Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/1998/NĐ-CP

HÀ Nội, ngày 11 tháng 6 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 41/1998/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 1998 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ KIỂM DỊCH Y TẾ BIÊN GIỚI CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1998 và thay thế Nghị định số 248/TTg ngày 19 tháng 5 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới.

Điều 3. Bộ Y tế và các Bộ có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này để trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

ĐIỀU LỆ
KIỂM DỊCH Y TẾ BIÊN GIỚI CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 41/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ)

Để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người từ nước ngoài truyền vào Việt Nam và làm lây truyền trên lãnh thổ Việt Nam hoặc từ Việt Nam truyền ra nước ngoài, Điều lệ này quy định về kiểm dịch y tế biên giới.

Chương 1:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Kiểm dịch y tế biên giới là kiểm tra y tế để phát hiện các bệnh phải kiểm dịch và để giám sát các bệnh truyền nhiễm đối với người, các phương tiện vận tải khi nhập cảnh, xuất cảnh, những hành lý, hàng hoá, thùng chứa, bưu phẩm, bưu kiện khi nhập khẩu, xuất khẩu phù hợp với các quy định của Điều lệ này và quy định của các điều ước quốc tế về kiểm dịch y tế biên giới mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 2. Bộ Y tế là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kiểm dịch y tế biên giới. Cục kiểm dịch y tế biên giới là cơ quan kiểm dịch y tế biên giới, trực thuộc Bộ Y tế, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới trên địa bàn cả nước. Hệ thống tổ chức cơ quan kiểm dịch y tế biên giới Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 3. Một số từ ngữ dùng trong Điều lệ này được hiểu như sau:

1. "Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới" là cơ quan y tế trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp y tế do Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới quy định tại khu vực phụ trách.

2. "Khu vực kiểm dịch y tế" là khu vực quy định cho người, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh dừng lại để kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới.

3. "Kiểm dịch viên y tế" là người được giao nhiệm vụ trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp y tế trong khu vực phụ trách theo quy định của Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới.

4. ''Kiểm tra y tế'' là việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ y tế đối với người, phương tiện vận tải, và các đối tượng kiểm dịch khác trước khi nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu.

5. "Giám sát bệnh truyền nhiễm" là điều tra, giám sát dịch tễ, huyết thanh, căn nguyên, triệu chứng lâm sàng và đánh giá khả năng phát triển, lây lan trở thành dịch của một bệnh truyền nhiễm.

6. "Điều tra hồi cứu" là dùng phương pháp dịch tễ, xét nghiệm vi sinh vật, huyết thanh để xác định một bệnh phải kiểm dịch, hoặc một bệnh truyền nhiễm đã xảy ra và các nguyên nhân gây bệnh đó.

7. "Véc tơ" là côn trùng y học, động vật gặm nhấm (bao gồm các loài chuột...) mang các tác nhân gây bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm cho người.

8. "Biện pháp xử lý y tế" gồm các biện pháp tiêm chủng, cách ly, lưu nghiệm, giám sát, kiểm tra sức khoẻ và các biện pháp vệ sinh như tẩy uế, diệt khuẩn, diệt véc tơ.

9. "Các bệnh phải kiểm dịch": bệnh Dịch hạch, bệnh Tả, bệnh Sốt vàng và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác mới phát sinh theo quy định của Bộ Y tế.

10. "Bệnh truyền nhiễm" là bệnh do tác nhân gây nhiễm khuẩn hoặc độc tố của chúng gây nên có thể lan truyền cho người trực tiếp hoặc gián tiếp qua vật chủ trung gian, qua véc tơ hoặc môi trường.

11. ''Người phụ trách cửa khẩu'' là Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước tại cửa khẩu mà cơ quan đó được chỉ định trực tiếp phụ trách, điều phối hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước khác tại cửa khẩu, tuỳ theo từng cửa khẩu cơ quan đó là hải quan hay công an biên phòng.

12. ''Cơ quan quản lý Nhà nước tại cửa khẩu'' là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về các mặt tại cửa khẩu, bao gồm hải quan, công an biên phòng, kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch y tế,...và các cơ quan khác theo quy định của Nhà nước.

Điều 4.

1. Đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế:

Mọi người, mọi phương tiện vận tải và những vật thể có khả năng mang bệnh, truyền bệnh từ vùng đang có hoặc lưu hành bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu đều phải chịu sự giám sát của cơ quan kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu nơi nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu. Trong trường hợp bị cơ quan kiểm dịch y tế phát hiện đang nhiễm hoặc mang véc tơ làm lây truyền bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định tại Điều lệ này thì phải chịu sự kiểm dịch tại khu vực kiểm dịch.

Trước khi làm thủ tục, cơ quan kiểm dịch y tế thông báo kịp thời cho các cơ quan kiểm dịch động, thực vật ở tại cửa khẩu biên giới phối hợp cùng tiến hành các thủ tục kiểm dịch của mỗi cơ quan để không làm ảnh hưởng đến nội dung kiểm dịch của từng ngành.

Khi phương tiện vận tải phải kiểm dịch thì mọi người trên phương tiện vận tải (lái xe, lái tàu, thuyền viên...và hành khách) và những vật thể có khả năng mang bệnh, truyền bệnh có trên phương tiện vận tải đó đều phải được kiểm dịch.

2. Trình tự và thể thức kiểm dịch y tế biên giới do Bộ Y tế quy định.

Điều 5. Việc vận chuyển thi hài, hài cốt qua biên giới phải được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới kiểm tra y tế và cấp giấy chứng nhận.

Trình tự và thể thức kiểm tra y tế do Bộ Y tế quy định.

Điều 6. Các sản phẩm đặc biệt như vi khuẩn y học, vi rút y học, các sản phẩm sinh y học, các mô, các tổ chức của cơ thể người, máu và các thành phần của máu người phải được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch mới được nhập khẩu, xuất khẩu.

Trình tự và thể thức kiểm tra y tế do Bộ Y tế quy định.

Điều 7. Khu vực kiểm dịch y tế tại cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sông, đường hàng không, đường biển do cơ quan quản lý cửa khẩu biên giới phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế biên giới thống nhất quy định.

Điều 8. Kiểm dịch viên y tế trong khi thi hành nhiệm vụ kiểm dịch phải mang thẻ kiểm dịch và trang phục có phù hiệu theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 9. Kiểm dịch đối với các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự và các đối tượng đặc biệt khác thực hiện theo hướng dẫn của liên bộ Y tế và Ngoại giao.

Chương 2:

KIỂM DỊCH Y TẾ NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH.

Điều 10. Trước khi vào khu vực kiểm dịch 24 giờ đối với tàu thuỷ, thuyền, trước giờ khởi hành đối với tàu hoả, ô tô, trước khi tàu bay cất cánh 30 phút, ngay sau khi tàu bay hạ cánh, chủ sở hữu phương tiện hoặc người đại diện cho chủ sở hữu phải thông báo cho cơ quan kiểm dịch y tế biên giới những tài liệu, thông tin sau:

1. Tên, quốc tịch, lịch trình của phương tiện vận tải;

2. Số hành khách, thành viên trên phương tiện vận tải;

3. Bản khai y tế theo mẫu quy định (đối với người trên phương tiện vận tải).

Điều 11. Người phụ trách cửa khẩu, chủ các phương tiện vận tải đỗ tại cửa khẩu hoặc người đại diện, nếu phát hiện có bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải thông báo ngay với cơ quan kiểm dịch y tế biên giới hoặc cơ quan y tế cảng vụ bằng các phương tiện nhanh nhất sau đó phải báo cáo chính thức bằng văn bản.

Điều 12. Quy định tín hiệu cho tàu thuỷ, thuyền khi nhập cảnh như sau:

1. Nếu là ban ngày thì tàu thuỷ, thuyền phải treo tín hiệu bằng cờ:

a) Cờ chữ "Q" báo hiệu tàu thuỷ, thuyền không có bệnh kiểm dịch và yêu cầu được kiểm dịch nhập cảnh.

b) Cờ chữ "QQ" báo hiệu tàu thuỷ, thuyền nghi có bệnh kiểm dịch.

c) Cờ chữ "QL" báo hiệu tàu thuỷ, thuyền có bệnh kiểm dịch.

2. Nếu là ban đêm thì tàu thủy, thuyền treo tín hiệu bằng đèn đỏ và trắng cách nhau 2m theo chiều dọc trên một cột buồm đằng trước:

a) Một đèn đỏ báo hiệu tàu thuỷ, thuyền không có bệnh kiểm dịch và yêu cầu được kiểm dịch nhập cảnh.

b) Hai đèn đỏ báo hiệu tàu thuỷ, thuyền nghi có bệnh kiểm dịch.

c) Một đèn đỏ và một đèn trắng báo hiệu tàu thuỷ, thuyền có bệnh kiểm dịch.

Điều 13. Những tàu thuỷ, thuyền cần được kiểm dịch nhập cảnh phải treo tín hiệu kiểm dịch như đã quy định ở điều 12 và phải đợi kiểm dịch ở khu vực kiểm dịch. Khi chưa được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập cảnh thì không được hạ tín hiệu kiểm dịch xuống.

Điều 14. Trong thời gian tàu thuỷ, thuyền còn phải treo tín hiệu kiểm dịch thì trừ người hoa tiêu và những người có nhiệm vụ công tác đã được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cho phép, không ai được lên hoặc bốc dỡ hàng hoá trên tàu thuỷ, thuyền. Những nhân viên vận tải và hành khách không được rời khỏi tàu thuỷ, thuyền và không được giao dịch với các tàu thuỷ, thuyền khác trừ trường hợp gặp tai nạn.

Điều 15. Những phương tiện vận tải nhập cảnh vì hư hỏng hoặc vì lý do khác không thể đến khu vực kiểm dịch y tế quy định thì chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện phải báo ngay cho cơ quan kiểm dịch y tế biên giới biết.

Điều 16. Trong khi tiến hành kiểm dịch nhập cảnh, xuất cảnh, kiểm dịch viên y tế yêu cầu chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện xuất trình những giấy tờ cần thiết và bản khai sức khoẻ của nhân viên vận tải và của hành khách theo mẫu quy định của cơ quan kiểm dịch y tế biên giới.

Điều 17. Căn cứ vào kết quả kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập cảnh cho người và phương tiện vận tải đã kiểm dịch. Giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ những biện pháp xử lý đối với người và phương tiện vận tải đó.

Điều 18. Khi phương tiện vận tải được kiểm dịch thì chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện phải thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm dịch viên thực hiện công tác kiểm dịch trên phương tiện vận tải của mình.

Chương 3:

BIỆN PHÁP XỬ LÝ Y TẾ

Điều 19. Khi phát hiện đối tượng nhập cảnh, xuất cảnh đang bị nhiễm hoặc mang véc tơ làm lây truyền bệnh phải kiểm dịch, hoặc bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì cơ quan kiểm dịch y tế biên giới bắt buộc lưu nghiệm hoặc buộc phải thi hành những biện pháp xử lý y tế cần thiết đối với các đối tượng đó.

Điều 20. Trong trường hợp phát hiện trên phương tiện vận tải mang véc tơ làm lây truyền bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì cơ quan kiểm dịch y tế biên giới buộc chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện và chủ hàng hoá hay người đại diện của chủ hàng hoá đó phải thi hành những biện pháp xử lý y tế, đồng thời báo cho Thủ trưởng cơ quan quản lý cửa khẩu nơi đó biết. Sau khi phương tiện vận tải thực hiện đầy đủ những biện pháp xử lý đã quy định thì cơ quan kiểm dịch y tế cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Điều 21. Khi phương tiện vận tải nước ngoài tới cửa khẩu Việt Nam mà chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện không thi hành những biện pháp xử lý y tế thì cơ quan kiểm dịch y tế từ chối thực hiện các thủ tục y tế nhập cảnh và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phương tiện vận tải đó rời ngay khỏi cửa khẩu của Việt Nam, không được đỗ lại tại bất cứ nơi nào thuộc lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Trong trường hợp đặc biệt chưa rời ngay được thì phải thi hành những biện pháp y tế do cơ quan kiểm dịch y tế biên giới quy định.

Điều 22. Khi tiến hành những biện pháp xử lý y tế, người có trách nhiệm xử lý y tế phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Không gây tổn hại đến sức khoẻ của người hoặc làm hại đến súc vật có trên phương tiện vận tải;

2. Không làm hại đến các bộ phận máy móc và kiến trúc của phương tiện vận tải;

3. Không gây ra hỏa hoạn;

4. Không làm hư hỏng hành lý, hàng hoá, biến dạng bao bì, thay đổi màu sắc nhãn mác hàng hoá.

Khi thi hành biện pháp xử lý y tế mà gây thiệt hại cho người và phương tiện thì cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Pháp luật.

Điều 23. Những bưu kiện, báo chí, sách vở và những vật phẩm ấn loát khác gửi bằng bưu kiện thì không phải xử lý y tế trừ trường hợp những bưu kiện đó bị cơ quan kiểm dịch y tế biên giới nghi là nguồn truyền bệnh.

Điều 24. Mọi đồ vật đã sử dụng, đồ vật phế thải có hiện tượng rõ ràng chứng tỏ có thể làm lây truyền bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm đều phải xử lý y tế trước khi nhập khẩu, xuất khẩu.

Điều 25. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới không cần thi hành các biện pháp xử lý y tế đối với những phương tiện vận tải đã được xử lý y tế ở cửa khẩu trước đó, các phương tiện vận tải quá cảnh Việt Nam mà không thay đổi người, hàng hoá trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:

1. Bất ngờ phát hiện có dấu hiệu nhiễm bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên phương tiện vận tải hoặc tại cửa khẩu;

2. Những biện pháp xử lý y tế tại cửa khẩu trước đó không có kết quả.

Điều 26. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới sẽ thi hành những biện pháp xử lý y tế với bất kỳ phương tiện vận tải nào khi nhập cảnh, xuất cảnh nếu phương tiện đó:

1. Đến từ khu vực có bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

2. Có người nhiễm bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

3. Có véc tơ vượt quá giới hạn cho phép;

Bộ Y tế quy định cụ thể giới hạn véc tơ cho phép đối với từng bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Điều 27. Đối với người đang mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh phải kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phải thi hành những biện pháp sau:

1. Cách ly, điều trị người đang mắc bệnh tại địa điểm quy định cho đến khi khỏi bệnh hoặc không còn khả năng lây lan bệnh;

2. Lưu nghiệm những người nghi mắc bệnh phải kiểm dịch, thời gian lưu nghiệm không vượt quá thời gian ủ bệnh của bệnh đó. Khi phát hiện có bệnh phải kiểm dịch trong số những người lưu nghiệm thì những người mắc bệnh phải được cách ly và điều trị.

Điều 28. Người trên phương tiện vận tải mà phương tiện vận tải đó có bệnh, hoặc nghi có bệnh phải kiểm dịch, hoặc đi từ vùng có bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới, phải đến kiểm tra sức khoẻ tại cơ quan y tế nơi cư trú theo kỳ hạn ghi trong giấy theo dõi sức khoẻ do cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp; đồng thời cơ quan kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan y tế nơi người đó đến cư trú.

Điều 29.

1. Tàu thuỷ, thuyền qua lại biên giới phải tiến hành diệt chuột 6 tháng một lần.

2. Việc kiểm tra và diệt chuột phải tiến hành trong lúc phương tiện vận tải không có hàng hoá. Trong trường hợp đặc biệt, phương tiện có chứa hàng hoá mà không thể dỡ hàng hoá ra được thì cơ quan kiểm dịch y tế biên giới quyết định gia hạn diệt chuột thêm một tháng nữa và ghi quyết định đó vào giấy chứng nhận diệt chuột cũ.

3. Trong trường hợp kiểm tra không phát hiện các dấu hiệu chứng tỏ có chuột trên tàu thuỷ, thuyền, cơ quan kiểm dịch y tế biên giới có thể cấp giấy chứng nhận miễn diệt chuột.

Điều 30. Sau khi đã tiến hành diệt chuột hay đã quyết định miễn diệt chuột, thì cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp cho chủ phương tiện vận tải giấy chứng nhận diệt chuột hoặc miễn diệt chuột. Giấy chứng nhận diệt chuột, miễn diệt chuột có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.

Điều 31. Mọi phương tiện vận tải khi neo đỗ tại cảng phải thực hiện các biện pháp chống chuột từ cảng lên và ngược lại. Nếu phát hiện chuột chết phải báo ngay cho cơ quan kiểm dịch y tế biên giới biết.

Điều 32.

1. Người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải khai báo sức khoẻ với cơ quan kiểm dịch y tế biên giới. Bộ y tế quy định cụ thể nội dung và thủ tục khai báo sức khỏe.

2. Khi có bệnh phải kiểm dịch hoặc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn ở cửa khẩu Việt Nam, cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phải tiêm chủng phòng bệnh cho người nước ngoài khi họ yêu cầu.

Chương 4:

XỬ LÝ BỆNH PHẢI KIỂM DỊCH

MỤC 1: BỆNH DỊCH HẠCH

Điều 33.

1. Những phương tiện vận tải bị coi là có bệnh dịch hạch khi ở trên phương tiện đó xảy ra một trong các trường hợp:

a) Có người đang mắc bệnh dịch hạch;

b) Có loài gặm nhấm đang mắc bệnh dịch hạch;

c) Có người phát bệnh dịch hạch sau khi họ lên phương tiện vận tải đó quá 6 ngày.

2. Các biện pháp xử lý y tế đối với phương tiện vận tải bị coi là có nguồn bệnh dịch hạch:

a) Cách ly, điều trị người mắc bệnh;

b) Diệt véc tơ và theo dõi người nghi bệnh trong vòng 6 ngày kể từ ngày tới cửa khẩu biên giới;

c) Những người mà cơ quan kiểm dịch y tế biên giới kết luận có mang mầm bệnh thì phải lưu nghiệm trong 6 ngày. Trong thời gian đó những người khác trên phương tiện vận tải không được rời khỏi phương tiện vận tải hoặc khu vực kiểm dịch, trừ nhân viên làm công tác nghiệp vụ đã được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới đồng ý. Trường hợp phương tiện vận tải là ô tô, xe hoả thì những người này được di chuyển đến nơi quy định;

d) Nếu có người mắc bệnh dịch hạch thể phổi hoặc đã có người mắc bệnh dịch hạch thể phổi trong thời gian 6 ngày tính từ ngày được kiểm dịch nhập cảnh trở về trước thì mọi hành khách và nhân viên vận tải phải cách ly 6 ngày;

e) Tất cả hành lý, đồ dùng, chăn, màn, chiếu, chỗ ở của người mắc bệnh hoặc nghi bệnh phải tiến hành diệt véc tơ, khử khuẩn;

f) Diệt chuột trên toàn bộ phương tiện vận tải. Trong trường hợp đặc biệt không thể tiến hành diệt chuột trên toàn bộ phương tiện vận tải thì thực hiện biện pháp cần thiết ngăn không cho chuột ra ngoài;

g) Việc bốc dỡ hàng phải được tiến hành dưới sự giám sát của cơ quan kiểm dịch y tế biên giới;

h) Những người bốc dỡ hàng phải được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới theo dõi sức khoẻ hay lưu nghiệm trong thời gian 6 ngày kể từ ngày bốc hàng xong.

Điều 34.

1. Những phương tiện vận tải bị nghi có nguồn bệnh dịch hạch nếu trên đó xảy ra một trong những hiện tượng sau:

a) Có người mắc bệnh dịch hạch hoặc có người bị phát bệnh dịch hạch sau khi họ đã lên phương tiện vận tải đó được 6 ngày;

b) Có loài gặm nhấm chết bất thường mà không rõ nguyên nhân;

c) Có người trên tàu đi từ vùng có dịch hạch thể phổi tới mà chưa được cách ly kể từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng dịch đó.

2. Biện pháp xử lý y tế đối với phương tiện vận tải nghi là có bệnh dịch hạch được thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, e, f, g khoản 2 Điều 33 của Điều lệ này.

Điều 35. Đối với phương tiện vận tải không phát bệnh dịch hạch nhưng đi từ vùng có bệnh dịch hạch tới:

a) Trong trường hợp có người nghi bị mắc bệnh dịch hạch thì phải lưu nghiệm hay theo dõi bệnh đối với người đó trong 6 ngày kể từ ngày phương tiện vận tải đó rời khỏi nơi có dịch. Trong thời gian này, mọi người trên phương tiện vận tải không được lên bờ trừ nhân viên làm công tác nghiệp vụ cần thiết đã được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới đồng ý.

b) Trường hợp cần thiết cơ quan kiểm dịch y tế biên giới buộc chủ phương tiện vận tải phải thực hiện quy định tại điểm f khoản 2 điều 33 của Điều lệ này.

MỤC 2: BỆNH TẢ

Điều 36.

1. Những phương tiện vận tải bị coi là có nguồn bệnh tả khi có người mắc bệnh tả hoặc trong 5 ngày trước khi đến đã phát sinh bệnh tả trên phương tiện vận tải đó.

2. Biện pháp xử lý đối với phương tiện vận tải có bệnh tả:

a) Người mắc bệnh phải được cách ly và điều trị;

b) Tất cả thực phẩm, hành lý, đồ dùng, chăn chiếu, chỗ ở, nước ăn, nước sinh hoạt của người mắc bệnh hoặc có khả năng mắc bệnh tả phải tiến hành diệt khuẩn;

c) Phân, rác, nước đáy khoang, nước dằn tàu, nước thừa, nước bẩn nếu chưa được khử khuẩn thì không được phép đổ ra ngoài;

d) Việc bốc dỡ hàng hoá phải được tiến hành dưới sự giám sát của cơ quan kiểm dịch y tế biên giới;

e) Những người bốc dỡ hàng phải được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới theo dõi sức khoẻ hay lưu nghiệm trong thời gian 5 ngày kể từ ngày bốc dỡ hàng xong.

Điều 37.

1. Những phương tiện vận tải bị nghi có nguồn bệnh tả khi có người mắc bệnh tả ở trên đó nhưng trong 5 ngày trước khi đến bệnh không phát nữa.

2. Biện pháp xử lý đối với phương tiện vận tải nghi là có nguồn bệnh tả được thực hiện theo quy định tại điểm b, c, d khoản 2, Điều 36 của Điều lệ này.

MỤC III: BỆNH SỐT VÀNG

Điều 38. Khi trên phương tiện vận tải có người mắc bệnh sốt vàng hoặc có muỗi Aedes aegypti (Stegomya fasciata), hoặc các phương tiện đi từ khu vực có dịch sốt vàng tới thì các phương tiện vận tải đó buộc phải dừng lại tại khu vực kiểm dịch và buộc phải triển khai các biện pháp xử lý y tế.

Điều 39. Tất cả mọi người từ vùng có dịch sốt vàng nhập cảnh Việt Nam phải có giấy chứng nhận tiêm vắc xin sốt vàng có giá trị. Người không có giấy chứng nhận tiêm vắc xin sốt vàng hoặc giấy chứng nhận không có giá trị thì phải lưu nghiệm 6 ngày kể từ ngày rời khỏi vùng lưu hành dịch.

Điều 40. Tất cả phương tiện vận tải khởi hành từ vùng đang có hoặc lưu hành dịch sốt vàng khi nhập cảnh Việt Nam phải xuất trình giấy chứng nhận đã diệt muỗi.

Điều 41.

1. Những phương tiện vận tải được coi là có bệnh sốt vàng khi có người bị bệnh sốt vàng hoặc trong 6 ngày trước khi đến đã phát sinh bệnh sốt vàng trên phương tiện vận tải đó.

2. Các biện pháp xử lý y tế đối với phương tiện vận tải có nguồn bệnh sốt vàng:

a) Cách ly và điều trị người bệnh;

b) Phải lưu nghiệm 6 ngày những người muốn rời khỏi phương tiện vận tải mà không có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin sốt vàng;

c) Đỗ cách xa bờ và các phương tiện vận tải khác ít nhất 400m và phải diệt muỗi trên phương tiện vận tải;

d) Chỉ bốc dỡ hàng sau khi đã diệt muỗi;

e) Những người bốc dỡ hàng phải được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới theo dõi về sức khoẻ, nếu cần thì lưu nghiệm 6 ngày kể từ ngày làm việc xong.

Điều 42.

1. Những phương tiện vận tải bị nghi có nguồn bệnh sốt vàng trong trường hợp sau đây:

a) Phương tiện vận tải mới rời khỏi vùng có bệnh sốt vàng lưu hành chưa quá 6 ngày;

b) Phương tiện vận tải rời khỏi vùng có bệnh sốt vàng lưu hành đã quá 6 ngày nhưng chưa được 30 ngày mà thấy có muỗi Aedes aegypti (Stegomya fasciata);

c) Tàu bay khởi hành từ vùng có bệnh sốt vàng lưu hành mà không có giấy chứng nhận đã diệt muỗi hoặc đã có nhưng không đúng quy định hoặc tìm thấy muỗi Aedes aegypti (Stegomya fasciata).

2. Biện pháp xử lý đối với phương tiện vận tải bị coi là mang nguồn bệnh sốt vàng được thực hiện theo quy định tại điểm b, c, d khoản 2, Điều 41 của Điều lệ này.

Chương 5:

GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 43. Nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm:

1. Điều tra từng chỉ số liên quan;

2. Điều tra dịch tễ các vụ dịch bệnh;

3. Điều tra nguồn truyền nhiễm;

4. Điều tra hồi cứu các bệnh truyền nhiễm xảy ra bên trong các cửa khẩu biên giới;

5. Phân lập mầm bệnh, xác định căn nguyên, điều tra dịch tễ, huyết thanh ở những nhóm người, nhóm động vật liên quan;

6. Điều tra véc tơ, thực phẩm, nước uống và những yếu tố môi trường liên quan;

7. Theo dõi, đánh giá kết quả khử khuẩn, diệt véc tơ, diệt chuột;

8. Thu thập, phân tích và thông báo những thông tin dịch tễ về các bệnh truyền nhiễm tới các cửa khẩu biên giới, các cơ quan liên quan trong nước;

9. Kiểm tra sức khoẻ cho các nhóm đối tượng cần giám sát và kiểm soát những người mắc bệnh, có khả năng mắc bệnh truyền nhiễm;

10. Hướng dẫn, tư vấn cách điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm.

Điều 44.

1. Người bị nhiễm HIV/AIDS, người mắc một trong các bệnh lậu, giang mai, bệnh lao phổi đang tiến triển khi nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo cho cơ quan kiểm dịch y tế biên giới;

2. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi người nhập cảnh đến cư trú, làm việc để tư vấn, hướng dẫn và điều trị cho người đó.

Điều 45. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới có quyền yêu cầu người nhập cảnh, xuất cảnh khai báo sức khoẻ và phải xuất trình phiếu tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ trong trường hợp cần thiết.

Bộ Y tế quy định những trường hợp phải xuất trình phiếu tiêm chủng hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ.

Điều 46. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới thực hiện giám sát y tế và các biện pháp phòng bệnh đối với:

1. Những người nhập cảnh, xuất cảnh đang ở tại khách sạn, nhà khách phục vụ người nhập cảnh, xuất cảnh ở cửa khẩu;

2. Những nhân viên phục vụ tại các cơ sở nêu tại khoản 1 điều này.

Điều 47.

1. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp phiếu theo dõi sức khoẻ cho người đi từ vùng đang có bệnh phải kiểm dịch đến các vùng khác.

2. Khi người có phiếu theo dõi sức khoẻ đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào của Nhà nước để kiểm tra sức khoẻ thì cơ sở y tế đó phải ưu tiên khám trước cho họ.

3. Nếu họ bị mắc hoặc nghi mắc bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì cơ sở khám chữa bệnh đó áp dụng ngay các biện pháp y tế cần thiết và thông báo ngay cho cơ quan kiểm dịch y tế cấp phiếu đó.

Điều 48.

1.Công dân Việt Nam ở nước ngoài từ 1 năm trở lên, người nước ngoài nhập cảnh để cư trú ở Việt Nam từ 1 năm trở lên khi nhập cảnh phải xuất trình với cơ quan kiểm dịch y tế giấy chứng nhận sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền. Trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận sức khỏe, người nhập cảnh phải đến cơ quan y tế có thẩm quyền để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sức khoẻ theo hướng dẫn của cơ quan kiểm dịch y tế biên giới.

Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra giấy chứng nhận sức khoẻ với các đối tượng quy định tại khoản này.

2. Những nhân viên vận tải Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới đều phải có giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp để làm thủ tục nhập cảnh hoặc xuất cảnh.

Điều 49.

1. Khách sạn, các cơ sở dịch vụ, các phương tiện vận tải hoạt động tại cửa khẩu phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế;

2. Các cơ quan tại cửa khẩu phải thực hiện những biện pháp cần thiết để phòng chống véc tơ;

3. Rác, chất thải trong khu vực cửa khẩu phải được xử lý để đảm bảo vệ sinh.

Điều 50. Chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện phải thực hiện:

1. Bảo đảm vệ sinh trên phương tiện vận tải;

2. Trang bị đầy đủ hoá chất diệt khuẩn, diệt véc tơ;

3. Thi hành các biện pháp xử lý y tế theo chỉ dẫn và giám sát của cơ quan kiểm dịch y tế.

Điều 51. Yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm:

1. Thực phẩm, nước ăn dùng tại cửa khẩu, trên các phương tiện vận tải quốc tế phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định;

2. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới định kỳ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cửa khẩu và trên các phương tiện vận tải quốc tế;

3. Khách sạn phục vụ người nhập cảnh, xuất cảnh tại cửa khẩu, cơ sở cung cấp thực phẩm, nước ăn cho các phương tiện vận tải quốc tế phải đạt các yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh được cơ quan kiểm dịch y tế biên giới xác nhận trước khi hoạt động;

4. Khi cơ quan kiểm dịch y tế biên giới xác định thực phẩm, nước ăn, uống có dấu hiệu nhiễm bẩn hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải tiêu huỷ và thực hiện ngay các biện pháp xử lý y tế;

5. Nhân viên phục vụ ở các cơ sở phục vụ người nhập cảnh, xuất cảnh tại cửa khẩu và trên phương tiện vận tải quốc tế phải có giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan kiểm dịch y tế biên giới cấp. Giấy chứng nhận sức khoẻ có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp;

6. Việc kiểm dịch y tế đối với thực phẩm, đồ uống, thức ăn tại các khách sạn, nhà hàng, phục vụ người nhập cảnh, xuất cảnh, trên các phương tiện vận tải do cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phối hợp với cơ quan y tế chuyên ngành tại cảng vụ thực hiện.

Chương 6:

BÁO CÁO VÀ THÔNG BÁO

Điều 52.

1. Khi phát hiện có dấu hiệu của các bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì trong vòng 24 giờ Thủ trưởng cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phải báo cáo cho Bộ Y tế (Cục kiểm dịch y tế biên giới) biết về: địa điểm, số trường hợp mắc bệnh đầu tiên và các biện pháp xử lý đã áp dụng.

2. Cứ 24 giờ báo cáo lên Bộ Y tế (Cục kiểm dịch y tế biên giới) một lần về diễn biến của bệnh dịch cho đến khi hết dịch.

Điều 53.

1. Khi phát hiện có bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo trong nước và thông báo quốc tế tình hình dịch bệnh;

2. Khi có bệnh phải kiểm dịch hoặc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn mạnh ở một hoặc một số khu vực trong nước hoặc ở nước ngoài, Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp phòng dịch sau đây:

a) Ra lệnh phong toả vùng đang có dịch ở trong nước;

b) Cấm nhập cảnh, xuất cảnh đối với người, phương tiện vận tải và các đối tượng kiểm dịch khác từ vùng đang có dịch;

c) Cấm nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá, vật phẩm, động vật, thực vật, bưu kiện, đồ uống, thực phẩm có khả năng làm lây truyền dịch từ vùng đang có dịch;

d) Các phương tiện vận tải từ vùng có dịch đến phải được kiểm dịch tại cửa khẩu đầu tiên, và phải xử lý y tế, được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì mới được di chuyển đến địa điểm khác.

3. Khi dịch bệnh chấm dứt, Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo trong toàn quốc và với quốc tế về việc chấm dứt dịch bệnh.

Một khu vực được coi là hết dịch nếu đủ các điều kiện sau:

a) Đối với bệnh dịch hạch, bệnh tả sau thời gian 6 ngày kể từ khi truờng hợp cuối cùng xảy ra và không còn dấu hiệu lây truyền bệnh;

b) Đối với bệnh sốt vàng không do muỗi Aedes aegypti truyền, sau 3 tháng mà không có dấu hiệu về sự hoạt động của vi rút sốt vàng;

c) Đối với bệnh sốt vàng do muỗi Aedes aegypti truyền, sau 1 tháng kể từ khi xảy ra trường hợp cuối cùng.

Chương 7:

LỆ PHÍ KIỂM DỊCH

Điều 54. Khi phải kiểm dịch hoặc phải thi hành các biện pháp xử lý y tế thì người, chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh hoặc người đại diện phải nộp lệ phí kiểm dịch. Liên Bộ Tài chính - Y tế quy định cụ thể về mức thu lệ phí kiểm dịch y tế biên giới và việc quản lý sử dụng nguồn lệ phí này.

Điều 55. Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới báo trước cho chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện và những người nhập cảnh, xuất cảnh các khoản lệ phí mà họ phải nộp và trao lại cho họ chứng từ sau khi đã thu các khoản lệ phí đó.

Biểu mức lệ phí phải được niêm yết tại các cơ quan kiểm dịch y tế biên giới.

Khi có thay đổi giá biểu lệ phí, cơ quan kiểm dịch y tế biên giới phải thông báo cho các đối tượng kiểm dịch trước khi thực hiện 15 ngày.

Chương 8:

XỬ LÝ VI PHẠM, KHIẾU NẠI

Điều 56. Người nào vi phạm những quy định tại Điều lệ này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 57. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định của kiểm dịch viên thì có quyền khiếu nại với cơ quan kiểm dịch y tế tại nơi đó, nếu không đồng ý với quyết định của người phụ trách cơ quan kiểm dịch y tế biên giới thì đương sự có quyền khiếu nại lên Thủ trưởng cơ quan kiểm dịch y tế biên giới hoặc Toà án có thẩm quyền. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp trên, đương sự vẫn phải thi hành quyết định của cơ quan kiểm dịch.