Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 71/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 71/2008/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 06 NĂM 2008 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2005/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 02 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

"Điều 4. Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp) là Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản pháp luật liên quan. Các Doanh nghiệp được thành lập hợp pháp trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực được hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại Nghị định này cho đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2010."

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2khoản 3 Điều 8 như sau:

"2. Các tổ chức giúp việc của Giám đốc:

Trung tâm có tối đa không quá 02 (hai) Phó Giám đốc để giúp việc cho Giám đốc và có các phòng chuyên môn, phòng phục vụ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể, Giám đốc Trung tâm quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn, phòng phục vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng không quá 04 (bốn) phòng chuyên môn và 02 (hai) phòng phục vụ. Các phòng có Trưởng phòng và tối đa 02 (hai) Phó Trưởng phòng; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ.

Đối với các Trung tâm hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố có quy mô dân số, lực lượng lao động lớn, các Trung tâm có tính chất đặc biệt, số lượng Phó Giám đốc và số lượng phòng có thể nhiều hơn quy định nêu trên và do cơ quan có thẩm quyền thành lập Trung tâm quyết định.

3. Biên chế của Trung tâm:

Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất và đặc điểm hoạt động cụ thể của Trung tâm, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm quy định số biên chế của Trung tâm và cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các hoạt động không có thu hoặc bù đắp phần còn thiếu.

Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức của Trung tâm thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002 và năm 2006, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003; Giám đốc Trung tâm căn cứ vào khung định mức biên chế do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhu cầu công việc và khả năng tài chính của Trung tâm thực hiện giao kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Những người ký hợp đồng lao động phải có đủ tiêu chuẩn, cơ cấu chức danh nghiệp vụ, chuyên môn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được xếp lương theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Các chế độ tiền tương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn thực hiện theo quy định hiện hành."

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 9 như sau:

"6. Được giao quyền tự chủ về tài chính theo quy định hiện hành về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần cho phí hoạt động và được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành;"

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 như sau:

"7. Theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do Trung tâm giới thiệu hoặc cung ứng trong thời gian một năm (đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động (đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng). Người lao động do Trung tâm giới thiệu việc làm khi bị mất việc làm thông báo cho Trung tâm biết để Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sử dụng dịch vụ của Trung tâm tìm việc làm mới."

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

"Điều 11. Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm (sau đây gọi chung là Giấy phép) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Mẫu Giấy phép do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định."

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

"Điều 16. Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm có thời hạn và vô thời hạn:

1. Doanh nghiệp vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn 03 tháng:

a) Vi phạm ngành nghề kinh doanh ghi trong Giấy phép hoặc không đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định này;

b) Có những hành vi lừa đảo, gian lận đối với người lao động, doanh nghiệp, tổ chức khác do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định;

c) Không thực hiện nghĩa vụ của Doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Không chấp hành báo cáo theo quy định với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động địa phương liên tục từ 01 (một) năm dương lịch trở lên;

đ) Bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật lao động 03 (ba lần trong năm hoặc có 01 (một) hành vi vi phạm bị xử phạt 03 lần.

e) Không hoạt động sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày cấp Giấy phép;

g) Chấm dứt hoạt động.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện việc tước quyền sử dựng Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm có thời hạn đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định nói trên.

3. Doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm có thời hạn lần thứ hai sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm vô thời hạn."

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 19 như sau:

"7. Theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do Doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng trong thời gian một năm (đối với trường hợp thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động (đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng). Người lao động do Doanh nghiệp giới thiệu việc làm khi bị mất việc làm thông báo cho Doanh nghiệp biết để Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sử dụng dịch vụ của Doanh nghiệp tìm việc làm mới."

8. Bổ sung thêm Điều 19a như sau:

"Điều 19a. Hoạt động giới thiệu việc làm tại Chi nhánh của Doanh nghiệp (sau đây gọi là Chi nhánh):

1. Chi nhánh thành lập hợp pháp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và được Doanh nghiệp bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 12 Nghị định này được hoạt động giới thiệu việc làm.

2. Chi nhánh hoạt động giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm phải có thông báo bằng văn bản của Doanh nghiệp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi hoạt động kèm theo Quyết định của Doanh nghiệp giao nhiệm vụ hoạt động giới thiệu việc làm cho Chi nhánh. Thời hạn gửi văn bản thông báo ít nhất là 05 (năm) ngày làm việc trước ngày Chi nhánh bắt đầu hoạt động giới thiệu việc làm.

3. Chi nhánh hoạt động giới thiệu việc làm ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Chi nhánh hoạt động. Thủ tục đăng ký hoạt động giới thiệu việc làm chủ Chi nhánh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Thời hạn hoạt động giới thiệu việc làm của Chi nhánh không vượt quá thời hạn Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm của Doanh nghiệp.

5. Tại trụ sở Chi nhánh phải niêm yết công khai Quyết định của doanh nghiệp giao nhiệm vụ hoạt động giới thiệu việc làm cho Chi nhánh và bản sao Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm của Doanh nghiệp.

6. Chi nhánh phải báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2005 và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi Chi nhánh hoạt động."

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:

" Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng phí giới thiệu việc làm."

Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.