CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/2001/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2001 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2001/NQ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2001;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại tờ trình số 3113/UB-TT ngày 07 tháng 9 năm 2001,
NGHỊ ĐỊNH:
Nghị định này quy định về nội dung phân cấp quản lý nhà nước cho Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực sau đây:
- Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội;
- Quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Quản lý ngân sách nhà nước;
- Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.
Tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) nhằm đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố đối với cả nước và khu vực.
Việc phân cấp quản lý cho Thành phố được thực hiện theo những nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất và thông suốt của Chính phủ; đồng thời phát huy trách nhiệm quyền tự chủ, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
2. Phân cấp quản lý gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm kiểm tra của các Bộ, ngành đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.
3. Phân cấp quản lý đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương; tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
4. Phù hợp với pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
5. Phân cấp quản lý đi đôi với tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố và mở rộng dân chủ, thực hiện công khai cho cấp dưới tham gia bàn bạc và giám sát thực hiện.
QUẢN LÝ VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Điều 4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch
1. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm:
a) Xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ, hài hoà và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhưng không làm thay đổi quan điểm và định hướng của quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Làm đầu mối trong việc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn để xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch ngành trên địa bàn;
c) Phối hợp và hợp tác, hỗ trợ với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:
a) Xây dựng chiến lược và phát triển quy hoạch ngành, quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm căn cứ để Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành trên địa bàn;
b) Hướng dẫn và phối hợp với ủy ban nhân dân Thành phố trong việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố;
c) Giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch của Thành phố.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của ủy ban nhân dân Thành phố; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan phải trả lời bằng văn bản về kiến nghị đó. Quá thời hạn trên, nếu không có ý kiến trả lời, thì coi như đồng ý với kiến nghị của ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm về các nội dung thuộc thẩm quyền của mình. ủy ban nhân dân Thành phố được quyền quyết định và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
3. Các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chuyên ngành trong Vùng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi toàn Vùng.
1. Đối với một số dự án đầu tư sử dụng vốn trong nước (trừ các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc phòng có tính bảo mật quốc gia, thành lập và xây dựng khu công nghiệp mới, sản xuất chất độc hại, chất nổ không phụ thuộc vào quy mô) do Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý, nhưng thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và ủy quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định đầu tư và triển khai các bước tiếp theo của quá trình thực hiện dự án.
2. Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố được quyền quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn trong nước, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn do Thành phố quản lý, trừ những dự án có nguồn vốn ODA, vốn tín dụng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính bảo lãnh.
3. Đối với các dự án nêu tại khoản 2 Điều này mà Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện và Giám đốc các Sở, Ban, ngành triển khai thực hiện đầu tư. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm về sự ủy quyền này trước Thủ tướng Chính phủ.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm trong việc quyết định và chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố và tuân thủ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, môi trường theo quy định về quản lý ngành đối với từng dự án.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư tại Thành phố theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 6. Thẩm quyền trong công tác đấu thầu
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố được phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tiêu chuẩn xét thầu, kết quả đấu thầu, chỉ định các gói thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố, trên cơ sở tuân thủ các điều kiện cụ thể của Quy chế đấu thầu ban hành tại Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP.
Điều 7. Sắp xếp và tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố được quyền quyết định việc cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê và sắp xếp đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của ủy ban nhân dân Thành phố. Việc thực hiện các nội dung tại Điều này phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 8. Ban hành các quy định nhằm khuyến khích xã hội hoá các dịch vụ công ích và hạ tầng xã hội
1. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành các chế độ ưu đãi, cơ chế quản lý cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia rộng rãi các dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn dưới các hình thức khoán, đấu thầu, trợ giá dịch vụ công ích do các chủ đầu tư cung cấp hoặc ký hợp đồng mua các loại dịch vụ công ích đô thị.
2. Trên cơ sở Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao, sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định các chủ trương, biện pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao trên địa bàn.
3. Trên cơ sở quy hoạch của Thành phố trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao, Uỷ ban nhân dân Thành phố có quyền hạn sau đây:
a) Quyết định thành lập cơ sở giáo dục phổ thông, bán công, tư thục; thành lập hoặc chuyển sang hình thức bán công đối với các trường trung học chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề, cơ sở y tế, cơ sở văn hoá, cơ sở thể dục, thể thao trực thuộc Thành phố;
b) Quyết định thành lập các loại hình bệnh viện trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế về những điều kiện, tiêu chuẩn của ngành.
Điều 9. Quản lý dân cư và các vấn đề xã hội
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố ban hành:
1. Các quy định về quản lý di dân, quy định các biện pháp kiểm soát và hạn chế nhập cư tự phát, trái pháp luật; điều chỉnh dân cư theo quy hoạch, trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân;
2. Các quy định ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có trình độ cao, chuyên gia giỏi cư trú, làm việc trên địa bàn;
3. Các quy định về quản lý lao động, các biện pháp tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT VÀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ
Điều 10. Quản lý nhà, đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước
Căn cứ Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các quy định về:
1. Trình tự, thủ tục hành chính về chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất làm nhà ở đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết được xét duyệt;
2. Trình tự, thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng sử dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
3. Trình tự, thủ tục hành chính về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối tại các huyện và quận;
4. Trình tự, thủ tục hành chính về giao đất hoặc cho thuê đất đối với các chủ dự án đầu tư;
5. Thủ tục cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.
Uỷ ban nhân dân Thành phố được ủy quyền quy định thủ tục mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điều 80 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001 và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Điều 12. Thẩm quyền xác định giá đất, đền bù thiệt hại và thu hồi đất
Uỷ ban nhân dân Thành phố:
1. Căn cứ quy định của Chính phủ về khung giá và nguyên tắc, phương pháp xác định giá các loại đất được ủy quyền, quy định giá các loại đất trên địa bàn phù hợp với mục tiêu quy hoạch phát triển đô thị và tình hình thực tế của thị trường bất động sản tại địa phương.
2. Thành lập các công ty tư vấn định giá đất và các công trình kiến trúc gắn liền với đất, đáp ứng yêu cầu xác định giá trị bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; kê biên phát mãi nhà, xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất và các trường hợp có yêu cầu khác.
3. Chịu trách nhiệm tổ chức đền bù, giải tỏa theo cơ chế định giá được quy định tại khoản 1 và 2 Điều này và trực tiếp thu hồi toàn bộ đất khu vực quy hoạch xây dựng dự án, không phân biệt mục đích của dự án, sau đó giao hoặc cho thuê đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Điều 13. Quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng
Uỷ ban nhân dân Thành phố có quyền hạn và trách nhiệm:
1. Căn cứ Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng, tổ chức lập, xét duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết; cân đối, sử dụng hợp lý vốn ngân sách theo kế hoạch hàng năm; có chính sách tạo vốn lập các dự án điều tra, khảo sát và thiết kế quy hoạch xây dựng.
2. Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng trên địa bàn Thành phố nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố.
3. Xây dựng, ban hành các quy định về kiến trúc cảnh quan phù hợp với quy định hiện hành, bảo đảm giữ gìn các di sản văn hoá, kiến trúc truyền thống và phát triển kiến trúc mới của Thành phố hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
4. Tổ chức công bố công khai các dự án quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giới thiệu địa điểm và cấp chứng chỉ quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện và kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch.
Điều 14. Quản lý đầu tư và xây dựng
Uỷ ban nhân dân Thành phố được ủy quyền ban hành:
1. Các quy trình quản lý đầu tư và xây dựng đối với các loại dự án và công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, bảo đảm tuân thủ mục đích, yêu cầu và nguyên tắc cơ bản của quản lý đầu tư và xây dựng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố.
2. Các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình và đơn giá xây dựng đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Điều 15. Quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật
1. Sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ, ngành có liên quan, căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố, ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc quản lý thống nhất các hoạt động đầu tư và xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố.
2. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố ban hành:
a) Các quy định về khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn các huyện và quận mới của Thành phố;
b) Các quy định về khuyến khích phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Điều 16. Quản lý và bảo vệ môi trường Thành phố
1. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về:
a) Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển công viên cây xanh trên địa bàn Thành phố;
b) Hỗ trợ về vốn, đất đai, công nghệ và các biện pháp hỗ trợ khác đối với việc di dời hoặc cải tạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các nguồn gây ô nhiễm hiện có khác trong khu vực nội thành.
2. Căn cứ pháp luật về bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố được quy định cụ thể mức và phương thức đóng góp tài chính đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gây tổn hại môi trường trên địa bàn thành phố.
Điều 17. Quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố
1. Chính phủ giao chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn Thành phố, bao gồm khoản thu cho ngân sách Trung ương và khoản thu cho ngân sách địa phương. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tiến hành thu bảo đảm theo kế hoạch được giao.
2. Nguồn thu của ngân sách Thành phố gồm:
a) Các khoản thu Thành phố được giữ lại 100% theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Các khoản thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia cụ thể các khoản thu được giữa Nhà nước với ngân sách thành phố ổn định trong 5 năm;
c) Các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Chính phủ giao;
d) Các khoản thu khác do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành và theo quy định tại Nghị định này.
3. Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định phân bổ hợp lý các khoản thu thuộc ngân sách địa phương cho ngân sách quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Điều 18. Thẩm quyền huy động các nguồn vốn đầu tư
1. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố được huy động các nguồn vốn trong nước thông qua hình thức vay, phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu đô thị theo cơ chế tự vay, tự trả bằng nguồn thu của ngân sách thành phố.
2. Uỷ ban nhân dân Thành phố được vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển và các nguồn tài chính khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài các hình thức vay quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Tổng dư nợ các nguồn vốn vay đầu tư hàng năm tại khoản 1, 2 Điều này, không vượt quá tổng mức vốn đầu tư hàng năm của ngân sách Thành phố.
4. Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định các khoản phụ thu, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và phải phù hợp với mức sống của dân cư trên địa bàn Thành phố.
5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố sau khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho Thành phố, (không phụ thuộc vào mức viện trợ) trừ các lĩnh vực tôn giáo, quốc phòng, an ninh, chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ, phản ánh đầy đủ qua ngân sách và thực hiện chế độ báo cáo thu chi nguồn vốn này theo quy định của pháp luật.
6. Uỷ ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm củng cố và phát triển "Quỹ đầu tư và phát triển đô thị Thành phố" hiện có, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các quỹ đầu tư tài chính khác của Thành phố với sự tham gia góp vốn của Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và của cá nhân, nhằm tăng cường khả năng thu hút các nguồn vốn cho đầu tư và phát triển.
Điều 19. Quản lý chi ngân sách Thành phố
1. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân Thành phố phân bổ chi tiết các khoản chi, sắp xếp nhiệm vụ chi, mức chi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
2. Ngoài việc phân bổ các khoản chi được cân đối từ nguồn thu ngân sách, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố được phân bổ thêm khoản chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn huy động quy định tại
3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban dân nhân Thành phố chịu trách nhiệm cân đối thu chi ngân sách, bảo đảm các nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố, kể cả việc trả nợ và bổ sung quỹ dự trữ tài chính; đồng thời thực hiện chế độ báo cáo và công khai hoá việc thu, chi ngân sách theo quy định của pháp luật.
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều 20. Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức
1. Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn:
a) Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố được Chính phủ ủy quyền quyết định số lượng cụ thể cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố;
b) Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định việc sắp xếp, giải thể, thành lập mới các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Thành phố (riêng đối với các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các trường cao đẳng, đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục).
2. Căn cứ vào tổng biên chế được Chính phủ giao và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, được sự đồng ý của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố xác định và phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Thành phố theo hướng tinh giản bộ máy và xã hội hoá các lĩnh vực dịch vụ công.
3. Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, ủy ban nhân dân Thành phố được quy định các chế độ ưu đãi trong việc tuyển dụng những cán bộ, công chức vào những ngành nghề ít người dự tuyển; được thực hiện hình thức hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đối với một số chức danh chờ thi tuyển.
4. Trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn về bổ nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ, công chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố bổ nhiệm, điều động, kỷ luật Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân Thành phố và báo cáo với các Bộ, ngành có liên quan biết.
Điều 21. Về chế độ khuyến khích đối với cán bộ, công chức
Ngoài các chế độ, chính sách chung của Nhà nước áp dụng đối với cán bộ, công chức, ủy ban nhân dân Thành phố được quy định các mức trợ cấp thêm trong phạm vi ngân sách Thành phố nhằm:
1. Thu hút lao động có tay nghề kỹ thuật và chuyên môn cao vào một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, có hiệu quả kinh tế cao, có nhu cầu ưu tiên phát triển.
2. Khuyến khích cán bộ, công chức đến làm việc tại những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và kém phát triển hoặc công việc có tính chất phức tạp, ít người muốn làm.
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thành phố tổ chức thực hiện Nghị định này.
3. Giao Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi tình hình và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thi hành Nghị định này.
4. Các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với thành phố để triển khai thực hiện Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Các quy định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực thuộc Nghị định này chỉ áp dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1 Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001
- 2 Nghị quyết số 08/2001/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2001 do Chính Phủ ban hành
- 3 Luật đất đai sửa đổi 2001
- 4 Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 5 Nghị định 14/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP
- 6 Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu
- 7 Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
- 8 Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 9 Luật Giáo dục 1998
- 10 Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá do Chính phủ ban hành
- 11 Luật ngân sách Nhà nước 1996
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 13 Luật Đất đai 1993
- 14 Luật Tổ chức Chính phủ 1992