Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ57-CP NGÀY 28-8-1993 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ LỢI TỨC VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ LỢI TỨC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thuế lợi tức được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế lợi tức được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông
qua ngày 6 tháng 7 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ LỢI TỨC

Điều 1. Đối tượng nộp thuế lợi tức bao gồm các tổ chức kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập và cá nhân kinh doanh có lợi tức (gọi chung là cơ sở kinh doanh) hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên, có địa điểm kinh doanh cố định hay lưu động được quy định tại Điều 1, Điều 2, Luật Thuế lợi tức.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ LỢI TỨC

Điều 2. Doanh thu để tính lợi tức chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ và các khoản doanh thu khác chưa trừ một khoản phí tổn nào của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế được xác định phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh, theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 55-CP ngày 28-8-1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế doanh thu và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế doanh thu.

Điều 3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xác định lợi tức chịu thuế quy định tại Điều 7 Luật Thuế lợi tức đối với từng ngành, nghề.

Điều 4. Các khoản chi phí hợp lệ, hợp lý được trừ để tính lợi tức chịu thuế ghi trong Điều 9 Luật Thuế lợi tức quy định như sau:

1. Khấu hao tài sản cố định. Các tài sản cố định có sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải trích khấu hao vào chi phí sản xuất kinh doanh.

2. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng (gọi chung là vật tư) tính theo mức tiêu hao và giá xuất kho thực tế hợp lý, sử dụng vào sản xuất kinh doanh có liên quan đến lợi tức chịu thuế phát sinh trong kỳ.

3. Tiền lương, tiền công, các khoản mang tính chất tiền lương phải trả áp dụng đối với các ngành nghề thuộc mọi thành phần kinh tế, căn cứ vào chính sách tiền lương và thu nhập do Nhà nước quy định.

4. Đối với hộ tư nhân kinh doanh được tính trừ phần tiền lương, tiền công thuê ngoài theo quy định trong khoản 3 điều này; tiền lương, tiền công trả cho chủ hộ tư nhân không được coi là chi phí, và không được trừ khi xác định lợi tức tính thuế.

5. Các khoản chi phí khác ngoài các chi phí nói ở các khoản 1, 2, 3 điều này được công nhận hợp lệ, hợp lý bao gồm:

a) Chi phí quản lý là các khoản chi phí chung.

b) Chi về mua hoặc chi trả tiền sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế phát minh, giấy phép chuyển giao công nghệ và các dịch vụ kỹ thuật (không thuộc tài sản cố định).

c) Chi phí về tiêu thụ sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ.

d) Các khoản mua bảo hiểm theo chế độ thống nhất của Nhà nước.

e) Các khoản chi phí bằng tiền theo chế độ.

g) Các khoản thuế được trừ bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản thuế hoặc lệ phí phải nộp có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh như thuế nhà đất, thuế tài nguyên, thu trên vốn, lệ phí trước bạ, lệ phí giao thông, v.v...

6. Không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định lợi tức chịu thuế, hoặc không được tính để giảm trừ lợi tức chịu thuế các khoản sau đây:

a) Các khoản thiệt hại về sản phẩm hỏng vượt quá định mức cho phép, thiệt hại về ngừng sản xuất do mọi nguyên nhân, thiệt hại do trách nhiệm cá nhân gây ra hoặc do không xác định được đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường vật chất.

b) Khoản tiền nộp phạt của cơ sở kinh doanh.

c) Các khoản chi mang tính chất tiền thưởng như tiền thưởng từ các quỹ, thưởng tiết kiệm, v.v...

d) Các khoản chi không đúng chế độ của Nhà nước quy định.

e) Các khoản lỗ khác.

g) Các khoản chi do nguồn vốn khác đài thọ.

h) Khoản bảo toàn vốn vượt mức quy định.

Điều 5.

a) Cơ sở kinh doanh (trừ hộ kinh doanh nhỏ, hộ buôn chuyến) nộp thuế lợi tức theo thuế suất ổn định trên lợi tức chịu thuế cả năm đối với từng nhóm ngành nghề như sau:

- Thuế suất 25% đối với các ngành sản xuất điện năng; các ngành khai thác mỏ, khoáng sản, lâm sản, thuỷ sản, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; luyện kim; cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và vật truyền dẫn; sản xuất hoá chất cơ bản; sản xuất phân bón; sản xuất thuốc trừ sâu; sản xuất vật liệu xây dựng; vận tải; xây dựng; thuỷ nông.

- Thuế suất 35% đối với các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm, chế biến lương thực và sản xuất khác.

- Thuế suất 45% đối với thương nghiệp, ăn uống và dịch vụ các loại.

Cơ sở kinh doanh nhiều ngành nghề chịu thuế suất khác nhau phải hạch toán riêng lợi tức chịu thuế theo từng ngành nghề và nộp thuế lợi tức theo thuế suất đối với từng ngành nghề. Nếu cơ sở không hạch toán riêng được lợi tức chịu thế của từng ngành nghề thì áp dụng thuế suất thuế lợi tức cao nhất đối với ngành nghề có kinh doanh, tính trên tổng số lợi tức chịu thuế của toàn bộ cơ sở.

b) Lợi tức khác của cơ sở kinh doanh (ngoài lợi tức của nghiệp vụ kinh doanh cơ bản) được nộp thuế lợi tức theo thuế suất thuế lợi tức của hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản.

Lợi tức khác bao gồm lãi tiền gửi Ngân hàng; lãi tiền cho vay (không thuộc hoạt động tín dụng); lợi tức về cho thuê tài sản; lợi tức về thanh lý tài sản, chuyển nhượng tài sản; lợi tức về góp vốn cổ phần; lợi tức về các hoạt động tài chính khác; lợi tức về các hoạt động liên doanh liên kết. Riêng đối với lợi tức từ hoạt động liên doanh thì phải nộp thuế lợi tức tại đơn vị nhận liên doanh, nếu chưa nộp thuế tại đơn vị nhận liên doanh thì phải nộp thuế lợi tức trên phần lợi tức được chia.

Điều 6. Cơ sở kinh doanh ngoài việc phải nộp thuế lợi tức theo thuế suất ổn định quy định tại điểm a của Điều 5 Nghị định này, nếu có lợi tức chịu thuế vượt trên mức quy định thì phải nộp thuế lợi tức bổ sung, như sau:

a) Hộ tư nhân kinh doanh nếu có lợi tức chịu thuế bình quân tháng trên 10 triệu đồng thì phần lợi tức vượt trên 10 triệu đồng phải nộp thuế lợi tức bổ sung 25%.

b) Tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh nếu có lợi tức chịu thuế tính theo đầu người góp vốn bình quân tháng trên 10 triệu đồng thì phần lợi tức vượt trên 10 triệu đồng phải nộp thuế lợi tức bổ sung 25%

c) Doanh nghiệp Nhà nước nếu có lợi tức chịu thuế cao do lợi thế khách quan mang lại, phải nộp thuế lợi tức bổ sung. Thuế lợi tức bổ sung tính trên phần lợi tức còn lại sau khi đã tính thuế lợi tức theo thuế suất ổn định và trích lập ba quỹ của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp có lợi thế khách quan là doanh nghiệp do có những điều kiện thuận lợi trong kinh doanh hơn doanh nghiệp khác, nên chi phí ít hơn và thu được lợi tức cao hơn, như có vị trí kinh doanh thuận lợi; được ưu tiên trang bị kỹ thuật; thuộc ngành nghề kinh doanh ít bị cạnh tranh ở trong nước...

Thuế suất thuế lợi tức bổ sung đối với từng ngành, nghề, quy định như sau:

- 30% đối với các ngành khai thác tài nguyên, sản xuất, xây dựng, vận tải.

- 40% đối với các ngành thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ các loại;

Mức trích lập ba quỹ làm căn cứ xác định thuế lợi tức bổ sung được quy định như sau:

- Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh tính bằng 35% trên phần lợi tức còn lại sau khi đã tính thuế lợi tức theo thuế suất ổn định;

- Quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, mỗi quỹ tính bằng 6 tháng lương bình quân cấp bậc thực tế của doanh nghiệp, trên cơ sở chế độ tiền lương được Chính phủ quy định tại Nghị định số 26-CP ngày 23-5-1993.

Chương 3:

KÊ KHAI, NỘP THUẾ, THU THUẾ LỢI TỨC

Điều 7. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế phải thực hiện chế độ kế toán theo Pháp lệnh Kế toán thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988, và Điều lệ Tổ chức kế toán Nhà nước ban hành theo Nghị định số 25-HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các Quyết định, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 8. Bộ Tài chính thống nhất phát hành hoá đơn sử dụng cho các cơ sở kinh doanh trong cả nước.

Điều 9. Khi cơ quan thuế có yêu cầu về tài liệu liên quan đến việc kiểm tra tính thuế lợi tức, cơ sở kinh doanh có nhiệm vụ:

1. Nộp đủ, đúng hạn các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế;

2. Giải thích, chứng minh các khoản chưa rõ trong tờ khai hoặc sổ sách kế toán, chứng từ hoá đơn;

Cơ sở kinh doanh không dược viện lý do bí mật nghề nghiệp hoặc các lý do khác để từ chối xuất trình, cung cấp hoặc giải thích các tài liệu cần thiết nói trên theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế phải giữ bí mật về những tài liệu do cơ sở kinh doanh cung cấp.

Điều 10. Các tổ chức kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đối tượng nộp thuế khoán, hàng tháng phải làm tờ khai nộp thuế lợi tức và được tạm nộp thuế lợi tức theo quy định của cơ quan thuế. Cuối năm phải quyết toán và thanh trán thuế lợi tức với cơ quan thuế.

Điều 11. Hộ kinh doanh nhỏ và cơ sở kinh doanh buôn chuyến nộp thuế lợi tức theo phương thức khoán trên doanh thu được nộp dứt khoát hàng tháng và từng chuyến hàng. Cuối năm không phải quyết toán lại với cơ quan thuế.

Điều 12. Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế, hoặc tiền phạt theo quy định, mỗi ngày chậm nộp còn bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) trên số tiền nộp chậm.

Chương 4:

GIẢM, MIỄN THUẾ LỢI TỨC

Điều 13. Việc giảm thuế, miễn thuế lợi tức quy định như sau:

a) Trường hợp được miễn thuế lợi tức:

- Những người giá yếu, tàn tật, người kinh doanh nhỏ, lặt vặt, làm nghề phụ, làm kinh tế phụ gia đình... có mức thu nhập hàng tháng chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân.

- Các hoạt động vận tải bằng phương tiện thô sơ ở miền núi như xe thồ, xe ba gác, các loại xe súc vật kéo, bè mảng, thuyền không gắn máy.

- Cơ sở sản xuất mới thành lập và chính thức hoạt động từ năm 1993 được miễn thuế lợi tức hai năm đầu kể từ khi có lợi tức.

- Các cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm từ miền xuôi lên miền núi, hải đảo được miễn thuế lợi tức ba năm đầu, kể từ khi hoạt động ở miền núi, hải đảo.

- Các hợp đồng nghiên cứu khoa học, các hợp đồng dịch vụ khoa học kỹ thuật.

- Sản phẩm sản xuất thử được miễn thuế lợi tức 6 tháng kể từ khi sản xuất thử.

b) Trường hợp được giảm thuế lợi tức:

- Cơ sở sản xuất mới thành lập sau khi được miễn thuế lợi tức hai năm đầu, như quy định tại điểm a của Điều này, được giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp trong hai năm tiếp theo.

Riêng cơ sở sản xuất mới thành lập ở các vùng có khó khăn thì được giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp trong bốn năm tiếp theo.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ở các vùng có khó khăn được xét giảm tối đa 50% số thuế lợi tức phải nộp; thời gian được giảm thuế không quá hai năm.

- Cơ sở sản xuất và một số ngành nghề khác cần khuyến khích đầu tư, nếu có đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu mà đem lại hiệu quả cao hơn so với trước thì được giảm thuế lợi tức. Mức giảm thuế lợi tức bằng số tiền thực chi về tái đầu tư (trừ nguồn vốn tự bổ sung); nhưng mức giảm tối đa không quá 50% số thuế lợi tức phải nộp cả năm và không vượt quá số lợi tức tăng thêm do đầu tư mang lại. Trong năm được xét các cơ sở đó được tạm giữ lại không quá 30% số thuế lợi tức phải nộp theo kế hoạch để đầu tư và không quá 50% số thuế lợi tức tăng thêm theo luận chứng đầu tư. Khi có quyết toán năm sẽ quyết định giảm thuế theo thực tế.

- Các doanh nghiệp sản xuất hàng cần thay thế hàng nhập khẩu theo danh mục do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước công bố, được xét giảm không quá 50% số thuế lợi tức phải nộp của mặt hàng cần thay thế hàng nhập khẩu trong thời gian 1 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất có lợi tức.

c) Trong điều này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

- Vùng miền núi là những xã miền núi, được ghi nhận trong các văn bản quy định hiện hành của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi của Chính phủ.

- Vùng có khó khăn là vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hạ tầng cơ sở quá yếu kém ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân.

- Cơ sở sản xuất mới thành lập là cơ sở mới được đầu tư xây dựng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Những cơ sở đã thành lập trước đây, nay chia, tách, sáp nhập, đổi tên hoặc có đầu tư cải tạo, thay đổi mặt hàng sản xuất không phải là cơ sở mới thành lập thuộc đối tượng xét giảm thuế theo quy định này.

d) Cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn, rủi ro bất ngờ hoặc lý do bất khả kháng mà kết quả kinh doanh bị lỗ vốn, được cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế kiểm tra xác nhận, thì được chuyển số lỗ của năm kinh doanh sang năm kế tiếp để trừ vào lợi tức chịu thuế trước khi tính thuế lợi tức. Thời gian được chuyển lỗ để tính thuế lợi tích không quá hai năm.

Bộ Tài chính quy định mức thu nhập được miễn giảm thuế, thủ tục khai báo để được miễn thuế, giảm thuế lợi tức, chuyển số lỗ sang năm sau và quy định cụ thể về thủ tục, thẩm quyền xét giảm thuế, miễn thuế lợi tức, cho chuyển số lỗ sang năm sau, theo quy định tại điều này.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 14. Chính phủ có quy định riêng về chế độ khen thưởng đối với tổ chức và cá nhân có công trong việc thi hành Luật Thuế lợi tức và chế độ xử phạt đối với những tổ chức và cá nhân vi phạm Luật Thuế lợi tức.

Điều 15. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 1993, thay thế Nghị định số 353-HĐBT ngày 2-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

Những quy định khác về thuế lợi tức trước đây trái với các quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 16. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)