Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2433/TT-KCM

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 2433/TT-KCM NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/CP NGÀY 26/4/1996 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thực hiện Điều 29 Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là hành vi do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mọi hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đều phải xử phạt hành chính theo Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân quy định ở Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 26/CP được hiểu như sau:

a. Tổ chức bao gồm: Cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang theo quy định của pháp luật Việt Nam.

b. Cá nhân bao gồm:

- Người Việt nam có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với hành vi do cố ý gây ra; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với mọi hành vi vi phạm do mình gây ra.

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng Công an nhân dân nếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì bị xử phạt như đối với mọi công dân khác.

- Cá nhân người nước ngoài, người không có quốc tịch có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt nam, phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 26/CP, trừ trường hợp có Điều ước Quốc tế quy định khác.

3. Chỉ những người được quy định tại Điều 20, Điều 21 Nghị định số 26/CP mới có quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. a. Trường hợp chưa có chức danh cấp trưởng quy định ở Điều 20 Nghị định số 26/CP thì cấp phó của chức danh đó có thẩm quyền xử phạt như cấp trưởng.

b. Trường hợp chức danh cấp trưởng quy định ở Điều 20 Nghị định số 26/CP vắng mặt hoặc được sự uỷ quyền bằng văn bản của họ thì cấp phó của các chức danh đó có thẩm quyền xử phạt như cấp trưởng.

4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải căn cứ vào nhân thân, tính chất và mức độ vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, mức phạt và các biện pháp hành chính khác thích hợp.

Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng làm căn cứ quyết định hình thức, mức phạt bao gồm:

a. Tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính gồm:

- Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả; bồi thường thiệt hại.

- Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;

- Cá nhân vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

- Vi phạm do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải tự mình gây ra hoàn cảnh đó;

- Vi phạm do trình độ lạc hậu.

b. Tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính gồm:

- Vi phạm có tổ chức;

- Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

- Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị phụ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm;

- Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm.

- Vi phạm trong thời gian chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;

- Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che dấu vi phạm hành chính.

5. Một người hoặc một tổ chức trong cùng một thời điểm có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính về từng hành vi vi phạm; trong trường hợp các hành vi vi phạm đều thuộc thẩm quyền xử phạt của một người thì ra một quyết định xử phạt chung; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì phải cộng lại thành mức phạt chung nhưng phải ghi rõ mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Nếu có một trong các hành vi vi phạm phải xử phạt ở mức cao hơn thẩm quyền của cấp mình thì chuyển hồ sơ lên cấp trên có thẩm quyền cao hơn quyết định xử phạt.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

6. Đối với các hành vi vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp, khó xác định là hành vi vi phạm hành chính hay hành vi có dấu hiệu tội phạm thì trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và chỉ ra quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát nhân dân.

7. Những hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 26/CP trùng với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường được quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác có quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì xử phạt theo quy định tại Nghị định số 26/CP.

8. Sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, trường hợp bất khả kháng được hiểu là thiên tai, địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp để khắc phục nhưng không thể khắc phục được.

II. ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT:

1. Hình thức xử phạt: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải chịu một trong các hình thức phạt chính sau đây: Cảnh cáo, phạt tiền.

Hình thức xử phạt chính được áp dụng độc lập hoặc có thể áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung theo quy định của Nghị định số 26/CP.

a. Cảnh cáo: áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nhỏ, lần đầu, do lỗi vô ý, có tình tiết giảm nhẹ. b. Phạt tiền: áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có tính chất, mức độ phải áp dụng hình thức xử phạt tiền. Mức phạt tiền cụ thể đối với từng hành vi vi phạm áp dụng theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 Nghị định số 26/CP.

c. Hình thức xử phạt bổ sung: Ngoài các hình thức phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ vi phạm;

- Tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường (Chỉ áp dụng hình thức phạt bổ sung này đối với các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh đang triển khai và hoạt động được cấp giấy phép môi trường trực tiếp liên quan đến hành vi vi phạm); Khi phát hiện giấy phép về môi trường giả mạo, giấy phép về môi trường được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái quy định của Luật bảo vệ môi trường thì phải lập biên bản thu hồi ngay và thông báo bằng văn bản cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và các tổ chức liên quan biết.

Các hình thức phạt bổ sung trên đây không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức phạt chính trong trường hợp Nghị định số 26/CP có quy định hình thức phạt bổ sung.

d. Biện pháp khác: Ngoài các hình thức xử phạt nói tại khoản a, khoản b, khoản c của điểm này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khác như: Buộc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 26/CP; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục tình trạng ban đầu bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra. Nếu tổ chức, cá nhân không tự nguyện thực hiện thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành. Mọi chi phí cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế do tổ chức, cá nhân vi phạm chịu.

2. Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường:

a. Hết thời hiệu xử phạt.

b. Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có dấu hiệu của tội phạm và cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đã chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

c. Người dưới 14 tuổi, người bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi của mình.

d. Vi phạm trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, trường hợp bất khả kháng.

3. Những hành vi vi phạm đã bị xử phạt theo các Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan, Thương mại, Hàng hải... mà có gây tổn hại về môi trường thì phải bồi thừ thiệt hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Trường hợp vi phạm quy định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khi sử dụng, khai thác khu cảnh quan thiên nhiên thì xử phạt theo Điều 7 Nghị định số 26/CP.

5. Hành vi tẩy xoá, giả mạo, sửa chữa giấy phép về môi trường hoặc hợp lý hoá hồ sơ xin giấy phép về môi trường thì xử phạt theo khoản 2, Điều 10 Nghị định số 26/CP.

6. Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ, thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ quan trọng, hoá chất độc hại, chể phẩm vi sinh vật (gọi chung là hàng hoá) có liên quan đến bảo vệ môi trường nhưng không có giấy phép hoặc không theo đúng nội dung giấy phép thì xử phạt theo Khoản 2, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 26/CP; nếu hàng hoá nói trên không được cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép thì buộc phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 60 ngày. Quá thời hạn trên nếu không thực hiện sẽ bị tịch thu sung công quỹ hoặc tiêu huỷ.

Trường hợp vi phạm quy định về giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu các chế phẩm sinh học hoặc hoá học, chất phóng xạ, các loại động vật, thực vật, nguồn gien có liên quan đến bảo vệ môi trường thì xử phạt theo Điều 10 Nghị định số 26/CP.

7. Trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống, khắc phục sự cố môi trường trong chế biến, tàng trữ dầu khí thì xử phạt theo Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 26/CP.

8. Trường hợp vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khi đặt các điểm tập trung, bãi chứa, nơi xử lý rác thì xử phạt theo khoản 3, Điều 15 Nghị định số 26/CP.

9. Trường hợp vi phạm quy định về đốt pháo hoa thì xử phạt theo khoản 2, Điều 18 Nghị định số 26/CP.

III. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

1. Thanh tra viên chuyên ngành khoa học, công nghệ và môi trường thuộc các tổ chức thanh tra: Thanh tra sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thanh tra Cục Môi trường và Thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang thi hành công vụ thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 26/CP.

2. Chánh thanh tra chuyên ngành Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chánh thanh tra sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường) thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 26/CP.

a. Đối với những hành vi có tình tiết phức tạp hoặc áp dụng hình phạt bổ sung mà tang vật, phương tiện và công cụ vi phạm bị tịch thu hoặc phải tiêu huỷ có giá trị trên 15 triệu đồng thì gửi hồ sơ và báo cáo cho Chánh Thanh tra Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Sau khi có sự hướng dẫn của Chánh Thanh tra Bộ thì mới ra quyết định xử phạt.

b. Đối với những vụ vi phạm áp dụng hình thức phạt tiền trên 10 triệu đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ sang UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh) để Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Hồ sơ vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chuyển sang Chủ tịch UBND tỉnh phải kèm theo bản báo cáo của Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tóm tắt nội dung sự việc và kiến nghị hình thức xử phạt và biện pháp khác.

Sau khi có quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh thanh tra Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt.

3. Chánh thanh tra Cục Môi trường thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 3, Điều 20 Nghị định số 26/CP.

a) Đối với những vụ vi phạm có tính tiết phức tạp hoặc áp dụng hình phạt bổ sung mà tang vật, phương tiện và công cụ vi phạm bị tịch thu hoặc tiêu huỷ trên 25 triệu đồng thì gửi hồ sở báo cáo cho Chánh thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sau khi có sự hướng dẫn của Chánh thanh tra Bộ mới ra quyết định xử phạt.

b) Đối với những hành vi vi phạm áp dụng hình thức xử phạt tiền trên 20 triệu đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ đến UBND tỉnh nơi xảy ra vi phạm hoặc UBND tỉnh nơi tổ chức gây ra vi phạm đóng trụ sở để Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.

Hồ sơ vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chuyển đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải kèm theo báo cáo tóm tắt nội dung sự việc, kiến nghị hình thức xử phạt, biện pháp khác và công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.

4. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 3, Điều 20 Nghị định số 26/CP.

a. Chánh thanh tra Bộ xử phạt những hành vi vi phạm do các Đoàn thanh tra bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra quyết định thành lập, các Đoàn thanh tra bảo vệ môi trường do Chánh thanh tra Bộ ra quyết định thành lập và Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ phát hiện và kiến nghị xử phạt; xem xét ra quyết định xử phạt những vi phạm theo kiến nghị của Chánh thanh tra Cục Môi trường.

Xử phạt những hành vi vi phạm theo Chỉ thị của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên.

b. Đối với những hành vi vi phạm áp dụng hình thức phạt tiền trên 20 triệu đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ đến UBND tỉnh nơi xẩy ra vi phạm hoặc UBND tỉnh nơi tổ chức gây ra vi phạm đóng trụ sở để Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.

Hồ sơ vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh phải kèm theo báo cáo tóm tắt nội dung sự việc, kiến nghị hình thức xử phạt, các biện pháp khác và công văn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Chánh Thanh tra sở tổ chức thực hiện quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh.

5. Chủ tịch UBND các cấp thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 20 Nghị định số 26/CP.

a. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có quyền phạt tiền đến 200.000 đồng; tịch thu hoặc tiêu huỷ tang vật, phương tiện và công cụ vi phạm có giá trị đến 500.000 đồng. Đối với những vụ vi phạm áp dụng hình thức xử phạt trên 200.000 đồng; áp dụng hình phạt bổ sung mà tang vật, phương tiện và công cụ vi phạm bị tịch thu hoặc tiêu huỷ trên 500.000 đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ đến UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Hồ sơ vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chuyển đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh phải kèm theo báo cáo tóm tắt nội dung sự việc và công văn của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đề nghị Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ra quyết định xử phạt.

b. Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có quyền phạt đến 10 triệu đồng. Đối với những hành vi vi phạm áp dụng hình thức xử phạt trên 10 triệu đồng thì Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh làm thủ tục chuyển hồ sơ đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hồ sơ vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường khi chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh phải kèm theo báo cáo tóm tắt nội dung sự việc và công văn của của Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.

6. Các tổ chức thanh tra Nhà nước chuyên ngành và Hải quan thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 26/CP.

IV. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH:

1. Khi xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bằng hình thức cảnh cáo thì không phải lập biên bản vi phạm mà có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có thể ghi ngày có hiệu lực (trong những trường hợp xử phạt đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam tại thời điểm ra quyết định, những trường hợp vì điều kiện thời gian, không gian hoặc những lý do khác không thể thực hiện được quyết định xử phạt trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt).

3. Đối với những trường hợp áp dụng hình thức xử phạt tiền kèm theo biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ vi phạm quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt nhưng đương sự không thực hiện thì phải tổ chức cưỡng chế thu nộp tiền phạt và tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ vi phạm.

4. Chánh thanh tra chuyên ngành Khoa học, Công nghệ và Môi trường các cấp, Chánh thanh tra Cục Môi trường yêu cầu lực lượng Cảnh sát nhân dân phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế theo quy định ở khoản 3, Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

V. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI:

1. Người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần thứ nhất đối với khiếu nại quyết định xử phạt do mình ra quyết định.

2. Chánh thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chánh thanh tra sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Chánh thanh tra Cục Môi trường giải quyết khiếu nại lần 2 đối với các khiếu nại quyết định xử phạt của thanh tra viên thuộc tổ chức Thanh tra cùng cấp. Quyết định giải quyết này là quyết định cuối cùng.

3. Giám đốc sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với quyết định xử phạt của Chánh thanh tra Sở; Cục trưởng cục Môi trưởng giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với quyết định xử phạt của Chánh thanh tra Cục; Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với quyết định xử phạt của Chánh thanh tra Bộ. Quyết định giải quyết này là quyết định cuối cùng.

4. Chủ tịch UBND huyện giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Quyết định giải quyết này là quyết định cuối cùng.

5. Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND huyện. Quyết định giải quyết này là quyết định cuối cùng.

6. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì quyết định của Bộ trưởng là quyết định cuối cùng. Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh không đồng ý với Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì Chủ tịch UBND tỉnh khiếu nại lên Tổng Thanh tra Nhà nước. Quyết định của Tổng thành tra Nhà nước là quyết định cuối cùng.

Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường được giải quyết theo điều 87, 88 và 89 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục trưởng Cục môi trường, Giám đốc sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện nguyên tắc, trình tự xử phạt vi phạm hành chính theo đúng các quy định của pháp luật.

Chánh thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chánh thanh tra Cục Môi trường, Chánh thanh tra sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường cho các tổ chức thanh tra Khoa học, Công nghệ và Môi trường các cấp và thanh tra viên.

2. Việc thu và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thực hiện theo Thông tư số 52/TC/CSTC ngày 12/9/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính.

3. Những thanh tra viên, Thủ trưởng tổ chức thanh tra Khoa học, Công nghệ và Môi trường các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, nếu có hành vi vi phạm nguyên tắc, trình tự xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm hay sách nhiễu, vụ lợi thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật; nếu gây thiệt hại về vật chất cho tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về thanh tra Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để đề xuất Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét quyết định.

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)