Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

CHÍNH PHỦ

- Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

- Căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

- Căn cứ vào Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1

Bộ Quốc phòng là cơ quan của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực Quốc phòng trong phạm vi cả nước; và tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý, chỉ huy quân đội nhân dân, dân quân tự vệ nhằm củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 2

Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Xây dựng chiến lược quốc phòng, kế hoạch phòng thủ đất nước và các kế hoạch sử dụng nhân lực, bảo đảm ngân sách, phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn; chủ trì phối hợp với các Bộ và hướng dẫn ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện các vấn đề nói trên.

Nghiên cứu, kiến nghị các yêu cầu kết hợp kinh tế với Quốc phòng trong chiến lược, qui hoạch tổng thể và các chính sách lớn về kinh tế - xã hội trong cả nước, các qui hoạch kinh tế theo ngành, vùng lãnh thổ và các dự án lớn, quan trọng về kinh tế có liên quan đến quốc phòng; tham gia thẩm định các qui hoạch, kế hoạch và các dự án về kinh tế - xã hội do các ngành, các địa phương chuẩn bị có liên quan đến quốc phòng.

Nghiên cứu, kiến nghị các nhu cầu quốc phòng cần huy động trong thời chiến tổng hợp vào kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân.

2. Trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp qui và các chính sách, chế độ về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân, dân quân tự vệ.

Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn việc thực hiện luật, pháp lệnh, các quyết định của Chủ tịch nước, của Hội đồng quốc phòng an ninh, các văn bản pháp qui của Chính phủ về lĩnh vực quốc phòng; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác quốc phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương

3. Thi hành các biện pháp để thực hiện lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước; phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện.

4. Thực hiện việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật.

5. Thường xuyên nắm chắc tình hình liên quan đến Quốc phòng an ninh, xử lý và báo cáo với cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.

6. Chỉ đạo việc tổ chức, trang bị, huấn luyện và các hoạt động của dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên; thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân các cấp xây dựng khu vực phòng thủ và các phương án xử lý tình huống; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chỉ đạo các đơn vị quân đội và dân quân tự vệ chống địch tập kích và tham gia phòng chống các hoạt động phá hoại, gây rối, bạo loạn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc; quản lý việc bảo vệ bí mật Nhà nước về quốc phòng.

8. Xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức quản lý nội dung nghiên cứu khoa học, huy động lực lượng làm công tác khoa học công nghệ trong và ngoài quân đội để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng.

9. Chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện công tác giáo dục quốc phòng theo quy định của Chính phủ và tham gia vận động phong trào nhân dân thực hiện nghĩa vụ quốc phòng.

10. Xây dựng và quản lý các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự, các cơ sở quốc phòng kết hợp làm kinh tế trong các đơn vị quân đội nhân dân theo quy định của Chính phủ; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp phát huy nền công nghiệp của đất nước kết hợp với xây dựng công nghiệp quốc phòng và triển khai việc chuẩn bị động viên công nghiệp phục vụ yêu cầu khi có chiến tranh.

11. Quản lý đất chuyên dùng cho quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai và quản lý việc bảo vệ môi trường có liên quan đến quốc phòng.

12. Quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật quân sự, chất nổ, vật liệu nổ trong quân đội và dân quân tự vệ; tham gia với Bộ Nội vụ quản lý việc trang bị vũ khí cho các tổ chức và cá nhân ngoài lực lượng vũ trang; phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý chất nổ, vật liệu nổ công nghiệp do các xí nghiệp quốc phòng sản xuất.

13. Đào tạo, bổi dưỡng đôị ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy, cán bộ nhân viên chuyên môn - kỹ thuật quân sự, cán bộ làm công tác quốc phòng ở các Bộ, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hôi và các tổ chức kinh tế. Sắp xếp, sử dụng và bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động trong lĩnh vực quân sự đối với cán bộ được huy động phục vụ quân đội.

14. Chỉ đạo công tác tổ chức, biên chế và xây dựng các đơn vị quân đội nhân dân; Quyết định về tổ chức, biên chế và xây dựng các đơn vị quân đội thuộc thẩm quyền của Bộ; Quyết định việc tuyển dụng, sắp xếp, điều động, sử dụng, phong, thăng quân hàm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ theo quy định của Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản pháp luật có liên quan khác; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, thực hiện các chính sách hậu phương quân đội.

15. Chỉ đạo và quản lý hoạt động đối ngoại quân sự. Quản lý các Tùy viên quân sự của Việt Nam tại nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Trình Chính phủ các kiến nghị về tham gia, ký kết, phê duyệt các điều ước quốc tế, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về lĩnh vực quốc phòng và liên quan đến quốc phòng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Chính phủ theo quy định của pháp luật, và tổ chức chỉ đạo thực hiện.

16. Tổ chức và chỉ đạo công tác điều tra hình sự, công tác thi hành án và việc cải tạo, giam giữ phạm nhân thuộc thẩm quyền của các cơ quan pháp luật trong quân đội; phối hợp với các cơ quan hữu quan quản lý các tòa án quân sự, các Viện Kiểm sát quân sự về mặt tổ chức và hành chính quân sự theo quy định của pháp luật.

17. Thực hiện việc thanh tra các cơ quan, tổ chức, công dân, kể cả người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và các quy định của Bộ Quốc phòng về lĩnh vực quốc phòng.

Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn trên, Bộ Quốc phòng được giao các nhiệm vụ quyền hạn khác có liên quan đến Quốc phòng theo các quy định của pháp luật và có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao.

Điều 3

1. Tổ chức Bộ Quốc phòng gồm:

a) Các cơ quan Bộ Quốc phòng:

- Bộ Tổng tham mưu.

- Tổng cục Chính trị.

- Tổng cục Hậu cần

- Tổng cục Kỹ thuật

- Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - kinh tế.

- Tổng cục Tình báo

- Cục Tài chính

- Cục Vật tư.

- Cục Đối ngoại quân sự.

- Cục Quản lý Khoa học - Công nghệ và Môi trường

- Thanh tra

- Văn phòng.

b) Các Quân khu, các cơ quan quân sự địa phương:

- Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu Thủ đô.

- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị Bộ đôi địa phương.

- Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị bộ đội địa phương.

c) Các Quân chủng, Quân đoàn, Binh chủng:

- Quân chủng Không quân, Quân chủng Phòng không, Quân chủng Hải quân.

- Các quân đoàn.

- Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Pháo binh, Binh chủng Công binh, Binh chủng Thông tin, Binh chủng Hóa học.

d) Bộ đội Biên phòng.

e) Các học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu, các trung tâm thông tin khoa học quân sự, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Báo Quân đội nhân dân.

g) Cơ quan điều tra hình sự trong quân đội, cơ quan thi hành án trong quân đội, các trại giam quân sự.

h) Các bệnh viện quân đội

i) Các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng và các đơn vị quân đội làm kinh tế kết hợp quốc phòng.

k) Các đơn vị bộ đội thường trực khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào pháp luật và Nghị quyết của Đảng ủy quân sự Trung ương, quy định nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức cụ thể của các tổ chức nói tại khoản 1 của điều này.

2. Các Tòa án quân sự và các Viện kiểm sát quân sự được tổ chức trong quân đội theo quy định của Pháp luật.

3. Việc thành lập, tách, nhập, giải thể các cơ quan Bộ Quốc phòng nói ở điểm a khoản 1 của Điều 3 (trừ Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị), các Học viện, Trường đại học, Viện nghiên cứu quân sự, Trường đào tạo sĩ quan quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

4. Việc thành lập, tách, nhập, giải thể Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn, Binh chủng, Bộ đội Biên phòng thực hiện theo quy định riêng.

5. Việc thành lập, tách, nhập, giải thể các đơn vị cấp sư đoàn và tương đương trở xuống, các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

6. Việc thành lập, tách, nhập, giải thể các doanh nghiệp quốc phòng, các đơn vị quân đội làm kinh tế và các tổ chức sự nghiệp khác thuộc Bộ thực hiện theo quy định chung của Chính phủ.

Điều 4

Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng chỉ đạo, điều hành, giúp việc Bộ trưởng có các thứ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực quốc phòng do Bộ phụ trách, phải báo cáo tình hình với Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ theo đúng chế độ quy định.

Các thứ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các mặt công tác được phân công.

Điều 5

Nghị định này thay thế Nghị định số 06/CP ngày 29/1/1996 của Chính phủ và có hiệu lực từ ngày ban hành.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

T/M CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG



Võ Văn Kiệt