Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-HĐBT

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 1992

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 52-HĐBT NGÀY 19-2-1992 VỀ XỬ PHẠT NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN VÀ THỐNG KÊ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh kế toán và thống kê ngày 20 tháng 5 năm 1988;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN,THỐNG KÊ VÀ CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT

Điều 1. - Vi phạm quy chế ban hành chế độ kế toán và thống kê.

1. Các hành vi vi phạm:

a) Ban hành không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản các loại: Chứng từ ghi chép ban đầu; Sổ sách kế toán, thống kê; Tài khoản kế toán; Biểu mẫu báo cáo thống kê, kế toán; Phương án điều tra thống kê; phương pháp tính toán các chỉ tiêu kinh tế, xã hội; Các bảng phân loại và mã hoá.

b) Yêu cầu cấp dưới phải thực hiện các chứng từ, sổ sách, tài khoản kế toán, biểu mẫu báo cáo, phương án điều tra và phân loại mã hoá sai quy định hiện hành.

2. Hình thức và mức phạt:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm a mục 1 Điều 1.

b) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm b mục 1 Điều 1.

Điều 2. - Sử dụng các loại chứng từ, biểu mẫu không hợp lệ.

1. Các hành vi vi phạm:

- Ghi chép hoạt động kinh tế, xã hội phát sinh trên chứng từ không do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Báo cáo kế toán, thống kê theo biểu mẫu không do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Hình thức và mức phạt:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đ; nếu có tình tiết tăng nặng, hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ sử dụng mà vẫn thực hiện thì phạt đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở mục 1 Điều 2.

Điều 3. - Giả mạo chứng từ, sổ sách, khai man và báo cáo sai số liệu kế toán, thống kê.

1. Các hành vi vi phạm:

- Giả mạo chứng từ và sổ sách.

- Khai man số liệu và báo cáo sai sự thật.

- Ép buộc người khác khai man số liệu và báo cáo sai sự thật.

2. Hình thức và mức phạt:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở mục 1 Điều 3.

Điều 4. - Vi phạm nguyên tắc bảo đảm kịp thời, đầy đủ các chế độ kế toán thống kế và không ghi chép, không báo cáo theo chế độ.

1. Các hành vi vi phạm:

a) - Không ghi chép kịp thời, đầy đủ hoạt động kinh tế, xã hội phát sinh chứng từ, sổ sách liên quan theo chế độ kế toán và thống kê hiện hành.

- Không báo cáo kịp thời, đầy đủ theo chế độ kế toán và thống kê hiện hành.

b) - Không ghi chép hoạt động kinh tế, xã hội phát sinh vào các chứng từ, sổ sách liên quan theo chế độ hiện hành.

- Không báo cáo kế toán và thống kê theo chế độ hiện hành.

2. Hình thức và mức phạt:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm a mục 1 Điều 4.

b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm b mục 1 Điều 4.

Điều 5. - Vi phạm phương pháp và nguyên tắc kế toán, thống kê.

1. Các hành vi vi phạm:

a) Ghi sổ kế toán và thống kê không rõ ràng, không liên tục, tẩy xoá.

b) - Mở sổ và khoá sổ kế toán không theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

- Ghi chép, tính toán chỉ tiêu và điều tra sai nội dung, nguyên tắc quy định hiện hành.

- Phân loại mã hoá sai phương pháp nghiệp vụ.

c) Để ngoài sổ sách kế toán tài sản, vật tư, tiền vốn và kinh phí.

2. Hình thức và mức phạt:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 500.000 đồng đối với hành vi ghi ở điểm a mục 1 Điều 5.

b) Phạt cảnh cáo hoạt phạt tiền từ 20.00 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm b mục 1 Điều 5.

c) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ghi ở điểm c mục 1 Điều 5.

Điều 6. - Vi phạm quy chế cung cấp và sử dụng số liệu kế toán, thống kê.

1. Các hành vi vi phạm:

a) - Cung cấp và sử dụng số liệu kế toán và thống kê sai nguyên tắc, sai sự thật, sai đối tượng.

- Không cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ tài liệu, số liệu kế toán và thống kê theo yêu cầu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và các ấn phẩm khác những số liệu kế toán, thống kê không đúng sự thật, không chính xác, hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Làm lộ bí mật số liệu kế toán, thống kê của tổ chức, cá nhân tuy không thuộc phạm vi bí mật quốc gia nhưng thuộc quy định không được công bố.

b) Cố ý không cung cấp tài liệu, số liệu kế toán, thống kê theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Hình thức và mức phạt:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm a mục 1 Điều 6.

b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ghi ở điểm b mục 1 Điều 6.

Điều 7. - Vi phạm quy chế bảo quản tài liệu kế toán và thống kê.

1. Các hành vi vi phạm:

a) - Để hư hỏng đến mức không phục chế lại được tài liệu kế toán và thống kê.

- Không thực hiện đúng lệnh niêm phong tài liệu kế toán, thống kê của cơ quan có thẩm quyền.

b) - Để mất tài liệu kế toán và thống kê.

- Huỷ bỏ chứng từ, sổ sách, các bảng phân loại mã hoá, báo cáo kế toán và thống kê chưa hết hạn bảo quản, lưu trữ theo quy định.

2. Hình thức và mức phạt:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm a mục 1 Điều 7.

b) Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm b mục 1 Điều 7.

Điều 8. - Các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng do cố ý hoặc vô ý làm sai chế độ kế toán, thống kê vượt hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có trách nhiệm truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 2:

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VÀ ĐỐI TƯỢNG BỊ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ

Điều 9. - Thẩm quyền xử phạt.

1. Thanh tra viên thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước chuyên ngành kế toán và thống kê đang thi hành công vụ được phạt cảnh cáo, phạt tiền tới 100.000 đồng.

2. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, Chánh thanh tra Nhà nước chuyên ngành kế toán và thống kê cấp tỉnh được phạt đến 2.000.000 đồng.

3. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, Chánh thanh tra Nhà nước chuyên ngành kế toán và thống kê cấp trung ương được sử dụng mọi hình thức xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

4. Chánh thanh tra Nhà nước chuyên ngành kế toán và thống kê cấp tỉnh xem xét lại những quyết định xử phạt của cấp huyện khi tổ chức và cá nhân bị xử phạt có khiếu nại.

5. Chánh thanh tra Nhà nước chuyên ngành kế toán và thống kê cấp trung ương xem xét lại những quyết định xử phạt của cấp tỉnh và Bộ khi tổ chức và cá nhân bị xử phạt có khiếu nại.

Điều 10. - Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và thống kê.

1. Hành vi do cá nhân gây ra thì xử phạt cá nhân.

2. Việc vi phạm do tổ chức (cơ quan, xí nghiệp, tập thể thuộc các thành phần kinh tế) gây ra thì phạt tổ chức. Tổ chức bị xử phạt phải thi hành quyết định xử phạt; đồng thời, tiến hành xác định lỗi của từng người trực tiếp gây ra vi phạm hành chính đó để xử lý kỷ luật, trách nhiệm vật chất, trách nhiệm dân sự theo quy định của Pháp luật.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 11. - Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 1992.

Những quy định trước đây về xử phạt vi phạm hành chính về kế toán và thống kê trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 12. - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 13. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cáp có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)