Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 07 năm 1960;
Căn cứ quyết định số 15-CP ngày 09 tháng 02 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ đặt Đài Tiếng nói Việt Nam thành một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền bá khoa học, văn nghệ, nhằm nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa của nhân dân ta góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Cụ thể là:

a) Tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn nhân dân miền Bắc thi đua thực hiện vượt mức kế hoạch Nhà nước; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng đạo đức xã hội chủ nghĩa và nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt của nhân dân; giới thiệu những thành tựu về mọi mặt của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

b) Tố cáo mọi âm mưu và hành động của địch, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền của chúng; tuyên truyền lập trường, quan điểm đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà của Chính phủ, giới thiệu cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam và phong trào của đồng bào miền Bắc ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam.

c) Giới thiệu tình hình nước Việt nam về mọi mặt với nhân dân các nước ngoài, tuyên truyền thời sự quốc tế trong nhân dân ta, nhằm thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước khác, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, biểu thị sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ta đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và đối với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới.

d) Tổ chức các chương trình phát thanh khoa học, văn nghệ để góp phần hướng dẫn phong trào học tập khoa học, kỹ thuật, sinh hoạt văn nghệ trong quần chúng nhằm nâng cao trình độ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Điều 2. – Đài Tiếng nói Việt Nam có quyền hạn:

a) Tham gia ý kiến với Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh về phương hướng, kế hoạch phát triển mạng lưới truyền thanh trong nhân dân; được ưu tiên sử dụng các điện đài của Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh vào công tác phát hành; cùng với Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh nghiên cứu, xây dựng ngành vô tuyến truyền hình.

b) Trong phạm vi được Chính phủ ủy quyền, ký kết các hiệp định hợp tác truyền thanh với các nước ngoài và thi hành các hiệp định đó.

Điều 3. - Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ, vật tư của Đài theo chế độ chung của Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, cán bộ và công nhân kỹ thuật cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Điều 4. – Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam có chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác của Đài như quy định ở các điều 1, 2 và 3 trên đây. Phó tổng biên tập giúp Tổng biên tập trong việc lãnh đạo chung và có thể được Tổng biên tập ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Đài. Tổng biên tập, Phó tổng biên tập và các Ủy viên biên tập họp thành Bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam.

Điều 5. – Tổ chức bộ mày của Đài Tiếng nói Việt Nam gồm có:

- Văn phòng

- Ban biên tập chương trình phát thanh cho miền Bắc

- Ban biên tập chương trình phát thanh cho miền Nam

- Ban biên tập chương trình phát thanh cho ngoài nước

- Ban biên tập chương trình phát thanh văn nghệ

- Các đơn vị sự nghiệp thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam quản lý.

Việc thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ Văn phòng, các Ban biên tập và các đơn vị tương đương do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nhiệm vụ của Văn phòng, các Ban biên tập và các đơn vị thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam quản lý sẽ quy định trong điều lệ tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 6. – Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng