Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

SỐ 67/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP CÁC ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 1 5 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh về người tàn tật ngày 30 tháng 7 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Người cao tuổi ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định chính sách và chế độ trợ giúp cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn, gọi chung là đối tượng bảo trợ xã hội.

Điều 2. Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Việc trợ cấp, trợ giúp được thực hiện chủ yếu tại gia đình và cộng đồng nơi đối tượng bảo trợ xã hội sinh sống. Mức trợ cấp, trợ giúp được thay đổi tuỳ thuộc vào mức sống tối thiểu của dân cư.

Điều 3. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự nguyện giúp đỡ đối tượng bảo trợ xã hội.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI

Điều 4. Đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý gồm:

1. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo.

Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

2. Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ).

3. Người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội.

4. Người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ gia đình nghèo.

5. Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo.

6. Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo.

7. Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.

8. Hộ gia đình có từ 02 người trở lên tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ.

9. Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi; trường hợp con đang đi học văn hoá, học nghề được áp dụng đến dưới 18 tuổi

Điều 5. Đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 Điều 4 của Nghị định này thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống thì được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng.

Điều 6.

1. Đối tượng được trợ giúp đột xuất (một lần) là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra, bao gồm:

a) Hộ gia đình có người chết, mất tích;

b) Hộ gia đình có người bị thương nặng;

c) Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng;

d) Hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất, lâm vào cảnh thiếu đói;

đ) Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét;

e) Người bị đói do thiếu lương thực;

g) Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú dẫn đến bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc;

h) Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, bệnh viện, cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức mai táng cho người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết, gia đình không biết để mai táng.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ TRỢ GIÚP THƯỜNG XUYÊN

Điều 7.

1. Quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng là 120.000 đồng (hệ số l); khi mức sống tối thiểu của dân cư thay đổi thì mức chuẩn trợ cấp xã hội cũng được điều chỉnh theo cho phù hợp.

2. Các mức trợ cấp xã hội hàng tháng thấp nhất đối với từng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định này như sau:

Bảng 1. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng thấp nhất cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng do xã, phường quản lý

Đơn vị tính: nghìn đồng

TT

ĐỐI TƯỢNG

HỆ SỐ

TRỢ CẤP

1

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 từ 1 8 tháng tuổi trở lên.

- Đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 và đối tượng không có khả năng lao động quy định tại khoản 4 Điều 4.

- Đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 4 đang nuôi con từ 18 tháng tuổi trở lên.

1,0

120

2

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 dưới 18 tháng tuổi; từ 18 tháng tuổi trở lên bị tàn tật; bị nhiễm HIV/AIDS.

- Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 tàn tật nặng.

- Đối tượng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 4.

- Đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 4 đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi; từ 18 tháng tuổi trở lên bị tàn tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS.

1,5

180

3

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 dưới 18 tháng tuổi bị tàn tật nặng; bị nhiễm HIV/AIDS.

- Đối tượng không có khả năng tự phục vụ quy định tại khoản 4 Điều 4.

- Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 4 nhận nuôi dưỡng trẻ từ 18 tháng tuổi trữ lên.

- Đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 4 có 2 người tàn tật nặng.

- Đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 4 đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi hoặc bị tàn tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS.

2,0

240

4

- Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 4 nhận nuôi trẻ em dưới 18 tháng tuổi; trên 18 tháng tuổi bị tàn tật hoặc bị nhiễm HIV/AIĐS

2,5

300

5

- Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 4 nhận nuôi trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị tàn tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS.

- Đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 4 có 3 người tàn tật nặng.

3,0

360

6

- Đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 4 có 4 người tàn tật nặng.

4,0

480

Bảng 2. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng thấp nhất cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống trong các nhà xã hội tại cộng đồng do xã, phường quản lý

Đơn vị tính: nghìn đồng

TT

ĐỐI TƯỢNG

HỆ SỐ

TRỢ CẤP

1

Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 6 Điều 4

2,0

240

Bảng 3. Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội:

Đơn vi tính: nghìn đồng

TT

ĐỐI TƯỢNG

HỆ SỐ

TRỢ CẤP

1

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 từ 18 tháng tuổi trở lên.

- Đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 4.

2,0

240

2

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 dưới 18 tháng tuổi.

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 từ 18 tháng tuổi trở lên tàn tật; bị nhiễm HIV/AIDS.

- Đối tượng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 4.

2,5

300

Điều 8. Các đối tượng nêu tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6; trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi được gia đình, cá nhân nêu tại khoản 7 nuôi dưỡng; người tàn tật trong hộ gia đình nêu tại khoản 8; trẻ em là con của người đơn thân nêu tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế hoặc được khám, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 9.

1. Trẻ em từ 13 tuổi trở lên sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng, không còn học văn hoá thì được giới thiệu đến các cơ sở dạy nghề để học nghề theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Trẻ em mồ côi đã đến tuổi trưởng thành nhưng không tiếp tục học văn hoá, học nghề; người tàn tật đã phục hồi chức năng; người tâm thần đã ổn định đang ở cơ sở bảo trợ xã hội được đưa trở về địa phương (nơi đối tượng sinh sống trước khi vào cơ sở bảo trợ xã hội). Ủy ban nhân dân cấp xã và gia đình có trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện cho họ có việc làm, ổn định cuộc sống.

3. Trẻ em bị bỏ rơi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội đã đến tuổi trưởng thành nhưng không tiếp tục học văn hoá, học nghề thì cơ sở bảo trợ xã hội và địa phương nơi cơ sở bảo trợ xã hội đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ tạo việc làm, nơi ở và tiếp tục cho hưởng trợ cấp cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.

Điều 10. Ngoài được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này, các đối tượng nêu tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6; trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi được gia đình, cá nhân nêu tại khoản 7 nuôi dưỡng, người tàn tật không có khả năng tự phục vụ trong hộ gia đình nêu tại khoản 8; trẻ em là con của người đơn thân nêu tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này còn được hưởng thêm các khoản trợ giúp sau:

1. Các đối tượng đang học văn hoá, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật.

2. Khi chết được hỗ trợ kinh phí mai táng mức 2.000.000 đồng/người.

3. Các đối tượng ở cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý ngoài các khoản trợ giúp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn được:

a) Trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày;

b) Trợ cấp để mua thuốc chữa bệnh thông thường; riêng người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 150.000 đồng/người/năm;

c) Trợ cấp vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Điều 11. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể ở Trung ương (có cơ sở bảo trợ xã hội) quyết định mức trợ cấp, trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc quyền quản lý cho phù hợp, nhưng không thấp hơn các mức quy định trên.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ TRỢ GIÚP ĐỘT XUẤT

Điều 12. Mức trợ cấp cứu trợ đột xuất thấp nhất đối với các đối tượng quy định tại Điều 6 của Nghị định này như sau:

1. Đối với hộ gia đình:

a) Có người chết, mất tích: 3.000.000 đồng/người;

b) Có người bị thương nặng: 1.000.000 đồng/người;

c) Có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng: 5.000.000 đồng/hộ;

d) Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét: 5.000.000 đồng/1hộ.

2. Cá nhân:

a) Trợ giúp cứu đói: 15 kg gạo/người/tháng; trong thời gian từ 1 đến 3 tháng;

b) Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trứ bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc: 1.000.000 đồng/người;

c) Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú: 10.000 đồng/người/ngày nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp đặc biệt cần phải kéo dài thì thời gian được hưởng trợ cấp tối đa không quá 3 tháng và mức trợ cấp bằng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

3. Đối với người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết, gia đình không biết để mai táng được Ủy ban nhân dân cấp xã, bệnh viện, cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng thì các cơ quan, đơn vị đứng ra mai táng được hỗ trợ kinh phí mai táng thấp nhất là 2.000.000 đồng.

Điều 13. Hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích; hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất; hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng, lâm vào cảnh bị đói do thiếu lương thực, ngoài khoản trợ cấp nêu tại Điều 12 Nghị định này, được xem xét trợ giúp thêm các khoản sau cho đến khi hộ thoát khỏi diện nghèo:

1. Miễn, giảm học phí cho người đang học văn hoá, học nghề.

2. Được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở chữa bệnh của Nhà nước.

3. Được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Điều 14. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức trợ giúp cụ thể đối với trường hợp nêu tại mục d khoản 1 Điều 6 cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động nguồn lực của địa phương.

Nhà nước khuyến khích các địa phương nâng mức trợ cấp, trợ giúp cao hơn mức thấp nhất quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Chương 5:

KINH PHÍ THỰC HIỆN

Điều 15. Nguồn kinh phí trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng; kinh phí nuôi dưỡng, kinh phí hoạt động bộ máy, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng thuộc cấp nào thì đó ngân sách cấp đó đảm bảo theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 16. Cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng được tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí và hiện vật (nếu có) do các tổ chức, cá nhân đóng góp và giúp đỡ từ thiện; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành.

Điều 17. Nguồn kinh phí để thực hiện cứu trợ đột xuất bao gồm:

1. Ngân sách địa phương tự cân đối.

2. Trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho địa phương hoặc thông qua Chính phủ, các đoàn thể xã hội.

3. Trường hợp các nguồn kinh phí trên không đủ để thực hiện cứu trợ đột xuất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính để tổng hợp đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương.

Điều 18. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

Chương 6:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bảo trợ xã hội và có trách nhiệm:

a) Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí trợ giúp xã hội cho các Bộ, ngành, địa phương; kiểm tra việc bố trí và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội ở các địa phương;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định mức độ thiệt hại về dân sinh và thiếu đói do thiên tai của các địa phương, tổng hợp, đề xuất mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

d) Hướng dẫn việc miễn giảm học phí học nghề cho học sinh thuộc diện bảo trợ xã hội.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn việc phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho người thuộc diện bảo trợ xã hội và kết luận tình trạng bệnh tật của người tàn tật, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS và người bị thương do thiên tai gây ra để thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn việc miễn, giảm học phí cho học sinh thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định của Nghị định này.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định mức độ thiệt hại về dân sinh và thiếu đói do thiên tai ở các địa phương để hướng dẫn tổ chức thực hiện việc cứu trợ đột xuất.

5. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí trợ giúp xã hội cho các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc bố trí và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.

6. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định này.

Điều 20. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, chỉ đạo việc xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội thuộc địa phương.

2. Tổ chức thực hiện chế độ trợ giúp xã hội cho các đối tượng quy định tại Nghị định này.

3. Chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng tại địa phương hướng dẫn các tổ chức và cá nhân hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội.

4. Bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định đảm bảo thực hiện chính sảch trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định này.

5. Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương.

Điều 21.

1. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định này.

2. Đề nghị Mặt trận Tở quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên quyên góp giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là nạn nhân do thiên tai gây ra.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Tổ chức, cá nhân có nhiều công lao, thành tích đóng góp cho hoạt động trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định của Nghị định này, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính; trường hợp gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các chế độ trợ cấp, trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

3. Nghị định này thay thế Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; Điều 6 Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật; Điều 6, Điều 9 Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người cao tuổi; Nghị định số 120/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 9 của Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người cao tuổi; Điều 5 Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi; Quyết định số 16/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ giúp đối với hộ gia đình có từ 02 người trở lên không tự phục vụ được do bị hậu quả chất độc hoá học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; các khoản 1, 2, 3 Điều 1 và khoản 1, 2, 3 Điều 2 Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người trực tiếp quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Điều 25. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng