường; được quyền buộc tổ chức, cá nhân vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra đến 1.000.000 đồng, buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, tiêu huỷ các vật phẩm gây hại cho môi trường sống.

3. Chánh Thanh tra chuyên ngành khoa học, công nghệ và môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Chánh Thanh tra Cục Môi trường có quyền áp dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 34 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể gồm: phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Cục Môi trường cấp; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ô nhiễm môi trường; được quyền buộc tổ chức, cá nhân vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra đến 1.000.000 đồng, khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, tiêu huỷ các vật phẩm gây hại cho môi trường sống.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường quy định tại Chương II của Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương về bảo vệ môi trường.

5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và cấp tương đương có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 27 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (trừ quyền tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Môi trường cấp) đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường quy định tại chương II của Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương về bảo vệ môi trường.

6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (trừ quyền tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Cục Môi trường cấp) đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường quy định tại Chương II của Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương về bảo vệ môi trường.

Điều 21.- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của các cơ quan hải quan, thanh tra Nhà nước chuyên ngành.

Người có thẩm quyền của các cơ quan hải quan, thanh tra Nhà nước chuyên ngành được quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo quy định của Điều 30, Điều 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 22.- Thủ tục xử phạt

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong quản lý và bảo vệ môi trường người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm, nói rõ cho tổ chức, cá nhân vi phạm biết tên văn bản pháp luật, điều luật mà họ đã vi phạm, mức độ trách nhiệm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hình thức xử phạt áp dụng đối với hành vi của họ và tiến hành các thủ tục sau:

1. Trường hợp xử phạt bằng hình thức cảnh cáo thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ.

2. Trường hợp áp dụng mức xử phạt tiền trên 20.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản theo đúng quy định tại Điều 47 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt và gửi quyết định xử phạt tới tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo đúng quy định tại Điều 48 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Nếu có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn trên có thể được kéo dài, nhưng không được quá 30 ngày.

Quyết định phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên phải được gửi cho Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp.

3. Quyết dịnh xử phạt phải gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt và nơi thu tiền phạt trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt không tự giác chấp hành thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 23.- Thu nộp tiền phạt

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị phạt tiền phải nộp tiền phạt đúng thời hạn và đúng nơi ghi trong quyết định xử phạt.

Trong trường hợp không nộp phạt đúng thời hạn quy định thì bị cưỡng chế thi hành.

Nghiêm cấm người xử phạt trực tiếp thu tiền phạt dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 24.- Tước quyền sử dụng giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận có nội dụng liên quan về bảo vệ môi trường (dưới đây gọi là giấy phép) đều có thể bị tước quyền sử dụng nếu có các vi phạm hành chính liên quan trực tiếp đến quy định về sử dụng giấy phép đó.

Khi quyết định tước quyền sử dụng giấy phép, người có thẩm quyền phải lập biên bản, ghi rõ lý do tước quyền sử dụng giấy phép theo các nội dung quy định tại Điều 50 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời phải buộc đình chỉ vi phạm.

Việc tước quyền sử dụng giấy phép chỉ được thực hiện khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 6 Điều 21 của Nghị định này. Quyết định phải gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý, đồng thời thông báo cho nơi cấp giấy phép biết.

Người có thẩm quyền quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 21 của Nghị định này có quyền đề nghị cơ quan cấp giấy phép về môi trường thu hồi giấy phép.

2. Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đối với các vi phạm lần đầu, có thể khắc phục được. Khi hết thời hạn ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải trả lại giấy phép cho tổ chức, cá nhân được sử dụng giấy phép.

3. Tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn áp dụng trong các trường hợp sau:

a. Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

b. Giấy phép có nội dung trái với quy định bảo vệ môi trường;

c. Vi phạm nghiêm trọng xét thấy không thể cho tiếp tục hoạt động được.

Điều 25.- Thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định ở Điều 21 của Nghị định này khi quyết dịnh áp dụng các biện pháp hành chính khác phải căn cứ vào quy định của pháp luật và mức độ thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hành chính gây ra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Tổ chức, cá nhân bị áp dụng những biện pháp hành chính khác phải thi hành các hình thức phạt đó trong thời hạn 5 ngày sau khi được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp không thi hành sẽ bị cưỡng chế trong thời gian quy định. Chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế chịu trách nhiệm.

3. Trong trường hợp các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải tịch thu hoặc tiêu huỷ thì khi thi hành phải lập biên bản có chữ ký của người quyết định, người bị phạt, người làm chứng và xử lý tang vật vi phạm hành chính theo đúng quy định tại Điều 51, Điều 52 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 26.- Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 87, Điều 88, Điều 89 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khác.

Điều 27.- Xử lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường mà vi phạm các quy định về xử phạt hành chính, sách nhiễu, dung túng, bao che cho người vi phạm, không xử phạt hoặc xử phạt không đúng thẩm quyền, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, công dân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký; các quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trái với Nghị định này đều bãi bỏ

Điều 29.- Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và tổ chức thi hành Nghị định này.

Điều 30.- Các Bộ trưởng Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn kiệt

(Đã ký)